Đại Thắng
Mùa Xuân Năm Kỷ Dậu 1789
hay Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Lưu Thanh Bình
Chúng
em,cựu học sinh Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương xin
cám ơn Quý Thầy Cô thông qua những
bài giảng Việt Sử đã thổi vào tâm hồn
chúng em lòng yêu nước và tự hào
dân tộc.
Lời nói đầu truyện :
Lịch
sử Việt Nam suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước
của ông cha ta cũng là mấy ngàn năm đấu tranh chống
giặc ngoại xâm .Từng tấc đất,từng ngọn cỏ thấm đẫm xương
máu tiền nhân. Nếu vì ươn hèn hoặc lợi
ích trước mắt mà hy sinh thành quả của tổ
tiên, mặt mũi nào mà nhìn lại Người dưới
suối vàng, bao nhiêu nước cho đủ gột sạch nỗi nhơ
mà ngước nhìn đám con cháu hậu thế.
1. Dã tâm của phương Bắc:
Mùa đông năm Đinh Mùi 1787, tướng Tây Sơn
là Vũ Văn Nhậm vâng mệnh chủ soái là
Nguyễn Huệ ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Thế quân mạnh như
nước chảy, giết Nguyễn Trọng Duật ở Thanh Hóa, bắn chết Nguyễn
Như Thái ở Ninh Bình, truy đuổi và chém
chết cha con Nguyễn Hữu Chỉnh ở Kinh Bắc. Vua Lê bỏ kinh
thành, sống lẫn khuất trong dân lúc nào cũng
nơm nớp lo sợ bị Tây Sơn lùng bắt. Sau đó, vua viết
tờ sớ cầu cứu nhà Thanh, cử bọn quan văn là Trần Danh
Án và Lê Duy Đản theo đường Lạng Sơn sang
Trung Quốc. Trước đó, Thái Hậu đang ở Cao Bằng cũng
đã sai viên Đốc Đồng là Vũ Huy Túc sang Long
Châu báo cáo cho bọn quan lại Thanh triều ở
biên giới rõ cả. Bấy giờ là mùa thu năm Mậu
Thân 1788. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị nhận
được tin, bèn cho gọi bọn Nguyễn Huy Túc, Lê
Quýnh, Hoàng Ích Hiểu, Nguyễn Đình
Quán, Nguyễn Quốc Đống và Nguyễn Đình Mai đến hỏi
sự tình vua tôi nhà Lê. Theo Hoàng
Lê Nhất Thống Chí, Sĩ Nghị nghe xong những lời trần
tình của bọn quan lưu vong, đã quay sang bảo
đám liêu thuộc rằng: Nước An Nam từ đời Hán Đường
là đất phụ thuộc vào nước ta; đến đời nhà Tống, họ
Đinh quật cường, mới trở thành nước tiến cống. Trải mấy đời nối
theo nhau cho đến ngày nay, lại không thể giữ được nước.
Hoặc giả trời khiến nước ấy lại làm quận huyện của Trung Quốc
chăng?. Tờ tâu của Tôn Sĩ Nghị được vua Càn Long ưng
thuận, đem đại binh đưa vua Lê về nước, trước mưu sự khôi
phục cho cống thần, sau giương cao thanh thế thiên triều cho bọn
mưu phản khiếp sợ. Cũng theo sách trên, ở mạn Thái
Nguyên , Tuyên Quang có bọn dân phu
chuyên nghề khai mỏ gốc ở Triều Châu cũng hăng hái
xin được làm quân tiên phong vì thông
thuộc đường xá và phong thổ, tình nguyện nhập
vào đạo quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống (sau
này đạo quân trên bị đánh tan tác tại
Khương Thượng, Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vận). Trước lúc xuất
quân, Tôn Sĩ Nghị lại thảo tiếp một tờ sớ dâng vua
Thanh, đại ý: ” Thần nghe họ Lê ở nước An Nam hèn
yếu, sau này không chắc đã giữ được nước. Nay họ
sang cầu cứu, bản triều theo nghĩa phải cứu giúp. Vã
chăng, An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, nếu sau khi
khôi phục họ Lê rồi, nhân đó lại cho
quân đóng giữ, thì như thế là bảo tồn họ
Lê mà đồng thời lại chiến được nước An Nam, một công
mà hai việc vậy”.
Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục,
quân Thanh kéo sang làm ba đạo: một do Tổng Dốc
Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Đề Đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy
theo đường ải Nam Quan qua Lạng Sơn kéo xuống, một do đề đốc
Vân Nam Quý Châu là Ô Đại Kinh chỉ huy,
đi đường Mông Tự qua Tuyên Quang tràn sang, một do
Tri Phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống chỉ huy từ Khâm Châu
qua Cao Bằng đổ xuống. Cả ba đạo quân đều xuất phát
vào cuối tháng 10 năm Mậu Thân 1788. Đại quân
đi thong thả như chốn không người không gặp kháng cự
càng làm cho Nghị thêm cao ngạo. Ngày 21
tháng 11 năm Mậu Thân 1788, đạo quân Lưỡng Quảng
nhập thành Thăng Long, đạo quân Vân Quý
đóng ở Sơn Tây, và đạo quân Điền Châu
đóng ở Khương Thượng (Hà Tây). Sau đó chia
ra lập đồn phòng thủ: đồn Ngọc Hồi ở Thanh Trì, đồn
Hà Hồi ở Thường Tín, đồn Nhật Tảo ở Duy Tiên
và đồn Nguyệt Quyết ở Thanh Liêm. Quân nhà
Lê cũng được điều xuống Gián Khẩu làm tiền đồn chặn
bước tiến quân Tây Sơn. Tuy nhiên quân
lính nhà Thanh ngày càng bê trể,
có khi đi thăm thú xa hàng mươi dặm, tối đi
sáng về xem như bình thường, trong quân doanh
càng về cuối năm càng nhiều tiệc tùng . Quân
do thám không qua khỏi Tam Điệp ( Ninh Bình)
nên tình hình trong Nam hoàn toàn mờ
mịt, đã vậy bọn lính khai mỏ gốc Triều Châu lại tha
hồ thả sức mà cướp bóc hãm hiếp dân thường,
bọn này khoảng một vạn người, lợi dụng oai thiên triều
mà tác quái không kiêng dè ai
cả, 8 điều quân luật của Tôn Đốc Bộ chỉ là
hình thức mà thôi.
