TRỊNH HOÀI ĐỨC VÀ NHỮNG NĂM THÁNG THƠ
MỘNG CŨ
Võ Kỳ Điền
Em Từ Minh Tâm mến,
Sáng nay, mở trang nhà Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương em chăm sóc,
tìm đọc bài Hoàng Anh viết về trường xưa, thầy nhớ lại những ngày tháng thơ
mộng cũ mà thẩn thờ xúc động. Những dòng chữ lần lần được đọc qua, những
dòng đời bạn bè xuất hiện tiếp nối, cái thế giới nhỏ bé của thầy trò mình
ngày nào ở Búng, nơi thôn xóm nhỏ, có ngôi trường nhỏ, có nương rẩy xanh
tươi, có quốc lộ 13 trưa mù bụi đỏ, thoáng hiện lên như một kỷ niệm, có chuyện
nhớ có chuyện quên. Cái gì đẹp đẽ thì thân yêu mà cái gì thân yêu thì đều
đẹp đẽ, phải không Từ Minh Tâm?… Thầy nói như vậy, vì nó là một phần đời
của thầy trò mình mà, Hoàng Anh viết ký ức trường cũ bằng cả tấm lòng và
thầy trò mình cũng đọc bằng cả tấm lòng.
Hoàng Anh đã khiến thầy nhớ tới thầy Phạm Đức Liên, Nguyễn Thiện Thuật
dạy Sử, Trần Minh Đẩu dạy Lý Hóa, Lê Vĩnh Thọ, Đoàn Phế dạy Văn,
Bùi Thế San dạy Vạn Vật, Phùng Quang Tuấn vừa du học Tân Tây Lan về, dáng
vẻ hào hoa phong nhã y như Tây, riêng thầy Nguyễn Trí Lục và thầy quen biết
nhau từ lúc còn ở Sóc Trăng, lúc đó thầy Lục làm Giám Học của trung học Hoàng
Diệu, các bạn nầy sao mà đẹp trai, thiệt là đàn ông hết sức, ăn nói duyên
dáng khéo léo, tế nhị, hấp dẫn,… Các thầy Lê Vĩnh Thọ, Nguyễn Đông Ngạc,
Nguyễn Nhật Duật, Lê Văn Bình,… thì tài hoa, danh tiếng vang lừng. Thầy thường
mua các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa.. kiếm bài vở của các bạn mình, đọc
say mê và hãnh diện. Tuy vậy mỗi khi gặp nhau, đứng bên họ thầy đâm lúng
túng, ngại ngùng, có lẽ bị mặc cảm thua kém, cho dầu họ là những bạn thân.
Sau nầy khi hơi lớn tuổi, thầy bớt đi nhiều mặc cảm, có nhiều dịp gặp
lại bạn bè cũ, như Nguyễn Đông Ngạc, Phùng Quang Tuấn, Phạm Đức Liên, Đoàn
Phế bên nầy, mỗi lần gặp lại nhau là vui lắm. Nhứt là bạn Phạm Đức Liên,
mọi khó khăn, buồn phiền mà được Liên giải tỏa thì chuyện khó cũng thành
dễ và chuyện dễ thì kể như không còn. Thầy nghe xong cảm thấy một năng lực
mạnh mẽ, một ý chí vươn tới, mọi buồn rầu, chán nản, ủ ê, bay biến đi đâu
mất tiêu hết trơn. Thầy Liên có lối nói chuyện hấp dẫn, hăng say, tích cực,
tuơi vui…
Môn Pháp Văn có thầy Nguyễn Trọng Nhượng ưa cười đùa, dí dỏm, cái trán
láng bóng sói sọi, trong tình yêu thường nhắc nhở thầy nhiều câu kỳ lạ mà
vui lắm, thiệt tình không dám lộ cho người khác nghe, thầy Nguyễn Văn Mẹo
tánh hiền lành trầm lặng, tai bịnh nghe khó, hồi nhỏ rất ưa đá banh ở sân
nhà thờ Phú Cường, về già lại thích mò mẫm học chữ nho, cả hai đều dễ tánh
và dễ thân. Thầy Trần Khắc Cung rất đạo đức, đàng hoàng, có tư cách nhưng
kỹ lưỡng và hơi nghiêm khắc... Nhắc thầy Cung thì nhớ tới thầy Nguyễn Trường
Phán, hai bạn nầy từ nhà dòng ra mà, đâu phải trần tục bình thường như
các bạn khác…
Nhắc tới các bạn, làm sao mà thầy quên được cô Trần Thị Quỳ, cô Hoàng
Thị Đàn Hội, cô Phi Hoàng… các người đẹp một thời khiến cả thầy lẫn trò
Trịnh Hoài Đức ngẩn ngơ. Còn một cô nữa, thầy không dám nhắc tới tên. Thầy
có cái thói quen xấu, hễ thấy cô nào đẹp thì sợ, sợ lắm, không biết tại sao!
