Dầu Tiếng: Chiến Tranh và Hòa Bình
Lưu Thanh Bình


1. Dấu lặng trước cơn bão :

Năm 1972, năm thứ tám Mỹ đổ quân trực tiếp vào miền Nam, khi ấy dư luận Mỹ đã quá ngán ngẫm về một cuộc chiến tranh xa xôi tốn kém về người và của, nên Hiệp Định Paris là lối thoát hợp lý nhất, Hoa Kỳ chấp nhận hy sinh đồng minh để rút quân trong danh dự. Sau ngày 27.1.1973, ngày Hiệp Định có hiệu lực thì tình trạng ngưng chiến theo kiểu da beo xảy ra khắp miền Nam, dù hoà bình chỉ là tạm thời nhưng cũng thắp lên hy vọng vọng cho bao người, bao gia đình. Tại Dầu Tiếng, ranh giới là suối Dứa và suối Làng Hai. Hai bên bờ suối là hai màu cờ khác nhau. Buổi chiều, bên này bên kia ngầm thỏa thuận để lần lượt xuống suối tắm giặt. Trong kia là vùng an dưỡng, bệnh xá Miền. Còn chợ Trị Tâm thì hàng hoá đầy ắp vì đường liên tỉnh từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng thông suốt, xe đò Sài Gòn - Dầu Tiếng, Bình Dương - Dầu Tiếng chạy liên tục, dĩ nhiên phải mượn đường qua Tây Ninh ( Khiêm Hanh) vì Bến Súc đã là vùng giải phóng từ lâu. Do phải chạy vòng nên đường xa gấp đôi và giá cước cũng gấp đôi. Ai cũng biết phân nửa số hàng hoá đó đi về đâu, nhất là xà bông, pin đèn, vải nylon (để may võng), thuốc tây, hàng gia dụng và lương thực thực phẩm. Thân nhân ra vô thăm viếng nhau cũng dễ hơn. Và dĩ nhiên buôn lậu vô “trỏng” là nghề một vốn bốn lời, nhất là thuốc tây nên nếu gọi Trị Tâm là một thị trấn hậu cần của Mặt Trận GPMN cũng không ngoa. Khi đó bán kính an ninh của Trị Tâm chỉ có hơn 2 km mà thôi. Trên bản đồ, nhà đánh dấu đỏ chi chít. Đường Trường Sơn, Molotova mở đèn chạy sáng đêm mà không còn sợ B52 nữa. Giống như dân đi biển nhìn trời và bọt sóng có thể đoán trước cơn bão, người Dầu Tiếng bình thường cũng có thể đoán được những gì đang diễn ra trong rừng cao su với những dòng chảy tiếp tế liên tục không dứt từ ngoài thị trấn vào. Đó là dấu hiệu báo trước một cơn bão sấm sét sẽ đổ ụp xuống nay mai.

Sau Tết Ất Mão1975, Dầu Tiếng bước vào mùa khô, nắng gay gắt và bụi mù bốc lên theo từng chuyến xe hối hả chạy xuôi ngược. Không khí của Dầu Tiếng giống với vùng cao hơn là đồng bằng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch rất lớn, nhất là cái nắng khô hanh ban ngày rất khó chịu. Những dãy nhà mái tôn đứng im lìm, không gian nóng bức như đặc quánh lại. Buổi tối, gió núi và sương mù từ đồn điền cao su mênh mông thổi về, nghe như trong gió có tiếng xôn xao mơ hồ. Ban ngày, người ta gia cố vòng đai phòng thủ bằng những bao cát cao chất ngất. Radio loan báo tin thất thủ Phước Long kèm mấy bài hát rên rỉ nghe não lòng. Khi ấy, chương trình viện trợ khẩn cấp 300 triệu đô cho miền Nam đang nằm trên bàn họp của lưỡng viện Hoa Kỳ, và phái đoàn đại biểu sắp sang Sài Gòn. Chính quyền toan dùng lá bài thất thủ PhướcLong làm áp lực với Mỹ, nhưng đó chính là con dao hai lưởi, và quả nhiên chì mất mà chài cũng chẳng còn. Tiền không có mà tinh thần chiến đấu thì sa sút thảm hại. Cộng thêm phán đoán sai lầm về hướng tiến công chủ lực của quân đội miền Bắc (Ban Mê Thuột chứ không phải Pleiku), xem như số phận đã an bài. Và số phận cũng đã chọn quê hương Dầu Tiếng phải đổ nát tan hoang để Sài Gòn còn được nguyên vẹn.

