Bạn ta ơi !

Nhỏ Mít Ướt


Bạn…

   Khi xem mấy bức hình cựu học sinh bạn gửi sang cho nhóm thân hữu THÐ, nhất là các bà, mình cố mở to mắt ra nhìn coi có tìm được đường nét quen thuộc của …cố nhân nào hay không,nhưng mà chịu thôi, chẳng thấy gì cả.

    Nhưng mà rồi dù không thấy gì,mấy bức ảnh đó vẫn làm mình bâng khuâng nghĩ ngợi hàng giờ. Dù không có ai quen trong ảnh, nhưng nhìn hình dung các bạn trong ảnh mình đoán có thể là suýt soát trang lứa với mình,với bạn và các bạn khác cùng niên học ngày xưa, mình cảm thấy ngậm ngùi làm sao. Nhớ đến ngày xưa là nhớ đến biết bao hình ảnh đẹp đẽ. Những mái đầu thuở nào xanh xanh đã ươm biết bao nhiêu trái mộng hồng hồng. Giờ đây, mỗi người còn trong ảnh và những người vắng mặt,hỏi mấy ai hái được trái mộng vào lúc chín muồi mà mình đã từng ươm từ thuở còn xanh.

   Ngày xưa ấy, dù mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi nguời có một thế giới, nhưng mà ai nấy cũng mang một tấm lòng trong sáng, ai nấy cũng ươm một trái mộng mơ. Có thể hình ảnh trái mộng của mỗi bạn không giống nhau. Tùy hoàn cảnh gia đình, tùy khả năng hội nhập, khả năng đấu tranh với cuộc đời mà bạn mình vẽ nên trái mộng của riêng lòng.

      Ngày xưa ấy, nhìn những người bạn mình là con nhà khá giả, xinh đẹp, học hành giỏi giang, được thầy cô và bạn bè quý mến, ai mà không nghĩ rằng tương lai của bạn ấy chắc chắn là sẽ rực rỡ, huy hoàng. Lại nhìn các bạn gia cảnh thanh bần , khó thể đeo đuổi việc học đến nơi đến chốn , ai cũng  tưởng rằng tương lai của bạn ấy sẽ không dễ dàng . Nhưng rồi… mấy ai học được chữ ngờ. Thời gian trôi qua một thoáng phù du, việc xảy ra trong đời đã khiến người ta phải chấp nhận những tình huống ngỡ ngàng đến chóng mặt.

      Nhìn những bạn tuy mình không quen trong ảnh, mình vẫn thấy thấp thoáng những nỗi đắng cay chua chát của cuộc đời ẩn hiện đằng sau những nét cằn cỗi được che dấu bằng nụ cười. Nét cằn cỗi ấy ẩn chứa rất nhiều nước mắt. Mình cảm thấy xót xa cho các bạn ấy, nhưng đồng thời mình cũng cảm thấy nhẹ nhỏm khi biết rằng các bạn đã có thể tạo cơ hội gặp gỡ nhau như ngày hôm nay. Mình thầm cám ơn trời, mình có hoàn cảnh may mắn hơn các bạn, tuy rằng đời mình cũng từng đã rơi ít nhiều nước mắt, nhưng nước mắt của mình có lẽ không thấm vào đâu so với các bạn ấy.

    Hoàn cảnh các bạn ấy, có thể cũng có người rất tốt, cũng có người không đến nỗi nào, nhưng cũng có những trường hợp thật là bi đát. Giống như cô bạn …nối khố của mình vậy. Mấy năm trước có cơ hội về thăm quê, mình tất tả đi tìm cô bạn nối khố ngày xưa ấy của mình, để rồi…để rồi lại chia tay mà không cách nào ngăn được dòng nước mắt.

