Bác
Tám đi hầu toà
Minh Tâm
- Mua vé số hoài không trúng, mà sao
năm nào mình cũng trúng “số” làm Bồi Thẩm
(Jury Duty).
Bác Tám lầm bầm như vậy khi nhận được thư mời của
toà gởi tới nhà hôm nay theo đường bưu điện.
Bác Tám được làm công dân Mỹ
“trên giấy” hơn mười năm nay. Gọi là công dân
Mỹ “trên giấy” vì thật sự bác Tám chưa bao
giờ nghĩ rằng mình là người Mỹ, vì bác chỉ
biết chào quốc kỳ mà không biết hát quốc ca.
Sau đó, năm nào ông cũng nhận được giấy mời đi
toà “bất đắc dĩ” để làm Bồi Thẩm. Lúc đầu,
bác điền đơn trả lời rằng ông không nghe và
hiểu rành tiếng Anh và “thoát nạn” phải “hầu
toà” dễ dàng. Mấy năm gần đây, “mánh” nầy
hết công hiệu vì Toà lý luận rằng đã
là công dân Mỹ thì phải hiểu tiếng Anh
và ngôn ngữ dùng trong toà cũng không
khó hiểu gì cho lắm. Mấy ông luật sư sẽ cố
gắng làm cho quý vị bồi thẩm hiểu là mình
muốn nói gì. (Điều nầy thật ra chưa chắc đúng!).
Bác Tám chỉ biết mánh lới của mình
đã hết hiệu nghiệm và đành phải chấp nhận đi hầu
toà. Đối với bác Tám đây là một
chuyện phiền nhiễu, vừa tốn thì giờ vừa không hợp ý
bác - một người hiền lành, nhân hậu, không
muốn phải xử ai. Tuy nhiên bác Tám phải bắt buộc
làm trách nhiệm công dân của mình
vì bác cũng sợ rắc rối cho chính mình nếu
không trả lời và tới toà đúng hẹn.
Tới tuần lễ quy định, mỗi tối sau 7 giờ, bác Tám phải gọi
điện thoại vào toà để nghe "máy" trả lời coi
mình có bị triệu tập vào ngày mai hay
không. Ngày đầu tiên bác thoát, qua
ngày thứ ba thì bác ... dính.
Thế là bác Tám phải chuẩn bị hành trang như
đem theo chai nước, một cuốn sách, mấy viên thuốc cần uống
và tới toà lúc 8 giờ sáng ngày bị
triệu tập.
Để vào toà, bác Tám phải bị xét an
ninh xem có vũ khí hay không như ở phi trường. Sau
đó, bác được hướng dẫn tới phòng đợi. Ở đó,
người ta phát có bác một tài liệu để
nói về công việc của một bồi thẩm.
Theo đó, để "được" vinh dự làm bồi thẩm, mọi người
dân không phân biệt sắc tộc, nghề nghiệp, giới
tính ... cần phải thoả mãn những điều kiện như:
- Là công dân Mỹ
- Lớn hơn 18 tuổi
- Nghe và hiểu tiếng Anh
- Không can án ...
Và bất cứ công dân nào thoả mãn những
điều kiện nói trên đều có thể được “bốc thăm” để
được gọi đi làm bồi thẩm căn cứ theo danh sách người
lái xe của Nha Lộ Vận và danh sách ghi danh đi
bầu. Trong phòng đợi, bác Tám thấy có
hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng đã từng
làm bồi thẩm như: diễn viên Harrison Ford, Jamie Lee
Curtis, chánh án Lance Ito ...
Tài liệu còn chỉ dẫn tiến trình của một
phiên toà từ khi chọn bồi thẩm, khai mạc, trưng bày
chứng cớ, buộc tội và biện hộ ... cho tới giai đoạn thảo luận
và tuyên án ... Nhưng quan trọng nhứt là
những điều mà một bồi thẩm không nên làm
trong phiên toà như không được thảo luận với bất cứ
ai kể cả thân nhân và bạn bè, không
được tự mình đi điều tra tại hiện trường ... Tất cả chỉ căn cứ
vào các chứng cớ (nhân chứng, và vật chứng)
tại phiên toà mà thôi. Họ còn hướng
dẫn rằng khi thảo luận thì bồi thẩm viên nên lắng
nghe ý kiến của người khác và mạnh dạn phát
biểu ý kiến của mình.