2. Chiều 11 tháng 3 bên kia sông nhìn về Dầu Tiếng:


Tôi vẫn còn nhớ nắm cơm do sư cô ân cần trao cho chiều hôm đó, chỉ kèm chút muối đậu mà sao ngon quá. Sáng tinh mơ, do chạy trối chết băng sông nên trên mình tôi chỉ có bộ pyjama và quơ vội cái mắt kiếng cận. Lúc ra đến bờ sông đứng chờ đò, tôi mới thấy tiếc cái đồng hồ Longins mới sắm và cái bóp trong có giấy tờ tùy thân cùng tiền bạc. Nhưng biết làm sao, vầy là cũng hơn bao người rồi. Ngoảnh nhìn về bên kia sông, một vùng trời đầy tang thương, từng bựng khói đen bốc lên kèm tiếng ì đùng không dứt. Quanh tôi là những ánh mắt lo lắng đăm đắm nhìn về thị trấn, nơi ấy còn tài sản tích cóp bao nhiêu năm, còn những người thân kẹt lại giữa hai làn đạn. Và bọn người hôi của đang thả sức lùng sục. Trời gần về chiều, dòng người qua sông càng lúc càng đông mang theo bao nhiêu tin tức mới, càng gây thêm hoang mang lo lắng. Cánh đồng Bến Củi đông nghịt người hỗn độn xuôi ngược tới lui tìm thân nhân bị tản lạc và lo chỗ trú qua đêm.

Xế chiều thì có tiếng máy bay gầm rú nghe đinh tai điếc óc. Những chùm đạn pháo phòng không nổ lụp bụp trên bầu trời, in lên nền trời xanh những cụm mây trắng nhỏ. Hai chiếc F5 đảo lượn vài vòng rồi chúi xuống trút bom khu vực cổng Hãng, nơi có mấy chiếc T54 đậu trong sân. Rồi nghiêng cánh bay thẳng về Biên Hoà. Ngay tại đầu cầu Tàu, có một lô cốt dã chiến bằng bao cát, mái tôn. Chiều hôm đó, mấy chiếc tăng  T54 lù lù bò từ trong ấp 4 ra và thong thả chỉnh hạ nòng trực xạ. Những quầng lửa đỏ pha cam phụt ra từ nòng súng trông như hoa chuối. Chỉ hai lượt là thổi bay nóc và còn trơ mấy bao cát vương vãi.
Dân Dầu Tiếng quá quen với tiếng đề pa của trọng pháo, nếu là một tiếng cốc khô khốc thì nhanh chóng cúi xuống, khoảng vài giây sẽ có tiếng rít xẹt ngang trên đầu. Còn nếu viên đạn rơi xuống gần thì dĩ nhiên không thể nghe được tiếng đề pa mà chỉ nghe ( hoặc không còn được nghe mãi mãi) tiếng ầm ầm cùng đất cát văng đầy người.

Có rất đông người trú trong một lò gạch ven sông, đêm hôm đó một số đã bị thương vong do một quả pháo lạc. Tôi may mắn đã rút ra ngoài đám ruộng trống từ chiều, do không chịu được không khí ồn ào chật hẹp. Không ai ngủ được vì tâm trạng rối bời, vì đạn pháo, những tiếng la hoảng bất chợt, tiếng trẻ nít khóc và hoả châu giăng đầy trời. Tiếng súng giao tranh chỉ còn nghe nhiều hướng chi khu, nhất là lựu đạn còn các nơi khác nghe rời rạc hoặc im hẳn tiếng súng.

Khi trời sáng thì đám đông hàng ngàn người rùng rùng chuyển động, không ai bảo ai cùng kéo về hướng làng 2 Bến Củi, về sau mới biết do quân Giải Phóng mở một khoản trống cho người dân chạy lánh nạn khỏi vùng chiến sự. Lần đầu tiên tôi thấy tận mắt nón tai bèo, súng AK băng cong báng gỗ và cờ xanh đỏ. Rất nhiều người ở trần chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, nhìn biết ngay lính đào ngũ nhưng đối phương cũng chỉ khoác tay cho qua, không ai bị bắt giữ. Có lẽ vì đông quá (khoảng 5 ngàn người). Qua khỏi Bến Củi chừng hai km thì tôi và người bạn phát hiện ông quận trưởng bận quần xà lỏn đội nón lá rách tay cầm roi chăn bò lẫn trong đàn bò và đoàn người lánh nạn trong khi phía sau lưng, bên kia sông tiếng súng đạn đánh nhau còn ầm ầm (đa số sĩ quan chi khu đều chết vùi thây trong giao thông hào. Sau này chỉ phân biệt được nhờ tấm thẻ bài). Cũng giống như vậy là đồn suối Dứa, do bị vây bốn phía nên hầu như tất cả đều nằm lại tại đồn.Riêng hai đại đội tăng phái của tiểu đoàn ĐPQ 354 đóng ở vòng ngoài đều trở thành tù binh, bị dẫn bộ cắt rừng về Kà Tum trước khi thanh lọc. Riêng đồn pháo binh đóng tại ấp Một, mãi đến đêm 13 mới tự động tan hàng, khi đó quân số chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

3. Sau ngày 30.4.1975:

Hồi đó thỉnh thoảng có một chiếc xe chạy vòng vòng quanh thị trấn giống như quảng cáo tuồng hát xưa kia, nhưng không phải quảng cáo mà là thông báo dân chúng tập trung “4 giờ chiều sân bay” để xem toà án quân sự cách mạng xét xử công khai. Chiếc xe này (hiệu Daihatsu) của một người buôn bán ngoài chợ, sau này cũng được trưng dụng trong chiến dịch đổi tiền và cải tạo tư sản công thương nghiệp. Cụm từ “4 giờ chiều sân bay” một thời rất nổi tiếng, cùng với những phiên toà không luật sư và thẩm phán.