   Ngày xưa ấy, mình là một cô bé nhút nhát, ít nói lại mau nước mắt, bạn bè hay trêu chọc bằng cái từ  “ nhỏ mít ướt”. Hễ mỗi lần có ai bắt nạt mình thì cô bạn nối khố - lớn hơn mình một tuổi -  ra tay nghĩa hiệp chống lưng cho mình. Mình và bạn ấy học chung từ lớp năm trường làng. Khi còn ngồi bậc tiểu học,mình và bạn ấy như hình với bóng. Nhà mình đến nhà bạn chỉ cần băng ngang một con đường mòn dẫn ra quốc lộ 13 xuyên qua một khu vườn nhỏ , nằm cách xa quận lỵ Lái Thiêu vài ba cây số. Thuở ấy,dù cặp kè đi học gặp nhau mỗi ngày, ngày nghĩ học mình vẫn cứ hay đến nhà bạn ấy chơi. Nhà bạn ấy có ruộng lúa, có nương khoai, rẫy dưa,luống cà theo từng mùa trong năm.Còn nhà mình, ông cụ mình là công chức về hưu vui thú điền viên với khoảnh vườn nhỏ bé, cây cối trồng trọt trong vườn hầu như chỉ để cho vui mắt và để làm quà vặt cho trẻ con trong nhà là anh chị em bọn mình . Những ngày mùa, mình hay theo bạn ấy ra rẫy xem bạn giúp người lớn trong nhà tỉa đậu, trồng khoai. Nhằm những lúc vụ mùa sắp thu hoạch, hai đứa ưa lẻn ra rẫy chơi,khi thì hái dưa chuột non nhai rào rạo, khi thì đào mấy củ khoai đem vùi lửa, khoai chín thơm phứt nóng hỗi, hai đứa vừa thổi vừa  ăn, vừa cười khúc khích với nhau. Lại có khi tụ tập thêm vài bạn khác cùng xóm, rủ nhau chơi trò bán quán, nhảy cò cò, nhảy dây, đánh đũa…

    Mình nhớ mãi hôm đi thi vào THÐ, ba bắt mình dậy thật sớm,chuẩn bị xong xuôi, trời còn tối đen,ba dắt tay mình, dọ dẫm trên con đường mòn, vừa đi vừa gọi om sòm tên bạn . Cái hồi ấy, khu xóm quê đó chỉ có hai đứa mình đi thi vào THÐ mà làm rộn lên cả xóm còn đang yên giấc. Lần ấy, hai đứa đều thi rớt, phải ngồi lại lớp nhất thêm một năm. Trong năm đó  ba má mình dọn nhà đi lên gần quận lỵ hơn nhưng chỉ cách chỗ cũ một cây số, mỗi ngày đi học mình phải lội bộ ngược trở lại một cây số ngang qua chỗ cũ để ghé vào nhà bạn ấy rồi cùng đi thêm một cây số nữa mới tới trường . Năm đó, đi thi vào THÐ lần thứ nhì, cả hai đứa đều đậu và được sắp ngồi chung lớp A nên mừng ơi là mừng.

   Hồi ấy trong nhà, chỉ mình mình thi đậu được vào trường công lập nên  ba má cưng, việc nhà có anh chị lớn và ba má lo rồi nên cũng chẳng ai rầy la gì “ nhỏ mít ướt”, đi học về làm bài xong hễ có thời gian là mình tha hồ …vù lại nhà bạn ấy. Tuy phải đi bộ một cây số để đến đó nhưng mình không ngại chút nào .Bạn ấy thỉnh thoảng cũng tới nhà mình chơi nhưng ít khi ở nhà mình lâu, lý do là nhà mình ít trò để chơi hơn nhà bạn ấy. Hai đứa như bóng với hình trong nhiều năm liền.

