Bình Dương Thương Mến
Lê Tuyết Mai
Cali vào những ngày tháng tư, có những
hôm nắng ấm dịu dàng, có những hôm mưa sụt
sùi bất chợt. Nó gợi cho tôi một nỗi bâng
khuâng xao xuyến không cùng. Mùa nầy
cây bưởi sau vườn đang nở hoa trắng xoá. Mùi hoa
ngan ngát lan toả khắp vườn. Hương hoa thơm dịu dàng đưa
tôi về một góc trời đầy kỷ niệm tha thiết. Nơi đó,
có một thành phố nhỏ nằm dọc bờ sông rộng lớn nhưng
thật hiền hoà. Nới đó, có những con đường
thân quen, những bạn bè xưa, giờ đây chắc đứa
còn đứa mất. Tất cả tưởng chừng như đã nằm im trong
ký ức nhạt nhoà. Vậy mà bây giờ tôi
bỗng nhớ, nhớ thiết tha mọi sự.
Bình Dương, cái thành phố nhỏ không phải
là nơi tôi đã sinh ra, nhưng là nơi
tôi đã sống từ thưở thiếu thời cho đến hết tuổi thanh
xuân. Cái tên Bình Dương nghe thật hiền
hoà như cuộc sống của người dân bản xứ. Nơi đây nổi
tiếng với những vườn dâu, măng cụt, sầu riêng, chôm
chôm .v.v. Nếu bạn là người Sài Gòn,
Biên Hoà hay Thủ Đức, tôi chắc rằng bạn đã
đôi lần cùng người yêu hay bạn bè, tung tăng
trong những vườn măng cụt rợp bóng mát, hái những
nhánh chôm chôm đầy trái đỏ au, hay những
chùm dâu vàng óng ngọt ngào ... Để
buổi chiều khi trở về thành phố, bạn sẽ mang theo về bao lưu
luyến vấn vương !
Bình Dương còn nổi tiếng với những vườn tiêu, vườn
điều và những rừng cao su bạt ngàn. Có một thời
dân nơi đây bỗng trở nên giàu có, nhờ
những thổ sản nầy. Ở đây cũng có thật nhiều những di
tích cổ xưa, những nhà thờ, đền chùa được
xây cất hàng trăm năm trước. Hai trong số những ngôi
nhà cổ của thành phố nhỏ nầy là nhà của
Hạnh và Thảo, hai đứa bạn thân của tôi. Nhà
nằm ngay trung tâm thị xã, chung quanh có
hàng rào kiên cố bao bọc. Trong nhà,
nào hoành phi, câu đối, những bàn thờ lộng
lẫy sơn son thếp vàng. Những cột kèo bằng gỗ mun đen
bóng, chạm trổ rồng phụng thật tinh vi. Những bàn ghế tủ
chè cẩn xa cừ bóng lộn. Nhà nào cũng
có rất nhiều phòng với trướng phủ rèm che.
Tôi thích nhất cái hồ nhỏ được xây
chìm dưới đất.Trong hồ nuôi những con cá tai tượng
to hơn gang tay người lớn, con nào điệu bộ cũng trông thật
dữ dằn. Trên hồ là một hòn non bộ, rêu phong
phủ đầy trên những tảng đa chồng chất lên nhau, làm
thành một quang cảnh núi non hùng vĩ, nào
thú rừng, nào chim chóc ẩn hiện trong các
lùm cây, khe đá. Một vài tiên
ông đang đánh cờ hay uống rượu trong hang núi. Một
vài tiều phu gánh củi trên đường mòn .v v.
Mỗi lần đứng ngắm hòn non bộ lòng tôi thấy thật
nhẹỉ nhàng, tưởng như đang phiêu lưu vào một nơi
non bồng nước nhược.
Những ngày chúa nhựt chúng tôi thường tụ họp
ở hai ngôi nhà nầy. Khi thì chơi đi trốn đi
tìm trong những căn phòng ở nhà nhỏ Hạnh. Khi
thì trải chiếu sau vườn nhà nhỏ Thảo. Nhà nhỏ Thảo
trồng rất nhiều trái cây. Chúng tôi mê
nhất cây mận xanh màu ngọc thạch ngọt tựa đường
phèn. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món mận chua,
xoài sống, với chén nước mắm đường sền sệt, đặc ngừ
tiêu và ớt. Mấy đứa vừa ăn vừa hít hà, chảy
cả nước mắt nước mũi và nhìn nhau cười ngặt nghẽo.
