Câu cá xứ lạnh
Võ Kỳ Điền
Bạn hiền,
.....
Tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện câu cá nơi xứ lạnh và tôi tin là bạn chưa
biết. Tại sao tôi dám đoán ẩu như vậy, khoan trách nghen, bởi vì tôi đã ở
xứ nầy lâu lắm, mãi cho đến mấy ngày gần đây tôi mới biết được trò chơi nầy
lần đầu... Bạn ở một nơi xa, đâu dễ gì biết được. Trừ khi bạn du lịch qua
đây, có người hướng dẫn đi câu cá trên nước đá thì mới biết được một trong
những thú vui mùa đông là thế nào. Mà nè, bạn có thiền hay tu hành không,
nếu có thì dĩ nhiên là không được rồi, chơi trò câu cá là dành riêng cho
người phàm tục, chớ đối với kẻ tu hành là phạm tội sát sanh đó, mình vui
khi cá buồn, thiệt là tội lỗi, tội lỗi, không nên. Nhưng tôi nhớ mang máng
là bạn cũng thích câu cá lắm mà...
Khi thằng con trai tôi điện thoại rủ về Montréal câu cá trên nước đá thì
tôi đồng ý ngay, không do dự chút xíu nào. Thằng nhỏ bị ảnh hưởng tôi từ
lúc còn bé xíu, từ ngày định cư ở đây, vào mùa hè hai cha con suốt ngày thường
kiếm bờ nước câu cá, bất kể trời nắng hay mưa, từ lúc mờ sáng cho đến đêm
khuya..., câu cho vui chớ không phải để ăn vì cá sông St -Laurent bị ô nhiễm,
các cơ quan truyền thông đều nói vậy và cảnh báo nhiều lần, thiệt ra mức
độ ô nhiễm bằng cá bày bán ở siêu thị Việt Nam và Trung Hoa hay không, tôi
không biết. Đi câu đối với đa số người lớn tuổi là một thú giải trí, thể
thao nhẹ nhàng vào những ngày cuối tuần, giữa thiên nhiên khoáng đãng, hấp
dẫn, thư thái, nhàn hạ, nhứt là ít tốn kém...
Sau khi nhận lời con thì tôi giựt mình nhớ lại, câu cá mùa đông đâu có giống
như câu cá mùa hè. Dĩ nhiên là khác nhau rất xa. Tôi vẫn thường nghe bạn
bè nói chuyện đi câu mùa đông và cũng từng coi truyền hình thấy cảnh câu
cá của thổ dân Inuits, Esquimaux,... họ mặc quần áo dày cộm bằng da thú,
trùm kín cả người, mũ nón bao tay kín mít, khoét một lỗ tròn trên nước đá,
ngồi co ro cầm cần câu chờ cá ăn mồi, giữa trời đất mênh mông tuyết phủ trắng
xóa ở vùng Bắc Cực lạnh lẽo. Tỉnh Québec của tôi ở đâu có cách xa Bắc Cực
bao nhiêu, tôi tưởng tượng cách câu của cha con tôi sắp thực hiện, chắc cũng
y vậy thôi.
Nhận lời con xong rồi mới thấy mình dại, ham vui một chút lại đi làm chuyện
mạo hiểm, điên rồ. Câu cá suốt đêm đông trên một dòng sông lạnh lẽo, trong
một làng nhỏ tên là Sainte-Anne-de-la-Perade, trên đường đi về hướng Québec.