    Từ hồi tiểu học cho đến suốt mấy năm trung học, bạn ấy lúc nào cũng bênh vực cho mình, lại lo lắng cho mình đủ thứ, phải nói ngay rằng bạn ấy già dặn hơn mình nhiều ,bạn lại dám ăn dám nói, mình nghĩ có lẽ do bạn ấy có cơ hội đọc sách nhiều hơn mình, bạn có hai ông anh lớn có trình độ học vấn cao, trong nhà có ít nhiều sách vở, báo chí thời mới,  đó chính là một trong những nguyên nhân khiến mình thích đến nhà bạn ấy chơi. Nhà mình cũng có sách vở, báo chí  nhưng đa phần là kinh kệ nhà Phật,sách dạy làm người như Minh Tâm Bữu Giám, Thông Thiên Học, báo Chánh Ðạo, Ðuốc Nhà Nam, Ðuốc Từ Bi, Hải Triều Âm.v.v…của ông cụ nhà Nho là ba mình mà mình dù chẳng hiểu tí gì cũng đã tò mò lục lọi đọc chẳng sót quyển nào. Vì ông cụ nhà mình tuyệt đối cấm con cái đụng tới cái gọi là “tiểu thuyết”, nên mình khoái đến nhà bạn ấy chơi,hễ bắt gặp sách vở, báo chí mà mình cho là lôi cuốn, hấp dẫn thì chúi mũi vào đọc ngấu nghiến cho hết rồi trả lại chỗ cũ chớ không dám mang về nhà.

     Năm học Ðệ Thất mình phải đón xe đò từ Sài Gòn lên để đi. Có hôm mình lên xe thì gặp bạn ấy đã trên xe vì xe chạy ngang chỗ bạn ấy trước rồi mới đến chỗ mình.Hai đứa gặp nhau tíu tít dù vẫn gặp nhau mỗi ngày. Hôm nào lên xe không gặp vì đứa đi trước đứa đi sau lỡ chuyến thì cứ y như ngồi trên lửa, nhấp nha nhấp nhỏm. Hết năm Ðệ Thất, sang năm Ðệ Lục, Ðệ Ngũ cũng cứ như vậy. Ðến năm Ðệ Tứ thì nhà sắm cho bạn xe động cơ hai bánh. Thế là ngày ngày, bạn ấy đèo mình đến trường. Hai đứa hẹn giờ nhau, mình ra quốc lộ 13 chờ sẵn, xe bạn vừa trờ tới là mình …cột hai vạt áo dài lại rồi leo lên yên sau.( Ý a ! Hồi ấy chẳng biết “ Yểu điệu thục nữ” là gì cả).

     Trong bao nhiêu năm trời, bạn ấy vừa là bạn vừa đóng vai đàn chị của mình. Một nhóm bạn chơi chung nhau còn vài bạn khác, nhưng các bạn khác ở xa hơn nên rốt cuộc chỉ hai đứa là thân thiết nhất trong suốt quảng thời gian chung lớp chung trường. Năm cuối cùng, gia đình mình không có khả năng cho phép mình tiếp tục theo đuổi việc học hành nên mình rời trường sớm hơn bạn. Rồi mình lập gia đình và theo chồng đi nơi khác. Từ đấy mỗi đứa đều có một cuộc đời riêng, sinh hoạt không giống nhau nên cơ hội gặp gỡ càng ít đi. Mình bận bịu với bổn phận, trách nhiệm. Bạn tiếp tục con đường học vấn, vào đại học. Mấy năm trời lại trôi qua, cho đến một ngày…ngày mà mọi nề nếp cũ của xã hội bị xáo trộn đảo điên. Mình có cơ hội về sống gần chốn cũ thì bạn, bạn lại phải khăn gói lên đường đi học tập…làm công dân mới mặc dù trước kia bạn chỉ là một thư ký hành chánh. Khi bạn trở về, bạn mời mình ăn cưới và lần này thì đến phiên bạn …theo chồng đi chốn khác. Bạnmãi rối rắm với đời sống khốn khó của một gia đình dưới con mắt của người cầm quyền địa phương là thành phần …ngụy quyền, mình luôn bận bịu với toan tính tránh né những tình huống có thể xảy ra trong chiều hướng xã hội đảo lộn, gặp gỡ nhau chưa được mấy lần, chưa kịp cả ăn đầy tháng con bạn thì mình đã lênh đênh trên sóng nước, phó mặc mạng sống cho trời đất rủi dung. Từ đấy vắng bặt tin tức cả đôi bên.

