Chánh Hiệp Quê Tôi

Từ Minh Tâm


    Theo giấy khai sanh, tôi chào đời tại xã Chánh Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau năm 1975, địa danh Chánh Hiệp không còn nữa. Vùng đất gọi là Chánh Hiệp cũ được chia về cho các xã lân cận là Phú Cường, Hiệp Thành và Chánh Mỹ.     Vậy trước 1975, Chánh Hiệp là vùng nào ?
     Theo sự hiểu biết của tôi, làng Chánh Hiệp nằm ở phía bắc làng Phú Cường thuộc thị xã Thủ Dầu Một. Biên giới của hai xã chính là rạch Cầu Mới. Nếu bạn muốn tìm hiểu chu vi của làng Chánh Hiệp thì không gì bằng hãy bắt đầu đi từ cầu Ông Kiểm (trường Mỹ Thuật) ngược dòng rạch Cầu Mới lên tới đầu nguồn (khoảng Chợ Đình - đại lộ Bình Dương bây giờ). Sau đó bạn đi về hướng bắc tới Suối Giữa. Rồi lại theo dòng suối đi ra tới sông Sài Gòn, theo hạ lưu sông mà trở về vị trí xuất phát. Như vậy bạn đã đi giáp vòng Chánh Hiệp. Như vậy Chánh Hiệp cũ bao gồm các ấp Chánh (khu Miễu Tử Trận và xóm Cầu Mới, xóm Thành Quan), ấp Giếng Máy (đường Phạm Ngũ Lão), ấp Chánh Thiện (chùa Phước Long, chùa Cô Hai Mè - Linh Sơn Tự) và ấp Mỹ Hảo.
    Chánh Hiệp là một vùng dân cư nửa quê nửa tỉnh. Khu vực gần chợ Thủ như Miễu Tử Trận, dọc quốc lộ 13 thì nhà cửa san sát, buôn bán sầm uất. Xa hơn một chút như đường đi Mỹ Hảo thì dân cư thưa thớt. Khu Mã Ông Lân thì cây cối rậm rạp, um tùm.
     Khoảng cuối thập niên 60, sau khi đường xa lộ nối Biên Hoà - Tây Ninh và xa lộ Sài Gòn - Bình Long chạy ngang làng tôi thì càng làm cho nơi đây thêm trù phú. Đặc biệt là sự xuất hiện của một chợ mới: đó là Chợ Cây Dừa ở ngã tư quốc lộ 13 cũ và xa lộ Biên Hoà -Tây Ninh.
    Về kiến trúc lịch sử thì làng Chánh Hiệp có:
    Miễu Tử Trận: xây khoảng năm 1921, tưởng niệm những lính trận đã chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Kiến trúc miễu rất đẹp, trang trí theo kiểu ghép miểng chén như các lăng tẩm ở Huế. Tiếc rằng ngày nay, phần trên của miễu đã bị đập bỏ, chỉ còn phần nền.
    Mã Ông Lân: ở gần Suối Giữa. Nhìn từ xa thì kiến trúc đẹp nhưng cũng tạo nên một khung cảnh kỳ bí, hơi u ám.
    Giáp bờ sông Sài Gòn có Trường Pháo Binh, sau nầy đổi thành Trường Công Binh là nơi đào tạo sĩ quan và chuyên viên công binh lớn nhứt Việt Nam. Sau năm 1975 nơi đây còn đào tạo cả những quân nhân người Campuchia. Thành Quan, một bộ phận của Trường Công Binh cũng có nhiều biệt thự rất to lớn và bề thế.
    Đình làng là đình Chánh Thiện, gần chùa Phước Long, ngoài ra còn có đình Chánh An (gần ngã ba Cây Sao Quỳ). Mỗi năm hai lần vào ngày 16 tháng 2 và 16 tháng 8 âm lịch đều có cúng kỳ yên. Có một năm nào đó khi tôi còn rất nhỏ, đình Chánh Thiện có tổ chức hát bộ nữa.
    Trong làng còn có Miễu Bà thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ ở gần Cầu Ông Đành. Hàng năm đều có cúng tế.


