Tình quê hương trong tác phẩm nhà văn Bình Nguyên Lộc

Huỳnh Hoàng Anh

Người Việt sống ngay trên đất nước chỉ cách làng xóm chừng một ngày đường, hay có khi chỉ “vài dặm hú”ù mà tình quê đã vô cùng lai láng. Huống chi là kẻ phải rời bỏ xứ sở ra đi biền biệt phương trời, tình hoài hương còn man mác biết bao nhiêu!
_” Không thể nào mà anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ lìa xứ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như thèm một món cá nướng chấm mắm nêm. Thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi được là vào lúc gần Tết, tức là vào khoảng đầu năm dương lịch. Nhớ Tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì Tết là sum họp gia đình.”
 ( Chiêu hồn nước).
Thế nhưng những biến động lịch sử trời long đất lở xãy ra trong mấy mươi năm qua đã khiến cho những người dân Việt  mộc mạc và an phận không còn có thể ở yên dưới mái ấm gia đình quen thụôc của họ nữa. Binh lửa đã tràn ngập khắp quê hương, như đàn chim vỡ tổ, những đưá con thương của đất mẹ phải xiêu tán khắp bốn phương trời.
Mặc cảm bị bỏ rơi, ruồng bỏ làm cho lòng nhung nhớ thêm ray rức, xót xa, và tinh thần yêu nước mãnh liệt cũng từ đó mà ra.Tình yêu nỗi nhớ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, giờ đọng lại thành tình yêu quê hương tổ quốc. Nhớ nhà, tức là nhớ nước. Với người Việt Nam nhà luôn gắn liền với nước, không thể tách rời.
_” Nhưng nó có một quê hương nhỏ để mà thương, mà nhớ. Quê hương nhỏ của nó lại nằm trong quê hưong lớn là nước Việt Nam. Vậy nó sẽ thương quê hương lớn bao bọc quê hương nhỏ thân mến của nó”
( Hương hành kho)
Tất cả những gì tình cờ bắt gặp, từ chút mùi hành hương thoảng qua, từ bụi rau đắng sau hè, một làn mấy trắng bay xa về cuối trời, hay chút nắng ấm làm thơm mùa lúa mới…đều có thể làm sống dậy trong lòng người viễn xứ cả một trời thương nhớ :
_ “ Những sợi khói trắng mỏng, tiếng chuông chùa và nhứt là mùi hành kho, ba thứ ấy xuất hiện cùng một lúc gợi cho cháu nhớ thời thơ ấu của cháu quá. Thời ấy, sau nhà dưỡng phụ của cháu cũng là một xóm nghèo, ở dưới trũng, với ngôi chùa cổ danh tiếng là chùa Hội Khánh.”
( Hương hành kho)
Tình quê khiến cho vầng trăng lưỡi liềm trên đồng nội bỗng trở nên tròn trịa, con đường làng lầy lội trở nên phẳng phiu, và cái mùi phân trâu phân bò ngai ngái đặc trưng của vùng quê bỗng sao mà lưu luyến:
_” Mùi phân chuồng thơm chớ không hôi đâu. Nó thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủ ăn”
(Diễm Phượng)
Tình yêu quê hương, cũng như nhiều thứ tình cảm khác của con người thường sâu đậm, tha thiết mà chúng ta khó lòng giải thích được. Xin đừng hỏi vì sao một nhà thơ da vàng đã xin được thả thân xác mình trôi trên biển Đông để trở về với rặng tre xanh làng cũ:
_”…Là gì chính em cũng không nói ra cho đích xác được. Một vũng ao tù trong thôn xóm chăng? Một chơn trời quen thuộc? Một mùi cá nướng? Một vài tiếng sáo mục đồng? Hay là tất cả những thứ ấy nó họp lại để làm một linh hồn của quê cha đất tổ làm em ngỡ từ bỏ được, nhưng không thể được.”
( Chiêu hồn nước)
Thông qua lời các nhân vật, BINH NGUYÊN LỘC cho thấy quan niệm về lòng yêu nước của ông:
_” Tôi quan niệm rằng yêu nước là một mớ hỗn hợp ý tình. Ý và tình, anh nghe chưa. Vì bởi có cả ý lẫn tình nên yêu nước không thể dạy mà nảy ra được. Hay được cũng không bền vững. Cái phần tình ấy ( riêng nó cũng lại là một mớ hỗn hợp tình ) nó len lén vào ta mỗi khi một ít, hồi nào, nào ta có hay, thấm nhuần lòng ta, đâm chòi nảy lộc, bao phủ thớ thịt, xâm chiếm tế bào, hột huyết của ta.