2. Lê Chiêu Thống báo ân báo
oán:
Cuối năm Mậu Thân 1788, Lê Chiêu Thống theo
chân 29 vạn quân Thanh vào Thăng Long. Ngày
22 tháng 11 năm Mậu Thân, tại điện Kính
Thiên, Tôn Sĩ Nghị tuyên đọc sắc phong của vua Thanh,
cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Tuy vậy
giấy tờ thảo đi các nơi đều dùng niên hiệu
Càn Long. Khi phong chức tước cho các quan, vua chỉ
chú ý đến những người theo hộ giá hoặc hầu hạ,
còn cựu thần và hào kiệt đều không được bổ
dụng. Bọn Lê Quýnh ỷ lại thân cận với vua, cưỡng
đoạt tài vật của các quan nhưng vua chỉ làm ngơ.
Hàng ngày vua thân đến quân doanh của Nghị để
chờ bàn bạc việc nước, nhất nhất việc gì cũng trông
vào người Thanh, có hôm rỗi việc, Nghị chỉ sai
lính truyền lại cho vua lui về cung. Dân kinh kỳ nhiều
người than rằng:nước Nam từ khi có đế có vương chưa bao
giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như
thế. Ngược với báo ân, báo oán thật
là khủng khiếp. Trong tôn thất, có người phụ nữ lấy
tuớng Tây Sơn và đang có mang, vua sai người bắt mổ
bụng giết chết. Ba người hoàng tộc họ Lê (chú họ
của vua) trước có ra cộng tác với quân Tây
Sơn , vua sai chặt chân rồi quăng xuống giếng trong cung
(có sách nói là chặt chân rồi quăng
ra chợ Cung, một ngôi chợ nhỏ ở trong cung). Ngoài ra, tất
cả những người có liên quan với Tây Sơn trong thời
gian vua đi trốn, đều bị căn cứ theo hành trạng mà xử
phạt: Phạm Như Toại, Nguyễn Bình, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy
Ích, Nguyễn Hoàn, Phan Lê Phiên, Vũ Huy Tấn ,
Nguyễn Quý Nha, Trần Bá Lãm… Duy chỉ có
trường hợp của Trần Công Xán, bị Tây Sơn giết chết
trong lúc vào Phú Xuân đi sứ đòi lại
đất Nghệ An (11 tháng 4 năm Đinh Mùi) là được
làm lễ tế .
3. Tránh mũi nhọn để bảo toàn lực lượng:
Mùa hè năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình Vương ra
Thăng Long giết Võ Văn Nhậm chuyên quyền, chỉnh đốn mọi
việc rồi giao lại cho Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà, sau
đó gấp rút về Nam (khi đó Thành Gia Định
đã bị Chúa Nguyễn lấy lại, Nguyễn Lữ bỏ về Quy Nhơn, chỉ
còn PhạmVăn Tham đơn độc chống cự, thua liền mấy trận).
Tình hình Bắc Hà tương đối yên ổn, ngoại trừ
mấy vụ đánh dẹp lẻ tẻ nên Sở chủ quan xem thường, khi họp
bàn công việc hay dùng lời lẽ chế nhạo bọn văn quan
như Ngô Thời Nhậm ,Phan Huy Ích. Đến khi tin cấp
báo ở cửa ải đưa về, Ngô văn Sở mới vội vã triệu
tập các quan họp bàn và cuối cùng nghe theo
kế của Ngô Thời Nhậm, tạm rút lui để chờ viện binh. Năm
ngày sau, đại quân các nơi tề tựu về Thăng Long,
hội quân bên bờ sông Nhị. Tướng tiên phong Phan
Văn Lân xin được thử lửa với quân Thanh một phen. Được
Ngô Văn Sở đồng tình, Lân bèn đem quân
qua sông đi sang hướng Bắc, canh ba (17 tháng 11) tới bờ
phía Nam sông Nguyệt Đức (tức sông Cầu), nghe tin
quân của Tôn Sĩ Nghị đã đóng ở núi Tam
Tằng. Lúc ấy tiết trời giá rét, Lân
kéo quân qua sông thách đánh. Tướng sĩ
vốn sợ oai của Lân, phải liều với khí lạnh mà lội
bừa xuống nước. Ra đến giữa sông, những kẻ cóng quá
không thể qua được đều bị chết đuối. Còn những kẽ tới được
bờ cũng đều bị quân Thanh giết chết. Lân liệu chừng
không thể giao chiến được nữa liền vẫy quân chạy lui.
