Thể thao Bình Dương và trường Trịnh Hoài Đức trước 1975
 
Minh Tâm
Lưu thanh Bình
Hoàng Anh

 

Thể thao Bình Dương ngày nay rất nổi nhờ có một đội bóng đá giỏi, nhưng thật ra, phong trào quần chúng không chắc đã mạnh như hồi trước 1975. Bài viết nầy thử nhớ lại những nhân vật nổi tiếng trong các môn thể thao và phong trào ở Bình Dương và ở trường Trịnh Hoài Đức cách đây khoảng 40 năm về trước.
 
1. Bóng bàn:
 
Sự kiện thể thao đầu tiên ở Bình Dương mà tôi nhớ là vào khoảng năm 1960, khi đội bóng bàn Việt Nam đoạt giải vô địch Á Vận Hội thì Ty Thanh Niên Bình Dương có mời đội bóng bàn quốc gia Việt Nam về biểu diễn ở Bình Dương. Các tuyển thủ Mai văn Hoà, Lê văn Tiết … sẽ đánh bóng biểu diễn ở trường Mỹ Thuật. Thú thật lúc đó tôi còn nhỏ lắm nên tuy có xem nhưng tôi không nhớ và không hào hứng lắm về các trận bóng nầy.
 
Thanh thiếu niên ở Bình Dương chơi bóng bàn (ping pong) ở Ty Thanh Niên, trước Nhà Thờ Bình Dương. Học sinh Trịnh Hoài Đức có nhiều danh thủ bóng bàn phát xuất từ phòng bóng bàn nầy như Phú Yên, Phú Cường, Nông Vĩnh Trị, Sa Công Danh, Bành Ngọc Sang, thầy Nguyễn Văn Hiệp, Từ minh Thạnh... Trường NôngLâm Súc thì có hai anh em của Châu (đen). Người nổi tiếng chơi bóng bàn ở Bình Dương là anh Lê Phước Huỳnh. Anh là huấn luyện viên của Ty Thanh Niên. Nhưng mỗi khi có giải bóng bàn cấp tỉnh thì anh lại ít khi chiếm được giải vô địch vì có nhiều người đánh bóng bàn rất hay trong các cơ quan quân đội đóng trong phạm vi tỉnh. Trận đấu hay nhứt là trận đấu tranh giải vô địch bóng bàn tỉnh Bình Dương khoảng đầu năm 1970 giữa anh Lê văn Thân (trung sĩ Công Binh) và một ông đại uý (tên Đào Lệ Hải ) thuộc Sư Đoàn 5. Trận đấu ở Quán Cơm Xã Hội gần Ga Xe Lửa Bình Dương trước trường Bồ Đề đã kết thúc trong chiến thắng rất khít khao cho anh Thân với  tỉ số 25-23.
 
Xin nói thêm về anh Lê phước Huỳnh như sau: Anh Huỳnh giỏi, nhưng khi tranh giải, anh bị thất bại trước một tay vợt khác là Phương đầu móp. Ông này tên thật là Nguyễn Đình Phương, gốc Huế, vợ Bình Dương, nhà xã Chánh Hiệp. Ông là sĩ quan không quân, bị tai nạn giao thông, trán lõm vô nên có biệt danh như trên. Anh Huỳnh chuyên sử dụng vợt gỗ, có lối đánh chuyên về phòng thủ nhưng rất khó chịu. Đánh dợt chơi thì ông Phương thường thua, nhưng khi tranh giải thì ông lại thắng. Thực ra sau khi thua anh Huỳnh, ông Phương về Sài Gòn hỏi thầy ông chỉ cách hóa giải lối đánh của anh Huỳnh. Ông Phương vô địch nhiều năm liền, có lúc là huấn luyện viên cho đội tỉnh, thành tích cao nhất là ở cấp quân khu, nhưng chưa đủ tầm để vươn đến cấp quốc gia. Sau 75 ông làm nghề thợ gò, làm thùng, máng xối... rất vất vả để nuôi vợ con. Chiếc cúp hồi xưa ông dùng để đựng thuốc rê, khi mệt, phì phèo điếu thuốc và nhớ lại thời quá khứ vàng son hiện về mờ ảo trong khói thuốc. Hiện nay ông vẫn còn sống, còn anh Huỳnh thì dường như đã chết, cũng trong cảnh không vui. Hồi đó còn có anh Tròn, cán bộ nông thôn, nhanh nhẹn, đánh đẹp, nhưng không có độc chiêu nên thứ hạng không cao lắm.
 