Cổng tam quan đình thần Chánh Thiện (nay là Chánh Mỹ)

    Trụ sở của Làng Chánh Hiệp trước đây ở khu Miễu Tử Trận, sau đó dời lên ngã tư Châu văn Tiếp cũ và Quốc Lộ 13 ở đầu dốc Cầu Ông Đành. Trong làng có bót Hào Tỵ (kế bên cầu Ông Đành) hồi xưa bên trong có những chuồng nuôi cọp, khỉ... Bót Hào Tỵ ngày nay là trụ sở Toà Giám Mục Địa Phận Phú Cường.
    Kiến trúc dân cư cổ thì có nhà ông Cả Lâm văn Luận là một vi la theo kiểu Pháp. ngoài ra, còn có nhà ông huyện Lì, nhà của anh Bảy (cà ri) ở sau Thành Quan cũng rất đẹp. Nhà cổ thì có nhà ông huyện Thiết, nhà ông cả Trần văn Cân (ông ngoại tôi), tiếc là các ngôi nhà cổ đều bị hư hại, mục nát nên hiện giờ không còn nữa.
    Làng Chánh Hiệp có rất nhiều chùa như chùa Phước Long, Linh Sơn, Phật Mẫu, Đức Sơn, Oai Đức, Hội Sơn, chùa Phật Học ... Mỗi dịp rằm lớn thì chùa nào cũng có rất đông tín đồ tới cúng bái. Riêng Mỹ Hảo lại là một ấp có tới 90% dân cư theo đạo Thiên Chúa. Chánh Hiệp còn có Toà Giám Mục Địa Phận Phú Cường nằm cạnh cầu Ông Đành và Tiểu Chủng Viện nằm phía sau Thành Quan.
    Về giáo dục: làng Chánh Hiệp có trường tư thục Trí Đức
ở khu Miễu Tử Trận do ông đốc Lê văn Ngữ lập nên. Nơi đây nhiều học sinh đã xuất thân và học thành tài. Ngày nay, trong ranh giới của làng lại có Trường Đại Học Bình Dương, Thư viện, Viện Bảo Tàng tỉnh Bình Dương nữa.
    Về kinh tế, Chánh Hiệp có nhiều cơ sở tiểu thủ công nghệ như nhà máy xay lúa, trại cưa, trại mộc ... Ở đây có các lò bánh như lò bánh mì Ngô Văn cung cấp bánh mì cho cả tỉnh, lò bánh thững ở xóm Cầu Mới, nhiều lò bánh hỏi, làm bún ở Giếng Máy. Nơi đây có nhiều gia đình làm giá để bán nữa. Đó là nhờ có mạch nước ngầm rất tốt. Trong nhiều năm, Giếng Máy đã cung cấp nước cho toàn thị xã Thủ dầu Một.
    Làng tôi có nhiều cơ sở làm sơn mài. Ba tôi có hãng sơn mài Cảnh An đã có nhiều lần triển lãm tại Sài Gòn trong thập niên 50 và sản phẩm được người nước ngoài khen ngợi và mua đem về nước rất nhiều. Ở khu Miễu Tử Trận có bác Phát Thạnh cũng làm sơn mài rất nổi tiếng. Sau 1975, có chú Mười Kẹo, nhờ làm sơn mài mà trở nên khá giả.

 
Lễ hội cúng đình (hình chụp lại)
 
