Vô Cùng Thương Tiếc
Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm
(1933-2016)


 

 



Hội CGS & HS Trịnh Hoài Đức viếng tang lễ thầy Nguyễn Thanh Liêm.

Ngày 3/9/2016, hơn 30 CGS và HS Trịnh Hoài Đức đã đến thăm viếng và chia buồn cùng gia đình GS Nguyễn Thanh Liêm tại tang lễ của thầy được tổ chức tại Peek Family Home, Little Saigon. Hiện diện trong buổi lễ có quý vị GS: Nguyễn Thị Đức, Nguyễn Trí Thành, Nguyễn Trí Lục, Hà Thị Liên, Đỗ Anh Tài, Nguyễn Ngọc Sương và các anh chị cựu học sinh Trịnh Hoài Đức từ khóa 1 đến khóa 11, nhiều anh chị đã đến từ các địa phương xa xôi như Pomona, San Diego.
Trước linh cửu của thầy Nguyễn Thanh Liêm, đại diện Hội, GS Nguyễn Trí Lục, Cựu Hiệu Trưởng trường trung học Trịnh Hoài Đức đã tỏ bày sự thương tiếc về sự mất mát to lớn của Hội AH CGS & HS Trịnh Hoài Đức và cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu của GS Nguyễn Trí Lục:
- Kính thưa tất cả quý vị hiện diện hôm nay.
- Kính thưa quý thân hữu, gia đình GS Nguyễn Thanh Liêm và các anh chị cựu giáo sư và các em học sinh trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương.
Hôm nay, chúng ta đến đây để bày tỏ lòng kính mến, sự thương tiếc và thăm viếng lần chót vị cựu hiệu trưởng của trường trung học Trịnh Hoài Đức - Bình Dương: Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm.
Ông cũng là:
- Nguyên thứ trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục thời VNCH.
- Cựu hiệu trưởng trung học Pétrus Ký - Sài Gòn.
- Chủ tịch phong trào đoàn kết VNCH.
- Hội trưởng Hội Lê văn Duyệt Foundation.
.. và nhiều nữa, tất cả quý vị đã biết rồi.
Tôi sẽ không nói dài dòng ở đây vì nói bao nhiêu cũng không đủ để diễn tả sự nặng lòng dấn thân, sự hy sinh tận tụy của ông, suốt đời đem tâm sức mình, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục mà ông đã được rèn luyện và theo đuổi.
Và sau nầy, dù tuổi đã cao, ông vẩn cố gắng dùng thời gian còn lại của mình, hăng say hoạt động trong nhiều lãnh vực: duy trì tập tục, lễ nghi, hàng năm tổ chức ngày "Tôn Sư Trọng Đạo" làm gương sáng cho thế hệ tương lai.
Những việc làm của GS Nguyễn Thanh Liêm trong suốt cuộc đời ông đáng được vinh danh, ghi nhớ, và ngưỡng mộ.
Toàn thể cựu giáo sư và học sinh trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương nói riêng, cộng đồng người Việt hải ngoại, nói chung rất hãnh diện và may mắn có được một nhà văn hóa hết lòng tận tâm như giáo sư Liêm.
Hôm nay chúng ta đã mất đi một người thầy, một nhà giáo dục đầy tâm huyết đó.
Chúng tôi, cựu giáo sư và học sinh trường trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương xin chia sẻ sự mất mát to lớn nầy cùng gia đình và cộng đồng chúng ta.
Cầu xin giáo sư Nguyễn Thanh Liêm thanh thản yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Xin kính chào toàn thể quý vị và các em cựu học sinh trung học Trịnh Hoài Đức.



 
1. Tiểu Sử Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm

Sinh ngày 12 tháng 3 năm 1933 (Theo khai sanh là ngày 20 tháng 11, năm 1934) tại Mỹ Tho trong một gia đình khá giả. Thuở nhỏ, ông học trung học tại trường Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho và Pétrus Ký - Saigon.
 
1956      Tú Tài II (Pháp, Philosophy)
1958      Tốt Nghiệp thủ khoa Trường Cao Đẳng Sư Phạm - Sài Gòn, được bổ nhiệm về dạy tại trường Petrus Ký Sài Gòn, trong thời gian đi dạy, ông tiếp tục học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
1962      Cử Nhân Văn Chương Việt Hán, Hiệu Trưởng trường Trịnh Hoài Đức, Bình Dương thay GS Trương văn Di (về hưu).
1963      Hiệu Trưởng Petrus Ký Sài Gòn
1964      Chánh Thanh Tra - Trưởng Ban Soạn Đề Thi
1967      Chuyên Viên Số Một Chuyên Viên Phủ Tổng Thống Việt Nam
1971      Phụ Tá Đặc Biệt, ngang hàng Thứ Trưởng, đặc trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục Việt Nam
1975      Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục 
1979      Ph. D. Research and Evaluation, Iowa State University, Iowa.
1979      Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Chương Trình Học và Tài Liệu Giáo Khoa, University of Iowa.
1984      Giám Đốc Chương Trình Anh Văn cho Gia Đình (Family English Literacy) - Sở Giáo Dục quận Santa Clara, CA
1985      Trưởng Ban Biên Tập nguyệt san Tin Tức Đông Dương (Indochinese News), Stockton, CA
1986      Cố vấn nhân dụng Sở Xã Hội quân Santa Clara, CA
1999      Về hưu
2000      Dạy thêm một ít giờ ở Long Beach City College, CA
2003      Nghỉ hẳn
 
