BIỂN HỒ ĐI DỄ KHÓ VỀ ...


Từ Minh Tâm

Đường  ra Biển Hồ:

    Trước khi đi thăm Biển Hồ, hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng đã phát biểu như sau về vấn đề trẻ em Việt Nam ở đây. Theo anh đây là một vấn đề tế nhị. Thấy các em nghèo quá đến xin giúp đỡ mà không giúp thì áy náy, mà giúp đỡ thì bao nhiêu mới đủ. Cho các em một, hai đô la cũng chỉ là một giọt muối bỏ biển, hoàn toàn không thay đổi được cuộc sống của các em. Cho tiền các em lại dễ gây ra tâm lý ỷ lại và dựa dẫm vào khách du lịch đồng thời gây mất trật tự ở đó. Du khách ngoại quốc sẽ nghĩ xấu về Việt Nam khi thấy trẻ em Việt ở Biển Hồ nghèo đến nỗi phải đi ăn xin. Anh còn nói Biển Hồ có rất nhiều cá, cuộc sống của đồng bào mình ở đó không đến nỗi khó khăn lắm. Nếu thật sự nghèo, tại sao họ không về Việt Nam để sinh sống mà cứ bám lại đây ? Nghe lý luận của anh thì mọi người không phản đối.
    Nhưng họ nghĩ gì và sẽ làm gì thì sau nầy khi ra tới nơi thì mới biết.
    Biển Hồ cách Xiêm Riệp 12 km, xe đi trên một con đường song song với con sông Xiêm Riệp để ra đó. Trước đây khi quốc lộ 6 chưa khai thông thì đây là con đường duy nhứt mà  người dân Xiêm Riệp có thể liên lạc ra bên ngoài thông qua Biển Hồ. Từ đây nếu đi tàu cao tốc về Nam Vang thì mất 5 tiếng. Bên tay phải của con đường, tôi thấy có nhiều ngôi nhà sàn làm bằng gỗ quý trông rất đẹp. Cuộc sống của người dân dọc đường cũng khá sung túc. Trái lại bên trái là con sông Xiêm Riệp thì người ta cất nhà sàn dọc bờ sông. Những nhà bên đó trông nghèo hơn nhiều. Mùa nầy là mùa nước nổi nên thỉnh thoảng chúng tôi thấy những cánh đồng ngập nước. Tôi thấy có những nhà hàng bình dân để dân chúng tới đây nhậu nhẹt và câu cá ... Hôm nay khách cũng khá đông. Họ đang thụ hưởng sự mát mẻ của đồng quê trong mùa nước lớn.
    Xe đã tới bến cảng. Bến ở chân một ngọn núi cao chừng 50 mét. Trên núi có một ngôi chùa. Hôm nay có lễ dâng y cho các thầy nên tín đồ theo những bậc cấp leo lên núi khá đông. Bên bờ, một chiếc tàu trang trí hoa hoè đang phát thanh những bài kinh kệ. 90% dân Campuchia theo Phật Giáo và họ rất sùng đạo. Mấy ngày nay là lễ dâng y nên đâu đâu cũng thấy người ta treo cờ kết hoa tại các chùa.
    Chúng tôi lên một chiếc tàu cỡ vừa có thể chở chừng 30-40 người làm bằng gỗ. Tàu có hai tầng. Tầng dưới có ghế, tầng trên chỉ để ngắm cảnh. Tàu có áo phao treo trên đầu mỗi hàng ghế cho khách. Như vậy tôi thấy cũng an toàn.
    Có một điều gây ấn tượng nhứt cho chúng tôi là có một em bé chừng 6 tuổi làm phụ lái cho tài công. Da em đen nhẽm. Em ốm nhách nhưng lại biết đẩy tàu cho tàu của mình không chạm vào các tàu khác. Em biết đưa tay cho du khách để họ bám vào mỗi khi họ lên xuống tàu ... Trẻ em Biển Hồ từ nhỏ đã là một thuỷ thủ giỏi rồi. “Thấy mà thương”, bà xã tôi buộc miệng nói như vậy và không quên nhét vô tay em mấy đô tiền thưởng cho chàng thuỷ thủ tí hon.
    Tàu tách bến và chạy chậm chậm ra hồ. Quang cho biết ở đây tuy nước ngập mênh mông nhưng chưa phải là Biển Hồ mà chỉ là con lạch mà thôi. Từ đây ra tới Biển Hồ còn trên 10 km nữa. Anh cũng nói sơ qua về Biển Hồ như sau:

Biển Hồ:

    Tên địa phương của Biển Hồ là Tonlé Sap có nghĩa là "Sông Lớn Nước Ngọt". Đây là hồ tự nhiên lớn nhứt Đông Nam Á. Hồ thông với sông Mekong ở Nam Vang bằng một con sông cùng tên là sông Tonlé Sap. Hồ có một tác dụng đặc biệt trong việc điều tiết lũ lụt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn sông Mekong về sẽ chảy ngược vào hồ làm ngập lụt các cánh đồng và rừng xung quanh. Lúc đó hồ có diện tích 24.605 km2 , sâu khoảng 9 mét. Qua mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, nước từ hồ sẽ chảy xuôi dòng ra biển. Lúc đó diện tích hồ chỉ còn 2.590 km2 và sâu 2 mét, thậm chí có nơi chỉ sâu có 1 mét. Biển Hồ như vậy có tác dụng điều tiết dòng chảy làm giảm bớt lũ lụt cho vùng hạ lưu.
    Biển Hồ là nơi sinh sôi nẩy nở lý tưởng của nhiều loài cá. Sản lượng cá ở đây có thể nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt và 60% chất đạm cho người dân. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên cũng bắt đầu cạn nên ngày nay người ta đã bắt đầu nuôi cá trên bè như ở Việt Nam. Cá được nuôi nhiều nhứt là cá da trơn, cá lóc và ... cá sấu. Một con cá sấu con giá 20 đô la, nuôi lớn có thể bán tới 200 đô la.
Những thành phố ven bờ Biển Hồ là: Phnom Penh, Kompong Chnang, Pursat, Battambang, Sisophon, Xiêm Riệp, Kompong Thom...

Từ bờ ra biển:

    Dọc hai bên tàu, chúng tôi thấy vô số những căn nhà nổi trên phao. Những căn nhà nầy làm bằng vật liệu rẻ tiền như gỗ, ván, tôn ... Người Việt sống ở đây rất nhiều đến nỗi trên các sách du lịch đôi khi ghi là “Làng nổi của người Việt trên Biển Hồ”. Thật ra, ngoài người Việt còn có người Campuchia và người Chăm. Quang chỉ cho chúng tôi cách phân biệt nhà nào của người Việt ngoài việc nhận biết bằng chữ Việt trên các tấm quảng cáo. Theo đó, nhà người Việt thường sơn màu rực rỡ như đỏ, xanh. Trong nhà, phụ nữ Việt thường mặc áo bà ba, đội nón lá. Ở đây có đủ mọi dịch vụ cho cuộc sống như có tiệm uốn tóc, thẩm mỹ viện, tiệm cà phê, quán nhậu ... Đa số cư dân trên làng nổi sống bằng nghề đánh cá. Tôi thấy một chiếc ghe kia đang kéo lưới. Cá họ bắt được chỉ nhỏ chừng vài ngón tay. Quang nói cá nầy bắt để cung cấp cho các bè nuôi cá lớn.
    Tàu chạy ngang qua một nhà thờ công giáo. Đó là nhà thờ của người Việt. Ở đây cũng có một ngôi chùa của người Việt nữa.
    Có một chiếc tàu cao tốc đang chạy ngược chiều sóng từ tàu nầy rất lớn làm cho chiếc tàu của chúng tôi dập dềnh hơi mạnh mặc dầu tài công đã lái vô sát bờ cho xa tàu cao tốc.
    Chị Ba, một việt kiều Úc sợ quá mới hỏi :”Quang à, anh lái tàu nầy có bằng lái hay không ?.
    Lái tàu là một anh chàng Campuchia chừng 25 tuổi.
    Quang cười và trả lời: “Ảnh có bằng lái chớ. Và do ... tôi cấp”.
    Chị Ba sợ quá đòi lái vô.
    Tôi mới chọc chị:“Chị nhác quá, sao hồi xưa bắt mấy đứa nhỏ vượt biên ?”
    Chị Ba mới nói: “Tại hồi đó khổ quá, bây giờ nghĩ lại còn kinh hoàng”.
    Chỉ cho chị Ba một chiếc ghe nhỏ xíu, trên ghe có ba em bé (hình như là người Việt) đang chèo chống bập bềnh trên sông nước, tôi nói: “Tụi mình còn thua ba em nhỏ kia”. Chúng gan dạ quá. Dân Biển Hồ mà. Chèo ghe đi trên sông nước là “nghề của chàng”. Ba em nầy cũng thân thiện. Chúng vừa chèo ghe lại vừa vẫy tay chào những du khách không quen là chúng tôi. Điều nầy khiến cho chúng tôi một có một cảm giác gần gũi.
    Tàu chạy ngang qua mấy nhà hàng của người Campuchia, sau đó thì ra tới hồ. Ra tới đây tôi thấy có nhiều tàu đánh cá loại nhỏ và nhiều ghe nhỏ bán trái cây, đồ kỷ niệm ... Sau đó thì thấy mênh mông nước nổi nhìn không thấy chân trời. Đúng là Biển Hồ rất rộng. Bốn phương chỉ thấy toàn là nước. Nước ngoài Biển Hồ tuy cũng có phù sa và có màu vàng nhạt nhưng cũng trong và sạch hơn nước ở gần bờ. Trong đó nước đục và dơ hơn nhiều. Đi thêm một đoạn ngắn nữa thì thấy sóng nước bao la và không có gì thú vị nên mấy người trong đoàn đề nghị không đi nữa mà quay lại.
    Trên đường trở vô, chúng tôi thấy rất nhiều du khách trên các tàu khác đi ra. Họ là người Việt, người Tây Phương, mà cũng có người Campuchia nữa. Tàu cặp vào một nhà hàng nổi trên hồ để chúng tôi lên nghỉ ngơi một chút. Ở đây có bán đồ kỷ niệm và có nuôi cá trong lồng. Có một lồng nuôi rất nhiều cá sấu. Mấy con cá sấu nầy còn nhỏ, bề dài mới chừng 1 mét mà thôi. Nghề nuôi cá sấu ở Biển Hồ hiện đang phát triển và chủ nhân cũng kiếm được nhiều lợi tức. Ở Việt Nam người ta cũng nuôi nhiều cá sấu. Mới đây do lũ lụt mà cá sấu bị xổng chuồng ra ngoài hết mấy trăm con. Không biết người ta có bắt lại hết hay không. Cá sấu mà sống ngoài thiên nhiên thì có thể gây hoạ như chơi.
    Mấy em nhỏ bơi xuồng cặp vào đây để bán chuối và xin tiền. Thấy tội nghiệp, bà xã tôi cho tiền mấy đứa. Một lát sau, cả một “tiểu đoàn” tàu nhỏ từ mấy xóm chung quanh kéo ra bu quanh. Có đứa không có ghe mà chỉ ngồi trên một chiếc thau nhỏ. Vậy mà cũng bơi được tới đây. Có đứa bị cụt tay chỉ chèo có một tay. Bà xã tôi đã chuẩn bị tiền lẻ nên phát đều hết. Mỗi em một đô. Mấy việt kiều khác ở Úc, Pháp cũng cho tiền các em. Vì tình thương, họ đã quên hết lời dặn dò của hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng. Số tiền không lớn nhưng hy vọng các em sẽ có một niềm vui nhỏ trong ngày hôm nay.
    Tò mò tôi hỏi một em bé kia trông khá lanh lợi: “Có tiền thì em sẽ làm gì ?”.
    Em nói: “Đem về đưa cho ba mua gạo”.
    Tôi hỏi tiếp:” Còn ba em đang làm gì ?”
    “Ba mắc đi làm biển”. Em trả lời như vậy.
    Mùa nầy nước lớn, dân Biển Hồ bận rộn suốt ngày. Họ là những “bạn biển” tức là những làm mướn trên các tàu đánh bắt hải sản, sau đó làm cá, bỏ ruột, phơi khô ... Cả nhà, ai trên 10 tuổi đều phải làm việc. Công việc không khó nhưng phải làm suốt ngày đêm để kiếm sống. Bởi vậy nên mới có câu than rằng:

    Biển Hồ cực lắm ai ơi
    Ban đêm xẻ cá, ban ngày phơi khô.

    Tàu rời tiệm giải khát và bán đồ kỷ niệm. Mấy em bé vẫy tay chào chúng tôi, chúng nói: “Chúc các cô chú mạnh khoẻ. Cám ơn các cô chú. Chúc mừng năm mới”.
    Câu cuối cùng là câu chúc trật lất nhưng cũng làm cho chúng tôi hơi vui trên đường về vì mấy đứa nhỏ tuy ít học nhưng cũng biết cám ơn. Tuy vui  nhưng trong lòng chúng tôi có đôi chút xót xa cho thân phận người Việt ở đây. Có lẽ đây là xóm người Việt nghèo nhứt trong các cộng đồng người Việt  trên thế giới.

Người Việt ở Campuchia:

    Đi thăm Biển Hồ xem sinh hoạt người địa phương đã khiến tôi tò mò. Sau nầy khi về Mỹ tôi đã tìm đọc thêm về người Việt ở Campuchia và đặc biệt là ở Biển Hồ:
    Những người Việt đầu tiên tới Campuchia chính là đoàn tuỳ tùng của Công Chúa Ngọc Vạn, con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, khi cô được gã cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II năm 1620. Người Việt lúc đó có ảnh hưởng mạnh đến triều đình Chân Lạp. Từ đó về sau, di dân Việt liên tục đến Campuchia. Có khi họ ra đi do sự bạc đãi của chánh quyền trong nước như vụ cấm đạo thời Tự Đức hay các biến cố chánh trị thời Đệ Nhứt Cộng Hoà. Nhưng di dân Việt đến Campuchia nhiều nhứt là để làm ăn buôn bán do biên giới hai bên lỏng lẻo và do tình trạng tham nhũng của chánh quyền Campuchia. Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ , từ năm 1979 đến 1989, di dân Việt qua Campuchia rất mạnh. Tuy nhiên, không có con số chánh thức nào thống kê. Có người nói dân Việt ở Campuchia ước chừng 1,5 triệu. Con số nầy có thể hơi cao so với dân số hiện nay của Campuchia là khoảng 13 triệu. Có lẽ do đi đâu cũng thấy dân Việt và việc giao dịch bằng tiếng Việt khá phổ biến nên họ nói như vậy.
    Từ những di dân ban đầu đã sinh ra thế hệ thứ hai, thứ ba... sinh đẻ tại đây. Những người nầy có thể biết nói tiếng Việt nhưng không còn gốc gác Việt Nam nữa.
    Người Việt ở Campuchia làm đủ mọi nghề. Ở Nam Vang, họ buôn bán, làm thợ sửa xe, thợ mộc, thợ hồ ... Ở Biển Hồ họ làm “bạn biển” tức là làm nghề cá. Họ đi ghe, cào cá, lưới cá, nuôi cá bằng bè, làm khô làm mắm... Ở Biển Hồ, người Việt chịu khó và giỏi hơn người Khmer nhiều. Một nghề khá phổ biến do người Việt làm ở Campuchia là nghề ép chai tức là mua ve chai, đồ cũ. Tuy nhiên, cũng phải nói thật là ở Campuchia có rất nhiều cô gái Việt làm nghề không đứng đắn tức là thứ nghề không cần vốn. Thậm chí, có khi trẻ em còn bị lạm dụng tình dục nữa. Thực trạng nầy là một điều đau lòng mà không biết ai sẽ là người giải quyết. Bởi vậy từ xưa đã có câu:
    