Đám quân tan vỡ chạy trốn vào các
làng, đều bị dân chúng bắt nộp cho quân
Thanh. Lân chỉ trơ một mình một ngựa mà quay về. Sở
sợ quá, giấu kín việc bại trận không cho ai biết,
ngày 20 truyền lệnh cho các đạo quân nghiêm
chỉnh mà lui về Tam Điệp ( Ninh Bình) - Biện Sơn (Thanh
Hoá), hai mặt thủy bộ tựa vào nhau để phòng thủ,
ngăn hẳn miền Nam và miền Bắc. Do đó tin tức hai miền
không thông, dân Thanh Hóa không hề biết
vua Lê về Thăng Long ( 21 tháng 11), thụ phong quốc vương
( 22 tháng 11) và ngày 24 thì tin thất thủ
Thăng Long đã vào đến Phú Xuân.
4. Hành quân thần tốc tạo yếu tố bất ngờ:
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân ( 22 tháng 12,
1788) Nguyễn Huệ lập đàn tại núi Bân, tế cáo
trời đất, lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu
là Quang Trung rồi hạ lịnh xuất quân. Ngày 29
tháng 11 năm Mậu Thân ( 26 tháng 12, 1788), đại
quân dừng lại Nghệ An 10 ngày để tuyển quân
và củng cố lực lượng. Quân số lên tới 10 vạn, được
chia làm năm cánh và một đội tượng binh hơn 200
thớt voi. Ngay sau đợt tổng duyệt lực lượng, vua Quang Trung cho tiến
quân ra Bắc Hà. Ngày 20 tháng chạp năm Mậu
Thân ( 15.1.1789), đại quân đến Tam Điệp. Vua vỗ an
quân sĩ, ngợi khen Ngô Thời Nhậm và mở tiệc khao
quân. Rồi nhà vua bảo với các tướng hãy cho
quân ăn Tết trước, đến ngày 30 lập tức lên đường,
hẹn ngày mùng 7 vào thành Thăng Long
sẽ ăn mừng năm mới. Lúc bấy giờ ở Thăng Long, tất cả đều
đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, từ ngày 25
tháng chạp đã phong ấn, cho quan lính nghĩ
dài ngày để đón tiết xuân. Mặc dù
quân thám báo cho hay Tây Sơn đang mộ
quân Nghệ An, sắp đánh ra Bắc nhưng Tôn Sĩ Nghị chỉ
lo củng cố phòng thủ mặt nam Thăng Long, cử phó tướng Hứa
Thế Hanh trực tiếp chỉ huy đôn đốc chứ không hề hay biết
vua Quang Trung đang dốc toàn lực, chuẩn bị đánh một trận
long trời lở đất (Đề Đốc Hứa Thế Hanh sau này chết trong
đám loạn quân). Đó là do Tôn Sĩ Nghị
chủ quan khinh thường quân địch và lối hành
quân thần tốc, khiến cho địch không kịp trở tay của vua
Quang Trung.
5. Sức mạnh của năm cánh quân:
Vua Quang Trung chia quân làm năm đạo: Trung quân do
Ngài trực tiếp chỉ huy cùng Đại Đô Đốc Ngô
Văn Sở và Tiền Quân Phan Văn Lân đánh
vào mặt chính phía Nam Thăng Long. Tả Quân
do Đô Đốc Lộc, Đô Đốc Tuyết đốc suất theo đường thủy
vào sông Lục Đầu, đánh đồn quân cần vương của
vua Lê ở Hải Dương, sau đó quân chia làm hai
đạo, một do Đô Đốc Lộc chỉ huy đi thẳng lên Lạng Giang,
Phượng Nhãn ( Bắc Giang) để chặn đường rút về của
quân Thanh; còn đạo do Đô Đốc Tuyết vẫn
làm chủ vùng Hải Dương, canh giử mặt Đông cho đại
quân. Hữu Quân do Đô Đốc Bảo, Đô Đốc Long chỉ
huy gồm cả tượng binh và kỵ binh. Một đạo của Đô Đốc Bảo
theo đường Ứng Hoà ( Hà Tây) ra làng Đại
Áng phối hợp với trung quân đánh đồn Ngọc Hồi của
Hứa Thế Hanh. Đồng thời đạo quân Đô Đốc Long xuyên
qua huyện Chương Đức ( Hà Tây) hướng lên cánh
quân Vân Quý của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây
nhưng sau đó đột ngột rẽ ngoặt sang làng Nhân Mục
huyện Thanh Trì, tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi
Đống và tiến vào Thăng Long từ hướng Tây.
Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, chờ đúng
ngày giờ đã định lên đường xuất phát.
6.Trận Ngọc Hồi - Khương Thượng (Đống Đa):
Đêm trừ tịch (30 Tết), quân Tây Sơn xuất phát
vượt sông đánh vào đồn Gián Khẩu, quân
nhà Lê mau chóng tan vỡ, Hoàng Phùng
Tứ bỏ chạy. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, khi
tiếp tục tiến lên hạ đồn Nguyệt Quyết và Nhật Tảo (
Hà Nam), vua Quang Trung cho kỵ binh đuổi theo toán do
thám của quân Nguyên, đến huyện Phú
Xuyên thì đuổi kịp, bắt sống không để tên
nào trốn thoát, do đó quân Thanh từ
Hà Hồi đến Ngọc Hồi đều không hay biết gì cả.
