Ẩm Thực Bình Dương

HOÀNG ANH


    Nói đến “ẩm thực Bình Dương”, ngay những người Bình Dương cũng có vẻ thờ ơ lãnh đạm: “ Bình Dương có gì đâu mà viết !”

    Mọi người đều có lý nào đó mới suy nghĩ như thế. Bởi xưa nay nói đến ẩm thực người ta chỉ nghĩ đến những trung tâm lớn như Hà Nội, đất của ngàn năm văn vật; hay cố đô Huế, đất của các bà phi bà chuá; Sài Gòn, nơi giao lưu và hội tụ các nền văn hoá thế giới, hòn ngọc của Viễn Đông một thời….
   
    Những nơi ấy sở hữu quá nhiều thứ để có quyền mà tự hào, mà giới thiệu, từ lịch sử, truyền thuyết, nước non cho đến con người. Những món ăn của Hà Nội đúng là trân châu bảo vật, khiến người BD nghe đến đã đủ thèm muốn và kính trọng. Nào là sâm cầm, cà cuống, chim ngói tần với hạt sen, ý dĩ, với miến song thần, với thịt lợn nạc, với mộc nhĩ nấm hương….

    Huế, lại là chốn kinh kỳ đô hội của một thời. Món ăn và thuật nấu nướng Huế cầu kì, tinh tế. Cũng vì vậy mà khi ăn, người Huế dọn mỗi thứ một chút xíu, bày trên những cái điã con, khiến người ăn không bao giờ thấy chán, vì không có thứ gì ăn được nhiều, nhưng lại được thưởng thức nhiều món. Là chốn kinh đô, có tới 1300 món ăn nấu theo lối Huế !

    Sài Gòn, trung tâm văn hoá thương mại của cả nước, nơi hội tụ người dân của mọi miền, đặc sản địa phương do vậy gần như không thiếu món chi. Nằm bên cạnh một Sài Gòn chói ngời ánh điện, những ngọn đèn ở Bình Dương trở nên mờ nhạt, ngọn tỏ ngọn lu.

    Ẩm thực Bình Dương, đúng là không có chi hấp dẫn với mọi người, một đề tài dễ bị giễu cợt, đàm tiếu, và những người Bình Dương, do vậy có vẻ trở nên rụt rè sợ hãi không ai dám đá động chi đến cái gọi là “Ẩm thực Bình Dương”.

    Ngày nay phở được chọn là thức ăn tiêu biểu của Việt Nam trên thế giới, công trạng ấy không thể không kể đến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, những người đã hết lòng tán tụng phở. Ngay cả cái món rọc mùng, nghe ông Thạch Lam ca ngợi, ta có cảm tưởng như đó là một loại linh dược ngàn năm trên núi thuở xa xưa, hoá ra đó là cọng bạc hà mà người miền Nam nào cũng đã ăn từ hồi còn bé: “ Tôi còn nhớ rõ trên đầu lưỡi tê như một lượt rùng mình nhẹ, cái vị đậm ngọt và hơi ngưa ngưá của những miếng rọc sơn hà ( bạc hà, rọc mùng ). Cái thứ rau này, sao mà đi với bún thế ! Tưạ như trời sinh ra để nấu bún, và cái hoà hợp dịu dàng không ở đâu là không có, trong một tác phẩm văn chương cũng như trong một nồi bung nấu khéo. ( Thạch Lam )

    Món ăn ngon, như vậy là còn do người ta có thể nhận ra giá trị và biết cách khen nó hay không. Món ăn Bình Dương không nổi tiếng, lỗi ấy một phần bởi chính những người Bình Dương đã thờ ơ, phụ rẫy món ăn của chính mình.

    Rất may là còn có lắm người phương xa nói hộ thay cho dân Bình Dương, làm cho nó không bị chìm vào quên lãng:
   
    Ông Vũ Bằng trong tác phẩm “ Món lạ miền Nam “ viết :

    “ Bánh bèo bì ở Búng nổi tiếng là ngon; tô mì Bà Điểm; hủ tiếu chợ giưã Mỹ Tho; bánh in Cao lãnh; nem Tân Cương ăn mịn xớt mà giòn; tôm nướng Tân Thuận Đông vưà thơm vưà ngọt.
    Gà nhúng hèm ngon nhất là Bình Hoà; con “ móng tay “ Long Hải; bưởi Tân Triều; măng Lái Thiêu; cam Cái Bè; dưà xiêm Mỹ; dưa hấu Cầu Ngang…”
    Trong đôi dòng giới thiệu sơ qua món ngon của miền Nam, Bình Dương được nhà văn kể ra hai món “ bánh bèo và măng cụt “.