Một phiên toà thường có 12 bồi thẩm viên.
Trong phiên toà hình sự việc bỏ phiếu phải
có kết quả 100%, nghĩa là 12 người phải đều bỏ phiếu thận
thì bản án mới được công bố. Nếu không
thì coi như phiên xử thất baị và phải xử lại ở một
phiên toà khác. Phiên toà dân sự
thì dễ hơn chỉ cần đa số tuyệt đối với tỉ số 9/12 là được.
Đến 9 giờ, toà lại chiếu một phim hướng dẫn các bồi thẩm
tương lai. Nội dung cũng tương tự như trên.
Sau đó, ông xếp phòng lo cung cấp bồi thẩm cho
các phiên toà hôm nay cho biết:
Thông thường, Toà Thượng Thẩm tại địa phương nầy gọi 600
người mỗi tuần để phục vụ cho các phiên toà ở
đây. Trong toà nầy có 20 phòng, mỗi
phòng là một toà do một chánh án
xét xử. Một người được mời đến làm bồi thẩm chỉ cần phục
vụ một ngày hay một phiên toà (trung bình
kéo dài 4-5 ngày hay có khi dài
hơn). Phục vụ xong sẽ được miễn 12 tháng sau đó.
Ông cũng nói thêm là hôm nay
không có lương. Nhưng nếu bạn được chọn làm
bồi thẩm thì bắt đầu ngày mai, mỗi
ngày toà sẽ trả cho bạn 15 đô la cộng với tiền di
chuyển là 34 xu cho mỗi dặm đường từ nhà đến toà
để
bạn đổ xăng.
Ông dặn mọi người ngồi chờ và đừng đi đâu xa để nếu
có phiên toà nào gọi thì mình
phải có mặt.
Nộp giấy tờ, điểm danh xong, bác Tám ngồi chơi và
nhìn xem mọi người.
Hôm nay có khoảng hơn 100 người bị gọi tới đây. Nếu
nhìn bề ngoài thì khó biết người Mỹ thuộc
thành phần nào bởi vì họ ăn mặc rất xuề
xoà, bình dân. Nghe gọi tên thì biết
họ đủ mọi sắc tộc: Á, Âu, Mễ đều có đủ. Họ Nguyễn,
Phạm … cũng có hai người. Có hai ông bà cụ
kia, già rồi, đi phải chống gậy mà cũng bị kêu. Họ
có thể xin miễn nếu có giấy của bác sĩ, nhưng chắc
làm giấy tờ hơi nhiêu khê nên họ tới đây
để "phục vụ" cho xong. Bà con "giết thì giờ" bằng
cách đọc sách, nghe nhạc, xem internet, đọc báo
hay ra sân nói điện thoại tán dóc với ai
đó.
Cả buổi sáng hôm đó, không thấy ai bị
kêu lên toà hết. Tới 11:30 ông trưởng
phòng cho mọi người đi ăn trưa. Hẹn 1:30 trưa thì trở lại.
Vào buổi chiều, ông trưởng phòng cho biết,
hôm nay có 5 phiên toà, nhưng 4 phiên
đã xử xong bằng cách điều đình hay gì
đó, bác Tám nghe không rõ. Chỉ
còn một phiên toà nữa mà thôi. Hy vọng
mọi người sẽ được miễn và về sớm. Ai dè, tới 3 giờ
thì toà gọi xuống nói cần ... 80 người lên
trình diện để được lựa chọn bồi thẩm. Bác Tám
có tên trong số những người nầy.
"Bây giờ gần hết giờ làm việc mà 80 người được
phỏng vấn để chọn lấy 14 người (12 chánh thức, 2 dự trữ). Chắc
sẽ bị đi thêm một ngày nữa quá". Bác
Tám lo thầm trong bụng như vậy.
Lúc tới phòng họp của toà, ông cảnh
sát ở đây nói:
- Bà con ở ngoài chờ một chút, khoảng 30
phút nữa thì sẽ được gọi vô.
