Con Sáo Miệt Vườn

 

Về phương nam lắng nghe cung đàn

Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng

Rồi theo sóng Cửu Long nhớ nhung dâng tràn

Chờ thương con sáo bay xa bầy

Sương khói buồn để lại lòng ai...

(Ðiệu Buồn Phương Nam - Vũ Ðức Sao Biển)

 

            Trung tâm Paris By Night trong năm qua có cho phát hành cuốn video ca nhạc mang nhiều sắc thái quê hương, tự tình dân tộc với cái tên "Cây Ða Bến Cũ". Trong cuốn băng này, phần ca nhạc cảnh của bài hát "Người Ðẹp Bình Dương" do cô ca sĩ Hoàng Lan thủ diễn đã khiến cho lòng tui man mác buồn suốt mấy tuần lễ liền. Người ta đã ghi lại nhiều hình ảnh, âm thanh, cảnh sắc thân quen, gợi tình của quê hương tui, từ phần mở đầu với bối cảnh ở ngã tư Hòa Lân nơi cô học trò Hoàng Lan xách cặp táp đến đón chiếc xe ngựa cuối ngày về Lái Thiêu, cảnh lò gốm với những lu khạp chất chồng lên nhau đến mấy lớp dài và cao như những bức tường, cảnh chiếc xe thổ mộ chạy lắc lư, thong thả men theo con đường đất dẫn vào xóm thôn, cho đến cảnh vườn trái cây rợp mát, xum xuê những buồng dâu đầy ắp, trái lủng lẳng, tròn ú, và cả cảnh con rạch, con sông đầy những nhánh lục bình trôi theo con nước lửng lờ như dòng đời miên man, vô định. Nhưng cảnh tượng đã khiến tui xao xuyến nhiều nhất là đoạn phim quay sân trường Trịnh Hoài Ðức với những gốc điệp, gốc phượng già nua, cao lớn, với những khung cửa lớp hun hút, sâu thẳm như ánh mắt người cố nhân nhìn tui tha thiết, buồn rầu. Tui đi vượt biên sớm, chưa từng học qua trường này nhưng ở nơi đó đã ghi khắc lại trong tui kỷ niệm với người con gái xứ vườn tuy quê mùa, chân chất nhưng đáng yêu, đầy cá tính, người mà tui trân trọng đặt cho cái tên "Con Sáo Miệt Vườn". Nơi gốc cây mà Hoàng Lan ngồi hát là nơi mà chúng tui đã ngồi bên nhau trong một chiều xuân vắng lặng, kể cho nhau nghe từng kỷ niệm vui buồn trong đời. Câu chuyện và mối tình của chúng tui là như vầy...

.......................

            Mặc dầu không hề quen biết cô dâu chú rể nhưng tui vẫn nhận lời đi dự một đám cưới nhà quê ở Bình Nhâm, một thôn xã tuy nhỏ bé nhưng được nhiều người biết đến bởi những vườn trái cây đặc sản nổi tiếng của xứ Lái Thiêu, Bình Dương. Tui đi theo lời mời của người chị họ vì chị nói là nếu tới đó tui sẽ được gặp người mà tui mong mỏi bằng xương bằng thịt. Năm đó tui về Việt Nam với một mục đích là để tìm và lấy vợ. Sự kiện tui đã qua tuổi lấy vợ từ lâu mà vẫn còn phòng không chiếc bóng đã khiến cho ba má và gia đình tui sốt ruột, cứ thấp thỏm chờ. Sau khi chứng kiến thảm cảnh tui bị mấy cô gái Việt Nam ở bên Mỹ "đá" chết lên chết xuống tới mấy lần, ông bà mới an ủi, khuyên nhủ tui về Việt Nam lấy vợ theo phương châm: "coi con nào vừa mắt thì ưng đại cho rồi!". Bởi những thất bại nặng nề trong tình trường ở bên này nên tui liều lĩnh gật đầu về thăm quê hương dịp cuối năm, một để ăn Tết và hai là việc quan trọng hơn - tìm vợ!