Tại sao không đi ban ngày cho đỡ, đi chi ban đêm cho khổ sở, vất vả. Thằng
con nói ban đêm câu đươc nhiều cá hơn... Trời đất ! kể từ hôm đó, trong đầu
tôi miên man tưởng tượng cảnh trên dòng sông mênh mông hiu quạnh, mặt nước
đóng băng cứng ngắt, trời tối mò mò, gió lạnh thổi phần phật từng cơn, tuyết
bay phơi phới, hai cha con trang bị quần áo mùa đông dầy mo, kín mít, đầu
đội mũ (tuque), cổ quấn khăn choàng (foulard), tay mang bao tay (gants),
cả hai ngồi lom khom trên mặt nước đá, tay cầm cần câu quờ quạng chờ mong
rình rập bắt từng con cá ngu dại đêm khuya đói bụng đi kiếm mồi. Thiệt tình,
không biết vui sướng ở cái chỗ nào ! Ngàn năm trước, danh sĩ Đào Tiềm, người
đời Tấn đã từng nói trong Qui Khứ Lai Từ một câu bất hủ, làm sao mà quên
cho được -ký tự dĩ tâm vi hình dịch hề, trù trướng nhi độc bi (bắt lòng ham
muốn làm tôi mọi cho thân xác, há chảng phải là điều đáng buồn của kiếp người
sao !) Cha con tôi bây giờ có khác gì câu nói người xưa, do lòng ham vui
một chút mà đem thân xác phơi bày giữa tuyết gió bão bùng, giữa đồng không
hiu quạnh mênh mông, tối tăm lạnh lẽo... suy đi nghĩ lại đâu có cái ngu nào
hơn !
Nhưng rồi lời hứa đã thốt ra, làm sao rút lại được, dù là hứa hẹn với con.
Người ta làm được thì mình làm được, tại sao lại sợ sệt, rụt rè... Thế là
tôi bắt đầu lo lắng chuẩn bị. Ngoài trời lạnh giá, không có bao tay làm sao
chịu nổi, cần phải móc mồi câu và rửa tay bằng nước lạnh buốt, tôi soạn lại
các bao tay mùa đông, lựa lấy một bộ thật ấm và ít thấm nước. Phải có một
cái mũ trùm đầu cho thiệt kín và dầy. Trời lạnh mà không có mũ trùm đầu,
tôi thường thấy một cảm giác như xương sọ bị nứt ra. Dĩ nhiên là cần một
bộ quần áo mùa đông thật ấm, bên trong lót bằng lông ngỗng trời (duvet),
rồi bộ quần áo lót bằng len ấm, khăn quàng cổ... và nhứt là đôi giày tuyết
cao cổ, ít nhứt cũng phải chịu đựng nổi suốt đêm ngồi đứng trên nước đá...
Tất cả đã chuẩn bị đầy đủ, mà trong bụng phân vân không biết có còn thiếu
gì nữa hay không, trang bị như vậy có đủ không và tự dặn trong bụng là phải
nhớ đi đứng nhè nhẹ, êm ái, nếu quên mà bước mạnh chưn, dậm thình thịch,
rủi mặt nước đá nứt bể ra thì sao... Lọt xuống nước là toàn thân lạnh quéo
rồi, còn hơi sức đâu mà lội, rồi bám vào đâu mà leo lên, bờ nước đá trơn
như thoa mỡ, rồi giữa mặt sông lạnh khuya khoắc còn có ai huỡn mà tới cứu
mình ?
Tôi đã sống ở xứ lạnh nầy gần ba mươi năm, đã từng đi bộ ngoài trời trên
cả giờ đồng hồ vào những lúc trời đổ lạnh trừ ba, bốn chục độ âm. Lúc gió
nổi lên từng cơn thì độ lạnh càng xuống thấp khủng khiếp, khi đi ngoài trời,
lạnh quá chịu hết nổi, tay chưn đầu cổ, vành tai, lỗ mũi...tê cóng, tất cả
biến đâu mất hết chỉ còn duy nhứt trái tim đập thoi thóp, thì lẹ lẹ kiếm
một nơi tá túc hoặc chạy lánh vô nhà cửa bắt gặp dọc đường hầu sưởi ấm lại
toàn thân, còn bây giờ thì già rồi sức yếu, bày đặt ngồi câu suốt đêm trên
sông lạnh. Nếu nửa đêm lạnh quá, chịu hết nổi thì núp ở chỗ nào ? Trên mặt
sông, giữa đồng không mênh mông hiu quạnh, trời tối mù mù, biết đi đâu, về
đâu. Thiệt tình tôi không tưởng tượng được cảnh thê thảm khi đó tới mức nào...