Có những hôm được nghỉ học bất ngờ, chúng tôi
kéo nhau về nằm trên hai bộ ván gỗ bóng
loáng, đen như mun và mát rượi đặt ở chái
nhà Thảo, đọc truyện Tuổi Hoa hay tiểu thuyết của Tự Lực Văn
Đoàn. Bây giờ Hạnh đang ở Kentucky, hàng
tháng vẫn gọi điện thoại sang cho tôi. Nó vẫn
thường nhắc những kỷ niệm xưa, và than buồn cho cuộc sống hiện
tại. Thảo vẫn còn sống với gia đình trong ngôi
nhà xưa đó; nó đang làm một cô
giáo dạy Anh Văn tại gia. Mỗi lần viết thư cho tôi,
nó thường kể về cuộc sống của một vài đứa bạn còn
ở lại, và những đổi thay của thị xã. Nó
không quên nói cho tôi biết bao cảnh
điêu tàn của hai ngôi nhà cổ. Nhà
đã không còn tường rào bao bọc, và
vườn tược cũng đã không còn. Nhà nước
đã lấn đất từ từ, bảo là dành chỗ cho dân
họp chợ. Họ đang đòi mua lại hai căn nhà nầy để
làm viện bảo tàng. Nhớ lại cách đây khoảng
ba năm lúc tôi còn ở Việt Nam, người ta đã
mượn nhà Hạnh để quay một vài ngoại cảnh trong phim Phạm
Công Cúc Hoa. Chừng được xem phim, thấy cảnh Cúc
viên ngoại ngồi trên ghế tràng kỷ ở giữa nhà,
tôi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh ông nội
của Hạnh. Lúc sinh thời ông cũng thường ngồi trên
ghế uống trà, và phe phẩy quạt vào những trưa
hè nóng bức. Ông nội Hạnh rất hiền và
râu tóc bạc phơ; chúng tôi thường ví
ông như một tiên ông trong truyện cổ tích.
Thảo kể về khu vườn trồng toàn hoa và kiểng, được cắt
xén, chăm bón tỉ mỉ ngày nào, bây giờ
đã được lên liếp trồng khoai lang và đang chờ thu
hoạch. Thị xã ngày càng đông đúc,
phức tạp hơn. Những nơi chốn kỷ niệm của chúng tôi lần
lượt bị xoá mờ. Tôi hiểu rằng rồi thời gian sẽ qua rất
nhanh và cuốn trôi đi tất cả. Tôi bỗng nhớ đến hai
câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan với một thoáng ngậm
ngùi:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài
bóng tịch dương.
Ngoài những ngôi nhà xưa, Bình Dương
còn có những ngôi chùa thật cổ kính.
Lâu đời nhất có lẽ là chùa Hội Khánh.
Chùa nằm cách tỉnh lỵ khoảng non cây số. Muốn viếng
chùa, chúng tôi phải đạp xe lên mấy con dốc
cao, đi sâu vào một con đường mòn nhỏ thật vắng vẻ.
Ngoài tượng Đức Thích Ca to lớn oai nghi trên
toà sen, trong chánh điện còn có rất nhiều
tượng Phật, nhiều đến độ chúng tôi không đếm được.
Chùa cũng thờ mười tám vị La Hán, với mười
tám bộ mặt khác nhau, mà những nỗi vui buồn, khổ
luỵ, rầu lo của cõi trần ai đều hiển hiện. Ngày rằm
có rất đông thiện nam tín nữ đến cúng
bái. Bàn thờ nào cũng đầy ắp hoa quả, khói
hương nghi ngút suốt ngày. Chúng tôi thường
kéo nhà lên chùa lễ Phật vào những
ngày rằm, và ăn cơm chay. Đứa nào cũng tin rằng
được ăn cơm của Phật sẽ gặp nhiều may mắn.
Nhà thờ của thị xã cũng là ngôi nhà
to lớn nhất vùng miền Đông Nam Bộ, được xây cất từ
thời Pháp thuộc và kiến trúc theo lối Pháp.