Ngày mùng 3 tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn
áp sát đồn Hà Hồi ( Thượng Phúc), bắc loa
gọi hàng. Khí thế vang dội khiến quân Thanh rụng
rời kéo nhau ra hàng, toàn bộ lương thực
khí giới đều bị quân Nam lấy hết. Rạng ngày
mùng 4, quân chủ lực Tây Sơn đã tiến tới đồn
Ngọc Hồi. Trước đó, Hứa Thế Hanh nghe tin mất đồn Hà Hồi
đã báo về Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị vội điều Thang
Hùng Nghiệp mang quân ra chi viện. Nhưng Quang Trung chỉ
hư trương thanh thế để tập trung hết sự chú ý của địch,
trong lúc đó đạo quân của Đô Đốc Long đang
trên đường hướng lên Sơn Tây thì bất ngờ rẽ
vào làng Nhân Mục (nay là Nhân
Chính), tập kích đồn Khương Thượng . Lúc ấy
là nửa đêm mùng 4, quân Điền Châu
hoàn toàn tan vỡ , Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn
trên đài chỉ huy ở Loa Sơn ( khu vực phố chùa Bộc -
Hà Nội hiện nay). Sau trận đánh, xác quân
Thanh được gom chung vào 12 nơi, đắp cao thành gò
nên tục gọi gò Đống Đa. Hạ xong đồn Khương Thượng,
Đô Đốc Long thừa thắng diệt luôn đồn Nam Đồng ở cửa
ngõ phía Tây Thành Thăng Long. Tôn Sĩ
Nghị chỉ chú tâm vào mặt Nam, khi nghe tiếng
quân reo và lửa dậy hướng Tây Bắc thì mới
có tin báo đồn quân Điền Châu tan vỡ. Ngay
lúc đó lại tiếp có tin tiền quân Tây
Sơn đã vào tận cửa ô. Tôn Sĩ Nghị thất kinh
hồn vía dẫn bọn tùy tùng nhắm hướng Bắc mà
chạy. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép:” Nghị
lên ngựa không kịp đóng yên, người không
kịp mặc (áo) giáp, quân sĩ các doanh nghe
tin đều hoảng hốt bỏ chạy, tranh nhau qua cầu phao bắc qua sông
Nhị ( sông Hồng), xô nhau rơi xuống nước mà chết.
Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nhiều
đến nỗi nước sông Nhị tắc nghẽn không chảy được”. Vua
Lê cùng bọn Lê Quýnh đưa Thái hậu ra
ngoài hoàng thành, khi đến bến sông
thì cầu phao đã đứt, vội chạy men theo bờ sông
lên hướng Bắc, đến Nghi Tàm cướp được chiếc thuyền
đánh cá mà sang sông.
Mờ sáng ngày mùng 5, vua Quang Trung truyền lịnh
tấn công đồn Ngọc Hồi. Đồn này phòng thủ rất
kiên cố, có cả địa lôi và chông sắt do
phó tướng Hứa Thế Hanh trực tiếp chỉ huy. Voi chiến Tây
Sơn tiến lên, ngựa quân Thanh sợ hãi giẫm lên
nhau, lùi về đồn cố thủ. Nhân có gió Bấc,
quân Thanh dùng ống phun khói tung hoả mù về
phía quân Tây Sơn, không ngờ trời trở
gió Nam, thành ra quân Thanh lại tự hại
mình. Để phá hoả lực địch,vua Quang Trung cho ghép
cứ ba tấm ván làm một bức mộc có tẩm rơm ướt, do
mười người khỏe mạnh khênh, lưng giắt đao ngắn. Theo sau
có 20 dũng sĩ cầm binh khí. Hai mươi bức mộc làm
thành thế trận chữ nhất tiến lên. Khi gươm giáo
chạm nhau thì quăng ván xuống đất, cầm đao ngắn
chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng
nhất tề xông lên. Quân Thanh chống không
nỗi bỏ chạy ra tứ phía , lại dẫm phải địa lôi chết rất
nhiều. Bấy giờ đồn Ngọc Hồi chìm trong biển lửa. Quân
Thanh bỏ chạy tới đê Yên Duyên trông thấy phục
binh ở hướng Đông, phải chạy theo đường Vịnh Kiều trốn về Thăng
Long. Nhưng chạy tới nữa đường thì gặp cánh quân
Đô Đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng.
Quân Thanh vội chạy lên làng Quỳnh Đô định
trốn xuống Đầm Mực. Quân voi Tây Sơn tiến lên
tiêu diệt toàn bộ tàn quân Ngọc Hồi trốn về
đây. Đạo quân Vân Nam-Quý Châu
đóng ở Sơn Tây nghe tin các đồn quân thất thủ
cũng tự rút chạy về Trung Quốc. Chiều mùng 5 Tết Kỷ Dậu
vua Quang Trung tiến vào Thăng Long trong sự chào
đón của nhân dân, áo bào màu đỏ
nhuộm đen vì khói thuốc súng. Trước đó đạo
quân của Đô Đốc Long đã làm chủ Thăng Long.
Đô Đốc Long đón rước vua Quang Trung vào
thành. Như vậy đạo quân của vua Quang Trung đã
vào Thăng Long sớm hơn dự kiến hai ngày. Trên đường
tháo chạy, khi đến huyện Phượng Nhãn, Tôn Sĩ Nghị
lại nghe tin quân Tây Sơn của Đô Đốc Tuyết và
Đô Đốc Lộc đã đuổi gần tới, Nghị lại một phen khủng khiếp,
các vật cần thiết mang theo đều vứt bừa ra đường, cho nên
những vật của vua Thanh ban cho như sắc thư, kỳ bài, quân
ấn đều bị quân Tây Sơn bắt được. Khi đến ải Nam Quan, số
bại quân tơi tả theo kịp Tôn Sĩ Nghị chỉ còn 50
người. Quân Tây Sơn truy đuổi rao lên rằng sẽ
đánh qua biên giới cho đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị
và Duy Kỳ (Chiêu Thống), nên dân Trung Quốc
vùng biên giới bồng bế dắt nhau chạy vào sâu
nội địa, suốt mấy mươi dặm không một bóng người. Vua Quang
Trung hạ lệnh chiêu an, số quân Thanh trốn tránh lần
lượt ra đầu thú có hàng vạn đều được cấp
phát lương ăn áo mặc. Tổng kết lại, toàn bộ đồn
quân Thanh thiết lập để bảo vệ Thăng Long đều bị tiêu diệt
: Gián Khẩu, Yên Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi,
Khương Thượng và Nam Đồng. Các tướng Hứa Thế Hanh, Sầm
Nghi Đống, Trương Triều Long và Thượng Duy Thăng đều tử trận.
