Dầu Tiếng - Trị Tâm
Lưu Thanh Bình
(Tặng anh Nguyễn Viết Tân, người bạn đồng hương mới quen )


Những nẻo đường quê hương:


Tên gọi Trị Tâm chỉ có kể từ năm 1955. Nghe giống như …bình định. Thời kỳ 55-63 là thời kỳ huy hoàng, sung túc nhất của Dầu Tiếng. Lúc bấy giờ, diện tích trồng cao su của Michelin vươn ra đến Minh Thạnh ( Bình Long); so với Bến Cát, Chơn Thành, Trảng Bàng… thì Trị Tâm sung hơn nhiều. Mà ở đâu có chợ thì ở đó có người Tàu. Họ hùn nhau mở trường dạy tiếng Hoa cho con em, gần Đình Dầu Tiếng và bến đò qua Bến Củi. Có ba trục đường  giao thông chính nối Trị Tâm với bên ngoài : con đường thứ nhất đi lên hướng Bắc xuyên qua rừng cao su, hàng cây hai  bên  khép tán che rợp mát nhưng ban đêm hơi rờn rợn, qua làng 2, làng10, làng 18, Long Hoà, qua cầu Thị Tính (đoạn này gọi là suối chứ không phải sông vì là đầu nguồn) rẽ trái ra quốc lộ 13 đi Tây Nguyên. Con đường này đi qua những địa danh ngộ nghĩnh như Căm xe, Cà toong, Ván Hương. Tạm giải thích như sau : Căm xe là một loại cây cứng chắc, dùng làm …căm xe bò hoặc làm trụ nọc tiêu. Cà toong là con cà toong, tức là con nai. Ván Hương (hoặc Giáng Hương),một loại danh mộc có mùi thơm, thớ gỗ có những đường vân rất đẹp dùng làm đồ mộc gia dụng. Có khi nhà giàu dùng làm … hòm (nam Huỳnh Đường, nữ Ván Hương). Hiện xe khách liên tỉnh Chơn Thành - Đồng Xoài - Tây Ninh xử dụng con đường này. Con đường thứ hai chạy theo hướng Tây qua Cầu Tàu bắc qua sông Sài Gòn đi Khiêm Hanh (sau này gọi là Dương Minh Châu), tỉnh Tây Ninh. Vùng này có đồn điền cao su khá rộng nhưng không phải của hãng Michelin mà là hãng SIPH. Những năm chiến tranh ác liệt, con đường liên tỉnh này trở thành độc đạo nối Dầu Tiếng ( Trị Tâm) với bên ngoài. Những trận đánh kinh hồn giành quyền kiểm soát con đường gắn liền với địa danh như Truông Mít, Bàu Đồn, Suối Ông Hùng, Ngã Ba Đất Sét… Đào đường, đắp mô, đắp chà, gài trái nổ, phục kích… diễn ra như cơm bữa, người ta chỉ thống kê số người chết của hai bên chứ có ai biết rõ số mất mát, thống khổ của người dân thường vô tội đâu. Hầu như ở Dầu Tiếng mỗi nhà đều có tổn thất cả. Năm 1975, mình lẫn trong đám dân tản cư lánh nạn, chạy bộ suốt con đường từ Bến Củi đến Ngã Ba Đất Sét, khoảng mười cây số. Giữa đường gặp đám dưa hấu. Cả đoàn người xông vô vặt trụi. Có em còn nói thầy vô giữa đám trái lớn hơn ngoài đây. Thật xấu hổ, đúng là bần cùng sinh đạo tặc. Và cuối cùng, con đường huyết mạch phía Nam cặp theo sông Sài Gòn xuôi về Thủ Dầu Một, qua Bến Tranh, Bến Súc, Rạch Kiến, Rạch Bắp, Tân An. Năm 1965 sau trận Đường Long thì con đường này đứt hẳn. Bến Súc trở thành đậu luôn chớ không phải xôi đậu nữa. Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Hoà Đông trở thành 3 đỉnh của vùng Tam Giác Sắt.  Đi lại phải mượn đường qua Tây Ninh. Cũng vì vậy mà cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của Tây Ninh nhiều hơn Bình Dương: nhập đạo Cao Đài, chuyện học hành của con em, chuyện khám chữa bệnh, giao thông buôn bán, cưới xin… giống như Tân Uyên sau này, dù nằm trong địa phận Bình Dương nhưng gắn bó với Đồng Nai hơn.