     Chánh Hiệp có khoáng sản là cát ở Suối Giữa. Sau mỗi cơn mưa, người ta xúc được rất nhiều cát từ con suối nầy đem về làm vật liệu xây dựng rất tốt. Nhiều người dân trong xã biết khai thác đá ong (hầm đá ở khu vực chùa Phước Long).
    Về nông nghiệp, Chánh Hiệp có nhiều ruộng trồng lúa, mía, hàng bông ... Còn vườn cây ăn trái thì rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng
có trồng cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, vú sữa, măng cụt, xoài, chuối, thơm... nhờ khí hậu ôn hoà. Tuy nhiên, vùng có nhiều trái cây nhứt là Mỹ Hão, và xóm Giếng Máy. Vào mùa Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5, nhiều du khách từ Sài Gòn hay về Bình Dương và đến mua trái cây tại các nơi nầy. Giá cả ở đây thường rẻ hơn các khu du lịch ở Cầu Ngang rất nhiều. Chánh Hiệp còn có ruộng rau muống ở gần Trường Công Binh, đây là nơi cung cấp rau xanh cho cả tỉnh.
    Trước năm 1975, sân banh của tỉnh Thủ dầu Một nằm trong địa phận làng Chánh Hiệp. Đó là sân banh Nhị Tỳ (cuối đường Phạm Ngũ Lão). Sau nầy vì mất an ninh nên dời về trước Trường Công Binh. Đây là nơi tranh tài của các đội banh trong tỉnh và các tỉnh bạn.
    Cư dân làng Chánh Hiệp chừng vài chục ngàn người. Đa số là người Việt, một số ít là người Hoa sống xen kẽ. Họ làm công chức, giáo viên, thợ may, thợ mộc, làm sơn mài ... Nhiều người làm nghề thương mại.
     Dân cư làng Chánh Hiệp nói chung hiền lành, và khá giả. Những người nổi tiếng cũng không nhiều. Nhiều người tốt nghiệp kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhưng ít ai học trên đại học. Xin kể vài vị nổi tiếng:
     Thầy Lê văn Chương: sinh năm 1888. Năm 1933, ông là thầy giáo tại trường tiểu học Nam Châu Thành – Thủ Dầu Một đến năm 1943 thì nghỉ dạy và tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Khi Việt Minh nắm chánh quyền năm 1945, ông là Chủ Nhiệm Thôn Bộ Việt Minh ấp Chánh Thành, xã Chánh Hiệp. Khi Pháp trở lại Việt Nam năm 1946, ông bị cò Hirs bắt và dụ hàng nhưng không được. Ông bị tên nầy bắn chết sau đó. Ở thị xã Thủ Dầu Một hiện giờ có đường Thầy Giáo Chương để vinh danh một người yêu nước của tỉnh nhà.

     Ông huyện Trần văn Thiết: là thân sinh của bác sĩ Trần văn Sen và trung tá cảnh sát Trần văn Phấn.
    Ông cả Lâm văn Luận: là một đông y sĩ có tiếng. Ông cũng là ông nội của dược sĩ Lâm Lệ Du, và chị của ĐH Lâm Tuý Mĩ.
    Ông huyện Lì: không rõ công trạng.
    Ông huyện Thức.
    Ông huyện Trần văn Lượng: học giỏi, làm chủ huyện ở Bà Rịa , nhưng mất sớm.
    Ông Lê văn Ngữ: hiệu trưởng trường Trí Đức, một tư thục nổi tiếng vào thập niên 50-60, nơi đã là nơi khai trí cho rất nhiều đồng hương Bình Dương.
     Ông Nguyễn văn Yến: điêu khắc gia, giáo sư trường Mỹ Thuật Bình Dương, chủ nhà hàng và quán giải khát. Nhà hàng ông Yến nổi tiếng với món lươn um ngon đặc biệt.
    Tiến sĩ toán lý Trần đại Trung: từng làm cho Viện Nguyên Tử Đà Lạt và cố vấn cho tổng thống Nguyễn văn Thiệu.
    Ông Nguyễn văn Hào, dân biểu đại diện tỉnh Bình Dương trước 1975. Nhà ông ở gần Miễu Tử Trận.
    Ông Nguyễn văn Liếu: là xã trưởng lâu năm.
    Ông Huỳnh phi Dũng (Dũng Lò Vôi): chủ nhân Khu Du Lịch Đại Nam. Ông Dũng không sinh trưởng ở Bình Dương nhưng cư ngụ ở Chánh Hiệp (khu Miễu tử Trận) rất lâu.
    Thạc sĩ địa chất: Trần thị Ngọc Lan làm việc tại Trường Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn.
    Những người trẻ sau nầy học hành giỏi giang thì rất nhiều như các kỹ sư: Nguyễn văn Bảnh, Lê trọng Bữu, Từ minh Tâm, Trần công Hảo, Trần cảnh Thu, Huỳnh văn Vàng ... bác sĩ Lê thị Thu Mai, dược sĩ Lâm lệ Du, Từ thị Yên ... và nhiều người khác. Thế hệ tiếp nối lại có các kỹ sư Huỳnh Minh Ngọc Thảo, cử nhân Từ Lê Thanh Vy, bác sĩ Nguyễn như Thạch,  ...Ở nước ngoài lại có thạc sĩ công chánh (Master of Civil Engineering) Phạm phú Thứ,
bác sĩ Phạm Minh Trang ... Các cháu học rất giỏi và có nhiều thành tích.
    Nông dân làm ăn giỏi và trở nên giàu có nổi tiếng thì có anh Huỳnh văn Đông (Hai Rộng). Nhà anh ở ngay cầu Ông Kiểm.
    Làng Chánh Hiệp không phải là một làng nổi tiếng. Ngày nay địa danh Chánh Hiệp không còn nữa nhưng tình cảm của tôi về một quê hương mến yêu với con đường làng đất đỏ, hai bên xanh ngát những vườn cây ăn trái vẫn luôn đọng lại trong tôi. Giờ đây, dù sinh sống ở xa quê hương hơn nửa vòng trái đất, tôi vẫn nhớ hoài về một vùng đất thân yêu với biết bao kỷ niệm với bà con lối xóm, với bạn bè thân thương, với những con người chất phát, thật thà mà tôi luôn trìu mến./.