Phải có những nếp nhà đã chứng kiến bao nước mắt, bao nụ cười của bao thế hệ trong dòng họ ta, những nếp nhà mà mỗi món đồ ( từ thếp đèn xưa gãy chơn, đến cây ngạch cửa mòn lẵn dưới bàn chơn của những người thân yêu) đều là bậu bạn của ngày buồn lẫn ngày vui của ta. Phải có những con đường mòn bò quanh quẩn trong làng mà mỗi phiến đá bên lề biết kể lể một câu chuyện đau thương hay ngồ ngộ. Phải có những vuông ruộng sau nhà mà nơi đó lưỡi cày của tổ tiên ta đã lặn hụp từ mấy ngàn năm.
Phải có gương mặt một từ mẫu nghiêng xuống bên tai ta mà rót vào đó những câu ru ta không hiểu mà ta thích nghe. Hoặc nhỏ to kể những câu chuyện đời xưa cảm động hay hãi hùng”
( Đất không chết )
Như vậy, chúng ta yêu và nhớ quê hương, vì nơi đó đã chứa đựng cả một trời kỹ niệm của chúng ta:
_”…yếu tố chánh của tình yêu quê hương, không phải là ý thức vì dòng máu, mà là tình gắn bó vào thưở thiếu thời với những chân trời quen thuộc, với màu sắc, mùi vị, âm thanh mà tuổi thơ quen thấy, quen nếm, quen nghe.”
( Đất không chết)
 Nhưng trên tất cả, có lẻ là vì lòng thương nhớ đất :
_”Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng. Nỗi thèm này có khi mãnh liệt như nỗi thèm mùi khói thuốc phiện của những con thằn lằn, những con chuột lát sống trong buồng của những kẻ hút thuốc phiện, họ thèm và nhớ mùi đất y như là đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như cá thèm và nhớ nước.”
( Thèm mùi đất)
Những dân tộc sống đời du mục lang thang trên thảo nguyên mênh môngï thiếu hẳn sự kết dính với đất đai, tức với cội rễ bền chặt nhứt của con người, như vậy tình nước của họ khó mà sâu sắc như các dân tộc của nền văn minh nông nghiệp như Việt Nam:
_”Tôi không hiểu người Do Thái làm sao thương được nước Israel. Riêng tôi tình quyến luyến một ngôi nhà, một làng hẻo lánh, một thành phố, một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nứoc mắt và nụ cừoi của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, và người.
Đất có ở lâu, tình đất mới sâu.”
( Mả cũ bên đường )
Con người từ đất sinh ra, được đất nuôi nấng và khi chết lại trở về với đất, cho nên tình cảm với đất là sâu nặng và bền chặt hơn các tình cảm khác. Trên khắp thế giới, dường như chỉ trong ngôn ngữ Việt Nam hai tiếng “Đất Nước” ( dirt and water) mới có ý nghĩa tương đương với hai từ Quốc Gia (nation, country). Đất, nước, và nhà là những biểu tượng thiêng liêng hình thành nên hai chữ quê hương. Điều này cho thấy vai trò của đất và nước trong đời sống tâm linh và tình cảm của người Việt quan trọng như thế nào. Thế nên khi người Việt Nam yêu tổ quốc, ta cũng có thể hiểu đó là lúc họ nhớ đến hình ảnh của mái nhà tranh mà họ đã sống với mẹ cha, là đất đai mà họ đã tung tăng chạy nhảy một thời :
_”…Rồi ngày mai kia mày sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn mày sẽ rất gần gũi với hồn đất. Tao nhớ đất muốn chết đi lận, nhớ còn hơn là nhớ má mày trong mấy năm đầu tang khó của bà ấy, bởi vì vợ chồng không thân thiết với nhau hơn là mình với đất. Vợ chồng chỉ ăn ở với nhau ba bốn mươi năm là cùng, đất thì nó thấy mình sanh ra, lớn lên, già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết. Mình cũng thấy nó từ lúc lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước. Nếu vợ chồng bây không có tiền mà cho tao, thì tao cũng về làng, tao ngủ đình.”