Trong vòng hai tuần lễ đầu tiên, hai chị của tui dắt tui đi "quảng cáo" khắp nơi để tui coi mắt những cô gái ở địa phương mà hai chị cho là "coi được". Sau mỗi lần về đến nhà, những cô này được đem ra làm đề tài tranh cải, biểu quyết. Tui có để ý thấy một vài cô gái coi cũng ngộ gái, nói năng có duyên, hiền lành nhưng bởi vì có quá nhiều ý kiến, kẻ nói ra, người nói vào và cũng có thể vì họ chê tui hơi già hay sao đó mà rốt cuộc hai tuần lễ trôi qua mà công cuộc tìm vợ của tui vẫn không đi tới đâu. Mấy ngày sau đó, sau suốt hai tuần "hành quân", ai nấy cũng đều thấm mệt nên tạm hoãn chiến dịch tìm vợ của tui lại một bên, lo sửa soạn ăn Tết vì lúc đó đã là rằm tháng chạp rồi. Mấy ngày nầy hai chị tui lo làm ăn, sổ sách cuối năm nên tui thong dong ở nhà không làm gì, đi lên đi xuống, buồn thì mở tivi coi một mình. Hôm đó, trong bữa ăn tối, tui bất thần tuyên bố:

            _ Em đã kiếm được người vừa mắt rồi!

Hai chị tui có vẻ sửng sốt:

            _ Cưng thấy họ hồi nào, ở đâu, con cái nhà ai vậy?

Tui tỉnh bơ:

            _ Em thấy cổ ở trong tivi, lúc chương trình...

Chị Tư ngắt ngang lời tui:

_ Rồi, vậy là mấy cô hoa hậu, người mẫu gì rồi. Thôi cưng ơi, họ làm cao lắm, cở mình với không có tới đâu. Mà nè, cô đó tên gì vậy em, Thủy Tiên, Hiền Mai, hay Thu Thảo?

Tui phì cười:

_ Ðâu có phải hoa hậu, người mẫu gì đâu chị Tư! Em thấy cổ ở trong chương trình nông nghiệp đài Bình Dương chiếu hồi trưa này.

Chị Hai tui không kém lo lắng, tò mò:

_ Vậy hổng lẽ em thấy mấy cô cấy lúa, nuôi heo, nuôi gà, chăn vịt?

            _ Thì cũng gần gần giống như vậy đó chị...

Chị Tư hoàn toàn hết kiên nhẫn:

_ Ðâu em nói đại ra cho rồi. "Gần gần giống" là làm sao? Sao mà khó hiểu quá vậy?

Ðến đây tui mới từ tốn, trịnh trọng:

_ Cô này là bác sĩ thú y, lúc trưa phụ trách phần hỏi đáp những câu hỏi về chăn nuôi, chuồng trại, dinh dưỡng cho gia súc. Cổ tên Võ Thị Ngọc Trâm, thuộc trạm khuyến nông số V, tỉnh Bình Dương. Quê quán ở đâu, con cái nhà ai thì em không biết...

Chị Hai tui âu lo:

_ Sao mà chị thấy cái "chiện" này có vẻ ly kỳ, tình tiết giống như truyện tiểu thuyết quá. Người ta ở ngoài em thấy còn lo chưa được, nói chi hình bóng ở trong tivi. Em làm sao biết được tính tình người ta, hoàn cảnh ra sao, lỡ họ có chồng, có bồ rồi thì sao? Còn nữa, cổ ở trong tivi, làm sao em quen được bây giờ?

Chị Tư tui lên tiếng đỡ lời và cũng hỏi luôn:

_ Vấn đề này thì dễ thôi, chị Hai. Mình có thể điện lên trạm khuyến nông xin gặp. Ừ mà con nhỏ đó mặt mũi ra sao vậy em?

Tui ngước nhìn đồng hồ, trả lời:

_ Dường như lát nữa người ta sẽ chiếu lại chương trình đó lúc 7:25. Hai chị muốn biết thì coi tivi với em.

Sau khi coi mắt cô Trâm trên tivi xong và có vẻ hài lòng với hình ảnh, giọng nói thì hai chị tui mới mời người chị họ tên Ðiệp tới làm cố vấn, quân sư bởi lẽ chị này có biệt danh là "Ðiệp viên" hay "Năm Thời Sự" vì chuyện gì chị cũng biết. Sau một ngày đi thị sát, hỏi thăm tình hình xong xuôi, chị về tuyên bố:

_ Con nhỏ đó mới có 25 tuổi, còn độc thân, chưa có chồng, nhà ở trên Búng. Em muốn gặp nó thì thứ bảy này đi đám cưới ở Bình Nhâm với chị. Ðám cưới này của người quen với chị. Cô bác sĩ Trâm đó cũng có đi dự nữa.