Lúc đó khuynh hướng bóng bàn thiên về phòng thủ, đứng xa bàn đỡ bóng bằng vợt gai không mút chống xoáy. Sau thập niên 70 mới phổ biến đứng ôm sát bàn đôi công và vợt mút hai mặt làm quả bóng biến hoá khôn lường. Chiến tranh làm bóng bàn Việt Nam tụt hậu, xa dần đỉnh cao phong độ. Sau 1975 thì chỉ còn quanh quẩn trong ao làng không còn làm mưa làm gió ở nước ngoài nữa. Lê văn Inh, Vương chính Học không chiếm được hạng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên một số tuyển thủ Nam Việt Nam cũng nhận được nhiều ưu đãi khi định cư ở nước ngoài nhờ tài chơi bóng bàn, một môn ưu thế của người châu Á.
 
Phòng bóng bàn của trường Trịnh Hoài Đức nằm liền kề với phòng thí nghiệm, hướng giáp trường Tiểu học Cộng Đồng Búng. Bàn bóng bàn nầy là bàn gỗ, không có lưới. Chúng tôi lấy hai cục gạch rồi gác một cái cây ngang để làm lưới. Bàn gỗ nên có nhiều chỗ bị “défaut” nhưng đó là nơi trưa nào bọn trẻ chúng tôi cũng chơi với cái "lưới" tự túc. Bóng bàn là một môn chơi nhanh tay lẹ mắt và kiên nhẩn, không hợp với tính khí nóng nảy. Có lần, một bạn đánh thua liên tục mấy ván liền nên nổi nóng, vụt cây vợt vào tường gãy cả cán, chưa đã nư còn nắm cạnh bàn nhấc bổng lên rầm rầm làm cả đám lủi nhanh đi chỗ khác. Đó là bạn Nguyễn Văn Ân, lớp B5 khóa 12. Bạn đã mất năm 1972 tại Quảng Trị.
 
Có một ngôi nhà nằm cuối đường Ngô Quyền, góc đường giáp bờ sông. Trước sân có một nhà để xe mái tôn, nhưng không chứa xe mà chứa một cái bàn ping pong. Và kẻ hèn này cũng được nhiều dịp chơi ở đấy. Đó là nhà của tiểu thư Nông thị Ngọc Liễu.
 
2. Bóng chuyền:
 
Các đội bóng chuyền ở Bình Dương đa số thuộc các cơ quan quân sự trong tỉnh như: Trường Công Binh, Sư Đoàn 5, Tâm Lý Chiến … Đội Sư Đoàn 5 có nhiều anh đánh giỏi như anh Ly, Hoà … Sau nầy có thêm đội Ty Tiểu Học và đội Trung Học Trịnh Hoài Đức. Trong một chuyến đi Nhà Bè, đại diện cho Bình Dương là đội Ty Tiểu Học có sự tăng cường hải cầu thủ của Trịnh Hoài Đức là Nhãn và Lực, đội nầy đã thắng Xăng Dầu Nhà Bè với tỉ  số 2-1 mang lại danh dự cho tỉnh nhà (còn hai môn bóng bàn và quần vợt thì tỉnh Bình Dương thua Nhà Bè) . Đội Trịnh Hoài Đức còn vinh dự chiếm giải vô địch thanh niên toàn tỉnh năm 1971 (nhờ đội mạnh nhứt lúc đó là đội 302 Chiến Tranh Chánh Trị bận đi công tác). Sau nầy đội 302 Chiến Tranh Chánh Trị mời đội Trịnh Hoài Đức lên Lai Khê đấu giao hữu thì đội Trịnh Hoài Đức thua te tua.
 