H. nguyên là nhà thầu củi cao su, cưa cây gãy đổ và già cỗi, cũng là nhân vật trung gian giữa Tây chủ đồn điền và bộ phận kinh tài Mặt Trận GPMN. Nghĩa là nhận tiền thuế từ Hãng Michelin rồi đem vô rừng nộp. Nhưng không đưa đủ mà ngắt lại một khúc. Đồng thời làm gián điệp cho cả hai bên, nên công cũng lắm mà tội cũng nhiều. Khi bị toà án quân sự Thủ Dầu Một tuyên án tử hình thì ông khụy xuống, đi không nổi phải có người dìu lên xe ( không hiểu sao khi tội nhân đứng nghe đọc bản án thì được nhìn tự do, chỉ khi tuyên án xong thì mới bị bịt mắt).

Một ông khác là sĩ quan Ban hai (An ninh điều tra), nghĩa là “có nợ máu với nhân dân”. Bị cán bộ Dầu Tiếng xuống Sài Gòn lùng bắt và chở về xử tội. Khi nghe tuyên án thì ông đứng thẳng người, đưa mắt nhìn quanh và khẽ nhếch mép. Theo lời kể lại, khi đến hiện trường trong lô cao su ông ta còn xin ba điều: một là cho vợ con lãnh xác về chôn, hai là cho uống một ngụm nước (?), và ba là xin xử bắn chứ đừng chém. Vừa dứt lời thì một người bước ra nạt lớn : “ĐM mày, trước kia mày tra khảo ba tao tới chết mày có cho ổng uống nước không? …”

( bỏ một đoạn)

Thực ra bộ đội chính quy miền Bắc rất thân thiện và dễ gần, thậm chí còn hơi… ngây thơ nữa. Họ nhìn quanh cái gì cũng lạ lẫm cả. Ngán nhất là mấy tay 30, chỉ cần nghe tiếng nhạc vàng phát ra từ nhà ai là đàng hoàng bước vô tịch thu cái máy hát ngay. Khi đó người ta định nghĩa nhạc vàng rất đơn giản: tất cả nhạc nào không phải nhạc đỏ ( nhạc cách mạng ) là nhạc vàng. Cũng như toàn bộ sách ngoại văn đều là phản động, kể cả từ điển. Đường từ Dầu Tiếng về Bình Dương qua Bến Súc đã lưu thông trở lại mặc dù rất xấu, đá xanh lởm chởm, ổ gà ổ voi lu bù nên bác tài cho xe chạy tránh bên phải rồi lại đánh tay lái qua trái liên tục. Mỗi xã, mỗi ấp đều đổ ra đường làm cổng chào và chốt gác, quan trọng nhất là một cây tre đực làm barie sơ sài nhưng bất khả xâm phạm, một đầu cột một tảng đá to, đầu kia  cột ghịt vào một cây cọc cắm sâu xuống đất, khi thả lỏng dây ra là tự nhiên thanh chắn sẽ ngóc đầu lên. Đường thì xấu, xe thì chật cứng người ta và hàng hoá, lại cứ dừng liên tục vì chốt gác nên từ Dầu Tiếng đến Bình Dương chỉ 60 km mà bò từ sáng đến xế trưa mới tới. Đến bây giờ tôi vẫn còn ớn khi hồi tưởng lại hình ảnh của mấy tay du kích quàng khăn sọc carô đen trắng, súng lăm lăm cầm tay, mặt hầm hầm như đang tìm kẻ thù giai cấp trên xe. Tất cả hành khách đều phải xuống xe đi hàng một qua trạm, bên trong có mấy cặp mắt nhìn lom lom thấy ghê. Trong khi đó một người lên xe đi suốt từ đầu trên xuống đầu dưới, quan sát kỹ cả dưới gầm ghế, không bỏ sót một vật gì. Rồi có tiếng quát: bịch -gạo -ai -đâây, bao - than - ai - đâây? (im lặng). Như vậy là đồ vô chủ, đáng phải bị tịch thu (bây giờ tôi nghĩ họ cũng còn sống cả vì khi ấy họ còn trẻ lắm. Có khi nào họ nhớ lại và cảm thấy xấu hổ không nhỉ? Thực ra họ cũng chỉ là cấp thừa hành). Nhiều khi hành khách đã đi bộ qua trạm, lên xe gần đủ nhưng phải chờ một hai người còn kẹt đứng năn nỉ bỏ qua cho một hai món hàng cấm. Bị cấm nghiêm ngặt nhất là thịt bò, thịt trâu vì đó là sức kéo nông nghiệp. Nhà nào muốn hạ thịt thì phải làm đơn xin phép. Nên lúc bấy giờ bò bị rắn cắn, bò đạp trái, bò té giếng …lu bù, toàn là lý do chính đáng cả.