    Nhà thơ Bùi Giáng trên bước lãng du phiêu bồng đắm mình trong vẻ đẹp của trần gian vẫn không quên nhắc đến món ngon của Bình Dương: “ Nhân gian thương nhớ rộng thênh thu nào Lục Tỉnh bờ Tiền Giang Châu Đốc em Sa Đéc Hốc Môn mùa Lái Thiêu Sầu Riêng Măng Cụt hương mật mớm chảy tràn môi nhau”.

    Và còn rất nhiều nữa nào Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, vua vọng cổ Uùt Trà Ôn ( đã làm cảm động bao người với bài Trái Gùi Bến Cát), vua hề Văn Hường ( muì mẫn mà dí dỏm với Gánh Bún Dĩ An)…Danh sách ấy thật dài,với những lời ca ngợi hay hoài nhớ về món ăn ngon và lạ của một vùng đất mà họ đã có lần trãi qua và không quên.

    Chỉ mới kể sơ qua, cũng đã thấy là cái ăn cái uống của Bình Dương cũng được người ta nói đến nhiều. Cớ sao là người BD, ta lại cứ bảo rằng “ có vì đâu mà nói”…Tại ta mặc cảm tự ti chăng? Bụt nhà không thiêng chăng ? Vợ đẹp là vợ của người, món ăn ngon, chẳng lẻ cũng phải là món ăn của người chăng ? Hay chúng ta có yêu cầu cao quá, cứ nghĩ rằng ẩm thực phải là những sơn hào hải vị mới xứng gọi là ẩm thực? Ông Lâm Ngữ Đường không nghĩ thế, ông bảo : “ Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi”. Câu nói này đáng để ta suy ngẫm.

    Do đó giới thiệu món ăn của một điạ phương cũng không phải là để khen hay chê, mà cái chính là để tìm những giá trị văn hoá của vùng đó được phản ánh qua cách ăn uống. Bởi để nhận diện một dân tộc ngòai lịch sử, điạ lí, ngôn ngữ…người ta còn nhận biết thông qua thức ăn. Người Nhật là món cá sống sushi, người ý là món mì ống spaghetti, người Aán là món gia vị curry, người Nga là trứng cá caviar…

    Mỗi dân tộc có một kiểu cách nấu nướng và ăn uống riêng. Người Nhật thích ăn sống, người Pháp thích món nướng đút lò, người Ấn thích ăn bóc, người Tây thích dùng dao, nĩa……Cách nào thì cách, qua chế biến món ăn, nhìn thức ăn nào đó, ta cũng sẽ thấy được trình độ văn mi nh, văn hóa, thấy được tâm hồn, phong cách và phần nào bản sắc của cả cộng đồng cư dân nơi ấy.

    “ Một cách cầm đuã, một cách đưa thià lên húp canh báo cho ta biết nhiều về một hạng người hơn là một trăm pho sách. Và nhất là những thức họ ăn…Báo cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào “
 “ Ăn và chơi, phải, đó là hai điều hành đọâng trong ấy người ta tỏ rỏ cái tâm tính, cái linh hồn mình một cách chân thực” ( Thạch Lam )

    Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng nghệ thuật chế biến và thưởng thức thức ăn chính là đỉnh cao của một dạng văn hóa văn tộc.

    Ăn uống là một nét văn hóa, phản ánh trình độ, đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lí của một cộng đồng dân tộc nhất định.. Sự hình thành cách ăn uống của một dân tộc, của một vùng, là kết quả của một nền văn hóa ra đời trong cảnh quan và lối sống riêng của vùng đó.