Và sự việc đã diễn ra đúng như lòng tui mong mỏi. Ở đám cưới mà tui không hề quen biết cô dâu chú rể là ai đó tui đã gặp được "bà bác sĩ thú y" mà tui hằng hâm mộ để từ đó mở ra một câu chuyện tình dễ thương, đáng nhớ...

 

_ Cái ông Việt Kiều lì lợm này, tui đã nói hết những "chiện" ghê gớm của tui rồi, ông hông sợ hay sao mà giờ cũng còn tới đây kiếm tui?

Trâm vừa nói vừa quày quã đi ra vườn. Ði tới ngang con mương, nàng không chịu bước qua cây cầu làm bằng mấy nhánh cây cở bự bằng cổ tay người lớn mà trở lui lấy đà phóng qua một cái rột. Tui vừa mới dợm bước theo thì có tiếng ngoại nàng cằn nhằn nhắc nhở:

_ Con gái hai mươi mấy tuổi rồi đi đứng cho nhẹ nhàng, lịch thiệp lại một chút đi con. Cứ ào ào như vậy làm sao ai dám lấy?

Tui cũng men ra vườn. Tới chừng tui đến đứng kế bên cây mít tố nữ nơi Trâm đang đứng thì nàng lên tiếng:

            _ Ngoại mới nói gì em vậy?

_ Ngoại kêu em nên dịu dàng lại một tí xíu để không hổng ai dám lấy...

_ Ngoại em là vậy đó, cứ lo cho em hoài, cứ la rầy em hoài hà. Không ai thèm lấy thì "phẻ" chứ sao. Lấy chồng có gì là sung sướng đâu. Cứ sống như vầy hổng hay sao, ban ngày đi làm, đi chợ, thăm bạn bè, tối về nhà ăn cơm, coi "ti-di" với cả nhà rồi vô buồng ngủ với ngoại. Ngủ với ngoại sướng lắm, khỏi phải giăng mùng. Mấy bữa trời nóng, ngoại còn lấy quạt quạt cho em nữa.

_ Vậy mà em cũng khoe. Em đáng lẽ phải giăng mùng, phải quạt cho ngoại chứ. Ngoại đã già rồi, đã lo cho mẹ em, chị em, rồi tới em biết bao nhiêu năm rồi.

_ Anh hổng biết nên mới nói vậy chứ. Có lúc nào ngoại để em làm đâu, cứ dành làm hết trơn, lo cho em như lúc em còn con nít vậy. Mà anh phải biết tánh em, cứ ngồi coi "ti-di" một hồi là buồn ngủ, mắt mở hết muốn lên, cà khật cà khựa đi vô buồng, làm sao giăng mùng nổi nữa.

Tui ngước nhìn Trâm đăm đăm, để ý tới cái miệng có duyên trên gương mặt thanh tú, nói năng với giọng tỉnh ruội mà tức cười. Thấy tui nhìn nàng chăm chú, miệng chúm chím cười, Trâm hơi mắc cở, ngó qua chổ khác:

_ Ông làm cái giống gì mà ngó người ta dữ vậy? Nhắc lại cho ông nhớ, tui tuổi con cọp đó nghen. Chọc tui nổi sùng tui cào rách thịt cho coi!