Không những tôi nghĩ như vậy mà những bạn bè quen ở Toronto khi nghe tôi
về Québec câu cá mùa đông, đều hỏi một câu giống nhau -anh không sợ nước
đá nứt bể sao ? rồi trời lạnh suốt đêm, anh lớn tuổi rồi chịu lạnh nổi không,
khi buồn ngủ quá thì làm sao ? Tôi bèn nhớ tới thằng con, nó nói câu cá trên
nước đá vui lắm, ba khỏi lo gì hết rồi không nói gì thêm nữa, cúp phone.
Hổng lẽ nó hại cho mình khổ sở. Mình là cha nó, mình khổ thì nó đâu có vui.
Rồi tự dặn lòng, thôi đi đại, đừng sợ...
Nhưng mà bạn hiền nè, chuyện tưởng vậy chớ không phải vậy. Viết tới đây
tôi đâm nhớ câu thành ngữ mới nầy, thiệt tình khâm phục cách nói chuyện dân
Sài Gòn mình. Câu nầy áp dụng trong trường hợp câu cá mùa đông của riêng
tôi cũng đúng nữa. Những gì tôi tưởng tượng ra kể cho bạn nghe nãy giờ, đều
khác xa thực tế. Quả vậy, chuyện tưởng vậy mà không phải vậy !.
Từ Montréal, sau khi mua sắm thức ăn và đồ dùng cho chuyến đi, cha con tôi
khởi hành lúc sáu giờ chiều, mùa đông vào giờ nầy trời đã tối đen. May là
xe chạy trên xa lộ nên đường xá quang đãng dễ đi, đoạn đường dài chừng hai
trăm cây số, còn một đoạn ngắn nữa là tới thành phố Québec. Khi xe ghé lại
một làng nhỏ có tên là Sainte-Anne-de-la-Pérade lúc tám giờ rưỡi, thì tôi
ngạc nhiên sững sờ lẫn thích thú, nhìn chỗ nầy chỗ kia, rồi đâm bật cười
và thấy tất cả những gì mình ngồi ở nhà tưởng tượng ra đều trật lật hết trơn
! Đúng là quê một cục!.
Bạn hiền nè, bạn biết tại sao tôi cười không ? bởi vì nơi đây, chỗ xe cha
con tôi dừng lại, cũng là chỗ câu cá đêm nay, không phải là đồng không hiu
quạnh, cũng không tối tăm mù mù, cũng không vắng vẻ, quạnh hiu, cũng không
thấy sông nước đâu hết... Vậy thì nó ra sao ? Tôi sẽ kể rõ từng chi tiết
cho bạn nghe. Từ trên một con đường dọc bờ sông của cái làng nhỏ nầy, xe
chạy thẳng xuống mặt sông hồi nào tôi không hay, chỗ nào cũng có đường xe
chạy, liên tiếp nhau, không ngừng. Mặt sông đã đóng băng biến thành một cánh
đồng trắng xóa rộng rãi, mênh mông. Trước mắt tôi là một thành phố nhỏ, chấp
chóa, rực rỡ ánh đèn vàng, người đi đông đúc tươi vui, tiếng xe chạy, tiếng
nói chuyện cười đùa rộn rịp. Trên các con đường dọc ngang là các túp lều
sơn trắng xinh xắn đẹp đẽ có lớn có nhỏ, lớn thì như cái nhà, nhỏ như cái
lều, được sắp xếp chạy dài san sát theo lối đi. Ngay hàng thẳng lối trật tự,
nhìn rất là đẹp mắt. Cạnh mỗi lều là hai ba cái xe hơi của khách câu đậu
sát cạnh bên.
Đèn điện được thắp sáng ngoài đường, dọc theo lối đi, trên nóc lều, bên
trong lều... chỗ nào cũng đèn đuốc sáng trưng, thiệt là vui mắt và ấm áp.
Những người câu cá kéo nhau đi từng đoàn trò chuyện tưng bừng, đông vui.
