Đinh Cường

Vẫn rừng cao su của anh

HOÀNG ANH

Đêm ấy, khoảng mười giờ khuya, tôi nhận được cú phone từ Sài Gòn bảo : “Ngày mai ông về đây nhé, ông phải về, có nhiều cái hay lắm. Ngày mai, thằng Đinh Cường với Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ tụi nó triển lãm tranh chung với nhau đó. Ông về đi…”

Không cách chi từ chối được, hôm sau tôi về Sài Gòn, đến ngay gallery Hồ Tùng Mậu. Ông bạn già của tôi, người gọi phone tối qua giới thiệu người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế cây thấp trước phòng tranh, Đinh Cường nè. Trong lúc ngồi uống cà phê vĩa hè, có chụp chung với nhau một tấm hình. Mấy hôm sau ông bạn già đem về, bảo của thằng Cường nó gởi cho ông đấy. Tôi cất kỹ bức ảnh ghi lại kỷ niệm lần đầu tiên gặp mặt một người mà tên tuổi tôi  đã biết từ rất lâu, trước ngày giải phóng.

Thời đó, khoảng đầu thập niên 60, những cái tên như Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Trung…dần dà xuất hiện thường xuyên trên các bìa sách hay tranh minh hoạ cho các tập nhạc, thơ đến thành ra quen thụôc. Tranh của họ đẹp mắt và có phong cách mới lạ hơn so với thời kỳ trứơc đó; nhìn đôi khi không hiểu họ vẻ gì, nhưng nói chung vẫn thấy thích. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc dăm ba bài víêt luận bàn về hội hoạ của ông trên các tạp chí văn học. Tóm lại, Đinh Cường là một nghệ sĩ đã thành danh cách nay đã mấy mươi năm, thưở ông còn rất trẻ. Và những điều tôi biết về ông chỉ có thế.

Gần đây, khi đi tìm tư liệu để viết bài giới thiệu Lê Thành Nhơn, nhà điêu khắc và hoạ sĩ lừng danh trong và ngoài nước có nguyên quán ở Bình Dương, tôi tình cờ phát hiện thêm một người Bình Dương tài năng khác: hoạ sĩ Đinh Cường.

Chợt nhớ lại một đêm nào đã xa xôi lắm, ngồi bên bờ con sông thân yêu từ tuổi ấu thơ, tôi nghe người bạn già bùi ngùi kể lại một vài kỷ niệm trong đời ông, những ngày ông còn dạy học ở Thủ Dầu Một, thời chiến tranh khốc liệt, ông có những người học trò tuổi lớn muốn bằng thầy. Học trò miền quê hồi đó thường như vậy, nhưng bao giờ cũng yêu mến và quí trọng Thầy. Ông chỉ tay về hướng Miểu Tử Trận, nói hồi đó tôi cũng hay về đó chơi với thằng Đinh Cường; tôi hỏi, uạ, Đinh Cường có ở đây à. Ông bảo ừ thì nó ở đó chớ ở đâu. Cái hướng mà ông chỉ đó, xưa có tên là An Nhất Thuyền. Các nhà víêt sử Bình Dương đều cho rằng sở dĩ nó có tên như vậy vì thời xưa đây là vùng noiå tiếng về nghề đóng ghe thuyền đất Gia Định xưa, tôi bảo không phải thế đâu, “Thuyền” chỉ là một đơn vị hành chánh tương đương với khoảng một ấp thôi, hồi đó cả Nam Kỳ Lục tỉnh có chừng năm cái “thuyền” như vậy, chẳng lẽ đều nhờ nghề đóng ghe cả à. Tôi đã kiểm tra sách của Nguyễn Đình Đầu rồi, ông cũng bảo thế mà. Họ sai đã đành, họ lại đi dạy cho học trò ở tỉnh này phải tin như thế. Ông bạn già bảo, thời nay biết bao nhiêu điều sai quấy đảo điên, hơn chuyện ấy gấp nhiều lần, ông hơi đâu mà quan tâm đến nó.

Câu chuyện giữa tôi và ông trôi theo một hướng khác, và tôi bỏ qua không hỏi ông về một điều mà giờ đây tôi muốn biết, lại chẳng biết hỏi ai, vậy hồi đó Đinh Cường ở đâu? Nay ông đã về ở luôn trên núi, mà nếu có hỏi, chắc ông cũng sẽ trả lời, tôi không ngờ người như ông mà cũng mất thì giờ để ý đến mấy chuyện đó, đời còn biết bao nhiêu điều đáng quan tâm, như chuyện sinh tử chẳng hạn…

Thử hỏi một số thân hữu trong giới văn nghệ sĩ địa phương, có người không biết Đinh Cường là ai ( Lê Thành Nhơn, họ lại càng không biết, có người nói ông hoạ sĩ này tên nghe quen quá và hỏi lại đó có phải là ông bí thư huyện không?), có người ngạc nhiên chưa tin Đinh Cường là người Bình Dương, họ hỏi ông có lộn ai không đó, hình như ông ta người Huế mà. Tôi đành tự tìm tòi, từ một số bài viết rải rác, từ nguồn internet, và đây là ít điều tôi biết về ông cho đến nay.

Hoạ sĩ Đinh Cường tên thật là…Đinh Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một. Thời học sinh, có theo học trường Petrus-Ký Sài Gòn, sau đó vào Mỹ Thuật Gia Định. Ngồi  chung bàn với ông có hai người, về sau cũng thành danh, Mai Chửng và Hồ Hữu Thủ. Nhà điêu khắc Mai Chửng cũng đã mất cách đây vài năm; Hồ Hữu Thủ quê Bến Thế, Thủ Dầu Một, hiện ở Sài Gòn, được nhiều người biết tiếng.

