Thu Lâm

    Lúc còn nhỏ, thế giới của tôi là mấy ao rau muống trước nhà cùng cái "phông - tên" nước  trước nhà ông bà Phán Thấy ở xóm Hủ Tiếu Cây Dừa. Tôi thích đi dọc bờ ruộng rau muống để bắt các con bọ rùa, cá, và tôm tép. Tối lại tôi thường theo chị hai tôi ra phông tên nước công cộng ngồi nghe hùn chuyện ma. Trời tối và ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường khiến tôi càng thêm sợ hãi. Sau đó dọn nhà lên chợ, tôi thích đi vòng công viên trước nhà nhìn hoa kiểng do Ty Canh Nông chăm sóc và trồng trọt. Đẹp thì đẹp thật nhưng lại thiếu tính chất huyền bí linh hoạt của cây cảnh thiên nhiên, do đó tôi thích đến nhà bạn sau bữa ăn trưa và trước giờ học buổi chiều - hồi đó ngày học hai buổi - thích nhất là đi đến xóm chùa Đức Sơn, đến nhà cô giáo dạy lớp tư, cô Tố, để được cô cho đi dạo trong vườn tìm mận, khế, mừng quân. Khi không có trái cây cũng được cô cho bánh tráng nhai cho đỡ buồn miệng. Rồi cô gọi xe ngựa để thầy trò cùng đến trường.
 
    Khi lập gia đình, quê chồng tôi ở Bến Thế và Tương Bình Hiệp. Tôi di chuyển từ Phước Tuy về Bình Dương và năm đầu ở tỉnh tôi dạy ở Bến Thế. Cứ lên xe từ nhà đến Bến Thế là tôi say mê nhìn hai bên đường nhất là khi xe đến Suối Giữa. Ruộng lúa mênh mông xanh rì. Thỉnh thoảng dọc bờ ruộng có một dòng suối con với các cây dại , nhiều nhất là cây dứa gai. Xa xa sau các ruộng lúa là nhà lẫn trong cây cối um tùm. Tôi thường bâng khuâng không biết sau đó nữa là gì. Hồi nhỏ tôi thường nghĩ sau đó không còn gì nữa, mà là khỏang trống không, là chân trời ... Qua Suối Giữa một đoạn ngắn, xe rẻ vào đường đất. Bây giờ thì một bên là ruộng, một bên là nhà cửa, cây cối. Lòng trẻ thơ của tôi bổng sống dậy, tôi mong ước được xuống xe lội xuống ruộng để xem có cá bảy trào hoặc bèo và lục bình không. Xe đến lò lu, lò đường. Nơi nào đối với tôi đều là một kỳ quan. Con gái của bạn tôi có lần nói với tôi: "Bác dễ xúc động khi thấy bất luận thứ  gì." { Nguyên văn: "You are so easily gotten amazed at everything you see"}.  Tôi nghĩ đây là một đặc ân mà Thượng Đế đã ban riêng cho tôi. Do tính nhạy cảm nầy mà tôi rất dễ tìm thấy hạnh phúc và dễ quên đi ưu phiền. Trở lại Bến Thế  và Trường Tiểu Học Tân An Xã. Tên "trong giấy tờ" là Tân An Xã, nhưng dân địa phương thích gọi đó là Bến Thế hay Bến "Khế" cũng vậy. Bà con gốc  Bến Thế, xin đừng giận tôi. Khi tôi học ở Sài Gòn cũng đã bị bà chủ nhà  trọ chọc tôi là dân ở "Khủ'. Cũng xin nói  nhỏ và nói  lạc đề, dân Tương Bình  Hiệp gọi củ tỏi là "củ toả'. Vị trí  trường thật là lý  tưởng đối với  tôi. Phía sau trường là vườn đình với  một rừng cây cổ thụ. Ngày hôm sau lớp tôi có  giờ  học ngoàiụ  trời vào giờ  tập đọc. Đây là  một việc mới  đối với  các  em học sinh, do đó thỉnh thoảng tôi phải hò hét để giữ trật tự.