- Hội Trưởng cựu học sinh trường Petrus Ký Nam Cali
- Cố vấn Đặc Biệt hội ái hữu cựu học sinh Petrus Ký Nam Cali, và Bắc Cali
- Cố Vấn Hội ái hữu cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, Hội AH CGS & HS Trịnh Hoài Đức (Bình Dương).
- Cố Vấn hội Vĩnh Long, Mỹ Tho, ...
- Chủ Tịch hội Lê Văn Duyệt Foundation
- Chủ Tịch Phong Trào Đoàn Kết VNCH.
- Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Phong Trào Yểm Trợ Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền Việt Nam
- Chủ Tịch Hội Nghị Diên Hồng Thời Đại
- Chương trình "Người Đẹp Việc Đẹp" trong VHN TV, Hội Thảo trong chương trình VHN TV


2. Sách
đã xuất bản:

Trường Trung Học Pétrus Ký và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam
Giáo Dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975
Kỷ niệm Giới
Thiệu Thơ Văn
Chủ Biên Tập San Đồng Nai Cửu Long
Tuyển Tập Nguyễn Thanh Liêm



Sự Thật Đời Tôi




3. Một số bài viết của GS/TS Nguyễn Thanh Liêm

 Thơ Đường Luật & Thơ Tự Do
 Petrus Ký-Nhà Văn Hóa Lớn của Dân Việt
 Trường Petrus Ký
 Giáo Dục Việt Nam Từ Xưa Đến Hết Đệ Nhất Cộng Hòa
 Giáo Dục Việt Nam Từ Thập Niên 70 tới tháng 4 1975
 Những Biến Đổi Trong Văn Hóa Việt Nam
 Sự Hình Thành Của Miền Nam Việt Nam & Văn Hóa Đồng Nai
 Linh Hồn Của Dân Tộc Hiểu Theo Ý Nghĩa Của Văn Hóa
 Rạch Giá - Hà Tiên
 Căn Cước Mới cho người Việt và Tương Lai Đất Nước
 Vị Trí Của Đồng Nai - Cửu Long Trong Lục Địa Đông Nam Á

"Lên Xuống Dốc Đời"

 Nguyễn Thanh Liêm


Trên đường thẳng thời gian vô biên giới,
Kiếp con người chỉ một chấm nhỏ nhoi.
Vậy mà sao người ta cứ mãi đua đòi,
Làm chi nữa cho đời thêm ngắn ngủi?
Hãy thư thả mặc cuộc đời dung ruổi,
Mặc bước đi xuống dốc như chạy nhanh.
Cứ tưởng như mình tóc hãy còn xanh,
Đầu có bạc nhưng lòng son chẳng bạc.

4.  Một số bài viết từ thân hữu của GS/TS Nguyễn Thanh Liêm:

   Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Một Người Bạn Đồng Môn ...
   Nụ Cười Nhân Bản Hiền Hòa
   Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, một nhà giáo nặng lòng ái quốc
    Anh Hai
    Hội Ngộ Với Thầy Nguyễn Thanh Liêm
    Anh Liêm Như Tôi Đã Biết Từ Lâu
    Không Thầy Đố Bạn Làm Nên
    Về Một Nhân Vật Đàn Anh
    Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm từ cái nhìn của một người không là môn sinh
   Những Giây Phút Với Thầy Nguyễn Thanh Liêm
   Gặp Lần Cuối
   Thầy Liêm và Tú Tài IBM

Vài Hình Ảnh GS Nguyễn Thanh Liêm
và Hội AH CGS & HS Trịnh Hoài Đức



Đón Tiếp GS Nguyễn Vũ Hải (2012)


Tết Thầy năm 2012


Mừng sinh nhật thầy 84 tuổi


Tết Thầy năm 2016

Cảm nghĩ về sách "Sự Thật Đời Tôi - Hồi Ức Nguyễn Thanh Liêm"

Trần Việt Hải
Petrus Ký, TT-72, Lớp 12B4


Nhìn dòng chữ trên bìa trước sách mới, một tác phẩm của GS. Nguyễn Thanh Liêm vừa được xuất bản, cái đề tựa sách được in dưới hình của tác giả, một người đàn ông rất điển trai trong bộ semi-complet, áo vest màu xanh dương lợt và quần xanh dương đậm, hai mầu bắt mắt cho phong thái phục sức trang nhã, lịch lãm của tác giả. Sách in bìa cứng, dày 280 trang, in trên giấy dày láng, bìa sau là tiểu sử thu gọn của tác giả.