Bà con đành chờ và ai cũng "rủa" thầm trong bụng:
“Kêu lên đây rồi bảo chờ gì nữa. Chắc
là mai phải đi nữa rồi. Chán thiệt.”
Trong thời gian chờ đợi, bác Tám bắt chuyện với một
ông Mỹ kia:
- Chắc mình phải đi thêm một ngày nữa quá!.
- Không đâu, mấy ông luật sư và chánh
án chọn bồi thẩm lẹ lắm. Ai là kỹ sư, nhà
giáo hay đã từng bị ăn cướp, hãm hiếp ... hoặc
là ai có thân nhân là cảnh sát,
công tố viên ... thì sẽ được miễn liền hà. Họ
chọn nhanh lắm. Đừng lo.
Ông Mỹ già có kinh nghiệm làm bồi thẩm trả
lời bác Tám như vậy.
Nghe thì để đó chớ bác Tám cứ thấp thỏm
hoài.
Tới 3 :30, ông cảnh sát mời bà con vào
toà.
Phòng họp của toà không lớn. Bác Tám
vô sớm nên có ghế ngồi và nhìn
lên trên thì thấy bên tay phải có bị
cáo là một thanh niên người Mễ và ông
luật sư. Bên tay trái có hai luật sư khác. Ở
phía dưới chỉ có vài người đến xem toà,
không biết là thân nhân của bị cáo hay
của người bị hại. Bên tay trái, 12 ghế bồi thẩm còn
trống. Sau đó ghế cũng có người ngồi vì
không đủ chỗ. 80 người vô phòng và ngồi ghế
xong cũng hết 10 phút. Có người phải đứng vì hết
ghế.
Đợi mọi người yên vị, ông chánh án tên
Taylor mới nói:
- Đây là một vụ án hình sự thuộc loại trọng
án. Nhưng 30 phút vừa qua chúng tôi
đã quyết định không cần xử với bồi thẩm đoàn. Xin
cám ơn quý vị. Quý vị có thể ra về nếu
không có toà nào khác gọi.
Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Trên đường ra, bác Tám hỏi lại ông Mỹ hồi nảy
là đã xảy ra chuyện gì. Ông Mỹ nói
là:
- Chắc hai bên công tố và bị cáo đã
điều đình với nhau: Bên bị cáo chịu nhận tội với
hình phạt nhẹ hơn và khỏi phải bị xử với bồi thẩm
đoàn".
Ông chánh án nầy chắc cũng làm áp lực
và nói rằng có 80 người đang chờ ở bên
ngoài để làm bồi thẩm. Nếu không chịu thì họ
sẽ vô liền ... Đó chỉ là đoán mò
thôi chớ thật sự chúng tôi không rõ
điều gì đã xảy ra ở bên trong.
Nhận "giấy chứng nhận" đã có mặt trong
ngày toà gọi, bác Tám ra về mà trong
lòng phơi phới vì không phải trở lại vào
ngày mai. Trên đường về bác Tám có
nhận định như sau:
Đi làm bồi thẩm là trách nhiệm của mỗi công
dân Mỹ. Hệ thống tư pháp Mỹ muốn xử người ta vừa có
lý vừa có tình. Có mặt ở toà cũng
là một kinh nghiệm tốt để công dân biết về hệ thống
toà án với phương châm pháp luật phải đối xử
công bằng với mọi người. Hàng năm, có hàng
triệu người được triệu tập để chờ làm bồi thẩm trên khắp
nước Mỹ. Hàng triệu ngày công đã bị bỏ đi để
phục vụ cho một cơ chế công bằng. Để làm điều nầy con
người và xã hội phải chịu hao tốn rất nhiều. Nhưng sự hao
tốn đó chúng ta phải chấp nhận để bảo vệ cho một thể chế
tự do dân chủ mà "Pháp luật là trên
hết".
Riêng bác Tám, bác cũng rất hãnh diện
vì mình phải là người tốt mới được mời đi
làm bồi thẩm, mặc dù khả năng được ngồi vào ghế xử
rất ít. Như hôm nay, cả trăm người có mặt mà
không ai được thật sự làm bồi thẩm hết ./.