Xin kể câu chuyện đố vui về bắt dế nhủi. Đầu đề như sau: có 10 tàn thuốc, biết rằng cứ 3 tàn thì quấn ( hút) được 1 điếu.Vây làm sao với 10 tàn thì quấn (hút) được 5 điếu ? Thoạt tiên thì nhiều bạn nghĩ dễ ẹt : lấy 9 tàn quấn hút được 3 điếu. Hút xong còn lại 3 tàn thì quấn hút được 1 điếu nữa. Vị chi là đã được 4 điếu.Và còn 2 cái tàn. Đến đây là bí chắc. Lời giải như sau : mượn ai đó một cái tàn , gộp lại 3 tàn quấn thành một điếu.Hút xong trả lại cái tàn cho người ta!!.

4. Số phận thầy cô giáo Dầu Tiếng:

Sau ngày hoà bình, tôi theo dòng người hồi cư trở về Dầu Tiếng trình diện chính quyền mới. Giáo chức được xếp chung loại với thơ ký quận, thông tin chiêu hồi, nhân viên bưu điện, y tá … bỏ chung vào một rổ gọi là nguỵ quyền. Không phải sinh hoạt chính trị ba ngày mà là tập trung học tập tại chỗ. Chúng tôi bước vào bài học thứ nhất: đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta. Xen kẻ là những ngày lao động cực nhọc: lá tranh được những người lính đang học tập cải tạo cắt và sau đó xe máy kéo của công ty cao su chở về sân trường, phần còn lại là của thầy cô giáo: chẻ lạt, đánh thành tấm và đưa lên lợp mái. Cả tỉnh Bình Dương khi ấy chỉ ở Dầu Tiếng mới có cảnh tập trung cải tạo thầy cô giáo. Một mảnh đất đầy thù hận và bạo lực. Vậy mà khi có lịnh từ Ty Tiểu Học, thả thầy cô giáo ra chuẩn bị khai giảng năm học mới, nhiều người vẫn còn hậm hực (!). Sau này khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1990, qua báo chí tôi được biết không hề có phân biệt đối xử giữa người Đông Đức và Tây Đức. Thậm chí nhà nước Tây Đức (CHLB Đức) vẫn trả lương hưu  cho công chức Đông Đức bình thường bằng quỹ của CHLB Đức. Và cũng vì không có phân biệt đối xử nên bà Merkel, một người sinh ra và lớn lên dưới chế độ XHCN Đông Đức mới trở thành Thủ tướng Đức, một quốc gia có nền kinh tế đứng đầu châu Âu. Hay ở Nam Phi, khi chế độ Apartheid sụp đổ, dưới chế độ hoà giải hoà hợp của Nelson Mandela không hề có tịch thu tài sản hay trả thù dân da trắng, cũng như ông vẫn duy trì bộ máy chính quyền gồm rất nhiều người trí thức, những công dân ưu tú của quốc gia. Vì vậy ông mới được trao giải Nobel hoà bình. Cũng xin nhắc lại ông Nelson Mandela đã phải chịu ngồi tù 27 năm ròng rã vì tội đấu tranh cho quyền bình đẵng của người da đen. Và Nam Phi nay là một cường quốc ở lục địa Phi Châu. Giờ nhìn sang nước láng giềng Campuchia, chế độ Polpot từng bị lên án là khát máu, là dã man, là diệt chủng, là bài tập thực hành chủ nghĩa Mao trên xương máu của người dân vô tội, nhưng bây giờ chỉ có lèo tèo mấy ông già sắp xuống lỗ phải ra toà, và Campuchia là một quốc gia đã bãi bỏ án tử hình từ lâu. Trở lại chuyện Dầu Tiếng, những năm sau đó, giáo viên bỏ nghề hàng loạt vì đồng lương dưới - mức - sống - tối - thiểu. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Những đồ cổ nay tái xuất giang hồ: cối đá, xe ngựa, xe than, thuốc rê, Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh. Thầy giáo áo bỏ ngoài quần, mang dép lê. Phần các cô thì áo dài cắt thành áo ngắn, không còn đâu cảnh những tà áo dài tha thướt, yểu điệu đi giữa sân trường, tay cầm cây dù màu sặc sỡ nữa. Có lần tôi xót xa nhìn các cô đứng túm tụm, chia nhau từng thìa nhỏ bột ngọt, đó là tiêu chuẩn của mỗi người/tháng. Đúng là “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Ôi những con người chấp nhận số phận, nhẫn nhịn chịu đựng và nuốt cục nghẹn vào trong. Giờ điểm lại: người còn kẻ mất, kẻ ra nước ngoài người về thành phố, kẻ chuyển nghề người bỏ dạy. Chuyện cũ như nước trôi qua cầu, nay hầu hết tóc đã muối nhiều hơn tiêu, hồi tưởng lại sao luống ngậm ngùi. Còn những người cao giọng giảng về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản; những người đã từng nổi giận vì bị chê Phòng Giáo Dục giống sạp trái cây Cầu Ngang thì giờ đây sở hữu hàng trăm héc ta cao su, đi xe hơi ở nhà biệt thự. Cũng có (tuy hơi hiếm) những con ngưòi ngay thẳng bộc trực sống cuộc đời liêm khiết như anh Ba H, khi sát nhập Dầu Tiếng và Bến Cát làm một huyện thì anh là Trưởng Phòng Giáo Dục, sau đó chuyển về làm trưởng phòng tổ chức công ty cao su Dầu Tiếng đến khi về hưu. Một cuộc đời đạm bạc và không màng tư lợi.  

