Nhớ má
Lưu Thanh Bình
(Xin tạ ơn công đức sinh thành đã vất vả mưu sinh cho
con có ngày khôn lớn góp mặt với đời.)
Đêm 30, chỉ còn vài tiếng là sang năm mới thì
được báo tin mẹ bạn Hùng đã mất. Mình xem bác
Hai như má nuôi, vì thời đi học mình ăm dầm nằm
dề nhà bạn không biết bao nhiêu bận, lỡ đến giờ cơm mà
mình từ chối khéo là bác nhất quyết không
chịu cầm đũa. Còn sau này thì có thưa thớt hơn,
chỉ khi nào … say rượu thì mình mới nhớ ghé thăm
bác và ngũ luôn một giấc, tỉnh dậy rửa mặt sơ qua rồi
về. Mọi việc diễn ra hết sức cập rập vì giờ giao thừa sắp đến, ngay
khi phát tang xong là các cơ quan thân thuộc đã
hờm sẵn , vào thắp hương dâng hoa ngay. Nhìn đồng hồ
đã 11 giờ 30. Sự có mặt nhanh chóng của các bạn
học Trịnh Hoài Đức ở Lái Thiêu, Búng như Bình,
Hoà, Tài , Quốc , Giàu, Bạch… chắc cũng làm bạn
Hùng ấm lòng phần nào.
Ngày đầu năm, ghé nhà má thắp hương cho ba và
xem bệnh tình của má. Chị hai nói má bỏ ăn rồi
giờ bỏ cả uống, chỉ vô nước biển cầm cự thì mình hiểu
cái giờ phút hung hiểm lo sợ đã gần đến. Nhìn
má nằm thiêm thiếp trên giường, xẹp lép và
ủ rũ đúng là hao gầy xác ve. Quanh quẩn bên má
một lúc, mình vội dọt lên nhà Hùng vì
mình biết mùng một kỵ xui, người ta không đến cúng
đám. Trong chuyện buồn cũng có chuyện vui : thầy tụng là
Mai Văn Ba, thợ chụp hình là bạn Huỳnh thanh Hùng. Cùng
học chung mấy năm dưới mái trường mà giờ hai bạn không
nhìn ra nhau, mãi đến khi mình nhắc lại thì hai
bạn mới nhớ. Nếu trước kia có đánh nhau lổ đầu sứt trán
thì chắc là không quên rồi. Chiều mùng ba,
cả lớp tề tựu đông đủ phúng điếu chia buồn thật cảm động. Cũng
phải thôi, vì Hùng sống rất hoà đồng, nhã
nhặn không hề mích lòng bạn nào. Hoà Nam
, Có ở xa nữa vòng trái đất cũng nhờ người nhà
đến chia buồn. Nhìn tấm hình Bác Hai đặt trước linh
cửu, gương mặt thật phúc hậu nhưng buồn quá, có lẽ trọn
một đời Bác chỉ biết lo cho con cái, lấy đó làm
niềm vui vì ba Hùng đã tập kết ra Bắc sau 54, ngày
về lại đem theo một gia đình khác. Bức phướng của sui gia đi
tế, treo trang trọng cạnh linh cửu, có hai câu đọc thật ngậm
ngùi :
Bóng hạc xe mây về cõi Phật
Để lại trần gian phúc cháu con
Sáng mùng 4 Tết, ngay sau lễ hạ huyệt mẹ bạn Hùng là
mình vội dọt về để kịp tháp tùng cùng chị hai
và các em đưa má xuống bệnh viện Việt Pháp. Xe
đi rồi, mình đuổi theo thì giữa đường em điện cho biết Việt
Pháp chê, chuyển qua 115. Ở đó, má nằm trong phòng
cách ly, muốn thấy mặt phải chờ đến giờ quy định, người ta kéo
rèm cho đứng ngoài nhìn vào qua lớp cửa kiếng.
Chị Tuyết dù về kịp nhưng cũng chịu không thể gần má
được. Mấy chị em chia nhau túc trực ngoài hành lang,
chờ y tá thò đầu ra đưa toa xuống nhà thuốc bệnh viện
dưới tầng trệt mua thuốc. Đến giờ mình vẫn không hiểu tại sao
bệnh viện đã thu ứng trước viện phí , mà lại còn
bắt người nhà bệnh nhân túc trực mua thuốc. Không
lẽ bệnh viện không có mạng vi tính nội bộ ? Chưa kể hành
lang bị cấm trãi chiếu, suốt ngày hàng trăm con người
ngồi vạ vật trên dãy ghế nhựa chịu cho nắng chiều thiêu
đốt. Bảy giờ tối, qua lớp cửa kiếng nhìn má nằm thoi thóp,
mình cũng hiểu má giờ như ngọn đèn lụn bấc, càng
kéo dài càng thêm đau, đau cho người đi lẫn kẻ
ở lại. Quy luật tạo hoá có chừa ai ra đâu, “cõi
trần gian là cõi tạm”, thật là thấm thía .