Rừng, núi, sông, hồ:

Dầu Tiếng là địa phương duy nhất trong tỉnh Bình Dương có rừng, có núi, có sông, và  đồng ruộng. Chưa kể sau này còn có hồ nữa. Không hiểu sao người ta gọi là sông Sài Gòn mà không gọi là sông Dầu Tiếng. Theo một tài liệu nghiên cứu*, sông Sài Gòn bắt nguồn từ Lộc Ninh chảy qua Bình Long, Dầu Tiếng, Bến Súc, Thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Sài Gòn… rồi nhập với sông Đồng Nai tại Nhà Bè mà xuôi ra biển. Tổng cộng dài gần hai trăm cây số.
                        Nhà Bè nước chảy chia hai
                        Ai về Gia Định Đồng Nai thì về..
Năm 1973 mình có dịp đi chơi Phú Quốc bằng đường thủy. Đến Nhà Bè quả nhiên sông rộng lớn quá sức, nhìn bờ xa xa chỉ là một đường viền nhỏ. Gió sông lồng lộng, ai nấy tha hồ hóng mát. (Nhưng chỉ một lát, khi ra đến cửa biển thì tất cả im phăng phắc vì say sóng). So với Sài Gòn thì dân Dầu Tiếng là dân … thượng lưu chứ còn gì nữa. Nếu ta tắm sông thì ba ngày sau, dòng sông chảy về tới Sài Gòn đó. Nghe sướng chưa. Một lần mình đi Dầu Tiếng bằng tàu khách từ bến chợ Thủ . Ngồi rêm hết mình mẩy, đến  ba giờ chiều mới đến nơi. Sau này ít khách quá nên tuyến đường thủy này cũng dẹp luôn.
Rừng Dầu Tiếng giống như các rừng miền Đông nói chung có nhiều cổ thụ như sao, sến, gõ, dầu, xà cừ, bằng lăng, căm xe, ván hương, vên vên… Riêng Dầu Tiếng chắc là có nhiều cây … dầu chứ sao. Bây giờ ở Đình Dầu Tiếng và khu vực cổng Hãng cũng còn một số. Khi người Pháp đến đây lập đồn điền, một phần lớn đất rừng bị mất đi, nhường chỗ cho trồng cao su. Chỉ còn lại cánh rừng nguyên sinh phía tây bắc gồm cả dãy núi Cậu và vùng giáp Bình Long. Chiến tranh lại giữ cho rừng gần như nguyên vẹn. Nhưng hết chiến tranh thì rừng bị tàn sát không thương tiếc. Đến cuối thập niên 70 thế kỷ trước thì cơ bản hoàn thành việc phá rừng. Kể cả những cây to mọc chênh vênh lưng chừng núi không biết làm sao đem xuống được. Cuối cùng là việc dọn vệ sinh lòng hồ thủy lợi Dầu Tiếng, chuẩn bị tích nước. Nói chung là khai thác trắng. Nên trái gùi, dây mây, trái cơm nguội, hột lừ ươi chỉ còn là kỷ niệm.
Núi Cậu thực ra là một dãy núi gồm bảy ngọn, cao thấp lô xô chạy dài từ bắc xuống nam. Hồ thủy lợi Dầu Tiếng dựa vào chân núi phía Bình Dương nên cảnh đẹp hơn phía Tây Ninh. Cùng với núi Bà Rá ( Phước Long) và núi Bà Đen( Tây Ninh), đây là điểm tận cùng của dãy Trường Sơn. Đứng trên đỉnh núi Cậu, những ngày trời trong bạn sẽ thấy rõ hai Bà hai bên. (Đừng nghĩ bậy nha). Nằm trong lòng chảo lưng chừng núi, hồ Than Thở đẹp hơn hồ trùng tên ở Đà lạt vì còn nguyên dáng nguyên sơ chưa có bàn tay con người. Thật ra ba hồ đều chung một dòng suối chảy liên hoàn từ trên cao xuống. Nước trong chảy vòng vo quanh mấy khóm trúc mát rượi, gió núi thổi vi vu, đá lạo xạo dưới chân. Thật yên tĩnh. Xa xa hồ Dầu Tiếng mênh mông là nước, kéo dài lên tới Tân Châu (Tây Ninh) và Bình Long (Bình Phước). Rừng ở đây là rừng tái sinh, cũng là rừng phòng hộ nên cấm lữa nghiêm ngặt lắm. Theo lời dân địa phương, vài năm gần đây chim thú bắt đầu trở về sinh sống thành bầy đàn. Vòng ra phía trước núi có chùa Thái Sơn của Thầy Sáu, khách thập phương tấp nập, nhìn bảng số xe có đủ các vùng miền. Bờ hồ Dầu Tiếng có nhiều quán ăn thiết kế trang nhã, nhiều cây cảnh làm du khách cảm thấy thoải mái, giãm bớt mệt nhọc vì leo núi, chơi suối . Gió từ ngoài mặt hồ thổi vào lồng lộng. Mặt nước gợn sóng xô vào vách đá. Đặc sản ở đây là cá lòng hồ, tươi rói và thịt ngọt lắm. Lẩu cá lăng nấu ngót ăn với bún. Húp nước lèo nghe tê tái. Và uống rượu chứ đừng uống bia. Tiếc là cũng như vườn cây Lái Thiêu, quán xá thi nhau chặt chém du khách, nên các bạn hãy cẩn thận hỏi giá trước khi ăn. Nếu còn thì giờ thì xuống bãi, ra đảo chơi. Vịt nuôi ở đây mập ú, rẽ rề. Người bán làm lông luôn nếu có yêu cầu. Đi chơi núi chơi hồ, cảnh trời chiều đẹp hơn buổi sáng nhưng đường xa phải về, làm sao ngắm hoàng hôn trên mặt hồ được. Ngoái nhìn sau lưng, dãy núi Cậu chìm trong sương mờ, đẹp lắm.