Khoảng năm 1974 có đội Biệt Động Quân đóng tại gần Trường Nguyễn Trãi. Đội nầy có dịp đấu giao hữu với đội Liên Trường An Mỹ và Trịnh Hoài Đức. Dĩ nhiên học trò thì làm sao đánh cho lại mấy ông lính. Sau khi thua một hiệp thì tự nhiên ở đâu lại có hai anh tuyển thủ quốc gia Việt Nam (việt kiều từ Campuchia về) tên là anh Phong và anh Mẫn xuất hiện. Hai anh nầy nói để ảnh tăng cường cho đội học sinh. Một anh trên một anh dưới. Sau đó, đội Liên Trường mạnh lại và gỡ được hai hiệp. Tới hiệp thứ tư thì Biệt Động quân thắng. Tỉ số lúc nầy là 2-2 mà trời đã trưa rồi nên hai bên đồng ý … nghỉ vì không khí đã hơi căng thẳng rồi (đã gây gổ và sắp đánh lộn). Trận nầy người viết có tham dự nên nhớ rất rõ.
 
Về môn bóng chuyền, khi tranh giải cấp khu với các tình khác thì Bình Dương lúc nào cũng thua Tây Ninh, Gia Định, Long An.
 
Về môn bóng chuyền ở trường Trịnh Hoài Đức: Thi đấu tranh giải toàn trường, đội bóng chuyền của Khóa 11 Trịnh Hoài Đức hầu như không có đối thủ, nhờ có nhiều tay giỏi đều từ chuyền hai đến đập trên lưới như Trần văn Lực, Võ văn Nhãn, Từ Minh Thạnh... Đó chính là nhờ Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường ( CPS) của Ty Giáo dục Bình Dương và thầy Nguyễn trọng Nhượng hướng dẫn. Tiếc thay, vì thời cuộc nên phong trào bóng chuyền không duy trì được lâu. Cho đến nay, môn bóng chuyền của tỉnh Bình Dương cũng chưa bao giờ được xác định là môn thể thao mũi nhọn của địa phương (như bóng đá, xe đạp, quần vợt), nên chỉ còn là bóng mờ dĩ vãng. Thật buồn.
Môn bóng chuyền rất phù hợp với học sinh vì chiếm rất ít diện tích sân trường, phương tiện tối thiểu không tốn kém, và nhiều người tham gia chơi cùng một lúc.
 
3. Bóng tròn:
 
Bóng tròn hay đá banh là một môn thể thao rất phổ thông. Thanh niên Bình Dương hay đá banh ở các sân: Nhà Thờ, Trường Công Binh, Làng Garden , Gò Đậu, Nhị Tỳ … và các sân banh ở các xã như sân Chợ Cũ, Phú Chánh, An Mỹ … Trọng tài Fifa đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại Bình Dương. Danh thủ có tiền đạo Trần Tiết Anh, dân Phú Hữu; Dư Tân, trung vệ thòng, đá thế vai Tam Lang. Dư Tân thời còn ở Lái Thiêu nay dường như đã về Sài Gòn. Vinh đầu sói sau 75 có thời gian gắn bó với Bình Dương dường như ông cũng có mối liên hệ với quê hương này... Đội bóng Thủ Dầu Một có mặt sớm, rất nổi danh ở Nam Kỳ, thời với Ngôi sao Gia Định. sân bóng đá Thủ Dầu Một đứng hàng đầu Nam bộ (12 sân)
 
Khoảng năm 1970 có đội Thiện Đức do các anh Không quân ở Biên Hoà hay về Bình Dương đá giao hữu với các đội banh ở các xã. Phong trào đá banh ở Bình Dương rất hào hứng mặc dù đội bóng tròn Bình Dương lúc đó không có thành tích gì đáng nói.
 
Ở Lái Thiêu , sân banh Ấp Trưởng là cái nôi đào tạo nhiều hảo thủ cung cấp cho đội tuyển quốc gia ( Miền Nam ) như Dư Tân, Hảo, Đức, Bé (Cu Ke), và sau này là ba anh em nhà họ Trương ( Dũ, Hải, Khanh), Tiểu Đạt…Đội bóng Lái Thiêu thực ra đã nổi tiếng từ lâu, từng chơi ngang ngữa với Ngôi Sao Gia Định, Tổng tham mưu, Xẹc Tây. Nhắc đến phong trào bóng đá quần chúng ở Lái Thiêu là phải nhắc đến ông Hai Vốn, một lão tướng nặng lòng với quả bóng cho tới khi nhắm mắt; là thân sinh của nghệ sĩ cải lương Cao thị Thắng và tuyển thủ bóng đá Cao văn Búp nổi tiếng một thời.
 