5. Vài kỷ niệm thời dạy học ở Dầu Tiếng:

Có người nói nghề dạy học là nghề đưa đò, vì các em ngày một tiến bộ: cấp hai, cấp ba, đại học và đi làm, còn thầy năm này qua tháng nọ cứ lấy sự tiến bộ của mấy lứa học trò làm vui. Vui vì được thấy em thành đạt, vui hơn khi được thấy em ngày thành gia thất,  bây giờ càng vui hơn vì được các em mời thầy đến mừng các em ngồi làm sui. Bởi vì thầy cô tiểu học là người khai tâm mở trí thuở ban đầu cho con trẻ. Mỗi người phụ trách một lớp vài mươi em, dạy tất tần tật các môn, gặp nhau mỗi ngày nên học trò cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hành vi thái độ ứng xử đến những điều căn bản như nét chữ viết, bản cửu chương, cách bao bìa dán nhãn, bảo quản tập sách, dạ thưa, chào hỏi, nói chung là học ăn học nói, học gói học mở… Các bạn nào đã từng có con nhỏ học tiểu học đều biết các cháu xem lời thầy cô là đúng tuyệt đối, nói gì là răm rắp nghe theo, phụ huynh không được “nghi ngờ”. Nên kỷ niệm về thầy cô tiểu học cũng in sâu đậm trong trí các em hơn là các thầy cô dạy môn sau này. Ở Dầu Tiếng, ngày 2 tháng 9 hàng năm là ngày các em mời thầy cô cũ về họp mặt. Rất nhiều em giờ là cán bộ lãnh đạo trong ngành cao su. Nhớ lại năm1978 khi tôi đang dạy học ở làng 18 (hiệu trưởng cũng phải đứng lớp vì thiếu giáo viên), khoảng 10 giờ sáng thì nghe xôn xao cuối lớp, hỏi thì có em nhanh nhảu trả lời dạ thưa thầy nó bị…xỉu. Sao vậy, sao xỉu? Dạ thưa thầy nó đói. Trời ơi, con trẻ sao khổ thế này! Tôi muốn rớt nước mắt mà phải kìm lại, giả lảng qua chuyện khác: xức dầu, bắt gió và cho em về sớm. Thực ra lúc đó tôi cũng đâu có ăn sáng (và chắc nhiều người cũng vậy). Không biết bây giờ em có còn nhớ thầy không, nhưng chuyện hôm đó theo tôi đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ chỉ vài ngày sau thì trên radio có thông báo bộ đội Việt Nam đánh qua Campuchia.

Năm 1976 tôi dạy lớp năm trường Định Thành, lớp cuối cấp một vì có nghiệp vụ sư phạm chính quy. Lớp toàn học sinh nam, học rất giỏi; mặc dù trường lớp tạm bợ vì sau chiến tranh, lớp chỉ còn mấy bức tường, mái lợp tạm  bằng tranh. Thường đến tiết cuối là thầy trò đều oải, nên tôi phải hâm nóng bằng mấy bài hát. Không hiểu sao chúng khoái hát bài “Bão nổi lên rồi” lắm, sau mới phát hiện chúng trêu người bạn tên Sơn có cha tên Hai Bảo. Biết vậy mà Sơn cũng gân cổ đập bàn hát to không kém ai. (Đúng là phong cách Hướng Đạo. Bạn trêu ta thì ta trêu lại!). Sơn bị sốt bại liệt từ nhỏ, cả hai chân đều teo tóp, đi lại phải chống hai tay mà lết. Nhà ba má em nghèo (ở ấp Hai) nhưng cũng cố cho con ăn học, mong em có chút chữ nghĩa nuôi thân. Tiếc là khi đó đã có máy tính, Internet gì đâu. Em học lực chỉ trung bình nhưng ngoan và vui. Thường làm trò bằng cách vắt hai chân lên cổ tức cười lắm. Một em học chung (tên gì tôi quên mất) thường đến nhà chở bạn bằng xe đạp, Sơn tự trèo lên baga một mình không nhờ ai, cũng có khi bạn cõng em về. Giờ em ngồi sửa quẹt bơm ga ở ngã ba cây Vừng , gần chợ chiều. Hôm rồi về thăm Dầu Tiếng thầy trò có chụp chung nhau một tấm hình kỷ niệm.