Đạo quân Điền Châu gần như bị diệt hoàn toàn,
cánh quân lưỡng Quảng bị tổn thất nặng và tan
rã, chỉ có đạo quân Vân –Quý là
không chịu thiệt hại do đã sớm rút chạy .
7. Chính sách ngoại giao thời hậu chiến:
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa chấm dứt sự tồn tại của nhà Hậu
Lê. Tuy nhiên ngay khi bờ cõi vừa vắng quân
xâm lược, vua Quang Trung đã nghĩ ngay đến sách
lược ngoại giao khôn khéo của một nước nhỏ, tránh
nạn binh đao để an dân. Ngô Thời Nhậm vâng mệnh vua,
trổ tài văn chương ứng đối, mềm mỏng cho khỏi thẹn nước lớn
mà vẫn giữ được quyền tự chủ nước nhà. Lại phối hợp với
tân Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An,
cùng với đại thần Hoà Khôn mà chủ trương
việc hoà hiếu hai bên. Theo Hoàng Lê Nhất
Thống Chí, Khang An gửi thư cho Thời Nhậm,bảo Nhậm đưa
vàng bạc đút lót Khôn. Khôn liền
tâu với vua Thanh là Càn Long xin bãi việc
binh, giãng hoà và phong vương cho Quang Trung (
Về sau Hoà Khôn bị vua Gia Khánh bức tử và
tịch thu gia sản). Mới hay thời nào cũng vậy,bọn xu nịnh ngồi
trong mát mà vơ vét của cải tứ phương,d ối
trên gạt dưới mà thăng quan tiến chức. Chỉ tội cho bao
linh hồn tử sĩ vất vưởng nơi sa trường, thảm cảnh vợ goá con
côi xiết bao là tội nghiệp./.
8. Phụ lục : niên biểu Tây Sơn và nhà
Nguyễn (1773-1802):
1773
Quý
Tỵ |
Nguyễn Nhạc
chiếm thành Quy Nhơn,Quân Tây Sơn
sau đó lần lượt chiếm Quảng Nam, Quảng Ngãi ở phía
Bắc và Phú Yên Diên Khánh
Bình Thuận ở phía Nam. |
Quân
Nguyễn phản công,tái chiếm Phú Yên,Diên
Khánh,Bình Thuận nhưng bị Nguyễn Huệ đánh bại |
1774
Giáp
Ngọ |
Quân
Trịnh chiếm Phú Xuân và Quảng Nam . |
Định Vương
Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân chạy
vào Gia Định. |
1775
Ất
Mùi |
Nguyễn Lữ
chiếm GiaĐịnh.Quân Trịnh bỏ Quảng Nam rút về
Phú
Xuân |
Đỗ
Thành Nhân giúp chúa Nguyễn lấy lại Gia Định. |
1776
Bính
Thân |
Tây Sơn
vào đánh Gia Định |
|
1777
Đinh
Dậu |
Nguyễn Huệ
vào Nam
lần thứ 1, bắt Định Vương, Tân
Chính Vương giết tại Gia Định. |
Quân
Nguyễn thua trận ở Cần Giờ, Long
Xuyên.Hai chúa Nguyễn bị bắt đem về Gia Định. |
1778
Mậu
Tuất |
Nguyễn Nhạc
xưng vương |
|
1780
Canh
Tý |
|
Nguyễn
Ánh chiếm lại Gia Định và xưng Chúa. |
1781
Tân
Sữu |
|
Chúa
Nguyễn giết Đỗ Thành Nhân |
1782
Nhâm
Dần |
Nguyễn Huệ
vào Nam
lần thứ 2, đánh thắng chúa
Nguyễn và quân Pháp tại Gia Định. Nguyễn Lữ ở lại
trấn giữ. |
Sau khi
Nguyễn Huệ rút về, Châu Văn Tiếp giúp
chúa Nguyễn tái chiếm Gia Định |
1783
Quý
Mão |
Nguyễn Huệ
vào Nam lần thứ 3, thắng trận thuỷ
chiến tại Cần Giờ, đánh bại Châu văn Tiếp, bắt sống Nguyễn
Huỳnh Đức, giết Tôn
Thất Mân, Dương Công Trừng, Nguyễn văn Quý, truy
đuổi chúa Nguyễn ra Phú
Quốc, Côn Đảo. |
Chúa
Nguyễn thua trận,lưu vong sang Xiêm.Miền
Nam do Tây Sơn cai quản nhưng lòng dân không
phục.Mỗi khi Nguyễn Huệ rút về Quy
Nhơn thì chúa Nguyễn lại được nhân dân ủng hộ
khôi phục. |
1784
Giáp
Thìn |
Mùa
hè, quân Xiêm vào cõi Việt |
Chúa
Nguyễn theo chân quân Xiêm về lại Châu
Đốc. Mùa thu, Châu văn Tiếp bị
Tây Sơn giết ở Măng Thít
(Tiền Giang). |
1785
Ất
Tỵ |
Nguyễn Huệ
vào Nam
lần thứ 4, Chiến thắng Rạch
Gầm-Xoài Mút, đánh tan toàn bộ liên
quân Xiêm - Nguyễn |
Chúa
Nguyễn thua chạy sang Xiêm |
1786
Bính
Ngọ |
Nguyễn Huệ
chiếm Phú Xuân của chúa Trịnh, sau đó
tiến ra Bắc lần thứ 1, giết Trịnh Tông, chấm dứt sư nghiệp 200
năm làm chúa của
họ Trịnh. Vua Lê gã công chúa Ngọc Hân
cho Nguyễn Huệ. Lê Chiêu Thống lên
ngôi. Nguyễn Nhạc ra Bắc để hạn chế ảnh huởng của Nguyễn Huệ với
Bắc Hà. |
|
1787
Đinh
Mùi |
Tháng 4, Nguyễn Nhạc
xưng đế, đất Tây Sơn chia ba. Cuối năm, Vũ văn Nhậm ra Bắc diệt
Nguyễn Hữu
Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy. Đất Bắc Hà thuộc
quyền Bắc Bình Vương cai
quản. Về danh nghĩa, anh em Tây Sơn đã thống nhất
đất nước từ Nam
ra Bắc |
Tháng
7, chúa Nguyễn trở về miền Nam. Như vậy, trên thực tế,
chưa bao giờ Tây Sơn
thực sự thống nhất cai quản toàn bộ đất nước.