Tôi chú ý nhiều về cách tác giả cho tên tựa. Trong sự suy nghĩ của tôi có hai yếu tố "Sự Thật" và "Thanh Liêm" đã bổ túc cho "Hồi Ức Đời Tôi". Tác giả là một vị "quan văn" có lúc làm cho Phủ Tổng Thống, và làm Thứ Trưởng về Văn Hóa Giáo Dục nhưng sự đức độ của ông bám sát theo cái tên tiền định của ông. Còn yếu tố "Sự Thật" có nghĩa là nói về những việc có thật, không ngụy tạo, thêu dệt ra. Trong phạm trù ngôn ngữ học “Sự Thật” là từ ngữ ghép chính và phụ. “Sự” là phần chính của từ ngữ này, trong khi “Thật” là phần phụ bổ túc rõ nghĩa cho phần chính. Cho nên "Sự" là diễn biến, diễn trình mà ta quan sát thấy, sự việc diễn ra chứng kiến được, còn phần “Thật” là đúng như thật, chân thực. Cho nên chữ “Sự Thật”dùng trên sách cho thấy những diễn biến trong chuyện kể trong hồi ức là đúng như thật, được mô tả như trạng thái chân tâm của sự kiện đã diễn ra. Tác giả kể hết sự thật về cuộc đời và gia đình mình.

Tác phẩm này là một loại hồi ức hay tự thuật những sự việc đã xảy ra, dù ông là một hành chánh gia hay "quan văn" ở cấp khá cao trong xã hội, tôi muốn nói ông là một gương mặt của quốc gia, của cộng đồng hay của công chúng, một "public figure", nhưng sách này khác với những "political memoirs" thường thấy ở xã hội Hoa Kỳ mà cửa hiệu Barnes & Noble hay Amazon.com online bày bán như: Madam Secretary: A Memoir, by Madeleine Albright; No Higher Honor: A Memoir of My Years in Washington, by Condoleezza Rice; My Life – by Bill Clinton; All the Best, George Bush; My Life in Letters and Other Writings, by George H.W. Bush; Barack Obama's Dream's from my Father, by Barack Obama; Duty: Memoirs of a Secretary at War, by Robert Gates; A Reagan Cabinet Memoir, by Terrel H. Bell; Law and Justice in the Reagan Administration: The Memoirs of an Attorney General, by William French Smith...

Tác phẩm này tác giả viết với mục đích để làm kỷ niệm tặng cho gia đình ông, rồi cho bạn bè, thân hữu, đồng nghiệp, nhân viên cũ, giới học trò,... Nó không mang mục tiêu chính trị như nhiều sách hồi ức hay hồi ký khác.

Như vậy trong 80 trang đầu của bề dày 280 trang tôi thấy có những chủ đề sự thật, viết bằng chân tâm, ví dụ như ở trang 3, tác giả ghi kính dâng cho tứ thân nội ngoại và song phụ mẫu, viết cho các con cháu, và rồi hai dòng kế khá nhạy cảm, "sensitive categories" là: "Gởi GS. Đào Kim Phụng" và phần cuối thì "Gởi DS. Nguyễn Thi Phương". Như vậy hai người phụ nữ này là ai vậy ? Bạn bè Petrus Ký của tôi như Phan Tất Đạt San Jose, Hồ Lịch Australia, Chu Quốc Hưng Australia, Nguyễn Trung Kiên Germany, Dương Anh Dũng Germany, hay Nguyễn Ngọc Linh San Jose,… không biết gì cả. GS. Đào Kim Phụng dạy Anh Văn ở các trường trung học Nguyễn Trải, Petrus Ký và các trường huấn luyện sinh ngữ như Hội Việt Mỹ và USAID trong chương trình chuẩn bị Anh văn cho những nhân sự được học bổng của USOM, USAID. Những năm sau cùng trước khi di tản vào tháng 4 năm 1975, GS. Phụng là chuyên viên của trung tâm soạn chương trình học liệu South East Asia Regional Center for Instructional Material Development.
Hai giáo sư Liêm và GS. Phụng đã chia tay nhau. Sách chỉ đề cập thoáng qua, hôn nhân nay biến thanh tình bạn cũ qua sự liên hệ con cháu

Còn DS. Nguyễn Thị Phương hiện nay là hiền thê của GS. Liêm, cô Phương là một dược sĩ lo thuốc men cho bệnh nhân và kiêm "thầy thuốc" riêng cho thầy tôi. Chị cựu Hội trưởng Gia Long Quế Hương nhận xét cô Phương là người đẹp của sân trường Gia Long, vợ chồng tôi ghé thăm thầy cô và thấy rằng cả hai sống trong căn tháp ngà Bali rất hạnh phúc. Tác giả sách có duyên nợ với sân trường Gia Long, ông chỉ chọn học trò Gia Long và lại âm vận tên "Ph." mà thôi. Đây là sự thật nhiều người ở xa có thể chưa biết.