Mấy năm ở Dầu Tiếng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống… còn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp: sạ, cấy, cắt, đập lúa; trỉa lúa gò, trỉa đậu, đặt hom khoai mì; quơ củi trong lô, làm cỏ mía, đặt trúm đặt lợp, đặt sa mùa cá chạy, thả đáy,trút đục, đánh bẫy lủi. Nhậu rượu đế mồi cua đinh, cá chạch, tép sống. Xin nói thêm về mùa cá chạy. Tháng năm, khi những cơn mưa lớn đầu mùa đổ nước trắng đồng và chảy ra sông suối, ấy là lúc cá sông ngược dòng tìm nơi đẻ trứng. Cuối năm, khi trời dứt mưa và trở gió thì cá lại theo nước xuống tìm đường ra sông lớn. Đó là quy luật ngàn năm của tạo hoá. Và con người cứ theo quy luật đó mà thâu tóm sản vật của đất trời. Những cơn gió chướng (gió Bấc) hiu hiu thổi vào lúc nắng sớm, người ta đặt những cái lợp làm bằng tre đan tại những nút thắt, cá theo dòng nước đổ chui vào nằm đó chờ người ta trút lợp, bao nhiêu tôm tép, cá lớn cá nhỏ đều nhảy tưng tưng (hoặc không đặt lợp mà thay bằng sàn tre đan khít cũng được). Thêm bánh tráng rau sống nước mắm ớt là được một bữa huy hoàng tại chỗ.

Có một dụng cụ để làm cỏ gốc khi cây cao su còn nhỏ, dân Dầu Tiếng không gọi là cái cuốc mà gọi là cái “xạc lai”. Hình chữ nhật cở hai bàn tay người lớn, một góc có tai để tra vào cán. Rất nhẹ, dễ dẫy cỏ, gom đống, kéo rê… đồng thời cũng dùng để làm cỏ đậu, dễ luồn lách giữa hai gốc, hai hàng đậu. Chỉ có dân làm cao su mới biết, khi hỏi dân xứ khác có biết cái xạc lai không  thì họ hỏi lại “hả”, trông ngố lắm.

