RỪNG MẮM của Bình Nguyên Lộc
và câu chuyện những người đi mở cõi

 Hoàng Anh


Sau khi Hồ Biểu Chánh, kẻ mở đường cho lối viết văn miền Nam qua đời, có nhiều nhà văn nối nghiệp ông chuyên viết về đất và người phương Nam. Trong số này có hai tên tuổi nổi bật hơn cả: Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Một người chuyên viết về miền Đông, vùng đất thổ ngơi của sông Đồng Nai; người kia chuyên về miền Tây, vùng châu thổ sông Cửu Long.

Cùng một thế hệ, cả hai đều chứng kiến thời kỳ nước nhà chìm đắm trong khói lửa điêu linh, đều có tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở một cách trìu mến, thiết tha. Cả hai đều là những người đa tài, sự nghiệp sáng tác của họ thật đồ sộ và đa dạng trong thể loại: ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết, họ còn có những công trình lớn về biên khảo, và đặc biệt hơn, cả hai cũng từng viết được những bài thơ rất hay.

Xét về tuổi tác, B.N.L thuộc lứa đàn anh của SN, ông sinh năm 1914, lớn hơn Sơn Nam một con giáp. Tuy nhiên cả hai có mối nhân duyên để thành những văn hữu khá thân thiết với nhau từ rất sớm và có với nhau nhiều kỷ niệm đáng nhớ. SN kể rằng chính BNL đã truyền lại cho ông những kinh nghiệm của nghề làm báo:

“Bình Nguyên Lộc là nhà văn mà tôi mến nhất”, “Bàn bạc với B.N.L rất nhiều lần về cách làm quen với làng báo nhất là báo tuần Sài Gòn (nói theo bây giờ là hội nhập). Anh khuyên tôi phải siêng năng, chuẩn bị sẵn đôi ba cốt truyện hễ khi tiếp xúc với toà soạn mà được đồng ý đại khái là ngay hôm sau phải nộp bài để in. Đề tài về đồng quê, buổi ấy gọi nôm na là “truyện đường rừng”đã có đôi ba nhà văn viết rồi”.
( Hồi ký Sơn Nam)


Nghe theo lời khuyên của bậc đàn anh, SN viết một số truyện ngắn sau này gom lại thành “Hương Rừng Cà Mau” một tuyệt tác về miền Tây trong nền văn học Việt Nam chúng ta.
Đề tài về cuộc khẩn hoang của tiền nhân trên vùng đất phương Nam cũng là hoài bảo âm thầm mà mãnh liệt trong sự nghiệp sáng tác của BNL. Tiếc rằng có quá nhiều bất trắc xảy ra khiến ngày nay chúng ta không có cơ may  thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm mà nhà văn đã dành trọn tâm huyết  cho chúng.

Ngay từ  năm 1935, lúc vừa mới hai mươi tuổi, BNL bắt đầu khởi thảo cuốn truyện thứ nhất của đời ông. Đến năm 1942, tức mất bảy năm trời mới hoàn thành xong tác phẩm với tựa đề “Hương Gió Đồng Nai”, theo lời của chính tác giả thì đây là :

“Tập truyện ngắn và tuỳ bút bát ngát hương đồng gió nội, và dẫy đầy màu sắc địa phương này, đã được hai nhà thơ có tiếng đương thời:  Xuân Diệu và Huy Cận tán thưởng”
(Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với BNL).


Tiếc rằng khi Pháp quay lại tái chiếm Tân Uyên cuối năm 1945, trong lúc chạy tản cư vội vã, tác phẩm đã bị thất lạc. Dấu vết của tuyển tập này chỉ còn lại một truyện ngắn và một tuỳ bút đăng báo khoảng năm 1943, mà nay, ngay cả tựa đề của chúng là gì chắc cũng ít người biết. Mấy chục năm sau BNL vừa thử viết lại vừa cố gắng tìm bản thảo xưa, ông còn đăng lời rao trên báo với hy vọng mong manh tìm lại được tác phẩm này nhưng không nhận đưoc chút hồi âm nào.

Vừa hoàn thành xong Hương Gió Đồng Nai, BNL đã khởi sự viết tiếp một tiểu thuyết lịch sử : “Phù Sa”. Ông đã thai nghén tác phẩm này rất lâu, một bộ trường thiên sử thi dài cả ngàn trang tái dựng cụôc Nam tiến vĩ đại của đồng bào Nam Ngãi để mở mang bờ cõi. Tác phẩm này, cũng cùng chung số phận như Hương Gió Đồng Nai, sau khi đăng được đoạn khai từ với tên “Di dân lập ấp” trên báo Thanh Niên của KTS Hùynh Tấn Phát vào năm 1943 thì bị thất lạc.