Năm 1994, đội bóng tỉnh Sông Bé đoạt cúp vô địch quốc gia và hai năm liền 2007, 2008 đội Bình Dương  đoạt giải vô địch toàn quốc. Đó cũng một phần nhờ tài trợ của các doanh nghiệp giàu có trong tỉnh và ưu ái của chính quyền địa phương. Tuy nhiên đó là thành tích đỉnh cao nhờ mua sắm nhiều cầu thủ giỏi ngoài tỉnh, chứ phong trào bóng đá các địa phương trong tỉnh và trường học chưa cung cấp được bao nhiêu người cho đội tuyển của Bình Dương. Có người gọi đây là cách xây nhà từ nóc, hớt ngọn cho mau có thành tích mà không chú ý xây dựng từ nền tảng dù chậm nhưng chắc.
 
4. Xe đạp:
 
Bình Dương có tuyển thủ Tôn Thành Cang chiếm nhiều giải quốc gia, nhưng phong trào xe đạp ở Bình Dương hầu như chưa có gì vào thời điểm nầy. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Thêu, lừng danh Đông Dương, lúc đương thời vượt qua cả Lê Thành Cát...
 
5. Vũ Cầu:

 
So với các bộ môn khác thì vũ cầu là môn đem nhiều huy chương nhứt cho tỉnh nhà trong các đại hội thể thao cấp khu. Thầy Là, cô Oanh ở Búng là người đánh vũ cầu hay nhứt tỉnh và miền Đông.
Hai đệ tử của họ là Liên và Nguyên cũng đem lại nhiều huy chương cho tỉnh nhà trong các cuộc thi tài học sinh.
 
6. Bóng Rổ:
 
Bóng rổ ở Bình Dương thường do các đội người Hoa đại diện. Họ thường chơi ở các sân Chùa Bà hay Trường Nghĩa An. Các đội bóng rổ ở Bình Dương còn yếu, không có thành tích gì trong các cuộc so tài với các tỉnh bạn.
 
Ở Lái Thiêu có đội bóng rổ Hải Yến nằm dưới sự bảo trợ của các Bang người Hoa, lấy sân trường Dục Anh làm nơi tập luyện, và được trường dành cho một phòng làm hội quán và phòng truyền thống. Những năm trước 1975 cũng đi thi đấu nhiều ở Sài Gòn Chợ Lớn, nhất là tại sân Tinh Võ quận 5 nhưng lúc đó chỉ là một trong nhiều đội mạnh mà thôi. Ít người còn nhớ đội Hải Yến sau 1975 vẫn còn duy trì tập luyện và cuối thập niên 80 đã lên đường ra Bắc dự giải vô địch toàn quốc (A1) bằng kinh phí tự túc. Nay Hải Yến vẫn duy trì tập luyện nhưng chủ yếu ở dạng phong trào, không dự giải đỉnh cao như trước nữa. Hiện đội do anh Kim ( A Sè) hướng dẫn kỹ thuật.
 
7. Điền Kinh:
 
Người nổi tiếng về chạy bộ và luôn luôn chiếm giải nhứt chạy 5.000 mét ở Bình Dương là Bình (học sinh Trịnh Hoài Đức). Người nhỏ con trông rất yếu đuối vậy mà chạy 5.000 mét (từ Cầu Ngang về Bình Dương) thì không ai thắng nổi anh ta. Ngoài ra còn có anh Liêm thua Bình một chút.
 
Bên nữ thì có Hoà (lai Mỹ), người to lớn dạm vỡ. Trong cuộc tranh giải học sinh tại Vũng Tàu. Hoà về nhứt nhưng không làm đứt dây giăng ngang mứt đến. Lý do: cô ta dở sợi dây để chui qua. Ban giám khảo cãi vã một hồi về chuyện nầy, cuối cùng cũng phải cho cô ta hạng nhứt. Rõ ràng quá. Chỉ sai về kỹ thuật vì hơi … dốt một chút mà thôi.
 