Đa số khách câu tham dự là người dân Québec, thường họ đi chơi cả gia đình
cha mẹ, bạn bè cùng con cái, đùa giỡn, cười nói giọng địa phương đặc sệt
khó nghe. Tôi rời xa tỉnh nầy hơi lâu, bây giờ mới nghe lại được giọng nói
quen thuộc, cảm thấy gần gũi dễ thương (giọng dân quê Pháp thế kỷ 16, 17,
một nghịch lý kỳ lạ là khi nghe giọng sang trọng Parisienne tôi lại khó chịu
và không thích, hay là tại mình nhà quê rồi đâm ra hạp với tây nhà quê!)
Từng đoàn xe truợt tuyết chạy bằng xích sắt chỡ đôi (motoneige -Skidoo) đua
nhau vun vút, tiếng máy kêu ầm ầm vang động cả trời khuya. Xa xa có vài chiếc
máy cày màu vàng đậu im lìm lẻ loi, những chiếc nầy nặng hàng năm, mười tấn
dùng để kéo các lều sắp xếp ngay hàng thẳng lối đặt trên mặt sông khi mùa
câu bắt đầu... Có vài đứa trẻ đang tập đi patin té lên té xuống... Nhìn toàn
cảnh tôi cứ tưởng như là mình đang tham dự hội chợ (kermesse) của một địa
phương nào đó. Cái làng câu cá nhỏ trên mặt sông đóng băng nầy chứa năm,
bảy trăm cái lều cho mướn. Mỗi gia đình mướn một lều tùy theo số người đông
hay ít. Giá vé mỗi người là hai mươi đồng Canada. Nếu ít hơn bốn người thì
giá tối thiểu một lều phải trả là tám mươi đồng. Lều nhỏ ngang hai thườc rưởi,
dọc ba thước chứa được từ sáu đến tám người. Lều lớn hơn ngang hai thước
rưởi, dọc năm thước chứa được từ mười đến mười hai người. Lều lớn hơn nữa
chứa tới hai mươi lăm người câu. Con nít dưới mười hai tuổi được giảm nửa
giá và dưới sáu tuổi thì miễn phí. Trọn buổi câu nếu muốn dùng cà phê, củi
đốt lò sưởi và mồi câu thì miễn phí, muốn lấy bao nhiêu cũng được.
Câu cá trên nước đá thì xứ lạnh nào cũng có (ice fishing) tiếng Pháp gọi
là pêche sur glace, cũng có thể gọi là pêche sous la glace hay pêche blanche,
cá thì nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, tùy từng vùng. Những xứ lạnh xung quanh
Bắc Cực, mùa đông nước đóng cứng chắc thì có thể đi câu, nếu bạn chịu đựng
được cái lạnh teo ruột teo gan. Nhưng theo tài liệu được phổ biến mà tôi
đọc được thì vùng Mauricie của tỉnh Québec là nơi duy nhứt trên thế giới
có loại cá tên gọi là Poulamon Atlantique (tiếng Anh là Migragadus Tomcod),
tiếng bình dân thường dùng là poissons des chenaux (cá sông rạch). Vào năm
1938 một dân làng tình cờ thấy được trên dòng sông Sainte-Anne nầy, từng
đàn cá poulamon lúc nhúc chen nhau trong một khúc sông nhỏ để đẻ trứng, mỗi
năm vào giữa tháng chạp đến giữa tháng hai tây, tất cả chừng chín trăm triệu
con cá nhỏ cở bằng cườm tay, mỗi con dài từ 15 đến 38cm, nặng chừng 45 đến
570 gr, da cá nâu đen, trơn láng hình dáng giống con morue hay là cod tiếng
Anh (thời tụi mình hiểu sai cod là cá thu, do dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều, (viện
bào chế Cophavina) quảng cáo dầu gan cá thu là Liver cod, đúng ra cá thu
là thon -tuna).