Theo tác giả thì đây là tác phẩm lớn và quan trọng nhất của ông nói về cụôc Nam tiến. Ông có viết lại một phần và gởi đăng trên tuần báo Nhân Loại, độ một phần sáu của tác phẩm rồi vì bệnh tật nên bỏ dở dang. Trãi qua gần 45 năm, đến cuối đời, ông viết đi viết lại mãi vẫn chưa xong. Không nói ra, ta cũng biết rằng đây là những mất mát hết sức to lớn đối với một người cầm bút, và BNL chắc là phải ôm nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi với những đứa con tinh thần đầu tay của mình. Về đề tài này, BNL cho biết:

“Với mình đó vừa là một cái “mộng” lớn thiết tha mà mình cần thực hiện trong đời văn, lại vừa là một món “nợ”tinh thần mà mình cần phải trả…Nợ đối với ông cha đã bỏ quê nhà vô đây, đổ mồ hôi và đôi khi đổ máu đào để chúng mình nay có một miền Nam trù phú, nợ đối với tấm tình yêu mến điạ phương mình, nơi có lẽ đã đón nhận một trong những đoàn người đầu tiên ở miệt ngoài vào lập nghiệp”
(Nguyễn Ngu Í, sống và viết với…Bình Nguyện Lộc, Ngài xanh xuất bản, 1966, tr.221)


Điều rất đáng khâm phục là tuy ngay từ buổi đầu đã gặp phải một tai nạn nghề nghiệp đầy rủi ro như thế, BNL vẫn không từ bỏ giấc mộng của ông. Không viết được tác phẩm lớn như ý nguyện, thì ông viết ngắn gọn lại, và chính điều này đã tạo nên độ nén cho tác phẩm, để chỉ trong vài trang, mà ông đã có thể cô đọng được hết những gì cần phải dàn trãi trong mấy trăm trang giấy. Chúng tôi muốn đề cập đến truyện ngắn Rừng Mắm bất hủ của ông.

Nhà văn Sơn Nam kể lại chuyện này như sau:

”Anh ôm ấp giấc mơ về tác phẩm lớn, đặt nhan đề là Phù Sa, đã đăng báo Nhân Loại nhưng dường như chưa đạt yêu cầu, mô tả từng đoàn thuyền từ xứ Quảng vào, chèo vượt sóng với điệu hát “quan hải hồ khoan”. Gặp tôi, anh nhờ giúp tư liệu sống về phía mũi Cà Mau, anh ngờ rằng cây đước ngoài biển là đạo binh tiên phong gìn giữ phù sa từ biển cả. Tôi bảo ngoài xa nhất vẫn là cây mắm, mắm bám đất, lấn biển rồi sau lưng cây mắm là cây đước, đến cây tràm. Anh bảo là bấy lâu chỉ mới vượt sông Hậu đến chợ Cần Thơ ven sông rồi đi Cái Răng cách đó 5 kilômét thôi. Tôi giúp anh một cách “văn nghệ” là nhờ hoạ sĩ Trần Tấn Thanh (đã hy sinh thời chống Mỹ) vẽ bức tranh nhỏ, với sơn dầu về cảnh mũi Cà Mau. Anh nổi hứng, viết nhanh trong hai đêm truyện Rừng Mắm mà rất tiếc, đáng lý dịp kỷ niệm 300 Sài Gòn ta nên nhắc lại một cách trân trọng” ( Sơn Nam, Hồi ký hai mươi năm giữa lòng đô thị, tr.312)


Truyện được đăng trên tạp chí Chỉ Đạo, số 20-21, tháng 10 năm 1958 với tựa đề “Thế hệ tiên phuông”. Về sau, năm 1960, truyện được in lại trong quyển “Kí Thác”, nhà xuất bản Bến Nghé, với tựa đề mới  là Rừng Mắm. Và từ đó, Rừng Mắm đã gắn liền với tên tuổi của nhà văn BNL, nhắc đến BNL, nhắc đến công cuộc khẩn hoang miền Nam, người ta không thể không nhắc đến BNL và truyện Rừng Mắm tuyệt vời của ông. Năm 1963, theo ý của tác giả và nhiều bạn đọc, ban chủ biên đã tuyển chọn Rừng Mắm in trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất quê hương chúng ta” (Văn Hữu Á Châu xuất bản, 1963, Sài Gòn).