(Thèm mùi đất)
Lòng yêu nước, với nhà văn có vẻ như là tình cảm đạo đức cao quý nhất. Một con người đúng nghĩa, điều trước tiên đối với ông hắn phải là một ngừơi biết yêu quê hương, giống nòi:
“…những đứa con tuy dốt nát mà không vong gia, vong bổn”
( Những đứa con thương của đất mẹ)
Bởi đất nước này còn đến ngày nay đâu phải nhờ những khẩu hiệu hoa mỹ, những siêu nhân khéo lừa mị quần chúng, mà chính là từ những con người chân đất luôn ấp ủ hình bóng quê hương trong trái tim họ .:
     _”...Đất nước chỉ tồn tại được nhờ những kẻ nhớ thương nó, bám víu vào nó thôi.”
(Bám níu)
Đất nước ta thường xuyên bị ngoại bang đe doạ, chi phối và mua chuộc, những người Việt đóng vai trò lãnh đạo quốc gia dễ trở thành tội đồ đẩy bánh xe lịch sử của dân tộc xuống hố thẳm. Đó là một thực trạng lịch sử, và là một lịch sử hết sức bi tráng. Mỗi khi điều ấy xảy ra là một đại hoạ cho đất nước, thế nên không có gì đáng khinh miệt và lên án cho bằng bọn lãnh đạo vong bản:
_ “Không thể nào hình dung nổi một nước Việt Nam mà cấp lãnh đạo lại có tâm hồn ngoại quốc, không biết nước Việt Nam ấy sẽ giống cái gì, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử thế giới”
(Căn bệnh bí mật của nàng)
Yêu nước là một tình cảm phổ quát của nhân loại chứ không phải là đặc sản của người Việt. Nhưng trường tồn trong một lịch sử vô cùng khắc nghiệt chính là nhờ người Việt đã có một sức mạnh tinh thần kỳ diệu được nuôi dưỡng bằng tình yêu nước nồng nàn qua bao nhiêu thế hêï. Lòng yêu nước vốn trầm tích  trong tâm hồn mỗi con người, hoà nhập được với nhau như nơi hợp lưu của mỗi ngọn nguồn sông núi. Đất nước sẽ không đủ sức chống cự sự xâm lăng nếu như con người mất đi gốc rễ của mình, bơ vơ lạc hướng.
_”…Tao sẽ bắt hai đứa con của bây về ở với tao. Sống trôi nổi như vậy hại cho chúng nó lắm. Chúng nó không có lấy một mái tranh để mà nhớ, không có một khóm rau để mà thương, chúng nó sẽ giống như những cọng rác trôi theo dòng.”
( Phân nữa con người)
Lòng yêu nước, như vậy chính là những con đê dài kiên cố, là thành trì vững chải, là rặng Trường Sơn hiên ngang, là những luỹ tre làng bất khuất sẽ bảo vệ con người không bị cuốn đi trong những dòng thác lũ bảo giông  của một nền văn minh cơ khí , tôn thờ vật chất và thụ hưởng, là chủ nghĩa cá nhân lạnh lẽo nhân tình.
_”Phải có những cái ấy. Chúng lẩn lút trong người ta, ràng buộc ta mãi với quê hương. Khi, vì nghịch cảnh, lòng tin ta bị lung lay tận gốc, ta nghiêng mình xuống đáy lòng, múc đầy hy vọng và sức mạnh mới. Phải cần những đau khổ chung, những nguyện vọng tha thiết để kết chặt những người rời rạc lại. Cần những truyền tục, những kỷ niệm, nói tóm lại những cái gì nó buộc ta yêu quê hương nhỏ riêng của ta trong quốc gia lớn”.
 ( Đất không chết)
Tình yêu quê hương được nhen nhúm và nung nấu từ trong cuộc sống âm thầm và mãnh liệt của triệu triệu người dân được dồn nén và tích tụ lại để biến thành sức mạnh tinh thần diệu kỳ của đất nước. Không phải lý trí, không phải sự tôi luyện hay giáo dục, mà chính tình cảm bình dị đơn sơ đó sẽ giúp cho người Việt quy về một mối. Và khi dân tộc này đoàn kết trên dưới gần xa một lòng, thì sẽ không sức mạnh nào huỷ diệt nó được. Lịch sử nhân loại đã cho thấy rằng khi mà cả dân tộc biết kết thành một khối đưới mái nhà chung là đất mẹ, dân tộc ấy sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự tồn vong của tổ quốc, thì không có cường quốc nào có thể khuất phục được nó.
