Nhớ về đội bóng chuyền trung học Trịnh Hoài Đức những năm 1970

Từ Minh Tâm

Gần đây, tôi hay nhận được email từ hai người bạn cũ thời trung học là Lê quang Phước và Nguyễn đình Dũng. Hai bạn nầy là người có trí nhớ tốt và hay nhắc đủ thứ chuyện xưa. Ngoài chuyện yêu đương của tuổi học trò, chuyện thể thao là đề tài được nhắc tới nhiều nhứt. Hai bạn là người rời trường Trịnh Hoài Đức từ lớp 10, 11, nhưng kỷ niệm thời đi học vẫn lưu luyến mãi không quên.

*****

Tôi bắt đầu biết chơi thể thao năm học lớp đệ lục (niên khoá 1966-1967). Lúc đầu chúng tôi chơi bóng bàn nhưng cả tỉnh chỉ có một bàn duy nhứt ở bi da Chiếu mà đã bị hư nên sau nầy chúng tôi đổi qua chơi bóng chuyền và đá banh. Chuyện đá banh xin nói ở một bài khác. Hôm nay xin nói riêng về đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức mà thôi.

Chúng tôi tập đánh bóng chuyền ở sân Ty Thanh Niên trước Nhà Thờ gần Ngã Sáu – Bình Dương. Trong khi mấy anh lớn như anh Náo, anh Hai “néo” (đã chết), anh Long anh của bạn Trần công Hảo, anh Hạp, và mấy anh ở sư đoàn 5 như anh Ly, Hoà  … chơi ở sân lớn, thì chúng tôi giăng lưới chơi ở sân nhỏ hơn bên cạnh. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ nên phải giăng lưới thấp thì mới đập bóng được. Lúc đầu thì chỉ có Phước, Hùng Mập, Tuấn, Hậu, Hảo, Thạnh, Dũng và tôi … Ngoài ra, chúng tôi cũng hay chơi ở sân trường THĐ trước giờ học. Chúng tôi học buổi chiều từ 1 giờ tới 5 giờ. Nhưng ở nhà đã lo ăn cơm sớm và tới trường lúc 11 giờ trưa. Sau đó chơi giữa trưa nắng cho tới giờ học mới vô lớp. Lúc đó có mấy bạn khác cùng lớp, lớn con hơn, cũng chơi như Nhơn, Quý … nhưng không hiểu tại sao chúng tôi không thích mấy bạn đó, mà sau nầy, mấy bạn đó cũng không tiến xa trong lãnh vực thể thao.

Sân bóng chuyền Ty Thanh Niên (ảnh: Dung Dang)

Sau hai năm chơi cho vui, chúng tôi đã lần lần giỏi lên hồi nào không biết và cuối năm lớp Đệ Tứ, trong giải thể thao học sinh toàn tỉnh Bình Dương, đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức đã thắng đội trung học An Mỹ và danh dự chiếm giải nhứt. Sau chiến thắng nầy, thầy Nguyễn trọng Nhượng đã thưởng cho cả đội một chuyến du lịch Vũng Tàu trong hai ngày.

Mùa hè năm đó có giải thể thao học sinh vùng III tổ chức tại Vũng Tàu. Ty Thanh Niên cử anh Thanh và anh Tuấn Anh hướng dẫn học sinh cả tỉnh. Đội Trịnh Hoài Đức đại diện cho tỉnh Bình Dương thi đấu. Chúng tôi thắng học sinh Phước Tuy nhưng thua đội Tây Ninh trong một trận đánh dưới cơn mưa. Kết quả học sinh Bình Dương chiếm huy chương bạc. Thật đáng tiếc vì thiếu kinh nghiệm và trọng tài thiên vị. Chớ thật ra, khả năng của đội có thể ở giải quán quân.

Trong giải thể thao nầy có một chuyện cười ra nước mắt đó là chuyện đội Bình Dương có một cô Mỹ lai (tên Hoà) chạy 100 mét rất nhanh. Nhưng khi về đích, cô ta lại dở sợi dây giăng ngang để chui qua, thay vì làm đứt sợi dây. Trọng tài cãi cọ nhiều lần mới cho cô ấy hạng nhứt.

Ông bầu của đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức  là thầy Đoàn Phế (hiện ở Canada). Còn mạnh thường quân là thầy Nguyễn trọng Nhượng (đã mãn phần ở Mỹ). Hiệu trường trường Trịnh Hoài Đức lúc đó là thầy Lê Tấn Lộc (hiện ở Canada). Những thầy nầy đều nhiệt tình và có sáng kiến.

Qua lớp 10, đội bóng chuyền tăng cường thêm anh Nhãn từ trường An Mỹ chuyển qua (thầy Phế thấy Nhãn đánh bóng chuyền hay nên dụ dỗ anh ta về Trịnh Hoài Đức). Năm nầy, đội đã trở nên rất mạnh với các cầu thủ : Nhãn, Lực, Nguyện, Thạnh, Tuấn, Hậu. Hai tên dự bị là Tâm và Phước.