Nguyễn
Huỳnh Đức bỏ trốn khỏi Nghệ An, qua Lào, Xiêm về
miền Nam
theo chúa Nguyễn |
1788
Mậu
Thân |
Nguyễn Huệ ra
Bắc lần thứ 2, giết Vũ Văn Nhậm. Ở
Gia Định, Nguyễn Lữ bỏ về Quy Nhơn, để Phạm văn Tham ở thế bị động |
Tháng
8, chúa Nguyễn lấy lại thành Gia Định. |
1789
Kỷ
Dậu |
Đầu
xuân, Nguyễn Huệ xưng Quang Trung Hoàng
Đế, sau đó ra Bắc lần thứ 3, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Vua
Quang Trung chinh
phục lòng dân Bắc hà. Tháng 2, tại Ba
Thác, tướng Phạm văn Tham và quân lính
Tây
Sơn đầu hàng, bị bắt giết toàn bộ. |
Miền Nam
thuộc hoàn toàn chúa Nguyễn. Kể từ
đây, quân Nguyễn chuyển sang thế chủ động tấn công,
tuy nhiên còn vua Quang Trung
nên chiến sự dằng co, bất phân thắng bại. |
1792
Nhâm
Tý |
Tháng 7,vua Quang Trung
mất. Con thứ
Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh
Thịnh. Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền
làm suy yếu nhà Tây Sơn. |
Quân
Nguyễn đánh phá Quy Nhơn rồi rút về. |
1793
Quý
Sữu |
Quân
Tây Sơn bỏ Bình Thuận , Diên Khánh rút
về
Phú Yên. Bắt đầu quá trình suy sụp của Triều
Tây Sơn. |
Quân
chúa Nguyễn đánh phá Quy Nhơn, lấy lại Bình
Thuận, Diên
Khánh ( Khánh Hoà). Tướng Tây Sơn Lê
Chất theo về chúa Nguyễn. |
1794
Giáp
Dần |
Tây Sơn
vây Diên Khánh nhưng thất bại. Võ văn
Dũng đem quân từ Phú Xuân về giết Thái sư
Bùi Đắc Tuyên và Đô đốc Ngô Văn Sở. |
Võ
Tánh giữ vững Diên Khánh. Ranh giới tạm thời:từ Diên Khánh trở vào thuộc
chúa Nguyễn. |
1798
Mậu
Ngọ |
Quân
Cảnh Thịnh vào giải vây thành Quy Nhơn sau
đó chiếm lấy luôn đất. Nguyễn Nhạc uất chết. |
Quân
Nguyễn vây thành Quy Nhơn. |
1799
Kỷ
Mùi |
|
Tháng
2, quân Nguyễn chiếm Phú Yên. Tháng 3
quân
Nguyễn chiếm thành Quy Nhơn. Đổi tên là
thành Bình Định. |
1800
Canh
Thân |
Thánh
giêng,quân Tây Sơn vây thành Bình
Định |
|
1801
Tân
Dậu |
Ngày
27 tháng 5, quân Tây Sơn chiếm lại thành
Bình Định. Tất cả tướng sĩ quân Nguyễn bại trận, Trần
Quang Diệu đều tha không
giết. Kinh đô Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh Thịnh chạy
ra Bắc. |
Ngày 3
tháng 5, chúa Nguyễn vào Phú Xuân.
Tháng
5, thành Bình Định thất thủ, Võ Tánh
và Ngô Tùng Châu tuẫn tiết. |
1802
Nhâm
Tuất |
Tháng
1, quân Tây Sơn thua trận Đầu Mâu-Nhật Lệ (Quảng
Bình), Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng bỏ thành
Bình Định chạy ra Bắc, sau đó
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân bị bắt ở Nghệ An. Võ
Văn Dũng bị bắt ở Thanh
Hoá. Tháng 7, vua Cảnh Thịnh (Bửu Hưng) bị bắt ở Sơn
Tây, chấm dứt triều Tây Sơn. |
Vua Gia Long
lên ngôi tại Phú Xuân tháng 5 năm
1802. Sau đó tiến quân ra Bắc, lần lượt đánh bại
quân Tây Sơn, vào thành Thăng
Long cuối tháng 6. Hành hình vua tôi
Tây Sơn tại Phú Xuân. |
9. Bài đọc thêm 1: Quân số nhà Thanh
sang xâm lăng nước ta là bao nhiêu?