Tuổi Dần là nhắc lại một kỷ niệm buồn của Trâm mà nàng vẫn nói tỉnh bơ như không có gì. Hai năm về trước, người ta đã từ chối đi hỏi cưới nàng cho con trai mình vì kỵ con gái tuổi này. Sau lần gặp gỡ ở tiệc cưới năm ngoái, tui bắt đầu viết thư cho nàng sau khi về lại Mỹ. Lúc đầu Trâm chỉ cho tui địa chỉ và số điện thoại ở cơ quan vì không mấy tin tưởng ở tui, một trong những anh chàng mang lốt Việt Kiều mà nàng vốn mang thành kiến khá nặng nề vì cho rằng họ phần nhiều hơi khoác lác, lố lăng trong tư cách và cách cư xử. Những lá thư tiếp theo đó của tui cùng những lời "trần tình" mới khiến cho nàng từ từ thay đổi ý nghĩ lúc ban đầu về tui. Sau đó nàng mới chịu cho tui biết số điện thoại và địa chỉ ở nhà. Rồi thư từ giữa chúng tui bắt đầu qua lại. Nàng kể cho tui nghe những kỷ niệm tuổi thơ, lớn lên trên quê làng nghèo khổ với những bữa cơm độn khoai, bắp, bo bo như thế nào. Thời thơ ấu của nàng đầu trần, chân đất, men theo những dấu chân bò ra những gò cát nóng bỏng chơi trò u hấp, đánh trỏng, chơi cờ ông quan, bán quán, đá banh, và có lúc hết những trò chơi thông thường thì chia phe ra đánh lộn!

Anh biết hôn, hồi còn nhỏ em đen thùi lùi, xấu ình à. Tới chừng lớn lên ngoại bắt ở nhà, kêu em sửa soạn lại cách ăn mặc, trau chuốt, ăn nói lại đàng hoàng nên bây giờ mới được trắng trẻo, đầy đặn như vầy. Nhắc tới ngoại là ở trong đầu em hiện ra rõ ràng bao nhiêu hình ảnh của những ngày còn nhỏ xíu ngoại ru em giấc ngủ trưa bằng chiếc võng may bằng vải thô, miệng ầu ơ những câu hò, điệu lý hay mấy câu vọng cổ. Lúc đó ngoại còn hay đồng đồng em trên vai ra đình làng coi hát cải lương Minh Vương, Minh Phụng. Anh biết hôn, nhiều người thường hay hiểu lầm chử "cổ" trong hai từ "vọng cổ". "Cổ" ở đây có nghĩa là tiếng trống, chứ không phải chỉ sự cổ xưa, quá khứ. "Vọng cổ" ở đây chỉ sự hoài mong, trông đợi tiếng trống như hình ảnh người vợ trông chờ tiếng trống thúc quân trở về của chồng. Vì vậy mà mới có từ "Dạ Cổ Hoài Lang". Mỗi dịp gần Tết ngoại trồng bông vạn thọ để bán. Lúc gánh ra chợ em cũng đòi đi theo nhưng ngoại không cho, nói con gái mà đi bán bông sẽ mất duyên. Ngoại chắt chiu từng trái mận, mấy bó rau, mấy xấp trầu, nải chuối, trái thơm đem ra chợ bán để nuôi mẹ em, rồi chị em của em khôn lớn. Ngay tới cả bây giờ, có khi chỉ có mấy bó tàu cao, vài rổ khoai mà ngoại cũng đòi chị em của em chở ngoại ra chợ bán. Nếu em không chịu, đòi mua lại thì ngoại cũng lấy số tiền đó mua đồ ăn cho em, cho cả nhà. Cả đời ngoại, từ lúc lấy chồng về làm dâu năm 17 tuổi cho đến giờ ngoại cứ âm thầm làm lụng, hi sinh cho chồng, cho con, cho cháu. Hồi năm ngoái, sau hơn 40 năm đi tập kết rồi biệt dạng, đột ngột ông ngoại trở về còn dắt theo một bà còn trẻ măng, đâu cở chừng bằng tuổi mẹ em là cùng. Về chưa được một buổi, ông lại bỏ đi không lời từ biệt với ngoại. Ðêm đó em thấy ngoại nằm ngủ mà thở dài, ứa nước mắt. Em biết lòng ngoại đương dậy sóng sau bao nhiêu năm dài cắn răng, nhịn nhục. Lúc đó em ôm ngoại vô lòng nói ngoại đừng có buồn, có con mà, con sẽ hông thèm lấy chồng, hổng đi đâu hết, tối ngủ với ngoại nha! Nghe em nói vậy, ngoại hổng chịu, nói con gái lớn lên phải có chồng để sau này về già có nơi nương tựa, có người bầu bạn, đỡ đần, chia sẻ hạnh phúc cũng như hoạn noạn. Em tính cải lại, nói chứ sao ngoại cũng có chồng mà ngoại cũng khổ, cũng chỉ lủi thủi có một mình nhưng kịp ngăn lại vì sợ đụng đến nỗi buồn của đời ngoại. Thôi, em không kể những chuyện buồn này nữa... Mai mốt anh về lại thăm quê mời anh tới nhà em chơi. Từ chợ Búng vô nhà đâu chừng hai cây số mà thôi. Nhà em phía sau là vườn trái cây trồng măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít. Phía trước là cánh đồng lúa rộng bao la của những người ở gần bên. Anh biết hôn, mùa lúa chín, cả biển lúa vàng rực, uốn éo, vặn mình mỗi bận con gió tháng chạp cuối năm thổi về lành lạnh. Chiều chiều, từng đàn chim én ở đâu bay về chao lượn đen cả một góc trời. Sau nầy, phần lớn cánh đồng tuổi thơ vàng son đó của em không còn nữa. Làm lúa cực khổ quá, không có lời nhiều nên người ta phá ruộng, làm vườn cây ăn trái. Những con chim én đem mùa xuân về xưa kia cũng tự nhiên bay đi đâu mất. Mùa xuân sau này dường như đến trong âm thầm, lặng lẽ hơn. Cây măng lão cao bự nhất nằm ở giữa vườn hồi đó là phương tiện duy nhất để chị em của em tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mỗi lần nghe tiếng máy bay trực thăng, chị Ba với em hay chạy ra vườn leo tuốt lên nhánh cao nhất của cây măng này mà reo hò, vẫy tay, tưởng chừng như người ta trông thấy mình. Tới chừng hai chị em leo xuống thì mặt mài hớn hở y như vừa mới lập được kỳ công gì vĩ đại lắm! Ở trên cao đó em còn trông thấy nóc nhà thờ Búng nhọn nhọn, nằm xa xa. Tuổi thơ của em êm đềm, bình thản, vô tư như vậy đó. Vậy mà em yêu quí nó biết chừng nào. Trong cuộc sống em không tham vọng, đòi hỏi gì nhiều. Em không thích thay đổi, chấp nhận hạnh phúc từ những gì mình có và cố vun bồi, chăm sóc cho nó. Còn nữa, em khỏi nói chắc anh cũng biết rồi, em là con gái nhà quê, ngoài đi làm, đi học ra không biết gì nhiều. Anh thấy em có "hai lúa" lắm không?