Chiến thắng đầu tiên là chuyến đi giao hữu với đội Học Viên An Phong - Thủ Đức. Trận đó chúng tôi thắng 2-0 dễ dàng.

Trong dịp lễ ở Trường Công Binh, đội bóng chuyền được mời đấu giao hữu. Mấy ông lính không ngờ đám học sinh nhỏ xíu mà đánh hay quá. Chẳng qua chúng tôi biết mánh của mấy ổng là hay đưa banh cho đại uý Kiệt nên lo “baré” (chận bóng trên lưới) ông này khiến cho ổng hết cục cựa. Mà mấy ông lính đánh banh mà lại sợ đại uý nên hay đưa banh cho ổng. Đến nỗi đại uý Kiệt phải là lên: ”Đưa thằng khác, đưa thằng khác”. Nhớ lại mà tức cười. Nhắc lại Trường Công Binh thì cũng nhớ tới đại tá Phan văn Điển là chỉ huy trưởng. Mỗi lần trường Trịnh Hoài Đức cần gì thì ổng đều yểm trợ tối đa (như mượn xe để chở học sinh đi du lịch Vũng Tàu). Ông ta là một người rất dễ thương và hiền lành.

Trong chuyến giao hữu tại Gia Định với Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, đội Trịnh Hoài Đức bị thua. Kỳ đó vì lạ sân hay do di chuyển đường xa mà đội chơi không đều tay.

Trung học Trinh Hoài Đức được mời sang Biên Hoà để thi đấu thể thao giao hữu với trường Ngô Quyền. Dĩ nhiên, bóng chuyền Trinh Hoài Đức không có đối thủ và hạ Ngô Quyền 2-0. Nhưng trường chúng tôi thua Ngô Quyền hai môn bóng bàn và bóng tròn.

Mùa hè năm nầy, Ty Thanh Niên Bình Dương nhận lời mời của Hãng xăng dầu Shell ở Nhà Bè đến thi đấu giao hữu ba môn là bóng bán, quần vợt và bóng chuyền. Hai bạn Nhãn và Lực tăng cường cho đội Ty Giáo Dục để đại diện cho Bình Dương. Nhờ đó Đội Bình Dương thắng Nhà Bè môn bóng chuyền. Còn hai môn kia thì thua te tua.

Qua năm lớp 11, trong dịp du ngoạn tại Vũng Tàu, chúng tôi thắng đội học sinh Vũng Tàu tại đó với tỉ số 2-1.

Cũng trong năm nầy, do sự “móc nối” của bạn Nguyễn đình Dũng, trường trung học Chu văn An có gởi đội bóng chuyền lên Bình Dương đấu giao hữu. Với sự hướng dẫn của huấn luyện viên nhà nghề là cầu thủ Nguyễn văn Hán của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Chu văn An tin chắc sẽ thắng ngon lành. Diễn tiến trận đấu theo lời tường thuật của Lê Quang Phước như sau:

Ván đầu tiên, đội bạn chiếm thượng phong vì họ được huấn luyện rất bài bản theo kỹ thuật mới của quốc tế. Họ nâng bóng thấp, nhảy trước và dứt điểm trước khi đối thủ kịp chắn bóng (ba rê). Lúc đó chúng tôi hơi ngở ngàng và bất ngờ nên chưa kjp phản ứng.

Trước khi vào ván sau, chúng tôi hội ý với nhau để tìm ra phương án ba rê, tức là phải bám vào hai mủi dùi trái và phải của đối phương và cùng nhảy chắn bóng cùng một lúc với đối thủ. Nhờ đó mới phá được độc chiêu của đội bạn và thắng được họ ở ván nầy và ván thứ ba trong một trận đấu khá cam go. Đây là lần thắng trận khó khăn hơn cả trận đấu với Trường Công Binh.

Trong các trận đấu, đội bóng có thắng lợi thì cũng nhờ sự ủng hộ tinh thần của mấy em học sinh nữ. Trong số đó, người theo ủng hộ đội banh nhiều nhứt là bạn Bảy học sau tôi hai lớp. Sau nầy mới biết bạn ấy có cảm tình với một cầu thủ “dự bị” của đội.

Trường Trịnh Hoài Đức có thầy Trần văn Em đánh bóng chuyền cũng hay. Thầy đang học Y Khoa và đã “móc nối” với Đại Học Y Khoa để về đấu giao hữu với Trịnh Hoài Đức. Hình như mấy cầu thủ đội Trinh Hoài Đức không thích thầy Em lắm vì ông nầy hơi kiêu ngạo và chọc quê đám trẻ. Trong trận nầy, chúng tôi bị thầy Châu ‘cao” dạy toán, phê bình đội và trách tụi tôi không biết lế nghĩa khi chúng tôi ba rê thầy Em rát quá khiến cho ông ta không đập được cú nào cho ra hồn hết. Thầy Châu nói rằng tụi tôi đã làm cho thầy Em bị ‘ê” mặt.