     Giới thiệu món ăn của một địa phương, do vậy cái chính là để tìm những giá trị văn hóa của vùng đó được phản ánh qua cách ăn uống. Giá trị đó thể hiện ở chỗ biết tìm những nguồn thực phẩm thích hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực cư trú, tìm được những cách chế biến thông minh thích hợp với thời tiết của địa phương. Và cao hơn nữa, qua cách ăn ta sẽ thấy mối quan hệ xã hội giữa những con người trong một cộng đồng. Một câu tục ngữ Tây phương nói : “ Cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là ai”. Thức ăn là một bằng chứng về địa vị xã hội, về đời sống văn hóa và trình độ văn minh của một con người.

     Chúng ta hãy lắng nghe nhà văn hoá Lâm Ngữ Đường phát biểu về vai trò của ẩm thực trong đời sống của con người :

    “ Chúng ta bị vấn đế ẩm thực chi phối tới nỗi từ cách mạng, hoà bình chiến tranh, ái quốc, đến tình thân ái quốc tế, đời sống hàng ngày của cá nhân, của xã hôị đều chịu ảnh hưởng sâu xa vì nó. Nguyên nhân cách mạng Pháp ở đâu? Có phải tại Rousseau, Voltaire, Diderot không ? Không. Chỉ tại vấn đề ẩm thực. Nguyên nhân cách mạng Nga và cuộc thí  nghiệm của Sô Viết ? Cũng tại vấn đề ẩm thực, Nã Phá Luân nói câu này thật thâm thuý : “ Quân đội ra trận với bao tử của họ “. Khi dân chúng đói thì đế quốc tan vỡ mà những chế độ bạo ngược mạnh mẽ nhất cũng phải sụp đổ. Đói thì mọi người không chịu làm việc, quân lính không chịu chiến đấu, các cô danh ca không chịu hát, các ông nghị viên không chịu họp hội, ngay đến các vị Tổng thống cũng không chịu trị nước nưã.”

    Sử không chép rõ là bà vợ Khổng Tử bị chồng đuổi hay tự ý ra đi vì ông chồng khó tính quá, gạo muốn cho thật trắng, thịt muốn bằm cho thật nhỏ ( thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế ), thịt không có thứ nước chấm thích hợp thì không ăn, cắt không ngay ngắn cũng không ăn, sắc không tươi cũng không ăn, mùi có hơi nặng cũng không ăn…

    “ Khổng Tử bỏ nước Lỗ vì nó quên không biếu ngài mấy lạng thịt. Tôi xem nghề bếp núc là một trình độ của văn hóa văn minh.”

    Trong 64 quẻ của Kinh Dịch, có đến hai quẻ chuyên bàn về chuyện ẩm thực của con người. Cụ Hải Thượng Lãn Ông trong quyễn Y Tôn Tâm Lĩnh cũng viết nhiều về ăn uống, những điều này cho thấy tự xưa người ta đã ý thức được việc ăn uống có vai trò quan trọng trong đời sống con người biết chừng nào.

    Nghiên cứu về thức ăn, chúng ta tình cờ có những phát hiện lí thú khi khám phá ra cách uống trà sủi bọt của dân quê Bình Định, sao mà giống cách uống của mấy ông già Bình Dương ngày xưa đến thế! Chúng ta không quên rằng vùng Bình Chuẩn ngày nay từng lừng danh làng võ bà Trà, một tuỳ tướng của Tây Sơn từ Bình Định lưu lạc vào đây.  Còn cách hút thuốc rê của Bình Dương thì lại y chang mấy ông dưới miệt Cà Mau. Miền Bắc xa xôi cách trở, thế mà vùng Hà Tĩnh sao cũng nói “ bới cơm “ giống như mình. Còn ở Quảng Nam, họ cũng ghiền trái mít non giống mình quá đó chứ !

    Do đó khảo cứu về ẩm thực, không chỉ là để bình phẩm chuyện dở ngon, mà nó còn giúp ta nhận ra biết bao điều về lịch sử, phong hóa của một vùng đất và cư dân sinh sống trên vùng đất đó.

    Tiến sĩ Nguyễn Nhã, trưởng nhóm nghiên cứu văn hoá ăn uống VN, trong một bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26-6-2004, phát biểu :” Phải cứu lấy những món ăn độc đáo trong các gia đình lớn.Trước hết chúng ta cần có kế hoạch sưu tầm những món ăn từ những gia đình có truyền thống lâu đời về ăn uống…”.Ông đề cập đến những quê hương nổi tiếng, trong đó có Bình Dương.