Thế nên hãy là những đứa con thương của đất mẹ, dù có lưu lạc ngàn phương, dù có nghèo nàn khổ sở, dù có lầm lạc đớn đau, dù bị rẻ khinh nhục mạ. Vòng tay mẹ hiền hoà và bao la sẽ ôm ấp tất cả, những cô thợ cấy thợ gặt, những cô gánh nước thuê… đất mẹ sẽ chở che tất cả để cùng chờ đợi một ngày mai quê hương qua cơn giông tố:
_”Những cô me Huê Kỳ mà chàng khinh rẻ, nghĩ ra, gần gũi với chàng không biết bao nhiêu. Chàng tìm một tâm hồn bầu bạn, và dĩ nhiên tâm hồn ấy phải là tâm hồn Việt Nam. Những cô me Huê Kỳ này nguyên trước kia là những cô gái cắt cỏ, những cô thợ cấy, thợ gặt, những cô gánh nước thuê, nên trí và lòng họ hoàn toàn bưng bít với những gì ở ngoài vào, và có ăn ở với những ông Huê Kỳ hai mươi năm nữa, chắc họ cũng không chịu được nhạc jazz…
( Những đứa con thương của đất mẹ)
Hãy xoá tan hận thù, hãy tỉnh táo trước bao cám dỗ lọc lừa, hãy là anh em như từ nguyên thủy mọi người vốn thật là anh em. Thế nên BINH NGUYÊN LỘC quan tâm đến cả cành cây ngọn lá của non nước này, đến  những xóm làng nghèo nhất Việt Nam, bởi chính từ những con người và xóm làng ấy, mà ta có cái để gọi là người và đất nước Việt Nam.
_”Nhưng xóm ấy lại rất cần thiết cho sự tồn tại của làng này, nó gồm  tất cả các xóm nhỏ mới thành làng được-cũng y như làng Tân Định này cũng rất cần thiết để thành nước Việt Nam, mặc dầu nó nghèo khổ, không làm lợi trông thấy cho nước nhà và cỡ tang thương có lướt qua đó, cả làng sụp đổ hết, có lẻ cũng chẳng sao.
( Bám níu )
_“Ừ, nghèo lắm và ta khổ lắm. Nhưng làng này không có không được. Một nước phải gồm rất nhiều làng, làng nghèo, làng giàu, làng nghèo cũng cần lắm chứ bà con ơi !”
( Bám níu)
Khoảng thời gian BINH NGUYÊN LỘC cầm bút sáng tác là lúc tình hình nước nhà rối ren tao loạn hơn bao giờ hết. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, đạo đức và lối sống cổ truyền của dân tộc bị lay chuyển tận gốc rể khó bề đứng vững. Lòng ngừơi  sục sôi trăn trở, hoang mang, mỗi nhà văn đều bị thôi thúc sáng tác theo khuynh hướng nào đó để xác định cho mình một thái độ trước thời cuộc.“ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, là một nhà trí thức, một nghệ sĩ, BINH NGUYÊN LỘC cũng khó lòng mà bàng quan vô cảm cho được:
_”Tuy thế, cuộc hội kiến hôm nay vẫn làm huyên náo lòng thầy giáo như cái tin khởi nghĩa mười năm xưa. Vận nước thịnh suy, hưng , vong triều đại, đó là những điều mà ta khó lòng dửng dưng được, và không thể đặt ngang hàng điều ấy với một câu truyện tình”
( Rung cây dừa)
Vận nước thịnh suy là nỗi xót xa, thao thức thì không thể đặt ngang với một câu truyện tình. Có lẻ vì thế nên đọc tác phẩm của BINH NGUYÊN LỘC, nếu như ta thấy ở  thể loại tiểu thuyết tình cảm ông không có chi đặc sắc thì trái lại mảng truyện ngắn viết về quê hương của ông lại làm cho ta rung động rất sâu xa.
Khác với nhiều nhà văn cùng thời, tác phẩm của ông vắng bóng hình ảnh của những ngừơi cầm súng và cái không khí ngột ngạt tang thương của chiến tranh. Chiến cuộc, nếu được đề cập đến thường chỉ phớt qua một cách nhẹ nhàng và đượm nét buồn căm lặng. Ông cũng không cay cú gào thét chỉ trích hay kết án ai. Dân tộc Việt Nam đã chịu đựng đau khổ triền miên từ ngày lập quốc. Đói nghèo, chiến tranh, lòng người ly tán, rẻ chia…bấy nhiêu đó là quá nhiều để cần thêm sự ngộ nhận thù hằn giữa những người chung màu da và dòng máu với nhau. Cần phải hợp nhất họ lại dưới một ý chí chung để đủ sức mạnh mà chống chọi với thử thách nghiệt ngã của thời cuộc.“Phải cần những đau khổ chung, những nguyện vọng tha thiết để kết chặt những người rời rạc lại” ( Đất không chết). Cái nguyện vọng tha thiết ấy chính là tình quê hương đất nước, là nghĩa đồng bào với nhau.  BINH NGUYÊN LỘC đã dùng ngòi bút của mình, một cách nhẹ nhàng, thân ái để vun quén tình yêu ấy. Có lẻ ông tin rằng, chỉ có tình yêu mới giúp cho mọi ngừoi Việt Nam ta đủ tỉnh táo, biết bao dung, âu yếm nối vòng tay lớn mà kết chặt hàng ngũ với nhau để bảo vệ mái nhà chung. Ông tìm cách đánh thức lương tri dân tộc một cách âm thầm qua những hình ảnh của quê hương trong quá khứ, hy vọng chính những hình ảnh, mùi hương của kỹ niệm nơi thôn dã nội đồng sẽ đủ sức nhắc nhớ và níu giữ những bàn chân quê lưu lạc, mất phương hướng trở về xiết chặt tay nhau.