Cuối năm 1971 ở Bình Dương có đại hội thể thao cấp tỉnh. Về môn bóng chuyền, Trịnh Hoài Đức hạ những đội bóng yếu hơn và chiếm giải quán quân dễ dàng. Đội bóng có trình độ tương đương và là đối thủ của chúng tôi là đội bóng nhà binh của tiểu đoàn 302 Chiến Tranh Chánh Trị thì bận đi công tác hành quân. Chúng tôi có được một vinh dự lớn: đó là một đội học sinh ở tuổi 16, 17 mà đã tham dự và đoạt được cúp vô địch  bóng chuyền của thành niên tỉnh nhà.

Sau chiến thắng đó, anh em cũng hơi kiêu ngạo và cũng do tình hình chiến tranh trở nên khốc liệt, nên anh em lo học mà ít tập dợt. Kết quả là trong một chuyến giao hữu ở Lai Khê với đội Tiểu Đoàn 302 Chiến Tranh Chánh Trị, đội bị thua te tua từ sáng tới chiều. Lý do là đội kia có một ông Thượng Sĩ già ” bỏ nhỏ” hay quá. Với lại họ có mấy cô ca sĩ nhí ủng hộ và làm cho anh em Trịnh Hoài Đức mắc ngó người đẹp mà quên đấm bóng.

Sau kỳ thi Tú Tài một. Thầy Phế đổi về Sài Gòn, thầy Lộc lên chức làm Trưởng Khu III Học Chánh, Nguyện đi lính, Tuấn ra trường lên đại học, Nhãn, Hậu bị thi rớt, Phước về Sài gòn học trường Petrus Ký, sau đó đi du học ở Mỹ. Đội bóng chỉ còn Thạnh, Lực và Tâm. Lớp đàn em không có ai chơi giỏi để bổ sung. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt hơn nên ai cũng lo học vì sợ rớt thì đi lính và các sinh hoạt thể thao của toàn tỉnh cũng đình trệ và không có giải gì lớn. Năm lớp 12, hiệu trưởng THĐ mới là thầy Nguyễn văn Phúc. Thầy Phúc nghiêm trang và thiếu người giỏi phụ giúp nên sinh hoạt thể thao không có gì nổi bật và đội bóng cũng không có thành tích gì và coi như tan rã từ đó.

Sau năm lớp 12 (1972), Tâm, Hảo, đậu vô Đại Học Kỹ Sư Phú Thọ và có tiếp tục chơi bóng chuyền cho các trường của Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Sau nầy, Tâm có đại diện cho đội bóng chuyền tỉnh Bình Dương trong một giải thể thao cấp Khu. Thạnh đậu vào Đại Học Sư Phạm và chuyển qua chơi bóng bàn. Anh ta tiến bộ rất nhiều trong lãnh vực nầy và đoạt nhiều giải bóng bàn trong giới giáo viên đại học.

40 năm qua, giờ đây đầu đã hai thứ tóc, chuyện cũ tưởng đã phai nhạt trong ký ức, nhưng nhờ có internet và email, mà anh em liên lạc được với nhau để nhắc lại chuyện xưa. Nếu không, biết đến bao giờ chúng ta mới có dịp gặp nhau để nói tiếp nhưng câu chuyện không bao giờ dứt ?

Đối với tôi, kỷ niệm thời học sinh đối với chúng ta chắc chắn là những kỷ niệm đẹp nhứt trong cuộc đời của mình. Và trong những kỷ niệm đó, những hình ảnh về đội bóng chuyền Trinh Hoài Đức luôn luôn là niềm tự hào của tôi về một thời trai trẻ./.

***

Sau khi chấm hết bài viết, tôi mới nhớ lại một kỷ niệm không quên: đó là năm 2001, khi tôi từ Việt Nam trở về Mỹ sau chuyến thăm quê hương lần đầu tiên. Đang loay hoay trả lời mấy ông hải quan về giấy phép của cuộn video thâu cảnh gia đình thì có người nói:

-Anh Tâm, anh có nhớ em không ? Em là Phát, hồi xưa chơi bóng chuyền với anh ở sân Ty Thanh Niên Bình Dương.

Thú thật với bạn lúc đó tôi hoàn toàn không nhớ gì về người bạn nầy. Bởi vì anh nầy thuộc đàn em mà chơi không giỏi lắm.

Tôi cũng trả lời ấm ớ vậy thôi.

Phát nói với mấy người hải quan là tôi là bạn của anh ta và không cần xét hỏi gì thêm.

Sau nầy tôi mới biết lúc đó Phát là Phó Giám Đốc Hải Quan Phi Trường Tân Sơn Nhứt. Bây giờ không biết anh ta làm tới chức gì?

Bạn bè từ thời trung học, lâu năm không gặp mà nhận ra nhau như anh ta thật ra cũng rất quý hoá !!!

(viết xong 5/2008)

Mời xem hình ảnh đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức trong trang Hình ảnh sinh hoạt