Ở trang 17 tác giả đính chánh sự thật về ngày sanh bởi sự việc khi ở với ông ngoại, ông ngoại làm khai sanh ngày DL 3 tháng 4, năm 1933 ở làng Phú Túc (Mỹ Tho), thân mẫu của tác giả cho biết ngày đúng là ngày 12 tháng 3, năm 1933 DL. Nhưng khi về ở bên nội, làng Tân Hội Mỹ (Mỹ Tho), rồi làm giấy khai sanh mới với ngày 20 tháng 11 năm 1934. Sự thật thì ở xứ ta khi ở nhiều thời kỳ do chiến tranh loạn lạc, chạy nạn và tình trạng tổ chức giấy tờ của hệ thống khai hộ tịch tùy tiện, cho nên ngày sanh thường sai sự thật. Nhưng hiện tại tác giả chọn ngày sau cùng do ông nội khai, tức sinh nhật vào ngày 20 tháng 11, năm 1934.

Đọc đoạn văn sai ngày sanh tôi bỗng nhớ một trường hợp khác. Như trường hợp Nhạc sĩ Anh Bằng kể tôi nghe ông sinh năm 1927, gia đình chạy giặc Tây, xứ sở loạn lạc, nên khi làm khai sanh mới bản hộ tịch cho ông sanh sớm hơn một năm, tức ông sanh năm trên giấy tờ 1926.

Trường hợp của người viết bài chia chung số phận, ngày đúng không xài, nhưng xài ngày của người ta. Ngày sanh thật đúng ra là ngày 3 tháng 11 năm 1953, thân mẫu tôi đi làm khai sanh cô thơ ký lẫn lộn khai sanh 2 đứa trẻ là tôi và một cô gái, cô thơ ký lấy ngày của cô gái cho tôi, tức ngày 7 tháng 12 năm 1953. Hóa ra cô gái kia may mắn hưởng tiền già Obama sớm hơn tôi một tháng vì cô thơ ký lẫn lộn. Mẹ tôi yêu cầu cô thơ ký sửa lại, cô bảo mộc đã đóng dấu, xếp lỡ ký tên xong rồi, ông xếp bận lắm, “chuyện nhỏ" cứ cho cháu bé sau này ăn tiền hưu trễ như ông thầy Liêm của cháu vậy. Dòng này tôi cám ơn lục sự cho tôi nghỉ hưu trễ hơn thực tế. Trang 17 này là dịp tác giả đính chánh cho rõ ngày sanh cho biết sự thật lên giấy trắng mực đen.

Sự thật khác tôi ghi nhận ở trang 70 (mục Thanh Niên Tiền Phong) đến trang 79 (mục Khóa Học của Việt Minh) cho thấy tác giả bị hoàn cảnh thời cuộc lôi kéo khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945 (tác giả được 12 tuổi), người Việt nhân cơ hội đó nổi lên chống giặc Tây, Việt Minh mà những phần tử theo CS trà trộn đã lợi dụng phong trào yêu nước đấu tranh chống Pháp. Tác giả là nhạc trưởng một ban nhạc thiếu nhi, mang tên Đời Sống Mới. Đọc sách này tôi mới biết tác giả chơi violon và guitar.

Khả năng học vấn vững nên ông học nhảy lớp. Đầu thập niên 1950 tác giả thi đậu vào Collège Le Myre De Villers. Bạn đồng môn là GS. Lâm Văn Bé bên Canada đã kể rằng GS. Liêm học rất siêng và giỏi. (xem tham khảo #1).
Tác giả theo thân phụ lên Saigon, và vào học Petrus Ký lớp đệ nhất (première classe), niên khóa 1953-1954. Tác giả kể nhiều kỷ niệm về ngôi trường Petrus Ký. Tốt nghiệp trung học, vào học đại học ngành Sư Phạm. Ra trường trở về dạy tại Petrus Ký. Có lúc lên làm Hiệu Trưởng tại đây. Trang 122 kể về mục ông làm Tổng Thơ Ký Hội Đồng Thi Tú Tài II. Tác giả cho biết ở trang 126-129 đã đậu Cử nhân Giáo khoa và Cao học Văn Chương Việt Nam.

Tác giả cho biết có quen mấy cô bạn gái, nhưng không nên duyên. Trong khi song thân không muốn tác giả ở cảnh "cha già con mọn", nên sớm có con nối dòng dõi, tác giả vốn là con một nên lấy vợ. Tác giả đã 25 tuổi mà chưa có vợ. Ở niên kỷ thuở trước con trai mà 30 mà chưa yên bề gia thất xem như "quá date". Đọc sách thầy tôi, tôi càng buồn cho phận mình vì khi cưới vợ sanh con đầu lòng năm 40 tuổi. Năm 47 chở con trai tôi đi học, xong một buổi chiều, xe tôi vừa trờ tới trường rước con, tôi mục kích thấy con tôi xô cô bạn gái học cùng lớp té lăn cù, tôi hoảng hồn chạy xuống đỡ cô bé Mỹ tóc vàng hoe lên, cô khóc ngất. Tôi hỏi Nam tại sao làm như vậy, Nam nói: "She said you're my grandpa, I hate her!".