Măng le, cây nắp bình:

Cây le thuộc họ tre, bề ngoài giống như trúc nhưng đặc ruột như tầm vông. Ở Dầu Tiếng thì le có khắp nơi, nhưng mọc tập trung nhiều theo triền núi và bờ sông. Sau những cơn mưa đầu mùa chừng hơn tháng là bắt đầu mùa măng. Măng đem về lột võ, nấu sôi cho kỹ, vớt ra để ráo nước, đập dập và kho với thịt ba rọi xắt mõng. Ngọt hơn măng mạnh tông, măng tre tàu. Nên đầu mùa giá hơi cao. Nhưng ghiền lắm. Có thể nói, không biết ăn măng le không phải dân Dầu Tiếng.
Đúng ra phải gọi là dây nắp bình vì nó mọc lan trên mặt đất như chùm bao, hà thủ ô. Hoa nó giống như cái túi nhỏ, đáy sâu và vách trơn, bên trên có miếng nhỏ có thể khép lên miệng túi. Kiến, côn trùng ngửi mùi mật ngọt nơi đáy túi bò vào được nhưng ra không được. Những năm đi dạy trong làng 18 mình thường vô núi Cậu kiếm củi, dây nắp bình có nhiều. Sau này kể lại, chúng bạn thường nghi ngờ, mình ức lắm. Bạn nào ở Dầu Tiếng xác nhận giùm, mình rất cám ơn.

