LÁ THƯ GỬI THẦY

Người dấu tên

Kính tặng quí Thầy Cô đã cho chúng em những tháng ngày hoa mộng ở Trinh Hoài Đức thân yêu.
Kính tặng Thầy Đinh Đức Vượng với tất cả lòng ngưỡng mộ và quí mến.
Món quà Xuân cho các bạn Tứ A2 niên khóa 66-67 và các bạn 12A3 niên khóa 69-70.

*****

Kính Thưa Thầy,
              Trước tiên em phải cám ơn Từ Minh Tâm đã lập website của Trịnh Hoài Đức, để hôm nay em có thể gửi đến Thầy những điều em muốn thưa với Thầy từ... 40 năm nay.
              Thưa Thầy, phải nói rằng ngay từ năm 1963, lúc bắt đầu lớp đệ thất ở Trịnh Hoài Đức, em đã biết con đường mình sẽ chọn rồi Thầy ạ. Bằng mọi cách, nhất định em phải làm nghề... godautre, em sẽ... sống chết với đám học trò và chỉ một nghề đó thôi! Có điều em vẫn chưa biết mình sẽ chọn môn gì? Suốt thời gian theo học Đệ nhất cấp, em cứ...loay hoay mãi: Có lẽ em sẽ dạy Vạn Vật, nhưng rồi lại thắc mắc, mình không thuộc loại vẽ đẹp và nhanh, vậy là... không xong rồi. Mình cũng chẳng có tên trong danh sách văn hay chữ tốt để có thể bình thơ Nguyễn Công Trứ nên chẳng thể dạy Việt văn. Riêng các môn Toán, Lý Hóa thì lại càng... không có em.
                Thời gian cứ... tà tà trôi qua, hết năm đệ thất, rồi sang đệ lục, đến giữa năm đệ ngũ (1965-1966), Trịnh Hoài Đức nhận được một số Thầy giáo mới... ra lò và chính những "chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt" này đã đem về cho ngôi trường tỉnh Trịnh Hoài Đức  một luồng sinh khí mới. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, quý Thầy còn tổ chức những buổi sinh hoạt, cắm trại,  rồi dắt đám học trò... nhà quê đi du ngoạn Đà Lạt, Vũng Tàu... cho... biết đó biết đây nữa chứ. Vẫn chưa hết, đến Tết, các Thầy lại tổ chức Hội Tết cho cả trường, rồi thi đua văn nghệ, báo chí... Đám học trò tụi em đã có cả một ngày vui chơi, ăn Tết với bánh tét, củ cải muối... đúng theo truyền thống dân tộc Thầy nhỉ! Tất cả những điều này dường như chỉ bắt đầu từ năm 66, có nghĩa là các anh chị khóa trước chúng em không được hưởng nhiều may mắn này và đám... hậu sinh sau 1975 lại càng không có được "một chút gì để nhớ để thương" cho thời học trò hoa mộng như tụi em.
                Cũng ở năm đệ tứ này, Thầy phụ trách môn Anh văn Tứ A2, kiêm giáo sư hướng dẫn của lớp. Thế là chúng em được làm quen với cuốn English For Today III và giấc mơ làm... cô giáo Anh văn của em cũng bắt đầu từ đó.
                 Thưa Thầy, không phải chỉ mình em thích môn học này Thầy ạ, mà phải nói cả lớp cùng yêu thích giờ Anh văn. Có thể vì thời gian đó mọi người bắt đầu chú ý đến việc học ngoại ngữ này, thêm vào đó, chính Thầy đã khiến cả lớp... hăng say  học Anh văn. Một số nhỏ các bạn có điều kiện lại còn chịu khó về Saigòn 3 buổi mỗi tuần để học thêm ở Hội Việt Mỹ nữa Thầy ạ.
                  Em còn nhớ, giữa năm đệ tứ, một hôm, Thầy cho cả lớp làm bài kiểm và sau đó Thầy chọn ra 5, hay 6 bài có điểm cao nhất để thưởng cho mỗi đứa một quyển "Grammars and Idioms". Lần đó, em bị mất phần thưởng chỉ vì câu hỏi: Quá khứ và Quá khứ phân từ của "To Think". Em cứ phân vân giữa Think-Thought-Thought hay là Think-Thank-Thank. Cuối cùng em chọn câu trả lời thứ 2. Nỗi ấm ức này đã theo em cả một thời gian thật dài để rồi sau này em phải tìm cho bằng được quyển sách này để học và... dạy học trò đấy Thầy ạ.