À, tôi giật mình bổ ngửa mình ở thế hệ ông nội của các cháu nhỏ. Bởi thế con tôi vẫn muốn bố nó trẻ thôi. Mẹ cô bé Mỹ đến rước con, tôi xin lỗi bà muốn gẫy lưỡi, và thuật lại những gì xảy ra, bà cười xòa. Nam xô ngã Liz vì cô bé la to: "Nam, your grandpa comes!". Tôi không trách Liz khi tóc tôi chấm muối tiêu, chống gậy thì không grandpa là gì. Trong khi ở tuổi 80 thầy Liêm tóc điểm bạc, nhưng nhân dáng beau trai phương phi, không cần gậy như tôi 60. Tôi nhớ rõ như vậy.

Tóc thầy điểm bạc phong sương
Mấy cô gái trẻ các trường khen "beau"!

Rồi ngọn gió tình yêu thổi đến, tác giả gặp cô Phụng, cô học rất giỏi, thi Tú Tài hạng cao, và được giải khen thưởng của Tổng Thống phủ. Cô Phụng là người đồng hương gốc cùng làng Phú Túc, thích đàn violon, và có nét duyên dáng khiến thầy tôi xao xuyến ưng ngay. Thầy cô sống chung có hai người con, Thùy Linh là con gái lớn và con trai Bửu Lâm. Cả hai đỗ đạt bằng cấp cao và đã có gia đình. Hai người con này hiện gia cảnh hạnh phúc với các con học vấn giỏi giang.

Sự thật của sách ở trang 141, tác giả cho biết Bình Dương nơi ông nhận nhiệm sở Hiệu Trưởng trường Trịnh Hoài Đức, là tỉnh theo Cách Mạng 01/11/1963 sớm nhất. Bình Dương nơi đóng đô của Sư đoàn 5 Bộ binh do Đại tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư Lịnh Sư Đoàn. Ông Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Dương và vị Tư Lịnh Sư đoàn 5 BB đều theo phe Cách Mạng của ông Dương Văn Minh.

Trang 151 cho biết tác giả làm Chánh thanh tra và Trưởng ban soạn đề thi Tú Tài. Sang trang 156, tác giả kể về mục "Bài Thi Trắc Nghiệm Đầu Tiên" mà tác giả đề nghị lên ông Bộ trưởng giáo dục cho thử nghiệm vì lối thi Tú Tài như hệ thống Pháp cho bài viết (essay) có khuyết điểm là đề thi không khảo sát nhiều chủ đề của học trình như lối thi trắc nghiệm (multiple choice). Giám khảo có thể chấm bài theo thiên kiến, chủ quan, hay giám khảo không đọc bài của thí sinh kỹ, xem qua loa rồi cho điểm đại vào. Hơn nữa lối thi cũ khó đáp ứng nhu cầu gia tăng nhân tài.

Sự thật thì công trạng của tác giả ở công tác lợi ích của sự đổi mới này. Xin xem tham khảo bài #2 (GS.Trần Bang Thạch đọc tác phẩm Kỷ Niệm với Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm).

Trang 158 vì nhu cầu thời chiến, tác giả gia nhập quân đội. Trang 160 ông được biệt phái làm chuyên viên Phủ Tổng Thống, ông lo về văn hóa, soạn thảo diễn văn cho Tổng Thống.
Biến cố Tết Mậu Thân xảy ra tác giả vào khóa 2/68 Thủ Đức. Phần tâm tình bạn của tác giả vào quân đội nhiều năm lên cấp Đại tá, như Đại tá Võ Văn Cẩm (Chánh Võ Phòng Tổng Thống phủ), xem trang 170.

Trang 170 tác giả thú nhận có mối tình cũ, ông thầy kể chuyện xưa. Cô Ng. vẫn còn độc thân, khi ấy tác giả đã có gia đình, họ hẹn nhau ở Nhà Thờ Đức Bà, cả 2 đều ngoại đạo, nhưng gặp nhau để ôn kỷ niệm xưa. Mối tình dang dở, không trọn vẹn đó thầy viết sách kể tình cũ tặng cô bạn gái, rồi trao sách cho cô Ng. để từ đó tình chết theo thời gian. Tôi vốn mê love story, mỗi lần xin bài nhà văn Nguyễn Thanh Liêm, thì ông chỉ cho bài biên khảo, thực lòng tôi muốn thầy tôi cho chuyện tình như roman mà thôi. Khá tiếc. Một chuyện tình cũ thầy tôi kể lại toạc trên giấy trắng mực đen thật đúng với cái tựa của quyển hồi ức này.