Nằm trên một ngọn đồi cao với tháp chuông cao chọc
trời, nhà thờ luôn được trùng tu nên
lúc nào cũng như còn mới. Muốn lên
nhà thờ phải trèo lên mấy chục bậc tam cấp,
chân cẳng mỏi rã rời. Ở đây chúng tôi
có thể nhìn bao quát toàn cảnh thị
xã. Đối diện nhà thờ là một ngọn đồi thấp hơn,
có những hàng cây cao vòi vọi. Đó
là những cây dầu có từ lâu đời, gốc to hai ba
người ôm chưa giáp, vì thế ngày xưa
Bình Dương còn có tên là Thủ Dầu Một.
Toà Tỉnh Trưởng ngày xưa là một trong những
toà nhà ba tầng được xây cất thật kiên cố từ
thời Pháp. Bây giờ ở nơi đây cũng được chọn
làm nơi đặt trụ sở hành chánh của tỉnh. Những
ngày trời quang đãng, đứng ở sân nhà thờ
chúng tôi thấy núi Bà Đen xanh rì ở
chân trời. Thưở tôi còn là một nữ sinh lớp
nhì trường tiểu học tỉnh lỵ, ngôi nhà thờ nguy nga,
với tháp chuông cao vòi vọi đã là
niềm mơ ước của tôi. Thưở đó tôi đã đọc nhiều
sách thuyết giảng về cuộc đời của Đức Jesus và tôi
ước mơ được làm con chiên của Chúa. Tôi cứ
tưởng như được trông thấy bánh, cơm và cá từ
trên trời xuống như mưa, và Chúa Jesus đã bẻ
cá chia cho các con chiên của Người. Tôi ước
mơ mỗi buổi sáng chúa nhật được đi lễ nhà thờ
trong tấm áo dài trắng thướt tha, được vào
nhà thờ và quý dưới chân tượng Chúa
... Nhưng những ước mơ của tuổi nhỏ theo thời gian cũng dần dần
phôi pha.
Ai là người Bình Dương, dù đi xa tận chân
trời góc biển nào cúng không làm sao
quên được lễ hội ngày rằm tháng Giêng.
Đây là một ngày hội lớn nhất trong năm. Ngày
rằm tháng Giêng là ngày ví Đức
Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Mọi người nô nức đổ
xô về dự hội tại ngôi Chùa Bà nằm ngay thị
xã., cách nhà thờ một con đường. Chùa được
xây cất từ bao giờ tôi không được rõ, chỉ biết
khi gia đình tôi đặt chân lên xứ nầy
thì chùa đã có từ lâu. Theo lời người
lớn kể lại, khi xưa muốn xây chùa người ta phải
cúng vái,và xin keo. Bà chỉ định ở
đâu thì xây chùa ở đó. Những người
Tàu đứng lên xây chùa, do đó
chùa kiến trúc theo lối những ngôi chùa cổ
bên Trung Hoa. Lễ hội ngày rằm đã được chuẩn bị
trước đó hằng đôi ba tháng. Người ta đấu thầu, để
xem ai là người được vinh dự đứng ra lo việc tổ chức rước lư
hương của Bà. Số tiền người trúng thầu phải nộp cho
chùa có khi lên đến hàng triệu đồng. Trong
lễ rước, ngoài các xe hoa, còn phải có
các cung nữ theo hầu Bà. Người ta tuyển chọn cung nữ từ
các thiếu nữ xinh đẹp, mặc những bộ quần áo lộng lẫy
và gánh những gánh hoa hay những tấm gấm,
lụa rực rỡ.
Đám rước được cử hành đúng ngày rằm, nhưng
trước đó đôi ba ngày, các đoàn
lân ở nhiều nới đã tụ họp về tranh tài. Họ đi biểu
diễn trong khắp phố phường. Tiếng trống múa lân
đùng đùng ở khắp cả đầu trên xóm dưới;
nó như có một mãnh lực kỳ lạ, giục giã bước
chân người ta, khiến cho người lớn phải bỏ việc ra xem, trẻ con
bỏ ăn bỏ học đi lang thang theo đoàn lân suốt ngày.