6. Xin giữ màu xanh cho quê hương:

Kinh tế Bến Cát bây giờ đã bỏ xa Dầu Tiếng rồi. GDP đầu người cao hơn gấp hai, gấp ba Dầu Tiếng, giao thông hết sức thuận lợi nên các dịch vụ như xây dựng, địa ốc, ngân hàng, bệnh viện, vận tải… rất phát triển, tư nhân sắm được xe hơi cũng nhiều hơn. Thị trấn Mỹ Phước dành hẳn phân nữa đất đai cho các khu công nghiệp, khu dân cư mới. Bây giờ nhìn chợ Bến Cát (cũ) đứng khép nép sao mà tội nghiệp trong khi khu dân cư mới với mấy khu phố thương mại, siêu thị thật hoành tráng. Nhưng cũng có một bộ phận mất đất đai nhà cửa nghề nghiệp cho công nghiệp hoá, cho các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông. Rõ ràng người ta chấp nhận hy sinh quyền lợi của một bộ phận dân cư này để một bộ phận dân cư khác làm giàu. Tôi rất nghi ngờ hiệu quả của việc tái định cư. Cầm bó bạc đền bù và chun vô mấy cái nhà hộp bốn bề bê tông tường gạch ư?. Những người đã quen với cái cuốc, máy bơm tưới, liếp rau luống cải, quen với cái liềm cắt lúa cắt cỏ, giàn dưa leo, chiếc xe bò và những liếp bánh tráng. Những người đã quen với việc tiện đâu đái đó, đê mê ngữa mặt nhìn trời và thưởng thức gió mát hiu hiu thổi, bây giờ tập làm quen với bô tiểu bồn cầu. (Xin các bạn đừng cười, nếu ai đó nói đái đường không khoái thì tôi nói thật, đó là nói láo). Chuyển đổi nghề nghiệp ư? Có ai thống kê dùm đời sống người dân vài năm sau giải tỏa như thế nào ? Bao nhiêu % thành công, bao nhiêu % thất bại ? Khi trao tiền đền bù là xong phần trách nhiệm của nhà đầu tư rồi ư? Lái xe ôm, cất nhà trọ, buôn bán nhỏ,… Người ta cứ hay đưa lên gương điển hình như trồng chăm sóc hoa kiểng trong các khu công nghiệp, tiểu thương, chủ nhà trọ… nhưng bỏ qua cảnh ly tán, cốt nhục tương tàn vì đồng tiền đền bù giải tỏa rẻ mạt, đó là chưa kể nguy cơ tha hoá do có tiền đột xuất. Tôi biết có một trường hợp chồng chăn vịt chạy đồng, vợ trồng lài (hái nhụy ướp trà), ngủ một đêm thức dậy thành triệu phú. Việc đầu tiên là sắm ngay sợi dây chuyền vàng đeo xệ cổ và chiếc xe Dream II, vô nhà hàng karaoke, bia ôm mà gót chân còn nứt và móng còn dính phèn. Tự nhiên bạn bè nhiều vô kể. Và “người ta” sao mà thơm quá còn vợ mình thì chua lè.Và chuyện gì phải đến thì đã đến… Đã lâu tôi không còn nghe nói về anh ta nữa. Gọi là nạn nhân thì cũng đúng mà cũng có thể không đúng. Trở lại chuyện quê nhà, Dầu Tiếng có thể còn người nghèo, có thể còn cảnh chạy gạo từng bữa , có thể còn có những em nghèo học giỏi phải bỏ học dỡ dang vì gia cảnh. Nhưng những cảnh đó không điển hình. Nếu hai vợ chồng cùng là công nhân cao su, thì có thể lo ăn học tươm tất cho hai đứa con. Làng 14, làng 18 đã có trung học cơ sở (hết lớp 9), và làng 10 đã có trường PTTH ( hết lớp 12). Cầu trời mấy ông quy hoạch đừng “hoạch” quê hương (vợ) tôi, xin hãy giữ màu xanh cho con cháu, xem như của để dành. Thế mạnh của Dầu Tiếng là phát triển bền vững nhờ cây cao su, và du lịch sinh thái. Đó là con đường thoát nghèo căn cơ lâu dài. Nếu con đường Suối Giữa - Cầu Ông Cộ - Bến Súc hoàn thành thì từ Sài Gòn, Thị Xã TDM đi Dầu Tiếng có xa xôi gì ? Hồ Dầu Tiếng – Núi Cậu – Chùa Thái Sơn - Hồ Cần Nôm là một khu du lịch liên hoàn, ngay bây giờ đã là một nơi hành hương nổi tiếng, các tour du lịch viếng núi Bà Đen luôn luôn phải ghé qua núi Cậu trên đường về. Chỉ hơi tiếc là trước chùa có hàng trăm sạp bán hàng , quà lưu niệm mà có cái nào của Dầu Tiếng đâu: muối ớt Trảng Bàng, bánh tráng sữa, bánh tráng phơi sương, bánh tráng mè, khô cá, khô bò, vòng mã não, chuổi tràng hạt, hàng sơn mài, hàng đồi mồi, nón quạt lá buông,thú nhồi bông, kẹo dừa Bến Tre, quần áo sida ( second hand), mắt kiếng, dây nịt, cây củ rễ thuốc Nam vô bịch…. toàn là đem nơi khác tới. Hàng mây tre lá vắng bóng hẳn (đủa tre, đủa xới cơm, rổ rá rế, liềm cuốc, đục, nơm, lồng chim, giỏ bội…) trong khi chính đây lại là truyền thống của Dầu Tiếng. Mỗi năm, Dầu Tiếng đều có tổ chức cuộc thi chạy việt dã leo núi Cậu. (Một trong bốn cuộc thi leo núi truyền thống đầu Xuân, ba cuộc thi kia là: Núi Chứa Chan, Núi Bà Đen và núi Bà Rá). Một hình thức quảng bá du lịch địa phương rất tốt. Hôm rồi tôi khám phá được một bãi bồi ven hồ cỏ xanh mướt rượt, tôi cứ đứng nhìn bồi hồi ước gì được đưa các em Hướng Đạo Sinh đến đây tham quan cắm trại. Chỉ lo nếu các nhà làm quy hoạch biết được, lên dự án làm sân gôn hay trại ngựa giống thì…hu hu.
 