    Mười lăm năm. Phải, mười lăm năm phù du qua cuộc đời. Mười lăm năm, bằng quảng thời gian “ bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm” trong cuộc đời của nàng Kiều. Mình không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày này từ khi đặt chân xuống con thuyền nhỏ chông chênh một chiều mưa gió năm nào trên sông Tiền. Hai cái cảm giác mà có lẽ suốt đời mình không quên được đều đến với mình bằng hai buổi chiều mưa. Một chiều mưa gió ướt đẫm sông Tiền nước chảy đục ngầu, ướt đẫm ánh mắt mẹ già héo hắt tiễn đưa con, ướt đẫm đất trời xanh biếc bóng dừa bóng cau trong lòng cô bé vốn đã mau nước mắt thuở nào…Rồi khi bước chân xuống phi trường TSN, nhìn lại trời quê sau mười lăm năm qua màn mưa lất phất,một cảm giác vừa ngọt ngào, vừa xót xa,lạ lẫm ào ạt tràn ngập tâm hồn mình. Dù chung quanh anh em con cháu rộn ràng, cảm giác của mình sao nghe như …lạc lõng,ngác ngơ. Này mẹ,này anh,này chị,này em…Ngoài những khuôn mặt thân thương đã hằn thêm màu mưa nắng , có những khuôn mặt trẻ trung hơn nhưng vẫn đầy nét gió sương mà mình không thể nào nhận ra được là đứa nào con của ông anh bà chị nào. Ghé sát vào mặt từng đứa để nghe … “ Con nè, thằng….; Con nè, con…v.v…”Mình chỉ biết kêu lên “ Trời đất, sao mà không giống như ta tưởng chút nào”. Trong đầu mình chỉ có hình ảnh những chú nhóc con đầu trần chân đất mặc quần cọc chạy nhong nhong trên đường làng,tóc tai toàn mùi nắng gió. Mẹ mình cười hiền “ Con này nói lạ, bộ tưởng là …ngày hôm qua sao”. Mình nghẹn ngào nhìn mọi người,thấy thương sao những làn da sạm nắng, những mái tóc hoe vàng. Trên đường về nhà, nhìn bất cứ hình ảnh,cảnh vật nào mình cũng đều thấy ngậm ngùi thương cảm,mình thấy thương sao những hạt mưa lất phất rơi trên mái tranh xóm nghèo, thương em bé làng quê áo quần xốc xếch vui đùa với mấy hạt mưa và cây dù bằng lá củ môn, thương con trâu ốm o còm cõi, thương ngọn cỏ cháy xém võ vàng trên mãnh đất hoang,mình thương hết những hình ảnh thô sơ mộc mạc của làng quê, càng thương những hình ảnh ấy thì mình càng thấy tiếc, tiếc cho đôi bàn tay mình thật là bé bỏng, yếu đuối.