Hoàng Lê Nhất Thống Chí có chép lại
“8 điều quân luật” và bài hịch của Tôn Sĩ
Nghị rằng quân số là 50 vạn ( tức 500.000 người). Thực ra
đây chỉ là con số khoa trương không sát với
thực tế.
“Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” và “Nguyễn Thị
Tây Sơn ký” chép số quân là 20 vạn
nhưng không phân biệt lính, dân phu,
quân nghĩa dõng.
“Chiếu phát phối hàng binh,binh nội địa” của vua Quang
Trung, do Ngô Thời Nhiệm chấp bút ngay sau chiến thắng
thì ghi là 29 vạn. Nhưng cũng không chính
xác.
Theo “Đại Thanh thực lục”, số quân Lưỡng Quảng là 1 vạn,
quân Vân Quý là 8.000 người. Như vậy,số
quân Điền Châu bỏ đi đâu?, nếu căn cứ theo bài
hịch của Tôn Sĩ Nghị, cứ 1 lính được cấp 1 phu thì
số dân phu phải là thêm 2 vạn nữa. Cộng
thêm số quân nghĩa dõng ( thực chất là bọn
thổ phỉ người Hán, ăn theo quân Thanh để cướp bóc
dân ta) là 1 vạn nữa thì quân số đã
là 5 vạn rồi. Đây cũng là suy đoán mà
thôi.
Hồi ký của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la
Bissachère ( 1764-1830) xuất bản tại Pháp năm 1812 cho
biết quân Thanh sang đánh nước ta khoảng 40 ngàn
người, bị giết mất khoảng phân nữa tức 20 ngàn người.
Giáo sĩ trên đến Thăng Long chỉ sau 1 năm xảy ra trận
đánh nên có thể lượng định được nhiều tin tức hơn.
“Càn Long chinh vũ An nam ký” của Ngụy Nguyên đời
Thanh cũng chép số quân Thanh là 18.000
người, nhưng chưa kể số dân phu, thổ binh và quân
nghĩa dũng.
Theo các nhà nghiên cứu Tạ Trí Đại Trường,
Phan Huy Lê, Hồ Bạch Thảo, và Trần Gia Phụng, sử
nhà Thanh ghi chép con số thấp đi để che giấu thiệt hại,
chứ chỉ nhìn con số võ quan cao cấp dưới trướng Tôn
Sĩ Nghị thì không thể nói là đạo quân
này chỉ có vài ngàn được, và trận
chiến thu hút sự quan tâm của vua Càn Long đến nỗi
vài ngày lại ra một chỉ dụ.
Cũng theo giáo sư Trần Gia Phụng, trước đó để chinh phạt
một bộ tộc nổi loạn ở phía Tây chỉ có 150
ngàn người mà nhà Thanh huy động đến 8 vạn
quân. Như vậy số quân đánh Đại Việt phải cao hơn con
số 8 vạn quân. Do đó, theo ông con số tạm tin được
tối thiểu là 4 vạn lính, 4 vạn dân phu.
10. Bài đọc thêm 2 : Hậu vận một số nhân vật triều
Tây Sơn :
Sự tích Ông Vò:
Từ sau năm 1802, đầu lâu của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và
Quang Toản bị giam ở nhà Đồ Ngoại, tức Võ Khố sau
này. Từ 1822, các vò bị giam vào
khám đường ở phía tây bắc kinh thành Huế,
khoảng giữa cửa chính tây và An Hoà. Ba
chiếc vò bị xiềng và giam riêng, ngăn cách
nhau, ngoài có niêm phong, hàng tháng
có quan triều xuống kiểm tra. Ba chiếc vò được tù
nhân tôn kính gọi là “ông Vò”,
còn những người gác ngục gọi là “chúa
Ngụy”. Năm 1885, biến cố kinh thành Huế xảy ra, ba chiếc
vò mất tích kể từ đó.
Nữ hổ tướng Bùi Thị Xuân:
Bà người làng Xuân Hoà , gần thị trấn
Phú Phong huyện Tây Sơn ngày nay. Dưới triều
Thái Đức ( Nguyễn Nhạc), đội nữ binh của Bà phát
triển lên tới 2.000 người và 100 thớt voi. Chồng là
dũng tướng Trần Quang Diệu, theo anh em Nguyễn Tây Sơn ngay
từ những ngày đầu khởi nghĩa. Tháng giêng năm
Nhâm Tuất (1802), Bà thất trận Nhật Lệ ( Quảng
Bình), chạy lui về Nghệ An và bị bắt cùng chồng.
Tháng 7 năm đó, Bà cùng chồng và
con bị hành hình tại Huế. Cái chết của
Bà đã làm cho dân kinh thành
và giáo sĩ phương Tây kinh ngạc và
khâm phục. Chứng kiến cảnh chồng bị hành hình (
tùng xẻo) và con ( lăng trì), Bà vẫn
không một lần cúi đầu. Tiếng thét xé
lòng “mẹ ơi cứu con” của đứa trẻ 15 tuổi làm rúng
động bao trái tim sắt đá, Bà vẫn hét con
dũng cảm lên. Theo truyền thuyết, con voi có nhiệm vụ cuốn
tội nhân quăng lên cao và giày đạp dưới
chân đã nhận ra chủ cũ, không nghe lời quản tượng
và thối lui. Cũng có thuyết nói bà chịu
hình phạt “điểm thiên đăng” (dùng vải nhúng
vào nước nến đun lỏng, quấn vào người tử tù rồi
châm lửa thiêu sống).