Khi Viện Đại Học Huế mở thêm phân khoa Cao Đẳng Mỹ Thuật vào năm 1957, Đinh Cường ghi danh vào học và là sinh viên khoá 3 của trường. Có lẽ chính trong giai đoạn này mà ông đã gặp gỡ rồi trở thành bạn tri âm tri kỷ đến cuối đời với một số nghệ sĩ khác như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ…Tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở lại Gia Định học  tiếp khoá Sư Phạm Hội Hoạ. Từ 1965, ông ra Huế dạy tại trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng. Đến năm 1967, thầy Đinh Cường về giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ Thuật Huế cho đến mùa hè 1975. Hiện nay ông định cư tại vùng Burke Virginia, Hoa Kỳ.

Giữa ông và người bạn đồng nghiệp cùng thế hệ, cùng quê hương Lê Thành Nhơn  có nhiều điểm khá giống nhau. Cả hai đều có nhiều duyên nợ với thành phố Huế; vừa dạy học, vừa sáng tác với năng lực rất dồi dào bền bĩ và đều thành danh từ rất sớm-tài năng họ đã bộc lộ ngay từ lúc cả hai còn ở lứa tuổi thanh xuân trên ghế nhà trường.

Đinh Cường từng lãnh huy chương bạc Hội Hoạ Mùa Xuân trong hai năm 1962 và 1963, giải thưởng của toà Lãnh sự Trung Hoa tại triển lãm Mỹ Thuật quốc tế tổ chức tại Sài Gòn. Tranh của ông cũng đựơc Phủ Văn Hoá thời ấy tuyển chọn tham dự  Musee d’Art Moderne tại Paris. Từ 1962 đến nay, ông đã có trên 30 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước ( tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ, Tunisie, Canada…). Sau 1975, ông cũng nhiều lần trở về Việt Nam để giới thiệu sáng tác của ông, có khi riêng hoặc chung với vài người bạn thân thiết như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ…tại Sài Gòn.

Ngoài hội hoạ, Đinh Cường còn thể hiện khả năng đa dạng của ông ở các thể loại như tiểu luận, làm thơ, tuỳ bút…Xin chép lại đây một bài thơ của ông sáng tác tặng riêng cho nhạc sĩ trịnh Công Sơn, ghi lại những kỹ niệm về một quê hương thiếu thời của nhà hoạ sĩ, hình ảnh  về một miền Đông mới đó mà giờ đã trở thành xa xôi:

Vẫn rừng cao su của ta

Hãy chảy nhựa lại đi
Những cây cao su đã từ lâu tội nghiệp
Mùa mưa tới rồi lá hãy thêm xanh những chiều ta qua vùng Bình Long
Buồn không biết mấy
Ôi những rừng cao su trong tuổi nhỏ ta
Mang đầy vết thương tàn nhẫn
Làm sao ta lấy nhựa làm trái banh
Những người phu không còn đi lấy mủ

Bây giờ những xác người làm rừng cao su sợ hãi
Bom đạn tha hồ rơi như mưa
Những chiếc lá úa phủ đầy trên hố thẳm
Ta bước đi buồn quá đỗi chiều nay
Những chiều rừng cao su lá phủ
Những chiều mặt trời không thấy ta nhỏ nhoi

Ngày xưa chạy chơi trong rừng cao su đầy mộng mị
Ta ôm ấp trái banh còn thơm mùi nhựa mới
Nay ta về sau bao nhiêu năm
Bao nhiêu năm rồi rừng cao su ơi
Những cây cao su già đã chết
Như người u già của ta

Hãy chảy nhựa lại đi
Những cây cao su vừa đến tuổi
Chiều nay ta ngồi nghe chim hót một mình
Thứ chim hoàng hôn kêu gào thảm thiết
Nhớ bạn bè ta nổi trôi lênh đênh
Những giọt rựơu nồng đã cạn
Những đêm sương mù phủ đầy ta trên Dran
Hay bờ biển nào hoang vu nhất
Cho ta gửi lời thăm chiều nay
Chiều một mình ta nhớ một chiếc hôn
Hãy đem cho ta trái banh bằng nhựa mới
Ta đá một mình, tuổi nhỏ tàn phai

Hãy chảy nhựa lại đi
Rừng cao su ơi
Một ngày bình yên nào trở lại
Một ngày mưa nào thơ mộng quá đi thôi
(29-04-1969)


Đôi dòng giới thiệu quá sơ sài về một hoạ sĩ lớn như Đinh Cường, xem như cũng chưa biết chi về ông. Viết, vì đất này có tiếng là đất lành, mà sao những cánh chim nơi đây cứ rời tổ ấm mà bay mịt mù viễn xứ. Xa mãi để trở thành  những kẻ xa lạ ngay trên chính quê hương thân yêu của mình, không còn ai nhớ, ai biết đến họ.

Một con én không đủ làm nên mùa xuân trên một vùng tỉnh lẽ, vậy mà nơi đây lại có cả đàn chim én: những Lê Thành Nhơn, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Hùynh Phan Anh, Nguyễn Đức Sơn, Lê Vĩnh Thọ…đều có những đóng góp rất đáng kể vào khu vườn văn học nghệ thuật của đất nước chính từ mảnh đất này. Chỉ tiếc rằng giờ đây, không biết họ đang phiêu bạt về đâu./.