CÙ LAO BẠCH
ĐẰNG
HÒANG ANH
Báo chí tuần qua có nhiều bài viết cho biết
Đà Lạt đang nóng dần lên. Còn
lòng dân, không chỉ riêng vì người
Đà Lạt, mà của cả nước thì thực ra đã
nóng từ lâu.
Chỉ có lòng của chính quyền địa phương
thì dường như vẫn còn nguội lạnh.
Đà Lạt có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong số
đó Đồi Cù là nơi để lại ấn tượng cho tôi
nhiều nhất khi lần đầu tiên đặt chân đến đây. Tiếc
rằng vài năm sau khi quay trở lại, Đồi Cù đã bị
vây bọc bởi một hàng rào để ngăn chặn tầm mắt của
du khách, bên trong giờ là sân golf
dành riêng cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền, hầu hết
là người nước ngoài. Mất Đồi Cù, Đà Lạt
đã mất đi phân nữa vẻ đẹp và sự thơ mộng. Tôi
không biết nguồn lợi từ việc cho thuê Đồi Cù để
làm sân golf lớn đến mức nào mà đủ khiến
người ta phải hy sinh nó, tước đi một cảnh đẹp mà những
người Việt từ nơi xa xôi cố công lặn lội đến đây
không còn được quyền nhìn ngắm nữa. Mỉa may
và chua xót thay khi về sau, qua báo chí,
tôi được biết sân golf làm ăn không hiệu quả,
nghĩa là nó chẳng đóng góp vì
đáng kể cho thành phố cũng như đời sống của người
dân nơi đây. Lý giải cho chuyện này, đại diện
chính quyền thành phố cho rằng cần phải có một tổ
hợp các khu vui chơi thì mới đáp ứng được nhu cầu
của khách quốc tế, và như vậy để cứu sân golf Đồi
Cù, người ta sẽ xây dựng tiếp thêm nhiều khu vui
chơi nữa, cũng có nghĩa là nhiều rừng thông nữa
phải chấp nhận hy sinh. Khu vực hồ Tuyền Lâm được nhắm đến trước
tiên với trên sáu chục mẫu rừng thông sẽ bị
san bằng. Chỉ nghe nói đến đó thôi tôi
đã nghe rụng rời, lo lắng cho tương lai của Đà Lạt,
thành phố của tình yêu, của mơ và mộng.
Không chỉ dừng lại ở đấy. Những năm qua, báo chí
và công luận không ngừng lên tiếng về sự xuống
cấp của Đà Lạt. Hàng trăm ngôi biệt thự nguy nga bị
bỏ hoang hay chiếm dụng làm nơi cư ngụ của nhiều gia
đình, nơi để họ treo những dây quần áo nhếch
nhác. Thác Cam Ly cạn nước và bốc mùi
hôi thối, hồ Than Thở được khai thác như một khu vui chơi
náo nhiệt, làm mất đi vẻ đẹp đượm nét u buồn
và lãng mạn, điều đã làm cho nó được
yêu mến trước đây. Bây giờ đến lượt Thung Lũng
Tình Yêu, địa điểm tham quan đẹp nhất Đà Lạt đang
bị tàn phá nghiêm trọng và, nếu như
báo chí không lên tiếng, biết đâu
nó sẽ chẳng bị xoá sổ trong nay mai.
Tác giả Ngô Mai, trên báo Thanh Niên
tuần qua (14-04-07 ) đã bức xúc cất lên câu
hỏi: “Chính quyền đi đâu?”. Đà Lạt là
thành phố cao nguyên đẹp nhất nước, thế nên
Đà Lạt được yêu mến, lo lắng không phải chỉ bởi
những người dân Đà Lạt mà còn của rất nhiều
người dân ở khắp nơi trong nước, những người đã từng biết
và yêu Đà Lạt. Mọi người đều muốn biết :
“Chính quyền đang đi đâu, ở đâu?”
Thông qua báo chí, từ chuyện của Thung Lũng
Tình Yêu, tôi liên tưởng đến nhiều vụ việc
khác. Buôn Mê Thuộc, thành phố nổi tiếng về
voi cũng đang đối diện nguy cơ không còn voi, khi
mà ở một vài huyện bây giờ chỉ còn một hai
con voi sống sót. Tôi nhớ đến đồi Vọng Cảnh ở Huế một dạo
làm dư luận xôn xao, đến cáp treo ở vùng
biển Nha Trang thuộc vào hàng đẹp nhất thế giới gần
đây. Và cũng nhớ đến Bình Dương quê tôi
nữa.