     Mình càng thương hơn ngôi nhà của bạn . Mình cũng không biết đó có nên gọi là nhà chăng? Nếu mình không được nhìn tận mắt căn nhà này mà chỉ nghe ai kể lại thôi thì mình sẽ cho là …bi thảm hóa. Nước mắt của mình không biết ở đâu chực sẵn đã vội ứa ra. Mình và một bạn khác đến bất thình lình nên không gặp bạn ấy, chỉ có đứa con trai nhỏ của bạn ở đó, mình chỉ biết nhắn với cháu là sẽ trở lại. Ði ra khỏi nhà bạn, nước mắt mình tiếp tục chảy ra, mình không tưởng tượng được với một căn nhà như vậy, bạn sinh hoạt như thế nào, còn người đàn ông trong gia đình của bạn, anh ta làm gì với khung cảnh mái nhà như thế, những thắc mắc cứ vương vấn mãi trong đầu mình trong suốt thời gian bọn mình hai đứa ,với cô em mình, một cháu trai con bà chị làm …hướng dẫn viên, cô em của bạn ấy, theo chương trình đã định sẵn đến thăm trường Nữ THÐ năm xưa. Lòng đã ngậm ngùi cho bạn, càng thấy ngậm ngùi hơn khi nhìn khung cảnh mái trường thân yêu ngày nào. Mình chỉ nhận ra được dãy lớp chính có hai tầng lầu và cái cửa vòng cung phải bước ngang qua đó mỗi khi muốn đi vào văn phòng hoặc lên lầu vì nó không có gì thay đổi, nhưng sân trường và mấy dãy lớp khác thì mình hoàn toàn không có chút ý niệm gì, nó khác xưa nhiều quá, mình nhớ là ngày xưa sân trường chỉ có một cái cột cờ ở giữa sân mà thôi. Dạo ấy trường đang nghỉ hè nên mình không gặp ai ở đấy cả, mình và bạn G. chụp vài bức ảnh rồi cũng buồn bả lên xe đi nơi khác.

    Sau khi thăm viếng vài chỗ khác – mình lên thăm tỉnh lỵ, có đi ngang trường Nam THÐ nhưng không ghé vào vì ở đó cũng chẳng có ai – mình quay trở lại nhà bạn ấy, bạn vẫn chưa về nhà nhưng bọn mình quyết định ở đấy chờ vì mình biết rằng hôm đó mình không gặp được bạn ấy để đi chơi với nhau một ngày thì mình khó có thời điểm nào khác hơn. Cuối cùng thì mình cũng được toại nguyện. Ðứng lóng nhóng ở con đường mòn trong xóm trước sân nhà bạn, thấy dáng bạn cỡi xe đạp tất ta tất tưởi chạy về khi thấy bóng bọn mình lao nhao trước sân nhà. Nhìn bạn thật chẳng khác ngày xưa chút nào chỉ thêm nét nắng mưa hằn  trên khuôn mặt.Vừa đến nơi là bạn hất chiếc xe đạp qua một bên, chạy a tới ôm choàng lấy mình, miệng kêu rối rít “ Thiệt là …bồ đó hả…nhỏ mít ướt, nhỏ ơi là nhỏ ơi !!!”. Rồi cả bọn kéo nhau vào nhà. Sau một hồi kể lể, hỏi bạn rằng có thể đi với nhau một ngày được chăng, bạn cười hề hề, cho là chuyện nhỏ bởi vì bạn cũng đang …thất nghiệp. Nghe bạn nói năng ồn ào pha trò vui vẻ, “Nhỏ mít ướt” chỉ biết có cười …híp cả mắt lại ,nhưng  nhỏ nhận ra được trong nét khôi hài của bạn thật không thiếu phần chua chát, đắng cay. Hỏi người đàn ông trong gia đình bạn sao vắng bóng, bạn lại chua chát hát “ Gió đưa bụi chuối sau hè…” rồi bạn cười hề hề “Ðừng lo,trong nhà ta có gạo và nước mắm đủ cho một mẹ bốn con ăn một tháng  nên ta mới dám “cự” với bọn “chủ cả nước ngoài” hiếp đáp mấy đứa nhỏ thiệt thà chơn chất ở đây đó chớ, ta, một nách bốn con, bị cuộc đời đá lăn đá lóc từ mười mấy năm nay rồi, ta đâu có ngán bọn nó,ta cũng đã làm không biết bao nhiêu nghề rồi, buôn thúng bán bưng , cày sâu cuốc bẩm, thứ gì ta cũng không từ, cái văn bằng ngày xưa ở cái xó xỉnh này đã bị khoác lên lớp áo ngụy quyền thì chỉ có nước đem treo trong bếp cho khói ám mà thôi, cũng may nhờ kiến thức ở  học đường ngày xưa mà ta làm nghề tay chân nào cũng khá hơn người khác nên ta không sợ thất nghiệp, chỉ tội mấy đứa con ta, đứa nào học cũng giỏi nhưng ta không có khả năng cho nó tiếp tục đi học vì nhiều lý do, hy vọng duy nhất của ta bây giờ là chờ đợi bà nội chúng nó liên lạc được người chủ Mỹ cũ để tìm cách lo cho chúng đi khỏi nơi này thì mới mong khá được mà thôi.