                 Giữa năm đệ tứ, nhân dịp mừng Xuân, Thầy đề nghị cả lớp làm đặc san cuối năm, một cuốn báo...để đời, vì Thầy muốn tụi em viết bài bằng... 2 thứ tiếng Việt, Anh. Thế là cả lớp hăm hở... sáng tác. Nghe tin Tứ A2 làm nội san, Tứ A5 của Thầy Phế bên trường nam xin hợp tác. Thầy để cả lớp biểu quyết, và câu trả lời đã làm... buồn lòng không ít những anh bạn láng giềng Thầy nhỉ. Sau bao nhiêu công sức của Thầy trò, cuối cùng tờ Hoa Nắng ra đời. Cho đến bây giờ, em vẫn thấy tờ báo thật dễ thương và thật... con gái với nét vẽ một cô nhỏ có mái tóc buộc thành hai đuôi gà ở trang bìa.
                 Trong cuốn Hoa Nắng, Thầy đã làm một… phóng sự với tựa đề "Nữ sinh 67. Cô là ai?" để phỏng vấn cả lớp. Em còn nhớ được một vài câu hỏi của Thầy như: Nhân vật lịch sử Việt Nam/ngoại quốc cô yêu thích nhất? Cô sợ điều gì nhất? Có đứa sợ... ma, có đứa sợ... già. Và Thầy bắt mỗi đứa viết một vài cảm nghĩ trong mục "Tết Through My Eyes." Trong cuốn Hoa Nắng, Thầy dặn cả lớp cố... dịch một bài thơ nho nhỏ trong bài học In The Far North của quyển English For Today. Cả lớp... hết hồn khi thấy chuyện có vẻ... impossible. Thế mà khi tờ báo ra đời, chúng em lại được thưởng thức tài nghệ tuyệt vời của 2 cô bạn thi sĩ.
                                     Mưa tuyết vẫn rơi.
                                     Dệt chiếc áo hoa trà.
                                     Âu yếm tặng nàng thông.
                                     Đang run rẩy u sầu.
                                     Bơ vơ một chiều Đông
        Đây là bài dịch của Kim Nên, lúc bấy giờ đang làm trưởng lớp Tứ A2.
        Và bài thứ hai của Thanh Diệu, một văn thi sĩ có tiếng của Tứ A2 ngày đó.
                          Gió thổi, tuyết rơi, cành thông đứng lặng.
                          Cô đơn, u hoài, thương nhớ chi ai?
                          Hãy ngủ, hãy quên những băng và tuyết.
                          Bao phủ quanh mình lạnh lẽo đơn côi.
         Điều kỳ lạ, không hiểu vì sao hai bài thơ nhỏ này đã nằm trong trí nhớ của em từ ngày ấy. Em yêu thích từng câu, từng chữ. Mỗi khi nhìn thấy những cây thông chơ vơ giữa mùa Đông băng giá của xứ Bắc Mỹ em lại nhớ đến những... vần thơ sầu rụng này, để rồi thắc mắc, không biết nguyên văn bài thơ ra sao mà hai cô học trò trường tỉnh lại có thể dịch được một cách... thần tình như vậy. Mãi cho đến năm 2009, em mới nhận được câu trả lời từ anh chàng phó trưởng lớp (năm đệ nhất). Chính Tiếp đã gửi cho em bài thơ nguyên tác, bằng... tiếng Đức với tựa đề "Ein Fichtenbaum steht einsam" của thi sĩ Heinrich Heine, và một nhà thơ khác đã dịch sang Anh văn, đây chính là bài thơ em thắc mắc mấy chục năm nay đấy Thầy ạ:
                        A pine tree stands so lonely
                        In the North where the high winds blow,
                        He sleeps, and the whitest blanket
                        Wraps him in ice and snow...
           Không cần nói Thầy cũng biết lúc đó chúng em... hãnh diện về "masterpiece" Hoa Nắng đến độ nào! Thế là cả lớp bàn chuyện... đem chuông đi đánh xứ người. Vậy là Tứ A2 ưu ái tặng Tứ A1, Tứ B3, Tứ B4, Tứ A5 tờ Hoa Nắng làm quà Xuân. Mọi chuyện có vẻ êm xuôi cho đến khi lớp em nhận được món quà văn nghệ cuối năm của Tứ B4. Một đặc san trong đó có một bài thơ đã... xỉ vả lớp em thậm tệ.
                        Lớp Tứ A2 quả lớn gan.
                        Dám chơi Bê Bối(B4) cuối năm tàn.
                        Bích báo mình treo, người Việt đọc.