Ngày cuối cùng, xe cấp cứu đưa má ra khỏi cổng bệnh
viện 115 lúc 1giờ sáng. Đưa má ra xe xong, mình
vội chạy đuổi theo nhưng xe gắn máy không thể nào kịp,
về đến Vĩnh Phú thì đã thấy xe không chạy ngược
về Sài Gòn rồi. Hai em ở Úc dù không kịp
về vuốt mắt cho má nhưng cũng có mặt ngay sau lễ thành
phục. Như vậy giống như sáu năm trước tiễn ba đi, cả nhà lại
có mặt đông đủ. Đoàn tụ lần này rồi không
biết đến bao giờ mới gặp nhau như vậy nữa.
Bây giờ về nhà má, thấy rãi rác mọi chỗ
đều có đồ vật, dấu vết của má để lại. Nhớ trước kia, chị Tuyết
vừa dọn dẹp vừa lén cằn nhằn một mình vì má hay
giữ lại mọi vật dụng thừa, phế bỏ trong nhà, nhất quyết không
bán thanh lý cho ve chai. Từ cái ấm sứt quai, cái
thùng dầu rổng cho đến đôi dép vẹt gót. Má
có tật hay lo, lo từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Đi tắm biển Vũng Tàu
mà má cứ đứng trên bờ điểm danh, nhìn ngó
dõi theo từng đứa như mẹ gà chăn bầy vịt con. Lo cho từng đứa
tắm lại nước ngọt, chải tóc rồi cơm vắt, gà rô ti kèm
bánh mì .
Rồi đến những năm tháng khó khăn năm 66, 67; tìm người
giúp việc là rất khó vì họ đua nhau đi làm
sở Mỹ hết, vừa có tiền nhiều vừa được tự do hơn. Lương ba dù
thuộc hàng trung lưu cũng khó trang trãi đủ cho chi
phí gia đình. Những chiếc tàu há mồm đang trong
thời kỳ hay ăn chóng lớn, quần áo đứa lớn nhổ giò thì
má cắt lại cho đứa sau bận. Tình thế thiếu trước hụt sau buộc
má phải ra bán vãi, vốn huy động từ nhiều nguồn:
vay tiền bà con, vay của ông Cả Kiết, bán căn phố Kim
Liên, ứng trước lương của ba… Nhiều đêm liền nghe ba thở dài
sườn sượt vì lo sợ bất trắc, cũng phải thôi vì ba đời
nhà nội có ai làm nghề buôn bán đâu,
trong khi má là con nhà buôn bán nòi,
sinh trưỏng ở chợ từ nhỏ, kể cả hai bà dì cũng chọn nghề buôn
bán mưu sinh từ rất sớm. Khi đi bổ hàng, má cắt séc
(nôm na gọi là cái chè que) ghi lùi ngày
thanh toán vài ba ngày cho kịp khi họ đến rút
tiền thì trong trương mục có tiền, nếu không thì
bị quy cho tội viết chi phiếu ma không tiền bảo chứng. Có những
đêm mình trở dậy, vẫn thấy má đang ngồi bệt dưới đất
đếm tiền bên dĩa nước, vuốt phẳng từng tờ giấy cho ngay ngắn xếp vào
cùng loại trước khi bó dây thun, kịp khi trời sáng
ba đem về Sài Gòn nộp vào nhà băng. Khi má
tắt đèn đi ngủ thì đồng hồ đã chuyễn sang ngày
mới.
Cứ thế gánh nặng gia đình chuyễn dần sang vai má. Còn
nhớ mỗi sáng má để tiền ăn điểm tâm và đi học
sắp hàng dài trên bàn nước, chị em tôi cứ
theo thứ tự mà lấy bỏ túi. Càng về sau này thì
càng dài ra và dầy lên, vì chúng
tôi học lên cao nên chi phí tăng theo, tiền lương
của ba chỉ trang trãi một phần, còn phần lớn là do sạp
vải của má gánh vác. Những năm đầu trung học, nhà
trường bố trí lớp dưới học buổi chiều. Gần đến giờ đi học thì
má hối thúc lo đi tắm, thay đồ rồi ăn cơm. Còn má
thì chị nấu bếp bới cho một tô, ngồi ăn trên sạp vải chứ
không được ăn thong thả bên bàn cơm như người ta. Chỉ
có giờ cơm chiều (nhưng ăn rất muộn tầm 7, 8 giờ tối) má mới
được ngồi bàn, đó là lần duy nhất trong ngày
cả nhà quây quần bên nhau. Lúc nào má
cũng là người cầm đủa sau cùng. Lên lớp lớn hơn thì
mình đã có thể phụ dọn hàng, mỗi sáng
dậy sớm, vừa làm vệ sinh vừa nghe chương trình Mai Lan dạy
tiếng Việt cho quân nhân Mỹ, rồi xuống tiệm mở cửa dọn hàng,
chừng hơn tiếng sau thì má sẽ ôm tráp xuống, dúi
thêm cho ít tiền (bây giờ gọi là bồi dưỡng).