8. Bơi lội:
 
Hồ bơi piscine ở ngã từ Ngô Quyền và Quốc Lộ 13 cũ bị hư hại. Khoảng năm 1971 đã có công binh Mỹ tới sửa chữa và hoạt động được một thời gian nên chưa đào tạo được nhiều người bơi lội giỏi.
 
Hồ bơi Bạch Đằng ở Lái Thiêu đã từng một thời nhộn nhịp, giống như rạp hát Phương Lạc đầu chợ. Thập niên 60 là thời kỳ huy hoàng nhất của hồ Bạch Đằng, kể cả dân Sài Gòn cũng khoái đến đây những ngày cuối tuần để ăn trái cây, nem nướng và mua kẹo hột điều về làm quà. Những ai sinh trưởng ở Lái Thiêu đều có một vài kỷ niệm với hồ bơi này, những buổi trốn học hay lễ lớn được nghĩ học là có mặt ở hồ này từ sáng đến tối. Một vụ phục kích và ám sát đầu thập niên 70 đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động của hồ này.
 
9. Võ Thuật:
 
Thái cực đạo:
 
Lính Đại Hàn tới Việt Nam tham chiến cũng đem theo một môn võ rất thu hút thanh niên luyện tập. Đó là Thái cực đạo (Tae Kwon Do). Ở Bình Dương Thái Cực Đạo phát triển dưới sự huấn luyện của những võ sư quân đội như Đại Uý Hai . Phong trào mạnh nhờ các cuộc biểu diễn công phá, đánh quyền … trong những đại hội thể thao cấp tỉnh. Nhiều thanh niên trong tỉnh đã theo học Thái Cực Đạo đến cấp đai nâu (bạn ? ở Miểu Tử Trận).
   
Có rất nhiều bạn học sinh ở Bình Dương tham gia phong trào tập luyện võ thuật trong tỉnh. Riêng môn Thái Cực Đạo ngày càng phát triển , đến những năm 70 thì thống lĩnh gần như áp đảo các môn khác. Môn này được phổ biến trong các trường trung học, đại học, quân trường kể cả thiếu sinh quân và chủng viện. Bình Dương có bạn Nguyễn Văn Lâm ( Tư Bửng) nhà ở gần miểu tử trận, học sinh trường Bồ Đề, là một trong những võ sinh mang đai đen sớm nhất, cùng thời với anh em nhà Việt Hùng, Việt Văn ( cũng dân Bồ Đề). Lâm nay là giáo sư dạy thể chất cho sinh viên đại học Bình Dương. Người viết có lúc dạy chung trường với Lâm tại Bến Cát. Anh Lâm tánh hiền, xuề xoà ít tranh luận. Khi bị mình ghẹo: cả cái quần đen còn không ngán, xá gì một hai chấm (đẳng thứ ), anh chỉ cười hề hề.
 
Lái Thiêu có Nguyễn Chánh Vân (anh ruột Nguyễn Chánh Tín), sĩ quan cận vệ ông Trần Thiện Khiêm thủ tướng miền Nam trước 75. Cũng là người dạy võ cho khóa sinh hai quân trường Thủ Đức và Đà Lạt.
 
Năm 1969, Ở  Trường Trịnh Hoài Đức có hai võ sư là sĩ  quan người Đại Hàn tới dạy võ. Hai võ sư người Đại Hàn thì một ốm cao và một mập lùn. Còn nhớ hai vị này dạy rất tận tâm, nhưng tánh cộc. Đứng tấn sai thế là ông dùng chân quét ngang một cái té ngay, khỏi nói nhiều. Nhờ thế mà các thế, các bài chỉ cần một vài lần là chúng tôi thuộc ngay và nhớ suốt đời. Một chuyện vui còn nhớ: tất cả bọn học sinh chúng mình hai tuần đầu nhập môn, đều ê ẩm rêm cả mình mẩy và nhất là phải đi cầu với hai tay chống đất. Hỏi ra thì không phải riêng ai mà tất cả đều bị như vậy hết. Được 3 tháng, lúc chuẩn bị có cuộc thì lên đai thì hai thầy bị hại chết. Ông mập lùn bị chết không toàn thây. Lớp Thái Cực Đạo ở Trịnh Hoài Đức cũng chấm dứt.
 
