Quê Cũ Trường Xưa


Do sơ xuất trong Bản Tin Bình Dương số 10 nên bài viết nầy đã bị sắp nhằm cột, và một vài địa danh đã bị đánh máy sai. Dưới đây là nguyên bản, xin giới thiệu đến quý đồng hương. Xin chân thành cáo lỗi.

Nguyễn văn Diệp

Cảm hứng từ các bài viết "Gia Long Hoài Niệm" của chị Lâm Tuý Mĩ , “Buổi Hội Ngộ Mini cựu học sinh Nguyễn Trãi" của Người Bình Dương, và Món Quà Lưu Niệm" của Nhỏ Mít Ứơt trong Đặc San Bình Dương số 9/2003. Trước đó trong Bản Tin Bình Dương số 8/2002, tôi cũng đã đọc được một bài viết rất súc tích dành cho thầy và trò trường Văn An của anh Nguyễn Vân Xuyên, bài "Nhớ về Trung Học Tư Thục Văn An và Thầy Nguyễn Văn An. Và mới đây, trong ngày Tân Xuân Hội Ngộ 2003 của Hội Ái Hữu Bình Dương, được tổ chức khá trọng thể tại nhà hàng Emeral Bay, thành phố Santa Ana, California, hai vị cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Trinh Hoài Đức là giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và giáo sư Nguyễn Trí Lục, cùng với giáo sư Dương Ngọc Sum của trường trung học Petrus Ký và giáo sư Trần Cảnh Xuân, cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Ba Xuyên, đã đến chung vui với bà con Bình Dương mình. Nhìn lại các thầy nay tóc đã bạc màu, lòng chạnh nhớ đến mái trường xưa ngày nào, nơi chất chứa biết bao kỷ niệm thuở học trò của tôi ..

Còn nhớ vào năm 1963, khi những cuộc chính biến đang diễn ra trong thời kỳ sôi động nhất tại Sài Gòn, mà sau đó, đã dẩn đến cái chết bi thảm của Tống Thống Ngô đình Diệm và Bào đệ là Ông Cố vấn Ngô đình Nhu. Ba má tôi, phần vì lo lắng cho tôi còn nhỏ mà phải đi ăn học quá xa nhà, không biết tình hình bất ổn nầy có ảnh hưởng đến việc học hành của tôi không. Phần khác, vì quá tốn kém cho việc ăn học của tôi ở Sài Gòn, nên ngay sau khi tôi thi đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp, ông bà ngỏ ý mong muốn tôi về lại tỉnh nhà để tiếp tục việc học, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ lo lắng cho tôi.

Vâng lệnh song thân, tôi từ giã Trường Trung học Nguyễn bá Tòng Sài gòn, từ giã đoạn đường quen thuộc từ Trường Đua Phú Thọ đến Khu Nhà thờ Huyện Sĩ, nơi có ngôi trường Nguyễn bá Tòng nổi tiếng về kỷ luật, kết quả học tập và luôn cả đến học phí nữa! (học phí cao nhất Sài Gòn). Trường được quản lý và dạy dỗ bởi hầu hết là các vị Linh mục Công giáo và những Giáo sư nổi tiếng, nên kết quả các kỳ thi thường rất cao. Tôi cũng đồng thời từ giã  luôn luôn ông bà bán bánh cuốn nóng hổi không chê vào đâu được trước cửa trường  (bánh cuốn ngon, hay là tại cái miệng học trò nghèo ăn gì cũng thấy ngon?) về “đầu quân” vào Trường Trung học Công lập Trịnh hoài Đức Bình Dương, niên khóa 1963-1964. Vị Hiệu trưởng đương nhiệm lúc bấy giờ là Giáo sư Đặng trần Thường, mà sau đó không bao lâu, tôi nghe nói thầy được thăng đến chức Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo Dục. Là người có gương mặt phúc hậu, trầm tỉnh và mực thước, thầy rất đươc các học sinh kính trọng. Trường Trịnh hoài Đức, thời đó, cũng được đánh giá rất cao về cả hai mặt học tập cũng như kỷ luật. Cụ thể là, sĩ số học sinh thi đậu các kỳ thi Tú Tài I và II cao nhất nhì miền Đông Nam phần.

Nhân nói đến chuyện thi Tú Tài, tôi lại nhớ đến chuyện động viên. Lúc đó tuy chưa có lệnh tổng động viên, nhưng việc động viên từng phần đã được áp dụng. Ai đến tuổi mà không được hoản vì lý do học vấn (học đúng tuổi và không thi rớt năm nào), hoặc gia cảnh (con một hay là con trai duy nhất trong gia đình, hoặc có khuyết tật), hay nghề nghiệp tối cần cho xã hội ( giáo dục, y tế, các chức vụ dân cử, v.v…) thì phải lên đường nhập ngủ.