Từ trang 172 đến trang 192 tác giả tâm tình về sự liên hệ trong phạm vi văn hóa giáo dục với ông Tổng Trưởng Ngô Khắc Tỉnh mà trong sách tác giả cho đăng nhiều hình ảnh kỷ niệm với ông Tổng Trưởng.

Từ trang 207 đến trang 208 đến 216 tác giả kể về những thay đổi tại miền Nam sau khi mất miền Trung. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm từ chức, Thứ trưởng Nguyễn Bá Cẩn lên thay. Bộ Văn Hóa Giáo Dục có vị Tổng Trưởng mới là TS. Nguyễn Duy Xuân thay thế DS. Ngô Khắc Tỉnh từ chức. Tổng Trưởng Xuân mời tác giả đảm nhận vai trò Thứ trưởng Văn Hóa Giáo Dục, những tháng cuối cùng của miền Nam ông phải lo ủy lạo cứu trợ các giáo chức và gia đình di tản từ miền Trung về miền phương Nam.

Khi ông Dương Văn Minh lên nhậm chức thì tình trạng của VNCH thật là rối rắm, ở đường cùng khi sự di tản chiến thuật diễn ra ở các nơi, tác giả di tản theo đoàn tàu của HQ/VNCH. Sang Mỹ, tiểu bang tiếp nhận gia đình ông là Iowa, nơi đây cô Phụng tốt nghiệp ngành Điện toán Thảo chương (Computer programming), tác giả trở lại đại học hoàn tất cấp Tiến sĩ Giáo dục.

Trang 234 gia đình tác giả dọn về tiểu bang California, từ Sacramento lại dọn về San Jose.
Ở tuổi già sức khoẻ suy kém, thân phụ mất, thân mẫu về ở với người em họ. Sự thật được tác giả ghi nhận trong trang 241 với đề tựa "Cuộc đời tang thương lúc về già", giữa 2 vợ chồng có những bất đồng đi đến bất hòa và rồi phải ly dị, tác giả dọn ra ở riêng. Trang kế 42 tựa đề "Hai cô bạn đặc biệt", hai cô đều đến với tác giả, tôi ngẫm nghĩ ở tuổi cao niên nét điển trai vẫn lôi cuốn những người nữ độc thân, nhưng chuyện giữa 2 đối tượng nữ này cũng làm cho tác giả khổ tâm.

Các trang 243 đến 249 tác giả kể lại gặp gỡ lại các bạn mới cũ tại San Jose, ví dụ Võ Duy Thưởng, Nguyễn Văn Cẩm, Trần Thanh Điền, Nguyễn Bá Cẩn, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Công Thiện,...

Trang 250 mang tựa vui tươi "Duyên Mới". Khi tác giả đi những buổi hội họp đó đây, đến Hội Gia Long bà mai Mai mát tay chuyên se duyên mùa Valentine như một vị thánh linh Roman God of Love giới thiệu tác giả với cô Phó Tổng Thơ Ký của Hội Gia Long, chính là Dược sĩ Nguyễn Thị Phương, hiện nay là người hiền thê, mà tác giả ghi nhận là người bạn đời tâm đắc. Sau khi đám cưới tác giả về miền Nam nắng ấm vun xới "Duyên Mới" trong hạnh phúc bên nhau. Những lời thật lòng phản ảnh tựa sách, nhiều người bạn, fans, học trò tác giả, mà họ chưa biết cuộc sống riêng tư của vị thầy hay đồng nghiệp, hoặc thân hữu, tức tác giả sách này.

Trang 261 là mục "Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation- Tập San Đồng Nai Cửu Long", đây là hai tổ chức văn hóa và văn học mà tác giả đã khai sinh ra, công sức ông bỏ vào rất nhiều, có nhiều người dang tay phụ giúp ông. Người phụ sự đắc lực và theo tác giả bền bỉ nhất là ông Nguyễn Quang Bâng, mà ngay ở trang đầu dòng tác giả đã đặc biệt cám ơn ông Bâng.

Trang 267 tác giả ghi nhận công tác "Hồ sơ về thềm lục địa Việt Nam" mà Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã đệ nạp lên Liên Hiệp Quốc, người thừa kế Thủ tướng Cẩn để liên lạc về việc này ngày nay là tác giả.

Trang 270 mang đề tài "Lớn tuổi - Làm việc nhiều- Đau ốm". Tác giả nhìn nhận mình làm việc quá sức, ông bị mổ tim, stroke, phổi có nước,... sức khỏe về chiều càng suy yếu.

Tác phẩm này đã được duyệt qua 3 giai đoạn: Những ngày niên thiếu của tác giả ở Mỹ Tho, những ngày trưởng thành và làm việc ở Sài Gòn, và những ngày ly hương sang Mỹ, làm việc và tuổi già đau yếu.