Ðọc những lời lẽ thiết tha này tui biết cô con gái bề ngoài có vẻ dữ dằn, ươn ngạnh, khó chịu này thiệt ra có một tâm hồn thiệt đơn giản, yếu mềm, nhiều tình cảm. Nàng tỏ ra cứng cỏi mà thực sự thì lại ủy mị, mềm lòng. Nàng tỏ vẻ vô tình, thờ ơ mà thực ra lại dạt dào tình thương. Nàng nói thấy ghét mà thiệt ra lại rất thích, rất thương.

_ Tui nói rồi, con người tui đầy những xấu xa như vậy đó, sao ông hổng ngán mà còn theo tui làm chi? Tui nói hổng được tui nổi sùng tui oánh à nghen!

           

_ Anh bắt đầu viết truyện ngắn từ hồi nào vậy? Có khi nào có ý định trở thành nhà văn, cây viết chuyên nghiệp hôn?

_ Ðâu hồi anh 19-20 tuổi gì đó. Hồi đó nhớ nhà, lúc đầu chỉ định viết để bày tỏ, phát tiết niềm nhung nhớ quê hương ai dè cứ viết hoài tới bây giờ. Nói thiệt em nghe, anh chỉ viết cho vui, theo kiểu tài tử mà thôi chứ làm gì làm nổi nhà văn này nọ. Anh viết nhiều chổ còn trật vuột lắm. Hồi đó có một nữ đọc giả yêu mến viết thư chỉ cho anh thấy lỗi chính tả khi anh viết "tham sanh quí tử". Dùng chử "quí" là sai, phải viết là "úy" mới đúng. Cô này còn chỉ ra một lỗi sai trật trầm trọng nữa là anh đã cho bông lục bình mang màu vàng! Làm gì có bông lục bình màu vàng! Bông này màu tím nhạt. Anh hơi quê quê nhưng nghĩ lại phải nên cám ơn cổ...