    Biển Hồ đi dễ khó về
    Trai đi “bạn biển”, gái về tào kê.
    
    Bạn biển thì biết rồi còn “tào kê” phải chăng là để ám chỉ cái nghề không vốn ?

    Di dân Việt ở Campuchia qua các thời kỳ còn phải chịu nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử. Chúng ta còn nhớ thời Lonnol đã xảy ra vụ “cáp duồn” đầy kinh hoàng. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc thiên hồi ký đầy nước mắt của Nguyễn Huỳnh Mai trên internet theo địa chỉ: www.nguyenhuynhmai.com. Đại khái thời đó dân Việt bị cấm làm ăn nhiều nghề, ra đường thì bị kỳ thị, chèn ép, thậm chí không dám nói tiếng Việt. Thời Pol Pot cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong nhà tù Toul Sleng tức S.21 ở Nam Vang còn không ít hình ảnh người Việt bị giết chết ở đây. Ngay cả ở thời đại ngày nay, vấn đề kỳ thị cũng còn lai rai. Nhứt là vào các mùa bầu cử, những đảng phái đối lập như Sam Rainsy, Funcinpec ... lại khơi lại chiêu bài chống Việt Nam mà Việt kiều chính là nạn nhân của họ.
    Người Khmer ít chịu cực, thiếu chịu khó suy nghĩ tìm tòi học hỏi. Họ không có kỷ luật, kém ý thức về giao thông ... Trong khi đó người Việt cần cù, chịu khó, sáng trí, siêng năng nên họ sống ở Campuchia tương đối dễ dàng. Do đó tuy có bị phân biệt đối xử đôi chút họ cũng chịu ở lại để làm ăn. Thật ra, nếu họ về nước thì biết làm gì khi không có người thân giúp đỡ. Có nhiều người Việt nhờ giỏi làm ăn mà đã trở nên giàu có lớn như đại gia Sok Kung đã nói ở phần trên. Một ông nữa tên là Sieng Nam đã làm tới nghị sĩ của Campuchia. Còn đa số dân Việt ở Campuchia có cuộc sống nghèo nàn và cực khổ. Cộng đồng Việt ở nước ngoài có giúp xây một trường học ở Biển Hồ để giúp các em nhỏ có dịp đến trường để biết làm toán , biết đọc, biết viết tiếng Việt. Chúng học tới lớp 5 thì nghỉ để phụ giúp gia đình. Tương lai của người Việt ở Biển Hồ rõ ràng không xán lạn chút nào.

*****
    Chuyến du ngoạn Biển Hồ thật ra chỉ là một chuyến đi khám phá vì tò mò, chớ thật ra, ở đó chẳng có cảnh trí đẹp đẽ gì. Tôi nghe loáng thoáng nhiều người trong đoàn tỏ ý không thích lắm.
    Về tới khách sạn thì đã 2 giờ trưa. Chúng tôi lại có 1 giờ để nghỉ ngơi. Đúng 3 giờ sẽ có mặt trước khách sạn để đi thăm Angkor Wat. Chương trình đi chơi hôm nay cho du khách nghỉ hơi nhiều. Do đó mà chiều nay không đủ thời gian để xem Angkor. Chuyện nầy sẽ nói tiếp trong bài sau ...

(Trích Á Châu Quyễn rũ - tập 2)