Chuyện xưa trường cũ

Lưu Thanh Bình
(Khóa 1966-1972)

1.Củ sắn nào ăn ngon hơn?

Bên ngoài hàng rào kẽm gai ngăn cách sân trường với cánh đồng An Thạnh có rất nhiều lổ chó. Mỗi ngày người ta ra công rào lại nhưng rồi đâu cũng lại vào đó. Buổi chiều, sau giờ học từng đám áo trắng chun ra kiếm dế(!)Và sau đó là những lời thì thầm: củ sắn héo héo ngọt hơn củ sắn rữa nước. Dưa chuột và cà chua cũng vậy. Thực ra củ sắn héo ngọt hơn là vì có pha thêm phần hồi hộp. Đúng không các bạn.
2.Cô Hương và chiếc áo dài Raglan:
Đầu thập niên 70,cùng với chiếc Honda là chiếc áo dài Raglan cải tiến với hai cánh tay ráp ra đời. Áo giúp người mặc trông thon thả, dễ thương hơn và càng dễ thương hơn nếu .. không mặc áo lá. Đặc biệt là hàng nút bóp bên hông. Đúng ra là 4 nút nhưng thường người ta chỉ bóp 2 nút trên thôi. Và thế thì .. . càng dễ thương hơn chứ sao. Nhưng cô Hương không nghĩ thế. Và thế là mỗi sáng, cô đứng ở ngay cổng với cây thước bảng sẵn sàng .. chọt vào hông các cô nào lỡ quên. Ôi kẻ hèn này xót xa quá mà không biết làm sao.
3. Ăn đậu đỏ bánh lọt ở đâu ngon?
Có một hàng đậu đỏ bánh lọt ở bên hông trường Gia Long rất đắt khách. Hầu hết là các cô nữ sinh . Thế là bọn mình xuống đến chân cầu Bình Triệu bèn dừng lại, lột phù hiệu THĐ (em xin lỗi thầy Lộc , thầy Lục), và thay vào phù hiệu Petrus Ký. Vừa ăn vừa đá lông nheo, sau đó là màn làm quen. Anh Petrus Ký, em Gia Long thật là …hết ý.
4. Tại sao cửa kiếng phòng thí nghiệm bể nhiều?
Câu này đúng ra là màn tạ lỗi với thầy Phu giám thị và thầy Viên (giám thị ,người miền Trung). Cái sân bóng yêu mến làm sao, nhưng lại có cái khung bằng gỗ chỉ cách phòng thí nghiệm có vài bước chân. Anh tiền đạo đá lên trời : rổn. Anh thủ môn cận thị ôm bóng hụt : rảng. Khi thầy giám thị chạy tới thì sự đã rồi. Dạ thưa thầy nó đó chớ hông phải em. Khi kiếng bị bể quá nhiều thì nhà trường cho chèn mấy tấm ván ép nhỏ vào. Trông vừa xấu vừa tệ. Mấy mươi năm trôi qua, mình nghĩ lại rất thương thầy giám thị vì đã làm buồn lòng thầy. Mình cũng xin mách với các bạn , trong số đó, có một bạn hiện đang là quan chức lớn của tỉnh nhà.
5. Gặp lại bạn cũ
Thỉnh thoảng đi dự tiệc, liên hoan mình gặp lại bạn cũ. Không nhớ nổi. Hỏi tên thì sợ bạn hờn. Bèn quay qua hỏi nhỏ người bạn ngồi cạnh. Mời các bạn nghe những lời thì thầm mùa xuân :
-Nó có đá banh, bóng chuyền,bóng bàn không?
-Khoông.
-Nó có qua trường nữ ghẹo gái không?
-khoông
-Nó có văn nghệ văn gừng, báo tường hay cắm trại không?
-khoông
-Nó có cúp cua đi coi Đường Sơn Đại Huynh không?
-khoông
-Vậy nó làm gi?
-Học thôi
6.Vài kỷ niệm với thầy cô

Năm mình vào Đệ Thất thì trường chỉ mới có một trệt một lầu thôi. Ba lớp đệ thất học buổi chiều,dãy phòng 3 lớp phía gần wc.Cô giáo dạy Anh văn thật là đẹp,trẻ quá trẻ và tiếng nói thì êm ái làm sao. Mình được cô cưng vì học giỏi (ở nhà trước đó mình đã được học anh văn rồi). Giờ ra chơi chuyển tiết, một số học sinh bị thầy giám thị bắt quỳ gối vì tội chui hàng rào, trong đó có mình. Quỳ 10 phút mới được vào lớp. Giờ học kế đó là giờ anh văn. Thế là mình bị thất sũng. Thêm một chuyện lạ: thầy hiệu trưởng hay xuống quan sát, đứng im lặng nhìn vào không nói gì. Còn cô giáo thì hay đỏ mặt. Sau này lớn lên mình mới biết cái đó người ta gọi là tình yêu. Thầy cô sống rất hạnh phúc bên nhau. Các bạn đã đoán ra là ai chưa?
Thầy rất nghiêm khắc và tận tâm. Hôm đó thầy đến lớp trễ. Theo nguyên tắc , quá 20 phút là kể như free. Là học sinh, hầu như ai cũng khoái cái cảnh này.. Lớp ầm ầm như ong vỡ tổ làm ảnh hưởng cả 2 lớp kế bên. Xui xẻo là thầy hiện ra vào phút thứ 19 bắt cả lớp đứng nghiêm và tiến xuống cuối lớp nơi còn ồn ào và ..xáng cho mình hai bạt tay. Thật ra mình không làm trò mà là anh bạn ngồi kề bên. Mình có thể kêu oan và tố anh này, nhưng mình không làm vậy. Tố kẻ thù tố bạn mình sao? (Hiện nay anh bạn này đang ở Mỹ làm ăn rất phát đạt.). Đó là thầy Tích dạy việt văn và vật lý.Thầy có một câu nói nổi tiếng : “Các em lấy tạp ra tôi đạp cho mà viết “. Mình mới đọc tin biết thầy đã mãn phần,chúng em xin lỗi với hương hồn thầy, đã làm cho thầy buồn lòng.
 7. Phẩm chất  học sinh Trịnh Hoài Đức
Là trường công lập nổi tiếng của tỉnh nhà nên thi vào thật là khó. Mình cũng phải hai keo mới vượt vũ môn. Nhưng đó chỉ là thi tuyển về văn hoá. Vậy mà không hiểu sao tư cách đạo đức của chúng mình (so với các nơi khác) phải nói là tự hào. Đáng lý ra nên để thầy cô nói ra thì đúng hơn!. Học thì giỏi rồi (tỷ lệ đậu tú tài cao nhất tỉnh), mà chơi cũng hăng hái không thua kém ai. Điều đó đã trở thành truyền thống. Bây giờ thì hơi khác rồi. Trường ta chỉ vào loại trung bình khá, điểm chỉ tiêu đầu vào thua xa một số trường trên thị xã. Năm ngoái lại có tin một em học sinh bị bạn học đâm chết ngay tại nhà gởi xe. Nghe hơi buồn.Mình có đặt làm hai băng đá,in rõ CHS THĐ nhớ ơn thầy cô  để các lứa sau ngồi đọc. Lớp cũng có học bổng hàng năm cho học sinh giỏi.
8. Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh ( Kiều)

Cựu học sinh THĐ ( 1966-1972)