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp:
Danh sĩ đất La Sơn-Nghệ An( nay thuộc huyện Can Lộc) xuất thân
trong một gia đình nổi tiếng về tài học vấn và
khoa cử. Tất cả quan chức triều vua Lê chúa Trịnh,
chúa Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long đều trọng vọng
và tôn ngài làm Thầy. Năm 1789, trên
đường ra Bắc Hà chinh phạt quân Thanh, vua Quang Trung
dừng chân tại Nghệ An, có diện kiến cùng
ngài, khi được hỏi về cơ mưu đánh giữ, ngài
đã thưa rằng chỉ trong 10 ngày giặcThanh sẽ bị dẹp tan.
Năm Tân Dậu 1801, Cảnh Thịnh vời ngài ra Phú
Xuân để tham vấn việc nước,n hưng cũng không nghe theo kế
của ngài. Tháng 5 năm đó, chúa Nguyễn lấy
lại thành Phú Xuân đuổi vua Cảnh Thịnh chạy ra
Thăng Long. Khi gặp chúa Nguyễn, La Sơn Phu Tử vẫn điềm
nhiên không chút sợ sệt. Hỏi: Bọn Tây Sơn thờ
tiên sinh làm thầy, vậy tiên sinh đã dạy cho
chúng những gì? Đáp: Tôi vẽ cho 8 điều trong
sách Đại Học và chín kinh trong sách Trung
Dung, theo được thì làm, không theo được thì
thôi (trích gia phả họ Nguyễn ở Mật thôn). Đổi giận
làm vui, chúa Nguyễn đãi ngài làm
thượng khách và đưa ngài về Nghệ An, khi ấy
hãy còn là vùng đất do Tây Sơn kiểm
soát. Trước khi ngài về, Nguyễn Vương có mấy lời
đưa tiễn: ”Tiên sinh đức cao vọng trọng, mong sao khi về
núi rồi, đào tạo cho thật nhiều nhân tài ra
giúp bản triều, cho khỏi phụ lòng trẫm tôn
lão kính hiền”. Khi ngài trở về quê
nhà , Tổng trấn Nghệ An Nguyễn Văn Thận tỏ ý nghi ngờ
hành trạng làm ngài nổi giận. Tháng 8 năm
Tân Dậu, vua Cảnh Thịnh đưa quân bốn trấn Bắc Hà
vào đánh Quảng Bình. Qua Nghệ An, vua vời
ngài ra bàn việc nước. Ngài tâu: "Xưa kia hễ
nước mất thì vua chết theo xã tắc. Nếu có
tài của ông Câu Tiễn thì mới mong xoay
chuyển…" Mùa Đông năm Quý Hợi 1803, ngài mất
tại quê nhà , huởng thọ 81 tuổi.
Ngô Thời Nhậm: Ông
sinh năm 1746, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì
–Hà Đông. Đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi ( 1775), năm 1780
khi ông đang làm Đốc Đồng trấn Kinh Bắc thì
âm mưu tạo phản của thế tử Trịnh Tông vỡ lở. Theo
Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính
Ngô Thời Nhậm cũng có dự vào việc phát
giác âm mưu ấy nên được thăng Hữu thị lang Bộ
công ( như thứ trưởng bây giờ). Ngô Thời Sĩ ( cha
Ngô Thời Nhậm) cố sức can không được đã uống thuốc
tự vận. Sau xảy ra loạn kiêu binh, Trịnh Tông được
phò lập lên ngôi chúa, Ngô Thời Nhậm bị
thất sũng. Năm 1788, Ngô Thời Nhậm là một trong
những cựu thần triều Lê đầu tiên ra cộng tác với
Tây Sơn, rất được vua Quang Trung coi trọng. Chính
ông là người đã hiến kế cho tướng Tây Sơn
Ngô Văn Sở lui quân về Tam Điệp. Sau chiến thắng, ông
được cử làm Thượng thư Bộ Binh ( Bộ trưởng Quốc Phòng),
làm chánh sứ sang nhà Thanh. Nhà Tây
Sơn bị diệt, ông bị Đặng Trần Thường lôi ra Văn Miếu
đánh đòn. Tuổi cao sức yếu,mấy ngày sau thì
ông qua đời.
Phan Huy Ích: Người
huyện Thiên Lộc ( nay là Thạch Hà) Hà Tĩnh.
Nổi tiếng văn chương thi phú, đổ tam trường năm 26 tuổi. Đường
hoạn lộ phải dứt khi Ích bị Nguyễn Hữu Chỉnh bắt được và
giam lỏng trong quân. Năm 1788, ra cộng tác với nhà
Tây Sơn, được phong Hầu, chức Tả Thị Lang Bộ Hộ. Sự nghiệp của
ông sáng rực rỡ khi làm công tác ngoại
giao với Thanh triều, sau chiến thắng Kỷ Dậu. Nhà Tây Sơn
sụp đổ, ông bị đưa ra đánh đòn ở Văn Miếu. Trước
đó, Lê Chiêu Thống cũng sai người đục bỏ tên
ông ở bia Tiến Sĩ đặt tại Văn Miếu. Sau đó, ông về
Nghệ An mở trường dạy học. Thời gian này ông hoàn
thành bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn.
Ông mất ngày 20 tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1822),
thọ 72 tuổi.
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức
Vân-Kiều Thu Hoạch- NXB Văn Học 2006
Các ngôi sao Tây Sơn- Nguyễn Xuân Nhân-
NXB Văn Nghệ TP HCM 2001
Việt Sử giai thoại- Nguyễn Khắc Thuần- NXB Giáo Dục 2002
Bách khoa toàn thư-Wikipedia- Nguyễn Huệ- Trận Ngọc Hồi
-Đống Đa