Ven sông rạch ở miền Nam thường là đất bùn đen, thế
nhưng ven con sông của cù lao Bạch Đằng, huyện
Tân Uyên lại có một bãi cát trắng trải
dài rất xinh đẹp, cư dân địa phương tự bao đời đã
ra đây tắm mát, đùa vui. Nằm phơi nắng trên
mặt cát trắng, không khác chi đang nằm
trên một bãi biển nổi tiếng nào đó mà
lại thú vị hơn nhiều vì vẻ hiền hoà và
mát mẻ của dòng sông. Bãi cát ven
sông này có thể nói là độc đáo
và đẹp nhất của miền Nam vì tôi đã đi nhiều
nơi nhưng chưa từng thấy hay nghe nói ở đâu
có một bãi cát thứ hai nào độc đáo
như thế. Đây là một công trình bồi đắp của
thiên nhiên có thể trãi qua cả hàng
nghìn năm mới tạo thành. Thế rồi xảy ra nạn khai
thác cát trên sông, dân chúng
hai bên bờ vội vàng lên tiếng báo động
vì những nguy cơ xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời
sống của họ. Dân kêu thì cứ mặc sức kêu, kẻ
khai thác cát thì cứ thản nhiên khai
thác cả ngày và đêm. Những lời cảnh
báo dần dà biến thành tiếng gào thét
kêu cứu, chính quyền thì luôn có đủ
lý do và lý lẽ để giải thích. Lời
phát biểu của các vị quan chức lúc nào nghe
cũng rất hùng hồn và hữu lý. Chỉ tiếc rằng
bây giờ thì bãi cát đã biến mất, mất
vĩnh viễn không thể nào khôi phục lại được. Một
tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng
cho người dân địa phương, con cháu của thế hệ những người
Việt đầu tiên đi khai hoang mở cõi đã bị hủy hoại
một cách không thương tiếc. Biết nói thế nào
đây về sự bất lực, bất động và vô trách nhiệm
của những người được gọi là chính quyền đia phương?
Thắng cảnh nổi tiếng khác của một tỉnh vốn ít cảnh đẹp
như Bình Dương là vườn cây trái Lái
Thiêu, nơi mà các nhà văn nhà thơ nổi
tiếng như Nguyễn Hiến Lê và Bùi Giáng…
không tiếc lời ca tụng. Trước nạn ô nhiễm môi trường
của dòng sông Sài Gòn, nơi đang chứa đựng
bao nhiêu là nước thải hoá chất của các
nhà máy, vườn trái cây đang chết hàng
loạt, hoặc không còn đơm hoa kết trái được nữa. Lời
cảnh báo đã được nêu lên khá nhiều,
nhưng chính quyền thì cũng chưa thấy có động
thái gì, hình như người ta vẫn đang tiếp tục hội
họp, nghiên cứu, và sẽ còn nghiên cứu thật
cẩn thận nữa để tìm cho ra biện pháp.Và viễn tượng
về việc biến mất của vườn trái cây đẹp nhất Nam Kỳ Lục
tỉnh chắc là cũng không còn bao xa. Tôi chợt
nghĩ rằng có lẽ một ngày mai nào đó tại
vùng đất ấy người ta sẽ xây lên một tượng đài
tưởng niệm, trên đó có ghi dòng chữ “ “Nơi
đây ngày xưa có một vườn trái
cây rất là đẹp và nổi tiếng”.
Công viên thị xã cũng là một vùng
cây xanh khác, thế nhưng không biết vì sao cả
héc ta đất của công viên lại trở thành đất
của tư nhân và hiện nay mỗi ngày xe cộ đang tấp nập
đổ đất cát để chuẩn bị xây dựng một công
trình bê tông mới. Nếu nói công
viên là lá phổi của đô thị thì
lá phổi ấy đang bị người ta cắt xén đi. Mai đây,
với một lá phổi tật nguyền như thế, e rằng đô thị chắc sẽ
không còn thở nữa mà có khi chỉ thoi
thóp thôi.
Ai có dịp đi tham quan nước ngoài về đều có nhận
xét rằng ở ngoại quốc, nhất là Thái Lan, họ biết
cách biến cái không thành có.
Còn ở xứ ta, dường như chúng ta đang biến cái
có thành không. Thiên nhiên đã
hào phóng ban tặng cho dân tộc chúng ta biết
bao nhiêu là cảnh đẹp mà không phải quốc gia
nào cũng có đựơc. Thế nhưng chúng ta đã
và đang làm gì với những tài sản vô
giá ấy? Chúng ta đang làm gì với
hàng trăm ngàn hécta rừng nay đã biến
thành đồi trọc, bao nhiêu dòng sông đang cạn
kiệt, bao nhiêu loài thú quý hiếm ở rất gần
nguy cơ tuyệt chủng?
Khí hậu Đà Lạt đang nóng dần lên, còn
lòng của người dân Đà Lạt, của những người
yêu mến Đà Lạt thì từ lâu đã trở
thành cơn sốt. Công luận và báo chí
đã không ngừng lên tiếng, không ngừng
kêu gọi với tất cả sự lo âu, hoảng hốt, không phải
chỉ với Thung Lũng Tình Yêu, với Đà Lạt, mà
còn là với bao nhiêu di sản và thắng cảnh
khác trên đất nước này. Sao chánh quyền
các nơi thì cứ nguội lạnh, dửng dưng! Sao mà
quí vị lại có thể an nhiên bất động như thế kia
chứ?
Điều mà tất cả dân chúng cần, dĩ nhiên
không phải là những cụôc hội họp, những lời
phát biểu rất hùng biện, là những lời hứa hẹn rất
quen thuộc đến độ nhàm chán, mà, hơn hết,
là làm sao chúng ta có thể giữ gìn,
tôn tạo những vẻ đẹp của quê hương yêu dấu của tất cả
chúng ta, trước khi mọi việc trở nên quá muộn
màng.
Hay nói như Lê Đạt, trên tạp chí Tia
Sáng số 8 (20-04-07): “ Một số V.I.P quan tham đã trở
thành một thứ bất động sản kiểu mới. Họ bất động và
không ai động được tới họ”