     Vườn đình Bến Thế, người ta gọi như thế, thật đẹp, thật mát và u tịch nữa. Do đó mà trong vài tuồng cải lương, các đoàn hát đã mượn để làm bối cảnh quay phim. Nhà ông nội chồng tôi, ông Hội Đồng Chứa, cũng đã được mượn quay phim do lối kiến trúc và trang trí theo lối xưa - bàn thờ ở một bậc cao hơn bàn cho khách ngồi cùng với các câu đối, liểng, sơn son thếp vàng.
 
    Quê ngoại của chồng tôi ở Chợ Cũ, Tương Bình Hiệp, nên tôi cũng có nhiều dịp về vào các dịp giỗ Tết, hoặc chỉ về đểâ  ... ăn trái cây. Nếu đi xe lam thì khách phải xuống xe ở chợ. Tại đây có một cái sạp như một cái chợ nhỏ với đầy đủ thịt cá rau cải... Nếu đi xe ngựa thì được đưa đi một đoạn đường nữa, và rồi chúng tôi đi bộ vào nhà người cậu. Tôi thích đi chầm chậm để nhìn các cây cối hai bên đường, các bụi nhãn lồng và các cây hoa trang rừng. Lúc đi ngang qua nhà cô Hai Nghĩa, má chồng tôi giới thiệu như vậy, tôi nhìn vườn chôm chôm Java mê mệt. Trước khi đến nhà chúng tôi lại lội trên bờ đê, lúa xanh mướt như tấm thảm nhung, lòng tôi thấy phơi phới lạ thường. Đến nhà cậu, chúng tôi được phép ra vườn khám phá. Cậu chồng tôi thủ cựu, thích giữ kỷ niệm của ông bà nên chưa chịu đổi cây chôm chôm trong vườn thành cây Java bán được nhiều tiền hơn. Thật ra thấy cũng tiếc vì mấy cây chôm chôm son, vỏ đỏ như tên, ngọt lịm, cơm dầy và nước thật nhiều mặc dù không tróc. Vườn có mấy cây chôm chôm tróc, ngọt hơn cả chôm chôm Java nhưng vì trái nhỏ nên phải bán từng trăm. Một trăm là 130 trái. Mợ tôi bó rất khéo và gọn. Trong vườn cũng có một vài cây sầu riêng. Hôm đó, chúng tôi may mắn lượm được một trái có lẽ rụng tối hôm qua. Chúng tôi ngồi xuống khui  ăn tại chỗ khiến thằng bé cháu nội cậu tôi nhìn chăm chăm băn khoăn không hiểu sao mấy ngươiụ nầy không đem vào nhà cho bà nội. Trong vườn còn có chanh, ổi, khế, nhãn ... Tôi nghĩ là tôi có thể sống ở đây được nhưng khi nghĩ đến lúc trời tối lại, xung quanh vắng vẻ tối om, với ngọn đèn dầu leo lét, chắc tôi không chịu nổi. Bên hông nhà là một mội nước thiên nhiên. Cậu tôi xây một bể vuông có bờ cao khoảng bốn tấc, mình chỉ cần ngồi bên cạnh, cầm gáo múc nước thật là dễ dàng. Nước trong, mát và ngọt ngào, uống ngon mà không cần nghĩ đến vô số vi khuẩn trong đó.
 