_ Ðọc truyện của anh, văn phong của anh và nghe anh nói chuyện chỉ nhắc nhiều nhất tới hai nhà văn miền nam tiêu biểu, em biết anh chịu ảnh hưởng nhiều của hai nhà văn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam lắm phải không? Nói thẳng anh nghe đừng có tự ái nghen, truyện của anh viết còn thua xa Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Chỉ có điều những nỗi niềm về chốn cố hương anh viết thì đọc tạm được.

_ Em còn nhỏ tuổi như vậy mà cũng biết, có đọc qua Bình Nguyên Lộc với Sơn Nam rồi à?

_ Sơn Nam thì em không được rành, nghe nói ông ta hiện còn sống ở Sài Gòn nhưng Bình Nguyên Lộc thì em có nghe ba em nhắc tới và có đọc qua tập truyện "Cuống Rún Chưa Lìa" trong tủ sách của ba em rồi. Tập truyện này xuất bản trước năm 1975. Nhà văn này quê ở Tân Uyên, đâu có xa đây bao nhiêu, cùng ở trong tỉnh mình mà.

Nghe cũng có người yêu thích, đọc truyện nhà văn mình mến mộ tui huyên thuyên tuôn ra một hơi những mẫu chuyện ý nghĩa cùng những nhân vật, tình tiết. Hai đứa ngồi bàn với nhau những điều tâm đắc trong tập truyện. Truyện "Ma Ném Ðá" có vẻ được chúng tui ưa chuộng. Hai đứa phục sát đất nghĩa cử can đảm của thằng Ngọt dám giả ma chọi đá lên nóc nhà con Hén để xua đuổi hiện thân của cám dỗ xa hoa chốn thị thành, đang sắp sửa cướp đi con Họn bồ nó. Từ ngày con Hén ở trên thành phố về, nhiều đứa con gái đã theo nó ra đi mưu cầu một cuộc sống tân tiến, khá giả và đua chen hơn. Mấy cô này, khi trở lại làng mình "không cô nào còn can đảm lấy những anh nông dân trong làng mà họ đã thấy là cùi đày, lam lũ quá ". Chúng tui nói chuyện tâm đắc quá làm cho tui tưởng tới "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" của Sơn Nam với chú phóng viên nhà báo Chim Trời và người đọc giả tên Trần Văn Có. Hứng chí, tui hát một hơi bài Ðiệu Buồn Phương Nam với những lời lẽ bùi ngùi cho Trâm nghe. Trước khi về, Trâm dắt tui đi một vòng trường Trịnh Hoài Ðức chỉ cho tui coi từng phòng ngày xưa nàng học, chổ nào giờ ra chơi nàng cùng đám học sinh nữ lấy dây thung cột ống quần và vạt áo dài lại để nhảy dây, đá cầu đến nổi cô giáo chủ nhiệm phải kín đáo kêu vô khuyên nên đằm thắm, dịu dàng lại tí xíu... Chiều xuống, hai đứa từ từ tản bộ về nhà trên con đường đất hai bên có trồng hàng cây tràm san sát, kéo dài. Gió cuối năm khiến cho những bông hoa tràm màu vàng, nhỏ li ti bay tơi tả trong không gian, vướng lên mái tóc nàng loà xoà. Tà áo màu hường "hai lúa" của nàng bay thấp thoáng trong điệu bước lắc lư. Thiệt tình trông Trâm dễ thương làm sao! Nàng còn chỉ cho tui nóc nhà thờ Búng nhọn và cao vút lên và sân chơi mà hồi xưa nàng có khi theo đám bạn có đạo ra ngồi nghe các soeur dạy dỗ, bày trò chơi, tập hát thánh ca.