Một tập sách 280 trang, quan trọng nhất trong sự nhận định riêng tôi là trang cuối cùng số 274 (vì phần sau đó là những trang cuối mục lục). Trang 274 mang tên "Những Phút Cuối Cùng", tôi đọc trong cảm động vì nó cho thấy lời để lại cho các thân nhân và bạn bè của ông, con cái, các cháu nội ngoại đều nên người. Ông có người vợ yêu thương ông. Và chung quanh ông nhiều người thương mến ông, nhưng ông nuối tiếc vẫn còn trong kiếp lưu vong, và song thân ông đã ra đi ở xa quê hương, bỏ xác nơi xứ người.

Dòng cuối cùng ông đã viết:
"Những phút cuối cùng của tôi sẽ chấm dứt bài viết ở nơi đây!"

Lời kết:
Với người viết bài, là một học trò Petrus Ký, một đàn em đi sau tác giả 20 năm, tôi theo dõi những hoạt động công ích của ông đã lâu, nhất là ở hai phạm vi văn hóa và giáo dục, tôi gọi ông là "Thầy" với tất cả những trân quý và ngưỡng mộ. Tôi ao ước sao cho sức khoẻ của ông bền vững và để ông sớm chứng kiến cảnh nạn Cộng Sản sẽ sụp đổ và quê hương ta bừng sinh trong tự do và tình người như ước nguyện của Thầy tôi.

****

Tham Khảo:

1/ Bài tham khảo #1: ("Anh Liêm Như Tôi Đã Biết Từ Lâu" của GS. Lâm Văn Bé :

"Năm 1952, tôi lên Mỹ tho học và ở trọ nhà thầy Nguyễn An Ninh, giáo sư âm nhạc trường Trung học Le Myre de Villers (năm sau đổi tên là Nguyễn Đình Chiểu). Mỗi sáng, một cách đều đặn, khoảng 7 giờ rưỡi, anh Liêm ghé qua nhà trọ của tôi ở đường Ariès, để cùng với người bạn cùng lớp với anh là anh Nguyễn Kỉnh Đốc đi cùng với anh đến trường. Anh Đốc là người ở trọ lớn tuổi nhất và đang học lớp Première, lớp học cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu thời ấy. Tính anh nghiêm nghị, tỏ vẻ đàn anh, rất siêng học, về đến nhà là cầm sách, ít khi nói chuyện với chúng tôi, đa số còn học bậc đệ nhất cấp. Anh có một bàn học riêng gần cửa sổ còn bọn chúng tôi thì phải học bài, làm bài, chung với nhau ở một cái bàn tròn ngoài nhà bếp. Khi anh Liêm đến, có khi anh Đốc đã sửa soạn xong thì cả hai đi ngay, có khi anh Liêm nán lại cùng ôn bài, hay làm bài chung. Tôi nhớ hai anh trả récitation những tác phẩm của Molière, Corneille và làm bài tập Vật Lý trong quyển Physique của Georges Ève. Anh Đốc đã ít nói mà anh Liêm còn ít nói hơn, họ rì rào với nhau, có khi anh Đốc cãi lớn tiếng về một vấn đề nhưng tôi thấy anh Liêm vẫn nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng anh lấy gói thuốc Bastos rút một điếu thuốc gõ gõ trên bao giấy rồi châm thuốc thả khói lên trần nhà. Anh hút thuốc nhiều, môi thâm đen, và sau nầy tôi được biết trong lớp Première của anh còn có một anh Liêm nữa. Anh Lê Thanh Liêm được bạn bè gọi là «Liêm dế» vì nhỏ con, còn anh Nguyễn Thanh Liêm là «Liêm ghiền» và cả hai anh sau nẩy vẫn là đôi bạn thân thiết trong nghề giáo.

Khi đến trường, chúng tôi thường đi sau hai anh. Anh đi khoan thai, nhưng luôn ngó thẳng phía trước. Cử chỉ nghiêm nghị của anh khiến tôi rụt rè trước anh, nhưng lại tò mò muốn biết anh sinh sống ra sao. Buổi chiều, tôi thường đạp xe đi loanh quanh sau khi ăn cơm, và nhiều khi chạy qua nhà anh ở khu «Battambang» có con đường đá sỏi lồi lõm, đôi khi thấy anh ngồi tại bàn học qua cái màn cửa sổ.
Trong niên học ấy, thỉnh thoảng khi gặp nhau anh nói vài lời bâng quơ hay mỉm cười cho đến hè năm 1953, khi anh rời trường thì tôi cũng rời chỗ trọ đến «ăn cơm tháng» nơi nhà bà Năm Thưởng, thân mẫu của Đệ nhất phu nhân (bà Nguyễn Văn Thiệu) sau nầy, cho đến khi tôi ra trường và khi trở lại trường Nguyễn Đình Chiểu dạy học. Tôi không có cơ may nhìn thầy Năm Thưởng (Phạm Đình Thưởng) vốn hành nghề đông y sĩ, lúc thầy vĩnh viễn ra đi vì lúc ấy tôi đã lên Saigon học đại học nhưng đã cùng với thân quyến tiễn đưa Bác gái đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Từ một cậu học sinh trọ học, tôi được hai Bác thương yêu như thân thuộc và tôi còn giữ được bao kỷ niệm thuở ấu thơ và trung niên nơi căn nhà số 1 đường Lý Thường Kiệt, Mỹ Tho.