Chúng từ cửa sông Sainte-Laurent lội ngược dòng vô sông nhỏ Sainte-Anne,
con mái bụng phình ra với cặp trứng to cở bằng trứng gà chứa hàng trăm ngàn
trứng nhỏ, cá trống thì ốm nhỏ tong teo, bụng chứa đầy tinh trùng màu trắng
sữa, khi cá mái đẻ thì cá trống xịt làn sữa trắng trên các trứng để thụ tinh,
làm xong nhiệm vụ truyền giống chúng quay về biển. Khác hẳn với tất cả loài
cá khác như cá hồi (saumon...) chẳng hạn, khi đẻ thì chúng ngưng ăn uống,
còn loại cá poulamon nầy khi đẻ thì chúng ăn uống liên hồi, nhứt là vào đêm.
Phải nói con người thiệt là khôn, người ta lợi dụng khi chúng đói mà thả
cần, làm sao không bắt thiệt nhiều cho được !
Tôi bước vào chiếc lều đẹp đẽ, vững chãi khá rộng, đã đặt mướn trước, chỉ
có một cửa ra vô, rất kín đáo và riêng tư chỉ dành riêng cho cha con tôi.
Hai ngọn đèn trăm watts chiếu sáng cả phòng. Trong phòng một chiếc ghế nệm
dài dặt sát tường để khi ai mệt mõi thì có chỗ mà nằm, một cái bàn nhỏ, hai
cái ghế, một tủ cây, một lò sưởi đốt bằng củi khô đang cháy nóng hừng hực.
Trên mặt lò sưởi nóng hực đó mình có thể để chiếc ấm nấu nước sôi, để một
vĩ sắt nướng bánh mì hoặc các món ăn khuya. Phía duới mặt sàn được làm bằng
dán ép dầy trên cái nền bằng cây chắc chắn. Nhưng cái chánh tôi muốn thấy
là chỗ câu trong phòng ra làm sao. Nhìn kỹ đó là một đường rãnh sâu hình
chữ nhựt, được cưa theo bề dọc của sàn trên mặt nước đá, dài ba thước, bề
ngang chừng bốn mươi phân tây, nhìn kỹ phía dưới nữa, thấy nước đông đá cứng
dầy chừng hai, ba mươi phân, dưới nữa là nước đóng váng mỏng lỏng bỏng, nhấp
nhô theo từng cơn sóng. Có một thanh sắt to dài, đặt dọc ở giữa đường câu,
để ngăn ngừa khi người câu mê man vô ý, tránh bị lọt xuống nước, nguy hiểm...
Bên trên chiếc rãnh đó, có băng ghế dài để ngồi câu. Phía trên, trước mắt
tôi có một thanh gỗ được đóng theo bề dài của lều, cao hơn đầu người một
chút. Hai mươi dây câu được quấn vào những hàng đinh trên thanh gỗ ngang
đó, mỗi cây đinh được đóng đều đặn cách nhau khoảng hai mươi phân. Dây câu
to bằng cọng bún nhỏ gắn cục chì nặng và dưới mỗi cục chì có móc hai lưỡi
câu cở tương đối lớn, loại câu cá trê. Mỗi vách lều đều có cửa sổ gắng kiếng,
bên ngoài đèn đuốc sáng sủa, khi bên trong muốn kín đáo thì có màn cửa bằng
vải che lại dễ dàng. Thiệt là tiện lợi đôi bề, chỗ ngồi, dây câu, chỗ câu,
chỗ để mồi... tất cả đều trong tầm tay với.
Bên ngoài ở các túp lều kế cận, tụi tây đầm mỗi lần câu được cá, họ đua
nhau la hét reo hò, tiếng vang lồng lộng giữa trời khuya, thiệt là hồi hộp
và vui hết sức. Tôi có một thói quen xấu, hễ mỗi lần đi câu, thấy sông nước
là mê man quính quáng, bèn để nguyên quần áo mũ nón không kịp cởi thay, lụp
chụp tháo từng sợi dây câu, vội vàng móc mồi để bắt đầu. Mồi là gan heo đông
lạnh được xắt nhỏ ra, có loại mồi bằng tôm tép nhỏ.. Xung quanh người ta
đã câu từ lâu, mình tới hơi trễ... phải lè lẹ, nếu không thì còn con nào
mà câu với kéo!