“Hễ nói tới văn chương ngôn ngữ miền Nam, là phải nghĩ ngay tới Bình Nguyên Lộc cũng như nói tới sóng thì phải nghĩ ngay tới nước”
(Hồ Trường An, tạp chí Văn Học, California, số 18, tháng 7-1987)


Nhà văn Tô Hoài, trong bài “Bức tranh lịch sử của người mở cõi phương Nam” có viết: ”Cũng như khi đọc truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyện Lộc và những người đi tìm đất của Sơn Nam, của Đoàn Giỏi, thấp thoáng mà ám ảnh không dứt những hình thù sông nước và tiếng rừng của người ra đi, đi mãi” ( Tuổi Trẻ chủ nhật 13-3-05)

Rừng mắm nói về một gia đình ba thế hệ : ông, cha mẹ và con, cả nhà đưa nhau đến một vùng đất hoang vu miệt Cà Mau để khẩn hoang lập nghiệp. Cốt truyện giản dị, không có nhiều tình tiết hay kịch tính hấp dẩn, thế nhưng tầm khái quát và sức chuyển tải thì thật phong phú, đáng kinh ngạc. Và dù câu chuyện không có gì lâm li bi đát, mà đọc hoài vẫn thấy hay, thấy thích.

Công cuộc mở mang bờ cõi đất phương Nam được thế hệ đời sau nhắc đến như khúc trường ca oai hùng của dân tộc. Đó là niềm tự hào, là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật bao la, như những cánh đồng lúa xanh trãi dài đến tận chân trời đầy ắp phù sa, như hương gió Đồng Nai lồng lộng tươi mát bốn mùa. Thế nhưng bộ sử thi ấy không chỉ có khúc khải hoàn của những đoàn quân trên vó ngựa gươm giáo sáng ngời, mà còn là tiếng thở dài của những con người chông chênh trên chiếc ghe bầu vượt sóng cả đại dương, của những bàn chân dẫm đạp chông gai băng suối vượt đèo, là lưỡi cày lặng lẽ giữa chốn đồng sâu, là nhát búa đốn cây đẵn gỗ trên ngàn, là những thanh tre chống chọi với mãnh hổ rừng thiêng…
Bài ca mở cõi là tiếng hát kiêu hùng nhưng vô cùng bi tráng của quê hương.

Thế giới văn chương của Rừng mắm đưa đưa độc giả ngược thời gian về thời kỳ khẩn hoang miền Nam ở rừng rậm U Minh, ngắm nhìn những rừng mắm rừng tràm chen chút vươn mình ra biển khơi lộng gió, như hình ảnh của những người tiên phuông không tên tuổi đã  góp phần hoàn thành bức bản đồ Việt Nam. Để có thiên nhiên thuần khiết hiền hoà hôm nay, trên đường vào đất mới, người Việt phương Nam đã phải làm quen với rừng thiêng nước độc, mưa nắng triền miên, và bao nhiêu gian khó mà thế hệ ngày nay khó lòng hình dung được.

Đó là cuộc chống chọi của con người với thiên nhiên hoang dã, cuộc chống chọi của những cây lau cây sậy yếu đuối mong manh trước sấm chớp và bảo tố.

Vậy mà họ vẫn tồn tại và vẫn bám lấy đất đai này mà sống. Sống,với họ không chỉ là chiến đấu mà còn là chịu đựng. Cuộc Nam tiến trường chinh của người Việt kéo dài suốt cả ngàn năm phải chăng đã đến điểm dừng, từ đây họ không còn chỗ nào để đi tới, cũng không thể quay về. Hay phải chăng có một tiếng vọng âm thầm nào đó đã được ký thác lưu truyền qua bao thế hệ, nhắn nhũ với họ rằng đây chính là vùng đất hứa mà họ phải cố công gìn giữ, bao thế hệ phải nằm xuống lót đường để đất này một ngày kia trở nên hoa gấm, gai cỏ sẽ biến thành trái ngọt đầy cành, bùn lầy sẽ nở đầy sen  ngát hương thơm?

Con trâu lội nước đi trước, chồng cày vợ cấy đi sau. Cứ như vậy mà từng tấc đất một, từng ngày qua, từng năm hết, cả vùng đất Nam kỳ lục tỉnh bao la đã được chinh phục. Thế nên trên đất đai này đâu phải chỉ có những ông điền chủ có hàng ngàn mẫu ruộng con cái xài tiền như nước, mà còn có những con người chịu nắng, chịu mưa, đói, khát, bệnh tật, thèm thuồng, sợ hãi, và bị chìm trong tăm tối mà vẫn luôn nuôi một niềm hy vọng. Chịu đựng, đó chính là số phận, và họ phải nhẫn nại chịu đựng số phận khổ nhục mà vinh quang ấy, với lòng biết ơn vô vàn của muôn triệu con cháu đời sau.

 “Năm tới tao gieo giống Tầm Vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ buồng là năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó.

Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia.”

“Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công, và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chứơc tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu.

Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít, đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần…

_ Và sẽ có chè ăn?

Ông nội cười ha hả mà rằng:

_ Gì chớ chè thì sẽ có lu bù.”
( Rừng mắm)


Chính những triển vọng xán lạn ấy đã tạo nên một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn giúp cho thế hệ tiên phuông đủ can trường và nghị lực vượt qua tất cả thách thức  cam go, sẵn sàng hy sinh đời mình cho con cháu mai sau:

“…Ông nói điều này, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận làm cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả.

Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối lội qua tô nước rộng hũ đường để làm cầu cho bạn đi sau vào đến nơi có chất ngọt.”
( Rừng mắm)

Chỉ với sức người nhỏ bé, chỉ với cái cày, cái cuốc, con dao… trước mênh mông của trời đất, họ nhận ra được rằng tương lai ấy phải đánh đổi bằng mồi hôi nước mắt của rất nhiều thế hệ mới hy vọng làm nên:

“Tất cả mấy lớp tiên phuông đầu đều ngã gục như rừng mắm rồi ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn…”


Sự hy sinh cho con cháu đời sau trở thành một đạo lý của sự sống còn, đó là một truyền thống tốt đẹp phải được lưu truyền qua bao thế hệ mãi cho đến một ngày mai xa xôi nào đó khi cụôc khẩn hoang hoàn tất:

“Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi. Vả lại con không thích hy sanh chút ít cho con cháu của con hưởng sao?
Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ, bỏ mả ông cha để hì hục năm năm trong đồng chua, nước mặn ở Ô Heo”


Một hệ quả cao đẹp của đạo lý nhân nghiã chính là lòng hy sinh vì lợi ích và hạnh phúc của người khác. Với những người khai hoang, đó là lo cho con cho cháu họ. Hy sinh là một trong những đức tính phổ biến, đặc trưng nhất của người Nam bộ và vẫn được lưu truyền trong huyết quản, trong tâm thức của người Nam bộ đến tận hôm nay. Vì thấm đậm đức tính này nên khi non sông tổ quốc cần, họ sẵn sàng hy sinh tất cả ruộng vườn, nhà cửa, sinh mệnh để đứng lên đáp lời sông núi. Khi hoàn cảnh ngặt nghèo, họ thường nhường cơm sẻ áo, coi thường danh giá và phẩm tiết của bản thân vì hạnh phúc của những người thân yêu.

Hy sinh và biết ơn, những bài học đạo lý này có lẽ là chủ đề chánh mà tác giả truyện Rừng Mắm muốn gởi đến người đọc. Cô Phương Thảo, một bút danh khác của nhà văn Vũ Hạnh, trong bài điểm sách trên tạp chí Bách Khoa đã nhận xét: “Vì vậy nhiều người đã ca ngợi rất hợp lý cái cao quí của Rừng Mắm, cái xót xa của Ba Con cáo và cái hùng tráng của Đồng Đội”

Lúc được đăng trên tạp chí, truyện chỉ chiếm không đầy sáu trang giấy. Ngắn như thế, mà gói gọn được bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu là giá trị và ý nghĩ của công cuộc Nam tiến gian khổ của tiền nhân thưở xưa, có thể nói truyện Rừng Mắm đã đạt được sự thành công rất lớn trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Đến hôm nay, dường như chưa có truyện nào khác ở nước ta đạt được mức thể hiện tương đương với truyện ngắn trên về cùng đề tài này. Lời kể của SN làm chúng ta ngạc nhiên và khâm phục nhà văn nhiều thêm, chưa đến đất mũi Cà Mau lần nào, sao BNL có thể miêu tả vùng đất ấy trung thực và sinh động đến thế!

Đã có quá nhiều bài viết giới thiệu, phân tích và khen tặng “Rừng mắm”, người viết thiết nghĩ không cần phải ca ngợi thêm, sơn phết thêm ít màu sắc trên một bức tranh vốn đã tuyệt đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của BNL ( ông sinh và mất vào cùng ngày 7 tháng 3 ), người từng được các văn hữu uy tín tôn là một nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam, bài viết này xin góp thêm đôi dòng giúp bạn biết rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn Rừng mắm. Xem như nén tâm hương gởi đến một nhà văn “Trót mang lấy nghiệp vào thân”: cái nghiệp phải yêu mến quê hương, đất nước tha thiết, sâu đậm đến trọn một kiếp tằm tơ.

Trời chưa có mưa thu, mà chúng ta đã nghe nhớ đến tằm. Nhớ nhiều lắm.(1)

(1) Mưa thu nhớ tằm, tên một truyện ngắn của BNL