    BD có địa giới phía tây là sông Sài Gòn ( Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là sông Bình Giang?), phía đông là sông Đồng nai ( xưa gọi sông Lộc Dã ), ở giữa là một vùng đất rộng nhấp nhô những gò đồi, truông rừng, trảng cỏ, ruộng lúa và vườn cây ăn trái.

    Bình Dương nằm giáp ranh với hai thành phố lớn trên phạm vi cả nước là Thành Phố Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hoà, thuộc tỉnh Đồng Nai và một tỉnh miền núi là Bình Phước. Địa thế này khiến cho Bình Dương vừa có hình ảnh của một thành phố hiện đại với những xa lộ thênh thang sáng trưng ánh điện quang,  vừa có nét hoang dã của núi rừng âm u xanh thẫm.

    Đường về BD hết lên rồi lại xuống, uốn lượn chập chùng như dãi lụa đào của các cung nữ trong điệu vũ Nghê Thường thưở xa xưa. Hai bên con đường ấy là những khu vườn trái cây rậm mát, những thữa ruộng lúa xanh mơn mởn, những cây cao thẳng vút in hình trên nền trời xanh, xa xa là những giàn bầu, bí, khổ qua lấm tấm hoa vàng, những ngôi mã đá ong đen nằm rãi rác, lưa thưa vài ngôi nhà ấp ủ im lìm giữa tàng cây mít hay vú sữa xanh um.

 Tuy không có được một danh lam thắng cảnh nào đáng kể, nhưng Bình Dương từ lâu cũng đã nổi tiếng là vùng trái ngọt cây lành, với những con sông nhỏ uốn khúc nên thơ mời gọi khách du đô thị, với những vùng đất gợi nét đẹp quê nghèo trong mùa nắng cháy, với những rừng cao su ngút mắt, mùa lá rơi vàng ối cả một vùng trời …

    Ở đây nay vẫn còn lưu lại những  câu ca câu vè của dân gian, tuy mộc mạc mà giàu cảm xúc, phác hoạ lên được tâm tình và hình ảnh rất đặc trưng của đất và người  BD :

_Tay em bưng rổ kiếng bước lên xe kiếng chín từng
Đường về thăm phụ mẫu trước rừng, sau truông.

_ Ve kêu réo rắt đầu truông
Liệu bề thương được thương luôn cho tới già

    Đất Bình Dương, đúng như tên gọi của nó, đi đâu cũng thấy một màu xanh, mà mọi thứ đều có vẻ bình bình, không thái quá. Có núi, núi không cao; có sông, sông chẳng rộng; có rừng, nhưng rừng không sâu; có đồng xanh, đồng xanh không bát ngát. Tiết trời, cũng lại như đất, mưa thuận gió hoà. Suốt bao nhiêu năm không hề có cảnh bảo giông, lụt lội. Mùa nắng, nắng không cháy da; mùa mưa, mưa không thối đất. Sinh sống giữa một vùng trời đất gió mưa như thế, ở Bình Dương chẳng mấy ai phải chịu cảnh chết đói. Đất lành, thì người cũng hiền, chuyện ấy có lẻ là theo lý tự nhiên của Trời Đất.

_ Trèo lên cây gõ lót ổ chim sâu
Thấy em côi cút chăn trâu một mình

_ Trèo lên cây trắc bắt ổ tò vò
 Thấy em còn nhỏ chăn bò anh thương

    Người BD hiền lành nên được thiên nhiên trời đất ưu đãi chăng mà  xung quanh họ thứ gì cũng có thể ăn và thứ gì hình như cũng có vị thuốc. Đã vậy Trời đất lại ban cho  thức ăn ngập tràn môi trường họ sống, thậm chí đem vào đến tận trong nhà, thềm nhà của họ. Muà nào cũng nhiều thứ sẵn có ngoài vườn, ngoài ruộng, ngoài bờ kinh, bờ sông. Tuỳ sở thích, hoàn cảnh, tha hồ lưạ chọn mà chế biến thành nhữnh món ăn ngon.
Trên vách là các loài bò sát như thằn lằn, tắc kè; dưới nền đất là rắn mối, dế cơm, cóc, bò cạp, chuột ; thềm nhà thì có rau sam, càng cua, rau đắng, rau má…