Bây giờ thầy đang ở xứ tuyết, em cũng dư biết Canada rất lạnh, lạnh từ trong
ra ngoài và lạnh từ ngoài vào trong. Trong một bức thư gởi cho thầy, thầy
Thanh Tâm Tuyền đã nói -thầy trò mình đang bị ướp trong nước đá. Quả thiệt
là đúng y như vậy, thầy đang sống trong một cái tủ lạnh rất là lớn. Ngồi
trong khối nước đá nhìn cây cỏ, nhà cửa, xe cộ lạnh queo, không biết những
đóa hoa đào năm xưa bây giờ ra sao, trôi dạt đi đâu, về đâu, có còn cười
với gió đông như ngày nào? Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu
đông phong.
Cũng câu hỏi nầy, thầy đã tò mò hỏi nhà văn Bình Nguyên Lộc về cô Tô
Mỹ Hạnh, cô giáo sư dạy Văn đẹp đẽ, dễ thương nầy đến Trịnh Hoài Đức hồi
nào và đi hồi nào có còn ai nhớ được? (ai là thầy đó, chớ Ban Giám Hiệu là
phải biết, đương nhiên!) được nhà văn trả lời bằng một bức thư riêng, thầy
cất giữ từ lâu lắm như một kỷ niệm quí báu của Bình Nguyên Lộc, một nhà văn
lớn của Việt Nam mình.
Không biết bức thư nầy, có phải là bức thư cuối cùng trong đời nhà văn
không, vì khi thầy nhận được vào ngày 2 fevrier 1987 thì vài ngày sau, có
tin nhà văn qua đời. Các em để ý tấm lòng ưu ái của BNL đối với một nhà văn
trẻ mới viết như thầy, tuy liên lạc lần đầu mà được ông coi như là văn hữu
quen biết từ lâu lắm. Thầy chép lại ra đây để tất cả cùng nhớ về Trịnh Hoài
Đức và Bình Dương. Chữ ông viết nhỏ xíu và rất khó đọc, thầy phải dùng kính
lúp mới đọc ra mà e rằng còn sai sót. Những đoạn viết chi tiết riêng tư
đời cô Mỹ Hạnh, thầy tự ý bỏ bớt…
Rancho Cordova. Mồng hai Tết ta.
Anh Võ Kỳ Điền quí mến.
Tôi được sách của anh chiều mùng một
Tết. Đáng lý là phải đợi đọc hết sách mới có thư phúc đáp và cám ơn, nhưng
tưởng năm mới nên viết thư thăm văn hữu thì hơn, nên tôi viết ngay, hôm nay,
mồng hai Tết ta, Nhưng viết ngay mà thư không tới ngay, vì ở chỗ tôi định
cư bưu điện không làm việc thứ bảy và chúa nhựt, tức mồng ba mồng bốn Tết.