Lúc tôi còn học bận tiểu học, đó là
khoảng thời gian thanh bình nhất của đất nước. Tôi
còn nhớ rất rõ chưa đến ngày rằm mà người
tứ xứ đã kéo về đông vô số kể. Những người
không có thân nhân thì ở la liệt
trên các hè phố góc chợ. Chợ búa bỗng
trở nên tấp nập đông vui. Lễ rước lư hương bao giờ cũng
được tổ chức vào ban đêm. Hai bên phố nhà
nào cũng treo những dây pháo dài thậm thượt,
có khi từ lầu ba kéo dài xuống chạm đất. Trước mỗi
nhà đều có đặt bàn hương án với nhang
đèn và hoa quả. Khi đám rước dừng lại, lân
sẽ biểu diễn và pháo sẽ được châm ngòi. Cứ
thế, dây pháo nầy nối tiếp dây pháo kia,
khói pháo mờ mịt cả một vùng. Lần đầu tiên
ba tôi dẫn tôi đi xem hội, tôi đã kinh
hoàng nhắm mắt, bịt chặt hai tai, nước mắt chảy ròng
ròng vì khói pháo. Sau nầy khi lớn
lên, ngày hội nầy là ngày chúng
tôi yêu thích nhất. Tôi thường cùng lũ
bạn vào chùa cầu xin Bà phò hộ cho việc học
hành, và sau đó vay tiền Bà để mang về cho
má tôi, để mong cầu sự mua may bán đắt, tiền bạc
dồi dào. Ai ai đến chùa cũng vay tiền của Bà mang
về cất kỹ trong bóp, với niềm tin không bao giờ thiếu hụt
tiền bạc. Tiền cho vay được nhà chùa cho vào một
phong bì đỏ, loại phong bì để dành lì
xì cho trẻ con ngày Tết, trong đó họ để một số
tiền tượng trưng rất ít. Có nhiều nhà buôn
bán lớn trong thị xã, họ vay tiền Bà và
làm ăn khấm khá, thế là vào dịp rằm sang
năm họ sửa soạn lễ vật tạ ơn thật hậu hĩ. Hầu như tất cả mọi người
dân trong tỉnh đều vay tiền của Bà, và xem như
đó là lá bùa hộ mạng.
Thị xã nằm sát cạnh bờ sông, một phụ lưu của
sông Sài Gòn. Mùa nước nổi, nước dâng
cao tràn bờ; nước có màu xanh biêng biếc
vì có pha nước biển. Tôi yêu dòng
sông kỳ lạ, nhất là vào những buổi sáng tinh
mơ, khi sương mù còn lãng đãng trên
mặt sông. Dòng sông như còn ngủ yên
trong giấc ngủ miệt mài. Mặt nước phẳng lặng như tờ, và
dường như càng thêm mênh mông. Bên kia
bờ, lờ mờ trong sương là Phú Hoà Đông, một
miền đất thật trù phú nhưng cũng thật là sôi
động trong thời gian chiến tranh đã qua.
Những ngày hè trong ký ức tôi là
những vòm hoa phượng vĩ, màu hoa đỏ rực chói
loà trong nắng ban trưa. Từng đám nữ sinh với những
tà áo dài trắng thướt tha và những
nhánh phượng trên tay, trên các giỏ xe,
các cô mang cả mùa hè đi khắp các nẻo
đường thị xã. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, có lẽ
nhìn cảnh đó, đã bất chợt thốt lên:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của
tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm
là tuổi tôi mười tám
Thưở chẳng ai hay thầm lặng mối
tình đầu.
Bây giờ xa quê hương tôi nhớ hoài những
hàng cây phượng vĩ ở sân trường, và
thèm nghe được tiếng ve sầu kêu râm ran trong những
vòm cây dầu cao vòi vọi, đầy bóng mát
trên khắp các nẻo đường thị xã. Bây giờ,
ngày nào tôi cũng ra sau vườn để hít thở
cái mùi hoa bưởi ngan ngát thơm, và tự nhủ
thầm: ở nơi nào hoa bưởi cũng ngát hương! Vậy mà
tôi vẫn nhớ về một góc phố thân quen ngày
nào, và những con đường mang nhiều kỷ niệm của một thời
tuổi trẻ.
***