*****

Bổ túc :

Mới đây đọc một số luận án thạc sĩ sử học về Bình Dương tôi mới khám phá thêm một điều thú vị: Làng Chánh Hiệp của tôi xưa kia có tên là An Nhất Thuyền (ngày nay thuộc xã Hiệp Thành).

Theo luận án “Lịch Sử Văn Hóa Vùng Đất Bình Dương từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX” của Nguyễn thị Kim Ánh – trang 54 có viết:

Làng nghề An Nhất Thuyền:

Theo hồi ký của Grammont, tại là Phú Cường trước năm 1836 là trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì ở Nam Bộ. Làng nầy có tên An Nhất, chuyên đóng thuyền buôn, ghe, xuồng ... cho các vùng sông nước. Tên gọi làng nầy theo kiểu dân gian (An: Bình An, Nhất: hạng Nhất) đã chỉ rõ sự sung túc, giàu có về kinh tế lẫn tay nghề. Thơ ca còn ghi:

Trại ghe trại ván sẵn cùng
Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn
Nhà khéo cất tốn bạc muôn
Tiếng đồn thợ Thủ ráp khuôn kỹ càng.


Ngày nay, làng An Nhất Thuyền vẫn còn tồn tại nghề mộc cổ truyền, hình thức cha truyền con nối hãy còn. Vị trí làng An Nhất thuộc phạm vi xã Hiệp Thành, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một chưa đầy 1km.

Làng nghề An Nhất Thuyền chính là chiếc nôi đầu tiên của cá ngành nghề mộc, điêu khắc, cưa xẻ, chạm trổ mỹ thuật tạo điều kiện phát triển khắp địa bàn tỉnh Bình Dương xưa. An Nhất Thuyền chuyển hóa, biến dạng thành làng điêu khắc gỗ Phú Thọ.


Trang 79, Luận án “Nghề gốm ở Bình Dương từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975” của Nguyễn văn Thủy cũng nói tương tự:

“Tại Thủ Dầu Một đã hình thành rải rác các làng nghề như làng Phú Cường là trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì Nam Kỳ. “An Nhất Thuyền” (nơi đóng thuyền lớn nhất xứ Bình An tức Bình Dương ngày nay) chạy dọc theo triền sông Sài Gòn đến thôn Chánh Hiệp."

Ngược với hai ý kiến trên, tác giả Hoàng Anh trong bài “Đinh Cường – Vẫn rừng cao su của anh” lại cho rằng: “Thuyền” chỉ là một đơn vị hành chánh tương đương với khoảng một ấp thôi, hồi đó cả Nam Kỳ Lục Tỉnh có chừng năm cái “thuyền” như vậy, chẳng lẽ đều nhờ nghề đóng ghe cả à. Tôi đã kiểm tra sách của Nguyễn Đình Đầu rồi, ông cũng bảo thế mà. Họ sai đã đành, họ lại đi dạy cho học trò ở tỉnh này phải tin như thế.

Dù ý kiến nào đúng thì rõ ràng An Nhất Thuyền - Làng Chánh Hiệp, là một trong những đơn vị hành chánh xưa nhứt Bình Dương, thậm chí xưa nhứt miền Nam.

Làng Chánh Hiệp của tôi quả rất đáng cho tôi tự hào./.

(5/2009)