Nhu đạo:
 
Sau Thái Cực Đạo là Nhu Đạo. Phong trào luyện võ Nhu Đạo ở Bình Dương do võ sư Vĩnh đứng đầu với sân tập ở sau Nhà Thờ Bình Dương. Học trò nổi tiếng nhứt của anh Vĩnh là Thắng (Trần Hà). Thắng là người đẹp trai và cũng đem về cho Bình Dương nhiều huy chương vàng về Nhu Đạo trong các cuộc tranh tài với các tỉnh khác. Bên nữ có Thảo ở Thành Quan. Sau 1975 cô nầy dạy thể dục và đã xuất cảnh sang Mỹ.
 
Vovinam:
 
Vovinam được giới thiệu ở Bình Dương khoảng năm 1970. Sau đó đã có nhiều học sinh tới học tại sân Ty Thanh Niên vào mỗi buổi chiều. Vovinam lúc nầy mới hồi sinh nên võ sinh Bình Dương chưa có thành tích gì nổi bật.
 
Võ Tân Khánh:
 
Bình Dương nổi tiếng về võ Tân Khánh nhưng trong thời điểm trước 1975, phong trào võ Tân Khánh không phát triển ở địa phương nầy.
 
Võ Thiếu Lâm:
 
Ở Bình Dương có một số lò luyện võ Thiếu Lâm nhưng hoạt động rất yếu, chỉ trong phạm vị gia đình và bạn bè.
 
Anh Lâm tổng thơ ký trường Trịnh Hoài Đức niên khóa 1971 – 1972, là một võ sinh Thiếu Lâm có hạng. Từng thách đấu với một tay nhất đẳng Thái Cực Đạo tại Cầu Ngang. Anh sở trường ngón liên hoàn cước, đá rất đẹp và dũng mãnh.
 
10. Sinh hoạt thanh niên:
 
Ở Bình Dương trước 1975 có các hội đoàn thanh niên dưới đây hoạt động:
 
Nghĩa Sinh: do anh Nguyễn văn Lâm lãnh đạo. Phong trào nầy có một số đoàn viên chừng vài chục người. Đa số là học sinh Trịnh Hoài Đức như Võ Hồng Khanh, Phan nguyễn Xuân Toản, Hoàng Mai, Hạnh…Trại tiếp cư Gò Đậu từng một thời in dấu chân Nghĩa Sinh làm công tác xã hội sôi nổi.
 
Hồng Thập Tự: cũng khá đông. Trong số những người lãnh đạo có anh Dương Thế Phương hiện giờ làm Giám Đốc Sở Giáo Dục Bình Dương. Bên nữ thì nổi tiếng nhứt thì có chị Tạ Ánh Mai (con ông Tạ Ngọc Tường).
 
Nhu Đạo: do anh huấn luyện viên Vĩnh lãnh đạo. Có chừng gần 100 đoàn viên.
 
Hướng Đạo: mạnh nhứt là ở Lái Thiêu. Hướng Đạo Lái Thiêu có Liên Đoàn Quang Trung rất nổi tiếng do thầy Nguyễn Lương Ích, giáo sư trường Nông Lâm Súc phụ trách. Hai lần dự trại Họp bạn Hướng Đạo toàn quốc ( miền Nam) năm 1970 và 1974, đều gây được sự chú ý của giới chức cao cấp như Tổng Thống, Bộ Trưởng …lúc bấy giờ. Sau trở thành liên đoàn biệt lập, trực thuộc Văn phòng hội Hướng Đạo Việt Nam. Hiện một số Huynh trưởng ở nước ngoài vẫn còn tiếp tục sinh hoạt Hướng Đạo ( Mỹ, Úc).
 
Bình Dương có Đạo Vạn Thắng ( gồm nhiều liên đoàn họp lại) nhưng chỉ sinh hoạt trong khuôn viên nhà thờ, nặng tính cách tôn giáo nên không thu hút được giới trẻ Bình Dương. Ngày nay đi qua sân sau nhà thờ Phú Cường, bạn nào tinh ý sẽ nhận thấy huy hiệu Hướng Đạo vẫn còn ẩn hiện sau lớp vôi trên bức tường hội quán.      
 
Gia Đình Phật Tử Chánh Quang: sinh hoạt ở chùa Thiện Đức.
 