                        Nội san họ gửi, thằng Mỹ nhai.
                        Lựa lão trọc đầu dâng mỹ nữ.
                        Nhè thằng Tây học tặng Anh văn.
                        Văn chương mẹ đẻ nào đã biết.
                        Bập bẹ "I, you"cũng làm tàng.
           Thế là... Tarzan nổi giận! Thế là... chiến tranh bùng nổ. Có đến hơn 10 cô học trò Tứ A2 kéo nhau qua trường Nam Trịnh Hoài Đức, trong giờ Pháp văn của Thầy Võ Kim Lân, để hỏi tội tác giả bài thơ đã làm... tổn thương tình hữu nghị. Chắc Thầy vẫn còn nhớ, vào những năm 66, 67, nam sinh THĐ rất... ngại khi có việc phải qua trường Nữ. Vậy mà đám con gái Tứ A2 dám... xông pha chiến tuyến. Bây giờ ngồi đây viết lại kỷ niệm này, em vẫn thấy lớp em... dữ dằn thật! Cuối cùng rồi chiến tranh cũng chấm dứt khi lá thư xin lỗi được đọc cho cả trường. Sau cuộc chiến, Thầy Nguyễn Đông Ngạc, trong giờ Việt văn của lớp em, đã nhận xét: Tôi tưởng chỉ có Sư tử Hà Đông, nay biết thêm... Sư tử Búng! Thầy lại còn dành ra vài phút để... bình bài thơ thất ngôn bát cú này. Thầy khen hai câu luận của bài thơ, ý và lời đối nhau rất... chỉnh.
             Sang năm đệ nhị, lớp em thực hiện thêm một cuốn Hoa Nắng trước khi... lều chõng cho kỳ thi Tú tài 1, lần này không có Thầy Cô hướng dẫn, cả lớp... tự biên, tự diễn Thầy ạ. Cả 2 quyển nội san này hiện giờ một số ít bạn em vẫn còn giữ (Theo đề nghị của phó trưởng lớp 12A3 (ngày xưa), chúng em đang dự định... làm thêm một Hoa Nắng xưa và nay, có lẽ đây là... tác phẩm cuối cùng trước khi cả đám... rửa tay gác kiếm ).
            Đến năm đệ nhất, lúc này lớp chúng em đủ khôn lớn để vùi đầu vào sách vở cho kỳ thi Tú tài 2, kỳ thi sẽ chấm dứt thời hoa mộng của đám học trò để chuẩn bị trưởng thành: Tiếp tục đại học hay nhập ngũ hoặc... sang ngang.
            Vì... nhất định làm cô giáo nên em ghi danh Văn Khoa, ban... Anh văn. Bây giờ em mới thấy con đường... chông gai trước mắt Thầy ạ. Học trò ban A, trường tỉnh lỵ lại theo đòi văn chương, văn minh... Anh! Em đã... vật lộn với đống sách vở để qua được năm thứ nhất, đến khi thi vào ĐHSP, em... rớt đài trong kỳ vấn đáp, đành quay về Văn Khoa tiếp tục... nghiên cứu văn chương, văn minh Mỹ. Cuối cùng, nhờ Thầy Phúc giúp đỡ, em có được chỗ dạy tại một ngôi trường nhỏ ở Hậu Nghĩa để em có thể gửi lại đám học trò nhỏ tất cả những gì chúng em nhận được từ các Thầy Cô ngày trước. Cũng cắm trại Tết, cũng thi đua báo chí, văn nghệ, cũng đốt lửa trại, ca hát, sinh hoạt cộng đồng, và nhất là cũng cho học trò làm... bích báo, cũng có bài phỏng vấn "Học sinh 78. Bạn là ai?" Em thương đám học trò nhà quê vô cùng Thầy ạ, tụi nhỏ ngây thơ, thật thà đến độ tội nghiệp, đặc biệt là tụi nhỏ và bố mẹ rất quí trọng Thầy Cô. Em thật sự yêu mến nghề gõ đầu trẻ Thầy ạ và em nghĩ mình đã chọn đúng đường. Có điều "thời kỳ trăng mật" này chỉ kéo dài 6 năm, cho đến lúc em... ra đi.
             Ba mươi năm ở xứ người, em chỉ... ấp ủ một điều, một ngày nào đó, em có dịp gửi đến Thầy tất cả "nỗi lòng" của cô học trò nhỏ ngày xưa, để Thầy cảm thấy ấm lòng hơn ở tuổi xế chiều, khi biết rằng Thầy luôn luôn là thần tượng, là ngọn đuốc cho chúng em theo. Nếu được... đi lại từ đầu, em vẫn theo "con đường xưa em đi", và nếu có được kiếp sau, em cũng vẫn xin được làm... cô giáo Anh văn Thầy ạ.

            Học trò của Thầy.
    Một học sinh lớp Tứ A2 ngày xưa.