Khi cha con tháo xong hai mươi sợi dây câu và gắn mồi đủ thả hết xuống rãnh
nước bên dưới thì tôi toát mồ hôi chịu hết nổi, coi ra thì củi trong lò sưởi
cháy đỏ rực, nhiệt độ trong phòng lên cao quá. Lạnh đâu không thấy mà mồ hôi
toát ra đầy người, tôi phải cởi áo, tháo nón, tháo khăn quàng, và mở thoáng
cửa cho hơi lạnh ùa vào. Cửa vừa mở thì bên ngoài có vài người tay cầm chai
bia, vừa uống vừa thò đầu vô chào hỏi, chắc là say rồi nên giọng nhừa nhựa,
ồm ồm -tụi bây câu được nhiều không, tôi chưa kịp trả lời thì có thằng nhỏ
nhìn vô thùng đựng cá, thấy có một con nhỏ xíu, bèn la lớn -ê ê, ông nội
coi nè, cá thiệt là lớn, cá thiệt là lớn. Cả đám xúm nhau cười, chọc quê.
Trước khi đi ông tây già nói nhắn -nếu tụi bây muốn nhiều cá thì qua bên
tao, nhiều lắm, tao cho. Rồi có một cô đầm, cao lêu khêu, mặc đồ hề xanh
đỏ (clown) quảng cáo chụp hình kỷ niệm, mỗi ảnh chụp với cô giá bốn đồng.
Đám tây đầm nầy vừa đi thì đám khác tới, chào hỏi, làm quen nhau, vui vẻ
thân tình, ngoài đường thì mấy đứa con nít đi patin, năm ba cặp lớn tuổi
đua xe trượt tuyết, tiếng máy nổ ầm ầm, vang động cả đêm khuya. Xe chạy rất
nhanh trên mặt sông, biến mất trong đêm đen và đi tới đâu, tôi không biết
! Trong đầu tôi phân vân tự hỏi, nửa đêm xe nặng chạy đua trên mặt sông như
vầy, rủi nước đá nứt bể, thì chuyện gì xảy ra. Ở đời, chuyện gì cũng có thể
xảy ra được mà...
Lại có tiếng gõ cửa, một người làm của công ty cho mướn lều, ôm tiếp tế
một đống củi mới dành đốt suốt đêm. Lò sưởi đơn giản làm bằng sắt vuông vức,
đặt cao hơn mặt sàn chừng một gang tay, mỗi lần đốt độ ba khúc củi to. Lữa
cháy phừng phừng, thiệt là ấm áp. Tôi bèn hỏi thăm vụ nước đá cứng mềm và
có bao giờ bị nguy hiểm chưa. Anh nầy trả lời -dễ lắm, quen rồi, thấy là
biết liền, nhìn nước đá trong xanh thì biết là cứng chắc, còn khi nào trắng
hay đục mờ thì yếu bở. Mặt nước đá phải dầy đủ hai mươi phân trở lên, mới
được phép câu. Khi nhiệt độ tăng trên không độ và bị liên tiếp bốn trận mưa
lớn thì không được câu nữa, mặt băng trên sông sẽ tan rã, như mùa đông năm
vừa qua. Nói xong anh ta tiếp -ông yên tâm, nếu có gì nguy hiểm thì người
ta đóng cửa khu vực nầy rồi, đâu có cho ai vô, thanh tra kỹ lắm... Củi trong
lò phơi chưa khô lắm cháy nổ lép bép như tiếng pháo chuột ngày tết, thỉnh
thoảng có tiếng nổ thật lớn khiến giựt mình.