    Bước ra ngòai sân thì có lá đinh lăng trong chậu kiểng, lá ớt hiểm non, lá bông thọ…; hàng rào thì nào là lá mồng tơi, lá bồ ngót, lá dang, dây tơ hồng; ngòai vườn có lá lốp, rau dền, cây lekima, cây chùm ruột, cây trứng cá, mọc sẵn cứ trèo lên hái mà ăn; ngước mắt lên thì có ve, chim sẻ, nhan, sóc, dơi luôn ríu rít bay nhảy mời gọi trên cành…

    Đồng ruộng đầy rắn, lươn, bù tọt, ếch, chim cút, thỏ, chồn, và vô số đọt cây rừng cứ tha hồ mà bứt như ngành ngạnh, vừng, lá dang, lá sai…Ngoài ra còn có nhiều loại củ gắn liền với kỷ niệm thời kháng chiến gian khổ mà oai hùng của dân tộc như củ chuối, củ nần, củ chụp, củ mài…

     Trái rừng có trái xiêm, trái cò ke, trái sai, trái trường, trái nhãn lòng, trái bứa, trái gùi ( Trái gùi Bến cát, nỗi danh với bài ca của sọan gỉa Viễn Châu do danh ca Út Trà Ôn hát)…;

    Xuống bưng thì nào là cá, ốc ( cứ dùng tay không vớt lên dưới ruộng mà ăn khỏi cần phải bắt “ má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ” ), cua đồng , gà nước, cò, khúm núm…, trên bờ ruộng có cải tàu bay, rau muống…; triền sông bờ suối thì nào là rau mốp, bông lục bình, lá sơn, lá chiếc, lá chạy, lá mặt trăng, kèo nèo…
Sản vật ban tặng của thiên nhiên, ở BD đáng kể nhất còn có nguồn động vật hoang dã. Xưa kia , trong tỉnh có rất nhiều hổ, báo; nhưng từ khi đặt ra giải thưởng cho người giết được hổ, báo và từ khi mở ra đường lộ khắp ngả, thì hổ báo mất dần. “ Cọp rừng miền Đông là tai hoạ lớn, ấy thế mà đồng bào ta vẫn định cư. Theo con số sơ lược, khi Pháp đến, vùng Hốc Môn cứ vài tuần ghi 4 người bị cọp vồ; vùng Cầu An Hạ trong 3 tháng 12 người ; vùngThủ Dầu Một, trong vài tháng, báo cáo 8 người chết. Và hàng ngày, luôn luôn nghe chuyện cọp về xóm, về chợ để gây rối. “ (Sơn Nam, SBDDC)

     Thái tử Nga, sau này là Sa Hoàng Ni-cô-lai II bị truất phế khoảng 1890 từng về vùng Dĩ An săn bắn. Chuyện cọp lộng hành, đến chợ Thủ Dầu Một từng được danh hào Victor Hugo kể lại trong tiểu thuyết “ Những người lao động miền biển ( Les travailleurs de la mer ). Trong hồi ký của Grammont, trong khoảng thời gian ngắn đã có 6 lính Pháp bị cọp tha xác bên huyện lỵ. ( tức chợ Thủ ngày nay )

    Thỏ rừng, sóc, cheo, nhím, chồn, lợn lòi và nai thì còn nhiều. Tuy nhiên, trâu rừng, voi và tê giác thì gần như tuyệt chủng từ khi giao thông mở rộng. Những giống có lông vũ như công, trĩ, đa đa, cu, gà rừng, chim câu cũng có nhiều. Tại những vùng đầm lầy thì có chim mỏ nhác, có mòng, két, cò, bìm bịp, khúm núm... Khỉ có nhiều giống khác nhau, có giống rất lớn. Đi chơi trong rừng khá nguy hiểm vì vó nhiều rắn độc.