Cọp,gấu, chim đa đa:

Theo những bậc lão làng, thời chín năm cọp Dầu Tiếng còn “lềnh”. Ấy là vì nai, mễn, chồn, cheo có nhiều. Sau này, súng lớn, súng nhỏ càn rừng quyết liệt quá nên thú cạn dần. ”Ông” rút về trên Miên, miệt Đônnakiri, Rattanakiri.. Lạ một điều là ở Dầu Tiếng có rất nhiều nhà trang trí đầu minh, nai, gấu, bò tót.. ở phòng khách nhưng tuyệt không thấy dấu vết cọp. Hẳn các bạn xem hình ông Đốc Di còn nhớ cảnh bắn chết cọp ở Hớn Quản (Bình Long), một khu  rừng liên thông với Dầu Tiếng. Nhân dịp, xin kể câu chuyện cọp vồ người giữa phố chợ ban ngày: Thầy bói gieo quẻ, phán rằng tháng đó, ngày đó… thân chủ sẽ chết dưới nanh vuốt cọp. Dù ở Dầu Tiếng lúc đó cũng không còn con cọp nào nhưng ông ta rút về Sài Gòn cho chắc ăn. Cọp vồ hả, có mà nằm mơ. Đúng ngày đó, tháng đó, ông ngồi salon ngữa cổ cười khà khà, lão thầy bói phen này mất mặt… Bổng “ầm” một cái, nguyên một đầu cọp đang nhe nanh bằng gỗ từ trên trần nhà rơi thẳng xuống đầu ông ta. Chuyện thứ hai, có thật trăm phần trăm: sau ngày hoà bình, bộ đội Trường Sơn về tiếp quản căn cứ TQLC Sóng Thần. Ngày nọ, có mấy  chú bộ đội nhà ta ra chợ Lái Thiêu dắt theo chú hổ con đến tiệm chụp hình vài pô kỷ niệm. Thế là bọn chó chợ hùa ra …  nhưng lạ thay khi đến gần nhận ra “oan gia” thì chúng cúp đuôi riu ríu lủi đi chỗ khác. Nên nhớ cả đời ông bà cha mẹ bọn chó chợ cũng  chưa hề biết mùi cọp là gì, làm sao mà chúng biết được đó là “hung thần” ?  
Khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, gấu ở Dầu Tiếng cũng còn tuy không nhiều. Gần nhà mình có vị trung uý ( lúc đó trung úy hách lắm, chuyển từ quân đội Pháp qua) đóng quân ở Dầu Tiếng đem về nhà một chú gấu con -gấu chó- và cho bú sữa bình. Nhưng sau đó cũng không sống nổi vì nhớ mẹ. Dĩ nhiên vốn dĩ gấu là hung dữ rồi nhưng dữ nhứt là gấu mẹ. Nghe nói có lần ở Sở Thú một gấu mẹ lọt xuống hầm gấu. Mọi người đều xanh mặt lo cho gấu mẹ, nhưng không ngờ bọn gấu dưới hầm … riu ríu dồn về một góc không dám ho. Nghĩ cũng tội cho chúng quá. Hiện ở Dầu Tiếng có vài trang trại gần núi Cậu nuôi gấu lấy mật. Nhìn thấy cảnh bắn thuốc gây mê và chích kim xuyên qua da thịt, chọc vào mật rút dịch ra, sao thấy tàn nhẫn quá. Thôi, không uống rượu pha mật gấu nữa. Một xê (cl) là hai trăm ngàn đó chứ. Nhất là nghe bọn nó dụ nữa: uống rượu mật gấu về vợ đánh không biết đau!
Cánh đồng Bến Củi rộng mênh mông, dài theo bờ sông hàng mấy cây số. Phía trong giáp mặt lộ đi An Nhơn Tây, Hố Bò, Bời Lời.. là những khu vườn xum xuê. Đó là nơi trú ngụ lý tưởng của chim đa đa. Buổi trưa, bọn chúng trốn nắng trong những bụi cây ven bờ nước, hoặc trong đám cỏ mỹ cao ngập đầu. Khi trời mát thì chúng ló ra kêu râm ran : Dắt bà xã tà.. tààà.. Dắt bà xã tà.. tààà. Âm thanh nghe xa nghe gần, giống như chim bìm bịp của miền sông nước. Sau này khi xa Dầu Tiếng thì tiếng kêu của chim đa đa là một kỷ niệm khó quên với tôi.