    Nhiều năm đã trôi qua, thấm thoát tôi rời quê hương đã gần 20 năm. tôi cứ tương tư những nơi đó, lúc nào cũng mơ ước được về thăm lại hai nơi nầy một  lần. tôi cũng nhớ Bến Súc, tên trong "giấy tờ" là Thanh Tuyền. Thật ra tôi không biết gì nhiều về nơi nầy  vì tôi chỉ ở đó có  một tuần lễ trong năm 1956 khi tôi dạy ở đó trước khi đậu vào Trường Sư Phạm Quốc Gia. Tôi ở trọ nhà một cô y tá gần bên trường. Tôi thích ngồi trước nhà nhìn qua bên kia đường. Đó là một khu rừng có vẻ kỳ bí rùng rợn. Dân địa phương bảo là tối lại heo rừng thường về đào phá khoai sắn. Ở đây tôi có một kỷ niệm khó quên. Tôi vào dạy lớp  nhì nửa chừng nên chưa biết học trò. Giờ tập đọc, tôi giở sổ điểm gọi học sinh đọc... Khi em học sinh đứng lên tôi giựt mình sửng sốt. Nó cao và lớn hơn tôi rất nhiều. Hôm sau nó vắng mặt. Một giáo viên nói với tôi là cậu ta nghỉ học luôn. Nó nói: " Tôi như vầy mà cổ gọi tôi là "em"". Tôi rất thấp và còn quá trẻ, 18 tuổi. Tôi cười và nói :"Thầy cứ bảo nó đi học lại đi, đừng vì tôi mà học hành dở dang". Thật ra tôi cũng không hiểu ai già hơn. Vì thời bấy giờ trẻ ở nhà quê đi học không đều vì họ phải ở nhà phụ với cha mẹ trong việc đồng áng. Cuối tuần đó, tôi hí hửng mua củi trên đường về nhà, lòng vui vẻ lạ thường vì chắc là má tôi sẽ  rất hoan nghinh. Hôm đó  ba tôi ở Sài Gòn về, ông bắt tôi xin nghỉ dạy vì bấy giờ tình hình ở Bến Súc đã bắt đầu bất an. Ở đó một tuần, tôi chỉ đi thẳng một đường từ nhà trọ đến trường và sau đó từ nhà ra chợ lên xe về, nên không biết gì về Bến Súc. Nghe đâu ở đó có một con suối rất thơ mộng như tên. Tuy nhiên tôi không sao quên được ngôi nhà tranh ở trọ và ngôi trường mái tranh nền đất. Có dịp về quê, chắc tôi phải đi thăm Bến Súc một lần và có lẽ sẽ thất vọng vì không nhận được gì quen thuộc cả. Có ai về được quê hương lần thứ hai đâu !

     Và Trường Trung Học Nông Lâm Súc ở Búng (An Thạnh) nữa. Tôi dạy ở đó bốn năm từ 1970 đến 1974. Trường toạ lạc giữa các ruộng lúa. Có hôm đứng trong lớp trên tầng lầu nhìn đồng lúa chín, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng quên hết các ưu tư. Có lần một đàn chim két xanh đáp xuống cá ruộng lúa. Tôi nhìn đàn két say mê quên là các chủ ruộng phải chịu thiệt thòi. Đến chết chắc tôi không bỏ tính vô tư nầy ... Các học sinh tôi thường đi bộ vào xóm trường Nữ Trịnh hoài Đức đểũ mua và đích thân nhổ sắn. Củ sắn mới đào tươi rất dòn nhưng ăn không ngọt bằng để lại vài ngày sau hãy ăn. Ở đây tôi gần gũi các em học sinh hơn cả ở Trường Nữõ Châu Thành là trường tôi dạy lâu nhất. Học trò trung học đã lớn, dạn dĩ hơn học trò tiểu học nên thầy trò thường hàn huyên hơn. Có em kể cả chuyện tình của mình cho tôi nghe.
 
    Nhiều năm đã trôi qua. Tôi xa quê lúc nào cũng thương nhớ quê cũ. Nhớ Việt Nam, nhớ Bình Dương, nhưng nhớ nhất là đường về Tương Bình Hiệp, Bến Thế cây cao bóng mát, nhớ Suối  Giữa thơ mộng. Tôi cũng không quên dòng sông Sài Gòn êm đềm mà cũng rất rộn rịp vào buổi sáng khi chợ nhóm. Nhớ các em học sinh nay đã trưởng thành, có đứa chắc đã lên chức ông bà nội ngoại. Nhớ bà con, người lối xóm, bạn bè, bạn đồng nghiệp. Nhớ từng ngọn rau tấc đất. Có lẽ tôi sẽ hát khúc trường tương tư trọn đời.

(4/2002)