Hồ Dầu Tiếng

7. Ngày Tết, quê hương, đất nước, ông bà:

Thầy Gia Quang (ba của bạn Nguyễn Vinh Quy, tôi có nhắc tới trong bài Sân trường yêu dấu) hiệu phó trường Định Thành là bậc cha chú, khi bất đồng ý kiến là ông quát : Mày biết cái gì? Lúc tao đi dạy thì mày còn đang ở …Cuba lận. (Có khi còn ở dưới đầu gối của ba chớ không được Cuba nữa). Ngẫm cho kỹ ông nói cũng đúng. Thân xác này là hoa của đất, lớn lên từ đất mà. Hai tiếng quê hương, đất nước, ông bà… coi vậy mà thiêng liêng lắm. Nhất là chúng ta, những người được nuôi lớn lên từ sản vật của đất Dầu Tiếng và nước mát của nguồn sông Sài Gòn… Nếu lỡ có trăm tuổi thì hồn phách cũng vượt đại dương mà về nơi chôn nhau cắt rún. Ở dưới chắc không phân biệt địch ta gì đâu. Ngày 25 Tết đi dẫy cỏ mả ông bà, tôi thấy ai cũng tiện tay thắp vài nén nhang cho những nấm mồ bên cạnh cho đỡ hiu quạnh, cũng là truyền thống hoà hợp tốt đẹp của dân tộc ta đó. Riêng tôi thì cứ theo đúng lệ cũ : mồng một Tết cha, mùng hai Tết vợ mùng ba Tết Thầy. Nên mùng hai Tết về Dầu Tiếng là phải nghiêm chỉnh chấp hành nếu muốn chơi xả láng mấy mùng còn lại, có khi qua mùng tới mền cũng chơi luôn.  Ngày ba mươi cuối năm nay là ngày Thứ Bảy 13.2.2010. Thường lệ, chiều hôm đó nhà của người Việt nào cũng có mâm cơm cúng ông bà gồm thịt kho hột vịt, dưa giá, bánh tét, tô canh khổ qua… mà rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Khấn hương xong, bạn hãy đứng nhìn làn khói tỏa xem có lên cao thẳng như sợi chỉ không. Ấy là ông bà đang chứng minh cho lòng thành của bạn đó. Không biết bên Mỹ có mảng cầu dừa vừa đu đủ xoài xài không. Đó là ngụ ý muốn xin “ ngó lên thì không bằng ai, ngó xuống nhiều “ai” không bằng mình” đó mà. Xin nói thêm về trái khổ qua. Ba ngày Tết, đến nhà ai cũng thịt kho tàu, hột vịt, dưa giá, củ kiệu, bánh tét, củ cải mặn, bánh tráng… thét phát ngán tới cổ họng. Chỉ còn canh khổ qua là húp được. Đăng đắng hợp với khẩu vị đám cháu ông Lưu Linh. Mà sao bây giờ trái lớn, dầy cơm, và ít đắng quá. Một người bạn (là anh Giàu, rể của lớp B5) chỉ cho bí quyết giữ cho trái khổ qua không rục vì hâm đi hâm lại: bỏ nồi canh khổ qua vô tủ lạnh, ăn tới đâu múc ra hâm lại tới đó ( nếu có lò vi sóng thì càng tốt) như vậy lúc nào võ cũng dòn (hình như ai cũng khoái ăn võ hơn ăn thịt). Hồi nhỏ, tôi vừa mong Tết mau tới mà cũng sợ muốn chết vì cái khổ chùi lư. Một bọc trái khế chua để trước mặt kèm theo mớ giẻ vụn và chai dầu hôi. Chà đi xát lại còn hơn Mỹ đi càn mà nó không chịu bóng. “Teng” (xỉ đồng) ra đen thui cả mấy ngón tay. Xong rồi đem phơi nắng, lau lại lần chót trước khi đưa lên bàn thờ. Bây giờ có dịch vụ chùi lư rồi, người ta treo bảng chùi lư … lấy liền đầy đường. Sướng thiệt. Thứ hai là ngắt đuôi cọng giá trước khi làm dưa (ngâm nước muối). Trời đất ơi. Chị em tôi cứ vừa làm vừa thở dài sườn sượt như con gái bị ép gã vậy. Thứ ba là lặt lá mai. Xong rồi phải hốt dọn gom đốt nữa chứ. Giờ có dịch vụ cho mướn chậu mai ba ngày Tết hoặc mướn bảo quản chăm sóc suốt năm, chớ nhà chung cư hoặc phố liên kế lấy đâu ra mặt bằng mà chứa. Cuối cùng là rửa nhà. Nghĩa là muốn lấy được tiền lì xì cũng chua lắm. Ngày nay, đến Tết trai thanh gái lịch Dầu Tiếng và vùng lân cận hay rũ nhau đi chơi núi Cậu, lễ chùa Thái Sơn và tụ tập sinh hoạt tại hồ Than Thở. Vui lắm. Tôi có đứa cháu vợ năm rồi phải bỏ thầu cả trăm triệu mới được giữ xe khu du lịch Núi Cậu. Nếu được bỏ phiếu chọn biểu tượng Dầu Tiếng tôi sẽ chọn hình ảnh dãy núi Cậu và hồ Dầu Tiếng.Và con chim đa đa.

Lưu Thanh Bình
12 - 2009