Thanh Sinh Công: của bên Công Giáo, không rõ hoạt động.
 
Nhóm Trắng: học sinh Trịnh Hoài Đức, chừng 20-30 học sinh, chủ yếu văn nghệ, báo chí. Trưởng nhóm là Dương Tiểu Nam .
 
11. Các sự kiện thể thao:
 
Phong trào thanh niên thể thao ở Bình Dương phát triển rất đều đặn. Cụ thể là các sự kiện như sau:
 
Cắm trại:
Lần cắm trại lớn nhứt là ở Phú Lợi khoảng năm 1971 với sự tham dự của học sinh các trường trong tỉnh và các hội đoàn thanh niên như Nghĩa Sinh, Hồng Thập Tự, Hướng Đạo …
 
Giải thể thao học sinh:
Mỗi năm tỉnh đều có tổ chức giải thể thao học sinh để các trường thi đấu với nhau.
 
Giải thể thao cấp tỉnh:
Mỗi năm tỉnh đều tổ chức giải thể thao thanh niên toàn tỉnh. Dịp quốc khánh lại có giải quốc khánh.
 
Giải thể thao cấp khu:
 
Bình Dương được vinh dự 2 lần tổ chức giải thể thao cấp khu gồm các tỉnh miền Đông Nam Phần như Bình Long, Tây Ninh, Gia Định, Long An, Long Khánh, Biên Hoà, Phươc Tuy… Trong những ngày nầy sinh hoạt trong tỉnh trở nên náo nhiệt và vui vẻ trong tinh thần tranh đua rất hào hứng.
 
Đua xe đạp:
 
Các cuộc đua xe đạp của Tổng Cuộc Xe Đạp Việt   Nam thường chọn Bình Dương là một điểm đến. Các cuộc đua từ Bến Hải tới Cà Mau đều ghé ngang Bình Dương vì người Bình Dương hiếu khách, dân Bình Dương chuộng thể thao. Khi đoàn đua đi ngang xã nào thì các xã dọc đường đều có treo giải thưởng.
 
12. Những người làm công tác thanh niên:
 
Sinh hoạt thanh niên thể thao ở Bình Dương được khởi sắc là nhờ những nhân viên đầy nhiệt tình có tên dưới đây:
 
Nguyễn văn Khiêm: là Trưởng Ty Thanh Niên nhiều năm. Anh Khiêm là người Tân Khánh, tuy lùn nhưng có uy tín. Sau mấy lần tổ chức thành công các giải thể thao cấp Khu, anh được thăng chức về làm Giám Đốc Trung Tâm Văn Hoá Thanh Niên ở Sài Gòn (số 4 Duy Tân - trụ sở Thành Đoàn hiện nay). Sau 1975 anh bị đi học cải tạo. Sau đó anh định cư tại San Francisco - Mỹ tới nay.
 
Nguyễn văn Bé: huấn luyện viên nhiều khả năng.
 
Trần tấn Anh: huấn luyện viên nhiều khả năng. Anh cũng dạy thể dục tại trường Trung Học Trịnh Hoài Đức. Khi anh Khiêm về Sài Gòn thì anh Trần Tấn Anh thay thế làm Trưởng Ty Thanh Niên Bình Dương tới 1975.
 
Huỳnh văn Thanh: huấn luyện viên. Sau 1975 là giáo viên thể dục.
 
Lê Phước Huỳnh: huấn luyện viên thể thao. Anh Huỳnh đánh bóng bàn rất giỏi nhưng tánh của anh có vẻ hơi lè phè nên không lên chức được.
 
13. Kết luận:
 
Thể thao Bình Dương trước 1975 không có thành tích lớn trừ hai môn Vũ Cầu và Nhu Đạo. Tuy nhiên phong trào thanh niên và thể thao quần chúng thì tương đối phát triển. Bình Dương đã hai lần tổ chức đại hội thể thao cấp khu vực đem lại một không khí hào hứng cho tỉnh nhà trong các dịp nầy.
 
Bài nầy chỉ phát hoạ vài nét chung chung của phong trào thể thao Bình Dương trước 1975 nên chắc chắn có nhiều thiếu xót. Mong bạn đọc góp ý để bổ sung. Xin đa tạ./.