Cây cao su:

Dầu Tiếng có hai đợt di dân lớn từ miền Bắc ;năm 1945 gọi là dân “công tra”, chạy đói năm Ất Dậu và năm 1954 gọi là dân “di cư”. Lạ nước lạ cái, rừng thiêng nước độc, chưa từng thấy cây cao su nói gì đến cạo mủ. Dân địa phương đa số theo nghề ruộng rẫy hoặc buôn bán, có ai chịu làm cái nghề đi giật lùi cực khổ này đâu. (Khi cạo mũ phải đi giật lùi xoay tròn theo miệng cạo. Nhẹ tay thì không ra mủ, nặng tay thì phạm vô thân làm hư cây. Về sau vết thương để lại cục u, nhìn là biết cạo phạm liền).  Sự phồn vinh của Dầu Tiếng sau này có phần đóng góp âm thầm của hai lớp người kể trên. Đặc điểm lớp trước là tham gia chống Pháp triệt để, còn lớp sau thì có nhiều người theo Công giáo.
                        Bán thân đổi mấy đồng xu
                        Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng
Đó là chuyện hồi xưa,bây giờ đã khác rồi. Hơn mười năm nay, mủ cao su đứng giá cao liên tục trên thị trường nên đời sống công nhân cũng dễ thở. So với công nhân công nghiệp như may mặc, gốm sứ, da giày…thì công nhân cạo mủ lương cao hơn nhưng cũng cực hơn. Ba bốn giờ sáng là phải đội đèn ra lô rồi. Giống cây cũng cải thiện dần, cho mủ nhiều và thấp tán hơn. Bây giờ người ta không trồng ca-rô như hồi Pháp nữa mà trồng khít hơn, cây cách cây hai mét rưởi, hàng cách hàng bốn mét. Ngược lại vòng đời của cây ngắn lại, chỉ còn phân nữa( khoảng hơn hai mươi năm so với trước bốn năm chục năm). Hôm rồi về Dầu Tiếng gặp lúc công nhân đang trút mủ, tôi thấy ở bãi xe đa số là gắn máy, chỉ lác đác một vài chiếc xe đạp. Cũng mừng. Bà chị vợ tôi có mấy mẫu cao su ở Tha La, chị cho biết một mẫu cao su trừ đi chi phí như thuê nhân công, phân bón... thì một tháng cũng còn hơn bốn triệu. Ở Đông Nam Bộ có bốn loại cây trồng chính: tiêu, điều, cà phê, cao su. Thay nhau mà lên voi xuống chó. Bây giờ là thời hoàng kim của cao su và cà phê. Thê thảm nhứt là cây điều. Người ta thi nhau chặt hạ hàng loạt một loại cây mà mới đây thôi nhà nước còn kêu gọi phủ xanh đất trống đồi trọc (nghe nói mấy cơ sở chế biến xuất khẩu hạt điều nhân  nay phải nhập cảng hạt điều từ …Ấn Độ). Qua chơi Tây Ninh thì nghe có khác, ở đây có 3 M - khoai mì, mãng cầu, mía - làm chủ lực. Nhưng không khá bằng trồng cao su.

Người Dầu Tiếng giải nghĩa địa danh Lái Thiêu:

Hơn ba mươi năm trước, một lần ghé chơi nhà cô giáo C. dạy trường Định Thành. Thân phụ cô là ông từ giữ đình Dầu Tiếng. Khi biết bọn tôi là dân Lái Thiêu, ông mới vui chuyện cắt nghĩa tên gọi độc nhất vô nhị đó như sau : ông lái tên là Theo, mở bến lập chợ tại nơi bây giờ là Cảng Hàng Dừa. Sau này đường bộ phát triển nên ghe thương hồ phải vô sâu ngọn rạch, chợ dời về vị trí hiện nay. Dấu tích còn lại là mấy dãy phố cũ kỹ người Hoa, góc ngã ba Thanh Yến - QL13 cũ, đường ra bến cảng. Sau giải phóng dãy phố này hãy còn. Ông còn kể thêm chuyện tấm vải điều bay từ nơi chợ cũ qua chợ mới, định vị trên ngọn cây dầu trước nhà làng Tân Thới là điềm thần linh dời chợ, lòng người hợp với ý trời. Không biết chuyện kể có đúng sự thực không, nhờ nhà nghiên cứu Hoàng Anh cho ý kiến.  