Nhớ hồi đậu tú tài 1, má cúng heo quay ăn mừng
mà mình khóc nức nở, cả nhà đều ngạc nhiên
vì không biết tại sao. Ấy là vì năm ấy tuổi mình
không còn được hoãn dịch nữa, cánh cổng Đại Học
mình hằng ao ước đóng lại vĩnh viễn với mình rồi. Thực
trạng thua bạn thua bè làm mình tủi thân, uất
ức nên thi đậu mà lại khóc.
Những năm chiến tranh ác liệt, không biết ai bày ra cái
trò in khẩu hiệu “Gia đình tôi không chứa chấp
cộng sản” và tấm biển bằng thiếc có mấy chấm tròn màu
đỏ (đàn ông), chấm xanh (đàn bà) và chấm
vàng ( con nít). Sổ gia đình phải kèm theo tấm
hình chụp toàn bộ thành viên trong gia đình.
Giờ nhìn lại hình chụp mắc cười muốn chết, mày đó
hả, còn nó đây hả hả, quê vậy. Má cười mãn
nguyện còn ba thì lại nhăn nhó. Nhà mình,
con trai thì tất cả đều là Lưu thanh…, còn con gái
thì tên đứa sau lúc nào cũng có tên
đứa trước làm tên lót : Lưu ngọc Ánh, Lưu ánh
Tuyết, Lưu tuyết Trinh, Lưu trinh Thảo…
Rồi cải tạo tư sản công thương nghiệp, bao nhiêu của cải hàng
hoá má tạo dựng bao năm bằng mồ hôi nước mắt bị kiểm
kê lấy đi sạch, kể cả hai căn phố lầu bờ sông chợ cũng bị tịch
thu, người ta dưa vào nghị quyết đại hội đảng lần 4, tiến hành
xoá bỏ các thành phần kinh tế , chỉ chừa lại quốc doanh
và tập thể. Những sai lầm đưa cả dân tộc lầm than một thời,
rồi lịch sử sẽ phán xét.
Rồi tội mua tàu tổ chức đưa người vượt biên trái phép.
Những người mới hôm qua còn lạy lục cầu cạnh nhất quyết dúi
vàng vào tay má nay lu loa đòi lại. Năm tháng
tù đày đã lấy đi của má hơn năm năm tuổi thọ.
Thương cho má, vơ lấy cả tủi nhục về phần mình để giữ yên
ấm còn lại cho gia đình. Ra tù rồi má lại tiếp
tục lo cho hai em vượt biên sang đất người an toàn. Mấy năm
trước, hai em rước má qua chơi cho biết sui gia, má chỉ ở
hai tuần rồi nằng nặc đòi về vì nhớ nhà, về đến Việt
Nam đúng mùng hai Tết. Từ đó má tránh
không bao giờ nói tới việc đi nước ngoài nữa.
Từ những cái ngỡ ngàng lúng túng khi ba mất (2004),
bây giờ thì mình đã hiểu gần hết, đã có
rất nhiều kinh nghiệm trong lễ tang nhưng không còn bao giờ
thực hành nữa vì mỗi người chỉ có một mẹ một cha thôi.
Nay má đã đi xa nhưng nói như chị Tuyết, khi nào
nhớ má thì má đang ở bên cạnh. Lớp B5 lại có
đứa gia nhập gia nhập phe mồ côi, số còn cha còn mẹ ngày
càng thêm ít ỏi.
Đầu năm mừng tuổi, ai cũng mong mẹ thêm tuổi thọ, dẫu biết như thế
là quỷ thời gian của mẹ lại vơi đi một ít, như bóng
chiều càng thấp xuống, hình bóng mẹ càng trãi
dài ra thì cơ hội báo hiếu càng hiếm hoi. Để
rồi một ngày kia, sau những quay quắt mưu sinh, nhìn lại thì
thầm thốt lên những tiếng phải chi, phải chi… Đã muộn rồi bạn
ơi, quy luật thời gian không bao giờ cho bạn níu kéo,
dù có thuốc tiên, có nem công chả phượng
cũng bằng thừa. Bên cạnh những báo hiếu bằng vật chất, còn
có rất nhiều những cơ hội để bạn gần gũi mẹ, những chăm sóc
nho nhỏ không thể quy ra tiền: mớm cháo, xức dầu, vỗ lưng, xoa
nắn vai, bóp chân, dìu mẹ đi toilet, mang vớ, bao tay,
trở mặt gối , xoay mình , chà xát hai bàn tay,
ngồi tựa vào lòng thay áo, nhúng khăn ướt lau
mình…
Viết xong bài này tôi cũng nghe nhẹ lòng phần
nào.Lời nhắn nhủ sau cùng là các bạn hãy
nhanh lên nếu còn có cơ hội.
Lưu Thanh Bình
(tháng 3 năm 2010)