_ Ba mẹ chỉ cho em đi theo chơi vậy thôi chứ không cho em theo đạo gì hết. Ừ nè, đạo Tin Lành anh theo khác với đạo Công Giáo của tụi bạn em ở chổ nào vậy? Em thấy bên nào cũng tin Ðức Chúa Trời, tin Ðức Chúa Giê-xu. Chỉ có điều là dường như anh biết rành, nhắc tới những câu chuyện trong Thánh Kinh nhiều hơn tụi nó. Tụi nó ít khi nào trả lời được những thắc mắc của em, cứ ấm ớ rồi kêu em đi hỏi Cha. Những phép lạ mà Chúa làm anh kể nghe thiệt kỳ diệu quá, từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ em mới nghe lần đầu tiên. Em nào có biết thời xa xưa lúc mới dựng nên trời đất, Ðức Chúa Trời đã có một hệ thống tưới kỳ diệu. Ngài chưa làm cho có mưa nhưng khiến cho hơi nước từ dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất (Sáng Thế Ký 2:6). Một điều rùng rợn khác nữa là Ngài đã đặt gân thịt mọc trên những cốt xương khô nằm ở ngoài đồng, phú hơi thở vào khiến cho đống xương tàn biến thành một đạo quân (Ê-xê-chi-ên 37:1-10). Những sự chữa lành, lời dạy dỗ yêu thương của Chúa Giê-xu có khi nào đám bạn của em kể cho em nghe đâu. Anh biết hôn, em tin ở khả năng vô hạn và tính nhân từ, hiện hữu của Ðấng Tạo Hoá tuy là trước kia em chỉ biết mù mờ nhưng tới bây giờ nghe anh kể em mới biết, mới hiểu. Mai mốt có dịp anh kể thêm cho em nghe nữa nha.

Trâm nói mấy lời này với giọng thành khẩn, trầm hẳn xuống. Thấy nàng hiền hậu, dễ thương quá nên trong một phút bâng quơ tui nói đại:

_ Em thích nghe những chuyện trong Kinh Thánh anh kể lắm hay sao? Ưng anh đi, làm vợ của anh rồi thì mỗi ngày chúng mình có dịp học Kinh Thánh với nhau mà.

Tui đặt vấn đề hơi ẩu và quá đột ngột nên Trâm tay chân quýnh quáng, mặt đỏ hồng:

            _ Ơ... cái vụ này em đâu có biết! Anh hỏi ba mẹ với ngoại em trước đi!

           

Lật bật mà chỉ còn có vài ngày nữa là tới ngày tui phải trở về lại Mỹ. Lời cầu hôn của tui, Trâm có nói lại với ba mẹ và ngoại nàng, ai cũng lộ vẻ vui mừng, để cho nàng tự mình quyết định. Trước ngày cuối cùng Trâm mới cho tui biết quyết định của nàng. Hai đứa trải chiếu ngồi dưới tàng cây măng cụt ở giữa vườn. Không gian ban trưa ở xứ vườn trầm lắng, như ngưng đọng lại. Lâu lâu có tiếng gà trưa eo óc vang lên y như một khúc nhạc sầu, ru ngủ.

_ Anh biết ở trong tập truyện "Cuống Rún Chưa Lìa" của Bình Nguyên Lộc, truyện ngắn nào đã khiến cho em suy nghĩ, tác động tới em nhiều nhất hay không?

_ Có thể là truyện "Ma Ném Ðá", "Bà Mọi Hú" hay là "Con Tám Cù Lần"?

_ Là truyện "Căn Bệnh Bí Mật Của Nàng". Mấy ngày nay trong lúc suy nghĩ nhận lời cầu hôn của anh, em vô tình có đọc lại tập truyện và truyện ngắn đó. Hồi trước kia thì chỉ đọc lướt qua, không suy tưởng gì nhiều, bây giờ sao tự nhiên thấy thấm thía vô cùng. Em thấy thương cho cái ông giáo sư Pháp dạy ở trường Lycée Chasseloup-Laubat sống ở Việt Nam trên ba mươi năm tới chừng về lại Pháp lại bỡ ngỡ nhớ thương hoài mảnh đất, con người nơi đó: "Từ ấy đến nay, trên mười năm rồi, tôi nhớ xứ Việt Nam không nguôi, và ngôn ngữ, giọng nói của bà mà tôi chợt nghe lúc đi qua đây khi nãy, như bỗng đưa lại hương vị xa xôi của cái đất mà tôi không mong trở lại".