Xuất phát từ thái độ và quan điểm như thế, ông đã ráng hết sức mình, cố công làm một điều có ích, dù là nhỏ nhoi, yếu ớt và lạc lõng giữa một thời đại hỗn loạn, nguỵ trá, để nhắc nhở mọi người về một điều mà ai cũng đã biết, lặng lẽ viết về một chủ đề mà người ta không đánh giá cao và khó tạo nên danh tiếng cho ông.
Với số lượng sáng tác đồ sộ thuộc vào hàng phong phú nhất của Việt Nam, BÌNH NGUYÊN LỘC đã bao quát rất nhiều chủ đề từ tình yêu, tâm lý, xã hội đến chuyện ma, chuyện khoa học, triết lý… Chính vì vậy có người cho rằng tác phẩm ông bao gồm một “hệ thống chủ đề”. Khảo sát sự nghiệp của ông, chúng tôi nhận thấy tuy đa dạng và rất phong phú, tác phẩm của ông vẫn có một nét chính , đó là tình đất tình người với quê hương, với dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước, đó là sợi chỉ xuyên suốt trong sự nghiệp văn chương của ông, tạo tính nhất quán cho hệ thống chủ  đề, làm nên cá tính và nét đặc trưng của ông trong lịch sử văn học nước nhà. Ngày nay chúng ta biết ơn và nhớ đến ông, trân quý tấm lòng của ông, chính có lẻ là gì điểm này.
Ông yêu, và muốn mọi ngừơi dân Việt cũng biết yêu đất nước như ông, thế nên sự nghiệp sáng tác của ông là sự nghiệp ký thác tình yêu tổ quốc dân tộc ấy lại cho những thế hệ mai sau, thế hệ mà ông lo ngại sẽ không đủ sức đương đầu với cụôc xâm lăng vô hình nhưng mãnh liệt của nền văn hoá Tây Phương, nếu như họ không còn biết yêu quí quê hương nữa :
_”Nàng có biết đâu rằng Tuấn xem nàng là một người bạn tâm đầu ý hiệp, một nhơn tình lý tưởng, nhưng không thể là một người vợ đủ khả năng thực hiện ý chí ký thác truyền thống dân tộc lại cho con cái của chàng.”
( Những đứa con thương của đất mẹ)
Lòng yêu nước, cho dù là thiêng liêng, nhưng nếu dân tộc không có ý thức giữ gìn, bồi dưỡng, tái tạo để trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì chúng cũng bị mai một và tàn lụi đi.
Yêu nước vừa là tình cảm, vừa là lòng tự hào của nòi giống Việt, vì vậy đó là chủ đề phổ biến, là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong lịch sử văn chương nước nhà. Thế nhưng đọc BÌNH NGUYÊN LỘC, ta sẽ thấy rằng dường như ông đã yêu quê hương một cách chân thành, tha thiết, sâu sắc hơn ai hết từ thưở thanh xuân đến những ngày cuối của đời ông.
_”Và từ đó, tôi nghĩ rằng: nhà văn Bình Nguyên Lộc không phải chết chỉ vì khói thuốc mà ông chết còn vì nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn xa xứ, một căn bệnh thường gặm nhắm trái tim mong manh của những người già phải sống xa quê.”
( Thương một nhành mai, Viễn Phương )
Một đời viết văn, một đời Bình Nguyên Lộc đã sống và chết vì tình yêu và nỗi nhớ quê hương. Cái sống và chết của ông đẹp và cảm động như một câu truyện ngắn hay nhất mà người ta có thể viết./.