Té ra anh đã sống ở Bình Dương. Tôi
cũng có sống ở đó 2 năm (1934 và 1935) và truyện “Ăn cơm chưa” trong quyển
Ký Thác, xảy ra ở đó, với lại tiểu thuyết dài “Hố Nước quái xứ Bình Dương”
(đăng ở nhựt báo Chánh Luận) cũng xảy ra ở đó. Chưa đọc hết sách anh, nhưng
có đọc một chuyện rồi, trong đó hai địa danh Cầu Ông Đành và Tương-Bình -Hiệp
đã làm tôi bị xúc động mạnh, nó nhắc nhở thời trai trẻ của tôi ở đó.
Và té ra anh có dạy chung trường với
con Mỹ Hạnh……. Dạy ở Trịnh Hoài Đức một lúc, nó xin thuyên chuyển về Sài
Gòn, rồi xin học bỗng đi du học ở Washington D.C. Tốt nghiệp xong, nó về
nước phục vụ và lấy chồng…..
…….
…….
Mặc dầu chỉ sống ở Bình Dương có hai
năm, tôi còn giữ rất nhiều kỷ niệm ở đó, vì 1934, 1935 là thời thái bình,
chỗ nào tôi lội cũng tới hết... nên đã biết rất nhiều nơi. Anh lớn lên thì
trong tỉnh đã có chiến tranh rồi, chắc những nơi hẻo lánh, anh khó tới được.
Hiện giờ Cộng Sản đã đặt tên mới
cho tỉnh nầy là tỉnh Sông Bé.
Chúc anh Năm Mới được an khang và hạnh
phúc bên cạnh gia đình, để sáng tác thêm. Các bạn viết lách miền Nam đi ra
nước ngoài ít quá, chỉ có anh, anh Kiệt Tấn, anh Hồ Trường An, anh Nguyễn
Văn Sâm và tôi thôi. Nghe nói phái nữ gốc miền Nam cũng có nhưng tôi chưa
quen ai cả, trong giới nữ gốc Nam. Xin hẹn ở các thư sau. Thân. BNL
Như vậy là cô Tô Mỹ Hạnh thương yêu của bé Nguyễn Thị Nga năm nào, được
bảo lãnh định cư ở Mỹ với cha mẹ và gia đình từ năm 1985. Nhà văn Bình Nguyên
Lộc chỉ biết là thầy dạy chung trường với cô Mỹ Hạnh, đâu biết là thầy học
cùng lớp, thường ngồi sau lưng cô Mỹ Hạnh ở Đại Học Văn Khoa năm nào. Thiệt
tình, trường Trịnh Hoài Đức sao quy tụ nhiều nữ giáo sư đẹp, khiến người
ta dễ chết lắm. Và cũng ở mái trường thân yêu đó, có một ông thầy dạy Văn
ngờ nghệch, lạng quạng sao đó không biết, bị một cô giáo Pháp Văn yêu kiều
đẹp đẽ của tụi em hạ đo ván từ lâu lắm rồi. Chết thiệt, chớ không phải chết
ngất ngơ!
***
Nơi ngôi trường Trịnh Hoài Đức nầy, tháng năm thầy trò quây quần học
hành, vui đùa bên nhau, những câu chuyện kể thoạt nghe hình như chưa lâu
lắm, chuyện của thầy của bạn, mà cứ tưởng chuyện của mình, rõ ràng còn mới
rành rành, nào dè đếm kỹ ngày tháng thì gần trên nửa thế kỷ rồi! Nửa thế
kỷ biến hiện như một giấc mơ, mới đó ngày nào, nào thầy, nào trò, nào sinh
hoạt, nào học hành, những cuộc vui chơi một thời trẻ dại. Hễ mỗi lần nhắc
lại, nghe lòng xao xuyến biết bao nhiêu, thương yêu biết bao nhiêu! Hiện
giờ ngôi trường Trịnh Hoài Đức thân yêu của thầy trò mình vẫn còn đó, mà
bạn bè, kẻ chân trời, người góc biển, lên và xuống, còn và mất, vui và buồn,
thương và nhớ, nói sao cho hết! Làm sao tìm cho ra thời thơ mộng cũ, Từ
Minh Tâm ơi!
Võ Kỳ Điền (15-05-2009)