Năm 1966, tôi gặp lại anh Liêm tại văn phòng của anh ở Nha Trung học khi anh làm Chánh Thanh tra đề thi. Năm ấy, chiến cuộc đang đến hồi ác liệt, và biến động Phật giáo ở miền Trung khiến nhiều thành phố phải đặt trong tình trạng thiết quân luật. Nha Trung học đang tổ chức kỳ thi Trung học toàn quốc nhưng việc điều động hội đồng giám khảo, đưa giáo sư từ nơi nầy đến nơi khác không thực hiện được vì đường giao thông bị gián đoạn nên trung tâm Huế phải sử dụng nhân sự tại địa phương. Vấn đề là làm sao đưa đề thi từ Saigon ra Huế, bởi lẽ thông thường người chánh chủ khảo đảm nhiệm luôn cả việc mang đề thi từ Saigon đến nơi mình phụ trách hội đồng thi. Vừa được đề cử làm Giám Học ngôi trường mà tôi đã học, tôi nhận được sự vụ lệnh phải mang đề thi ra Huế."


2/ Bài tham khảo #2: Nhà Văn Trần Bang Thạch đọc tác phẩm Kỷ Niệm với Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm:

"Về Giáo Dục: Chúng ta hẳn còn nhớ trong thời thập niên sáu mươi, sau những biến động chánh trị kéo theo những rối ren tại các trường học, ông Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học Nguyễn Văn Trường đã ra quyết định chính ông sẽ ký giấy đuổi học những học sinh gây rối loạn nơi học đường. Rồi dưới thời chánh phủ Trần Văn Hương, nhiều đảng phái chánh trị, tôn giáo gây rối loạn ngoài xã hội và trong học đường, ông Tổng Trưởng GD Nguyễn Văn Trường ra Thông cáo số 1 đặt chánh trị ra khỏi học đường. Có lẽ đây là điểm móc quan trọng cho nền GD phát triển. Nhưng phát triển mà không đúng hướng thì GD sẽ đi lệch. May mắn thay, vào những năm cuối của thập niên sáu mươi và những năm đầu thập niên bảy mươi chúng ta có 1 người cùng các cộng sự của ông đã đưa nền GD đi đúng hướng. Đó là GS Nguyễn Thanh Liêm.

Sau thời gian làm HT ở Bình Dương và ở trường Pétrus Ký SG, GS về Nha Trung Tiểu học giữ chức Chánh Thanh Tra Trưởng Ban Soạn đề Thi, sau đó về Bộ Giáo Dục giữ chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt ngang hàng Thứ Trưởng đặc trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục từ tháng 6 năm 1971. Ông cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Cải Tổ Chương Trình, và Chủ Tịch Hội Đồng Cải Tổ Thi Cử. Nếu tính luôn cho tới ngày 30/4/75 thì ông là Thứ Trưởng GD trong nội các Nguyễn bá Cẩn.
Thời gian này, GS Nguyễn Thanh Liêm, người kiến trúc sư của ngôi nhà GD, mà theo GS Lâm Văn Bé thì:... “ông không phải là 1 kế hoạch gia khoa bảng du nhập cái nhìn bằng kinh nghiệm và kiến thức viển vông của xứ người mà trái lại, ông đã phối hợp và thực hiện các dự án phát triển GD bằng cái hiểu người và hiểu việc của ông”. Và theo GS Nguyễn Trung Quân, thì GS Nguyễn Thanh Liêm “ đã quyết định tiến hành một công vụ đúng với đường hướng giáo dục quốc gia, có lợi cho tương lai của tuổi trẻ và phù hợp với các nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam là dân tộc, nhân bản và khai phóng thì ông quyết tâm theo đuổi tới cùng cho đến khi thành tựu."
Cho nên khoảng đầu năm 1970, từ chương trình học cho tới việc thi cử đã bắt đầu được nghiên cứu sửa đổi để tránh sự gạn lọc quá đáng có từ thời Pháp thuộc. Theo đó số học sinh tăng nhanh, tỉ lệ thí sinh thi đậu TT2 tăng, chẳng hạn năm 1972 số thí sinh ban A, B và C tại trường Pétrus ký đậu 100%! Đến 1973 thì bải bỏ thi TT 1, 1974 bắt đầu thi trắc nghiệm mà số học sinh thi đậu là trên 45% so với 10% những năm trước. Các Khu Học chánh, sở học chánh và Ty VHGD thành hình để trực tiếp làm công tác GD tại địa phương. Các trường tiểu học ở mỗi xã, các trường Trung Học Tỉnh hạt có mặt khắp nơi. Nhờ vậy mà số học sinh và số sinh viên tăng gấp bội, GD trở thành đại chúng, ở xa xôi cũng có trường. Hệ thống trung học Tổng hợp bắt đầu có mặt và phát triển mạnh..."