Thấy tui hãy còn hoang mang, chưa hiểu hết ý nghĩa nàng muốn nói, Trâm tiếp theo:

_ Em thấy tội nghiệp cho cô gái Việt Nam đó theo chồng về Pháp sống mà cứ ngẩn ngơ nhớ cây chuối, luống rau ở quê nhà: "Vừa trông thấy ao rau muống là nước mắt tôi chảy ròng ròng, nhất là cạnh ao bà phán lại trồng nào là ngò, rau om, rau răm, mà cái mùi của nó ngàn năm chưa dễ đã ai quên". Anh Thi ơi, em nghĩ tới đây chắc anh đã phần nào hiểu ý em muốn nói gì rồi. Em thuộc "những người trung thành đến trọn đời với những chơn trời quen thuộc, nghiện ngập mùi vị, màu sắc, âm thanh của nơi họ sanh trưởng, một vùng quê hay một thành phố nhỏ ". Quen biết anh cho tới giờ này em cũng không dấu diếm làm chi cái cảm tình của mình là em rất thương yêu, quí mến anh, quí cái chơn tình mà anh dành cho đất mẹ, thương cái tính nhơn nghĩa ở trong con người anh. Ở hoàn cảnh của em bây giờ, được anh cầu hôn em còn mơ ước gì hơn. Em là con gái mang tuổi Dần, ở đây có lẽ không ai dám hỏi cưới, và anh lại là Việt Kiều. Ðối với người khác đó là một điều may mắn còn gì bằng. Nhưng anh biết không, đối với em thì đó là cả một sự trăn trở. Ưng anh rồi theo anh về bên đó sống, em nghĩ em sẽ được hạnh phúc nhưng đồng thời em cũng sẽ như nhân vật nữ ở trong truyện ngắn đó vậy. Em cũng sẽ nhớ quê, nhớ căn nhà, khu vườn này, nhớ ba mẹ, hai chị, và đặc biệt là nhớ ngoại có thể đến ủ rủ, hoá điên. Em đã quá quen thuộc, mến thương mảnh đất, con người nơi này, đi xa nó em không đành. Em cũng biết nếu em yêu cầu anh trở về lại sống ở Việt Nam bên em thì đó là một điều rất khó cho anh vì anh sống ở bên đó đã quen, anh còn cơ ngơi, công ăn việc làm và em cũng không mong điều này. Mấy tuần nay có anh ở bên cạnh, em vui biết bao nhiêu nhưng ngày mai này anh đi rồi, không biết khi nào gặp lại, em sẽ buồn biết chừng nào. Nhiều người con trai ở trong xã biết em quen anh đã hát xa xôi, bóng gió: "ai đem con sáo mà sang sông, quên sợi chỉ hồng con sáo vụt bay" hay là: "con chim đa đa nó đậu cành đa, không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa". Họ đâu biết, đâu hiểu hoàn cảnh, tình cảm của riêng em.

Thấy mặt tui buồn thiu, Trâm nói trong rơm rớm nước mắt:

_ Anh Thi ơi, anh về lại tới bên đó phải ráng giữ gìn sức khoẻ, đừng vì em mà buồn. Em tin rằng Chúa của anh sẽ ban cho anh người vợ xứng hợp với lòng anh mong mỏi. Ngày nào anh có vợ thì nhớ báo cho em biết em mừng.

 

Máy bay lên cao chuyển hướng bay khỏi Sài Gòn. Ở trên cao nhìn xuống, xa xa về hướng Bình Dương là màu xanh của ruộng đồng, của vườn cây ăn trái bạt ngàn. Ở khu vườn đó bây giờ Trâm đang làm gì, nàng đang ngồi bên ngoại tỉ tê niềm tâm sự hay ra vườn leo lên cây măng cao nhất nhìn theo cánh máy bay mang theo tui mà vẫy tay chào? Tui thấy bùi ngùi thương cho cuộc tình của hai đứa, thấy tội nghiệp, thương cho "Con Sáo Miệt Vườn" đã chọn ở lại, không sổ lồng bay sang sông để khỏi phụ lòng tình quê chờ trông, ngóng đợi. Trâm ơi, em ở lại mạnh giỏi. Ðể anh hát bài Ðiệu Buồn Phương Nam lần nữa cho em nghe nha.

                        Câu hát ngân nga,

                        Tiếng tơ giao hòa

                        Cháy lên trong dạ muôn ngàn tâm sự

                        Hát lên một lần để một đời xa nhau sáo ơi!

 

Cuối thu năm 2001,

Trần Văn Ðua