    Về nguồn thủy sản, cá dưới nuớc thì không có nhiều loại lắm, phổ biến nhất chỉ là cá rô, cá lóc…và nhiều thứ cua đồng. “Thịt các loại cua cá đó không ngon lắm, song người dân giỏi chế biến với các đồ gia vị đặc biệt nên tạo ra được những món ăn hảo hạng. “ (Nguyễn Đình Đầu). Từ khi đắp đập lòng hồ Dầu Tiếng, lại có thêm nguồn cá Lăng, nhiều con lớn hơn 15 kg, thịt cá nấu lẩu canh chua là một món đặc sản ở vùng này.

     Trời cao đã ưu đãi thế, lại còn ban cho đất đai nơi đây màu mỡ nên họ tha hồ mà trồng trọt để quanh năm suốt tháng không lúc nào mà thiếu lương thực. Nằm giữa hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn, lại có nhiều mương  suối cung cấp nước tưới tiêu nên thuận lợi cho việc lập vườn làm ruộng, cung cấp nhiều nông sản như lúa gạo, trái cây, trầu cau, rau cải…

    Sức mạnh nông nghiệp ở BD không phải là cây lúa, do ngoại trừ những vùng ven sông hoặc những nơi gần suối, đất ở đây có vẻ không thích hợp cho việc trồng lúa nước lắm, đất đai không mầu mỡ như ở các tỉnh miền Tây có lẻ do phù sa có pha qúa nhiều cát.

    “ Bù lại, đất trồng cây ăn trái lại rất tốt. Măng cụt trồng trong hai tổng Bình Chánh và Bình Điền có tiếng ngon ngọt hơn khắp Nam Kỳ. Người dân tỉnh cũng trồng được thứ trà hảo hạng và trồng được rất nhiều thơm ( khóm hay dứa ). Có những cánh đồng bát ngát trồng mía bên bờ sông Sài Gòn và rạch Thị Tính, mía đem lại mối lợi. Người ta cũng trồng thêm nhiều thứ: đậu phọng, khoai mì, dưa, thuốc lá…” (Nguyễn Đình Đầu, Địa chí Sông Bé)
Để có đủ lương thực cho dân trong tỉnh, cần phải nhập lúa gạo, cá mắm với số lượng lớn từ đồng bằng sông Cửu Long đem về.

    Đất gò người ta trồng được nhiều loại cây lương thực thích hợp hơn như các loại khoai lang, khoai mì, khoai mỡ, khoai sọ, khoai môn, khoai từ, bắp, các loại đậu như đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, đậu đũa; hoa mầu, đồ hàng bông như bầu bí, mướp, khổ qua, dưa chuột, dưa gang, rau cải…Những thư ùnày thay phiên nhau mà có quanh năm, cung cấp nguồn nguyên liệu nấu nướng chính yếu cho mọi người.

    Ngoài ra nói đến BD là nói đến vườn trái cây trên các loại đất khác nhau như vườn sầu riêng măng cụt, vườn mít, vườn điều, vườn tre, tiêu, cà phê…

    Như vậy về nông nghiệp, ở BD có ba nghề chính là làm ruộng, làm vườn và làm rẫy, trong đó làm rẫy là quan trọng hơn cả.

    BD vừa là đất gò, vừa có ruộng, có rừng, nên nguồn sản vật địa phương vô cùng phong phú, đa dạng.  Ở đây có những sản vật  cao nguyên như thú hoang, trái rừng, vừa có những đặc sản miền Tây như ca,ù tôm, chuột, rắn…BD lại gần Sài Gòn, Biên Hòa là hai trung tâm ăn uống lớn của cả nước nên có điều kiện du nhập nhiều món ăn sang trọng của hai thành phố  này.

     Do hoàn cảnh địa lý khá đặc biệt như thế nên về ẩm thực, mới nhìn sơ qua, ở BD dường như không có chi đặc biệt mà tương tự như nhiều địa phương khác. Thế nhưng nếu chịu khảo sát kỹ hơn, chúng ta sẽ phát hiện được rằng trên dặm dài của lịch sử với bao nhiêu thăng trầm biến động, người BD, sinh sống trên một vùng đất mới với những điều kiện địa lý lịch sử riêng biệt, đã có nhiều sáng tạo, đóng góp vào sự phong phú , đa dạng của nền ẩm thực Việt Nam nói chung.