     Nghe hết tâm sự đắng cay chua chát của bạn,lòng nhỏ nặng chình chịch . Cái tâm sự đó không phải chỉ riêng bạn mới có, nhỏ cũng từng nghe rất nhiều, mà không chừng nếu nhỏ còn ở lại thì chính nhỏ cũng sẽ là đương sự trong câu ca dao “ Gió đưa bụi chuối” kia. Biết làm sao hơn, đó là thảm cảnh chung của xã hội thời nào cũng có mà ngày càng đi đến tình trạng tồi tệ hơn.

     Nói là cùng đi chơi thăm chỗ này chỗ nọ với nhau, thật ra mục đích là để kể lể cho nhau nghe tâm sự trùng trùng trong mười mấy năm trời gom lại một ngày ngắn ngủi. Nhỏ nhận ra được bạn vẫn còn giữ cái tính hào hiệp, không chịu được cái cảnh những người hiền lành nhút nhát bên mình bị người khác áp bức giống như nhỏ ngày nào, và cũng vì cái tính ấy mà bạn luôn phải xung đột với kẻ áp bức khiến cho đời sống bạn thêm vất vả, nhỏ đem điều này nêu lên với bạn thì bạn …trợn mắt “ Trời ơi, vậy mà còn sống chưa nổi đó em cưng, cưng mà còn ở đây chắc …cưng khóc tối ngày”, tuy miệng nói “ Chắc cũng không đến đỗi nào chứ” nhưng nhỏ cũng thầm cám ơn trời là mình may mắn hơn bạn, dù cuộc đời của nhỏ cũng lắm phen lên thác xuống ghềnh.

    Ði một vòng đây đó,khi đưa bạn trở lại nhà, muốn giúp bạn nhưng sợ bạn tủi thân, nhỏ dấm dúi vào tay bạn một phong bì bảo gửi cho mấy đứa trẻ ăn quà và hẹn bạn mấy tuần sau sẽ gặp lại vì nhỏ phải đi ra miền Trung ngày hôm sau.

      Khi trở về từ miền Trung, mình không còn nhiều thời gian nên cũng không thể sắp xếp để đi với nhau được lần nào nữa. Chỉ có hôm đưa mình ra phi trường trở lại Mỹ, bạn khóc mà mình cũng khóc, không nói với nhau được lời nào, mình cũng không dám hứa với gia đình hay với bạn là bao giờ sẽ lại về, vì mình biết công việc của mình đa đoan, không thể nói trước được.

    Trở về Mỹ ít lâu, mình và bạn trao đổi với nhau được vài ba bức thư thì bỗng dưng lại vắng bặt tin tức bạn, có thư đi mà không có thư về,mình nhờ mấy đứa con bà chị bên nhà tìm hiểu giùm mình thì được tin là bạn đã rời khỏi chỗ ấy rồi nhưng không biết là bạn đi đâu. Rốt cuộc mình lại mất liên lạc với bạn thêm lần nữa. Từ ấy đến giờ,mình vẫn chưa có cơ hội trở về để đích thân đi tìm bạn. Mình chỉ cầu mong sao hy vọng của bạn được thành tựu, bạn vẫn ở đâu đó trên trái đất này thì nhất định một ngày nào đó mình sẽ còn gặp lại bạn,mình tin chắc chắn như vậy.

     Bạn ta ơi, bạn ở đâu đó nếu đọc được những giòng chữ này của mình thì bạn biết ngay đây là “Nhỏ mít ướt” ngày nào của bạn đang nhớ đến bạn nhiều lắm đây.

 Bạn ta ơi là bạn ta ơi !
 

Nhỏ Mít Ướt