Đua nhau về ( thượng) nguồn:

Về nguyên tắc khi thành lập các khu công nghiệp thì phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn A Việt Nam mới được được đưa ra môi trường. Nhưng chi phí xử lý để nước đạt chuẩn là không rẻ. Xút, hoá chất lắng lọc, khử rắn, khử mùi, chi phí nhân công, điện… nên lâu lâu báo chí lại lên tiếng nơi này nơi kia lén đổ chất thải ô nhiễm ra sông suối kênh rạch. Vụ nhà máy bột ngọt Vedan giết sông Thị Vãi (Bà Rịa) mới vừa êm êm thì  người em của Thị Vãi là … Thị Tính( Bến Cát) lãnh đủ. Hàng trăm ngàn mét khối nước ô nhiểm chưa qua xử lý của một nhà máy ở Bến Ván, làm ô nhiểm cả một đoạn sông Sài Gòn. Ngặt nỗi ở đó lại có hai họng lấy nước sinh hoạt cho dân Thị xã TDM và Sài Gòn. Thế là hồ Dầu Tiếng phải cấp tốc cho mở bốn cửa đập, xả nước tống tháo đám ô nhiểm xuống hạ lưu ra biển Đông. Nghe đâu  sắp tới sẽ còn vài ba Khu công nghiệp (KCN) đấu nối hệ thống nước thải ra sông Thị Tính nữa. Dầu Tiếng có cụm công nghiệp Thanh An. Phía bắc có KCN Chơn Thành. Càng lên thượng nguồn giá đất càng rẽ và xổ nước thải càng “êm”. Nếu kể cả các KCN bên hữu ngạn, thuộc địa bàn thành phố thì sông Sài Gòn đang gánh không dưới mười KCN, mỗi KCN khoảng vài chục đến một trăm nhà máy. Để đối phó, người ta dự tính lập một đường ống dẫn nước từ Dầu Tiếng về Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Giống như đường ống dẫn khí đốt Nga-EU.
 
Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho … khó thương:

Hồi đó, tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, gọi là giáo học cấp bổ túc. Lương tháng hai mươi mốt ngàn ba trăm đồng ( thiếu uý hình như là hai mươi ba ngàn). Nếu hai vợ chồng cùng là giáo chức thì có thề dành dụm nguyên lương một người, còn nếu độc thân thì lại không đủ xài. Mấy ngày trước khi làm lễ mãn khoá và nhậm nhiệm sở, trường có tổ chức đêm văn nghệ toàn trường (có Tâm lý chiến sư đoàn 5 góp mặt với mấy màn boléro bốc khói nữa). Khuôn viên trường có nhiều ghế đá, cây cao bóng cả lắm, nhưng mỗi gốc cây đều có từng cặp xí chỗ, ai đến sau thì xin mời leo tường qua Đại học khoa học láng giềng. Ngày chia tay đến gần, người ta không cần che giấu tình cảm nữa, và nhà trường cũng cho xả láng. Tổ chức đêm văn nghệ cũng là tạo điều kiện cho các anh chị “cộng chỉ số”; thí dụ anh hạng một trăm, chị hạng bốn mươi thì hai người sẽ chọn nhiệm sở ở vị trí hạng bảy mươi. Với điều kiện phải ra Toà Đô Chánh lấy cái giấy hôn thú đem về nộp cho trường. Sở dĩ thứ hạng tốt nghiệp quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện chọn nhiệm sở sau này. Và cái nhiệm sở ấy nó quyết định đến cuộc sống của một người trong thời buổi loạn ly máu lửa, kể cả học hành vì hầu hết đều có ghi danh hàm thụ Đại học. Khi ấy quyền sinh sát không phải nằm trong tay phòng tổ chức như bây giờ. Dù có là con ông cháu cha cũng khó mà binh lắm. Thứ hạng công khai, và tổ chức buổi lễ chọn nhiệm sở cũng công khai tại hội trường. Ở đó có cái bảng phấn rất to, ghi rõ nhu cầu từng tỉnh, từ Long Khánh, Bình Tuy dài dài đến Ba Xuyên, Côn Đảo. Tổng số giáo sinh tốt ngiệp năm đó gần bảy trăm. Còn nhớ, đầu bảng là Gia Định cần hai mươi giáo viên thì chỉ loáng cái, đến người hạng hai mươi hai là đủ chỗ. Có hai người chọn về quê nhà nên người thứ hai mốt và hai hai kể như gặp hên. Càng về sau thì càng xa Sài Gòn. Cá biệt có bạn chọn Phước Long thì được cấp vé máy bay đi Ban Mê Thuột, theo đường Quảng Đức  mà về nhiệm sở. Còn bạn chọn Côn Đảo thì nhận một tràng pháo tay nhiệt liệt. Khi mình đến lượt lên sân khấu thì Bình Dương gần đủ, một trăm mười bốn trên một trăm hai mươi, nghĩa là chỉ còn thiếu có sáu chỗ. Hú hồn. Mỗi giáo sinh đứng trước micro đều phải nói rõ ràng: ”Tôi xin chọn nhiệm sở là…”, sau đó xuống bàn giáo vụ để nhận công lịnh. Chưa hết, đó mới chỉ là chọn tỉnh. Khi về trình diện Sở Học Chánh (Ty Giáo Dục), lại tiếp tục màn hai: chọn trường.
Hội trường Toà Tỉnh Bình Dương, nhiều người quen gọi là Toà Bố, nằm trên một ngọn đồi có nhiều cổ thụ, nhìn oai nghiêm lắm. Nhu cầu năm đó, toàn Tỉnh cần bổ sung một trăm hai mươi giáo chức Tiểu học. Mình hạng một trăm mười bốn, nghĩa là phải chờ một trăm mười ba bạn chọn xong rồi mới tới phiên. Tội cho bà chị họ của mình, chị làm việc ở Toà Hành Chánh Tỉnh nên nhờ ai đó viết ra giấy một danh sách thật dài, những trường “ an ninh” tốt để cho mình chọn. Than ôi ! Cậu em quý hoá của chị học giỏi quá, nên khi tới phiên chọn thì chỉ còn tiểu học Định Thành (Trị Tâm) và Bàu Ao (Phú Giáo). Đành chọn cái trường trước vậy. Chị có hứa hè tới (1975) sẽ “lo” cho về Lái Thiêu. Không ngờ dính mũ cao su luôn tới nay. Riêng  bạn chọn Bàu Ao nghe nói sau đó “bị” mời vô vùng giải phóng, ai cũng tội nghiệp. Ngày 30 tháng 4, lại nghe bạn đeo xề xệ súng ngắn, làm “quân quản”. Đúng là Tái Ông Thất Mã.
Lần chọn nhiệm sở ở Toà Tỉnh, có một kỷ niệm khó quên. Một bạn quê ở Dầu Tiếng, học hành chăm chỉ nên đạt thứ hạng cao. Bạn chọn trường Vĩnh Phú (Lái Thiêu), sát ranh Sài Gòn. Sau đó đổi chỗ với một bạn con nhà giàu học ..dỡ.. Hồi đó, quy chế cho phép hai người được công khai đổi nhiệm sở tại hội trường. Giá thoả thuận “bù lỗ” là chín mươi bảy ngàn, tương đương một chiếc 67. Nhưng sau đó thì anh nhà giàu … bẻ lời hứa, chỉ chung năm mươi ngàn. Thế là có một màn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân ngay trước mặt bá quan văn võ. Báo hại cả đám khoa bảng phải xúm vô can ngăn, thật là mất thể diện hết sức. Còn mình thì cấp tốc về mua bản đồ dò xem Trị Tâm là cái xứ mô? Nhưng đó là chuyện về sau này  -lâm ly lắm- còn phần 1 đến đây là hết rồi ./.
 

*hỏi đáp Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh- NXB Trẻ 2006

Mời xem thêm vài hình ảnh Dầu Tiếng trong phần Hình ảnh quê hương Bình Dương