Trời càng về khuya thì cá ăn câu càng nhiều, đôi khi gỡ và móc mồi lại không
kịp. Cũng có nhiều lúc ngồi ngáp dài vì không có một con. Những lúc đó phải
chịu khó đổi mồi câu vì gan heo đã hết mùi thơm hấp dẫn cá rồi. Mồi để lâu
trên năm phút là phải đổi mồi mới cho thơm ngon. Mồi bằng tôm tép thì cá
mê lắm. Cục chì phải thả cho sát đáy sông, sau đó kéo lên cao chừng một lóng
tay (inch) hầu cho hai lưỡi câu nằm nghiêng theo mặt đất, phải đúng như vậy
thì cá mới ăn. Tôi biết được điều nầy nhờ đọc được bảng hướng dẫn có vẽ hình
rõ ràng gắn trên vách. Chừng độ hai giờ khuya thì tôi chịu hết nổi, cơn buồn
ngủ kéo đến và cái lưng sao mà mỏi quá chừng chừng. Thằng con tôi còn trẻ
nên dáng còn tỉnh rụi, hết gỡ cá dây câu nầy tới móc mồi dây câu kia.. Tôâi
qua nằm trên chiếc ghế dài mong tìm giấc ngủ ngắn ngủi cho đỡ mệt. Nằm thì
cho có nằm vậy, chớ có nhắm mắt được đâu, cặp mắt vẫn ngó lom lom hàng dây
câu có gắn diêm quẹt, làm sao mà ngủ cho được khi cá tranh nhau rỉa mồi.
Vừa nằm xuống chưa yên chỗ thì mấy cọng diêm quẹt tiếp tục đong đưa. Ở giữa
mỗi sợi dây câu người ta gắn sẵn cho mình một cây diêm quẹt nhỏ, khi cá rỉa
mồi dù nhẹ cách mấy đi nữa thì cây diêm quẹt cũng rung rinh, nhìn là biết
liền. Như vậy là cá đương rỉa mồi, phải giựt lên ngay, nếu không thì uổng
lắm... Mấy chục cây diêm quẹt cứ rung rinh hoài làm sao mà ngủ nghê cho đươc.
Cứ như vậy mà cha con tôi thức suốt đêm cho tới sáng, gần một trăm con cá
câu được thì quăng ra ngoài trời, ướp lạnh trong đống tuyết trước sân, coi
chúng nằm lạnh tanh vậy chớ không chết đâu. Khi trở về để trong thau, đổ
nước hơi ấm vô một hồi là chúng ngáp ngáp, cựa quậy, sống lại...
.....
Bạn hiền, như vậy là tôi suốt đêm không hề chợp mắt vì mê câu cá, vậy mà
khi thấy tia sáng đầu tiên le lói chưn trời xa, tôi đâm nhớ lại câu -tương
dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương chi ký bạch của đại thi hào
họ Tô đời Tống (ôm gối mơ màng trên thuyền, nào ngờ vừng đông đã sáng trắng
hồi nào không hay) . Bận về cha con phải thay nhau mà lái xe, nếu không cơn
buồn ngủ kéo đến thì xe lọt xuống ruộng chỉ trong một chớp mắt. Thằng con
cười và hỏi -ba có còn sợ nước đá nứt bể hay lạnh lẽo gì không ? Tôi cười
trả lời -cái thằng, biết câu kiểu nầy thì tao đâu có sợ, tao cứ tưởng mầy
tổ chức kiểu câu thể thao khoan lỗ trên nước đá ngoài trời như ở Alaska (ice
fishing outside) , như của người da đỏ....
Buổi đi câu đêm đó tuy vất vả, mệt mỏi nhưng rất vui. Cũng nhờ sự hiểu lầm
đó mà tôi hiểu rõ tại sao, do đâu mà người Sài Gòn đặt được câu thành ngữ
thần tình. Một trong những thất bại đời người là do sự hiểu biết giới hạn
nên thường tưởng tượng, mơ mộng, vẽ vời đủ kiểu, cuối cùng khi thực tế xảy
ra thì lại khác hẳn cái biết mình nghĩ trong đầu -chuyện tưởng vậy chớ không
phải vậy ! Câu nói mới nghe thì hơi cải lương nhưng đối với riêng tôi, người
nào đặt câu nầy đầu tiên, sao mà khéo và hay quá sức, tại hạ thành tâm...
bái phục, bái phục !