Thời điểm đó, Mỹ đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Chiến tranh ngày càng leo thang. Thời buổi nhiễu nhương thường sinh ra lắm cảnh đoạn trường. Thương hải biến vi tang điền, biển xanh còn biến được thành ruộng dâu, nên ai mà biết được chữ Ngờ. Bởi lẻ ấy, ngày đó trong dân gian mới có thơ rằng:
                  “Rớt Tú Tài, anh đi Trung sĩ
                       Em ở nhà…anh bồng”
Và trong một bài hát nào đó, tôi cũng đã nghe được mấy câu nầy:
                     “Ta đậu Tú Tài ta được người yêu.
                       Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi.
                       Đau lòng ta muốn chết ! ! !”
Vì thế, bằng Tú Tài I thời đó trở nên cực kỳ quan trọng cho bọn tôi. Nếu chẳng may thi trượt Tú Tài II thì cũng chưa đến nỗi nào, chứ nếu thi hỏng Tú Tài I thì đành phải vừa ngậm ngùi ngân nga mấy lời ca trên, vừa chuẩn bị hành lý để kịp lên đường ra Nha Trang trình diện ông Chỉ Huy Trưởng Trường HSQ ở Đồng Đế, nơi mà người ta đồn là không có quân trường nào ở Việt Nam có chương trình huấn nhục gian khổ hơn nơi nầy. Thế mới biết học sinh thời đó đã bị áp lực nặng nề của khoa bảng như thế nào. Mà muốn yết kiến cụ Tú Xương đâu phải dễ. Cụ đã chẳng bảo: “Thi không ăn ớt, thế mà cay!” là gì! Vào thời cụ, văn tài của cụ khó ai bì, thế mà lều chổng xuống kinh kỳ ứng thí hoài, cụ vẫn không đỗ bằng nào cao hơn Tú Tài. Vào thời tôi, thi Tú Tài còn phải vượt qua cái “ải” hạch miệng (vấn đáp) cực kỳ hồi hộp trong môn sinh ngữ chính, còn địa điểm thi, thì nằm tuốt dưới Sài Gòn, nên thí sinh trường tỉnh quả là trăm nan vạn nan.

Kể từ ngày về “đầu quân” tại trường Trịnh hoài Đức, ngày ngày tuy không còn phải đạp xe đi và về vài cây số, như lúc còn học ở Sài Gòn , tôi lại gặp phải một nan đề khác, cũng trong việc di chuyển. Đó là, có lẽ vì muốn phổ biến chương trình trung học đệ nhất và đệ nhị cấp xuống tận miền thôn quê hẻo lánh, nơi mà trình độ giáo dục thường bị hạn chế do kinh tế nghèo nàn, di chuyển khó khăn, và do cả quan niệm lổi thời của các một số không ít phụ huynh ở nông thôn, vốn không coi trọng kẽ sĩ. Chính quyền, thời trước đó, đã có một quyết định thoạt nghĩ thì thấy có vẻ như nghịch lý, nhưng nghĩ kỹ lại thì thấy tương đối hợp lý, là cho xây cất Trường Trung Học Công Lập lớn nhất tỉnh trên một đồng ruộng mênh mông, ngay sát quốc lộ 13, gần Chợ Búng, một thị trấn nhỏ nằm giữa và cách xa hai quận lị vừa đông dân lại giàu có nhất tỉnh, là Lái Thiêu và Châu thành Thủ dầu Một.

Vì trường được xây cất ở vùng trung tâm địa lý của tỉnh, nên số học sinh cư ngụ ở Búng và các xã ấp lân cận trong vùng được hưởng lợi nhiều hơn. Ngược lại, một số lớn học sinh nhà ở Lái Thiêu ngày ngày phải dành nhiều thời giờ hơn cho việc đi học bằng xe đò hay xe lam ba bánh. Có đến phân nữa số học sinh của trường là cư dân Thị xã Thủ Dầu Một, hàng ngày phải mất khá nhiều thời gian đi và về trên một đoạn đường dài hơn 6 cây số. Học trò Thị xã Thủ Dầu Một hồi đó ít ai đạp xe đi học vì trường ở quá xa. Mỗi sáng sớm, bọn tôi thường hay lủ lượt kéo nhau ra bến xe Bình Dương đón xe đi học. Bến xe đò và xe lam lúc đó còn tọa lạc ngay đầu chợ Thủ. Xe đò đi Sài Gòn thì cứ mười phút có một chuyến, còn xe lam đi Lái Thiêu thì đủ mười người là chạy. Bọn tôi thường tranh nhau từng chổ ngồi tốt trên các chuyến xe lam (hai chổ sát phía sau), hoặc chạy theo các chuyến xe đò vừa rời bến, cố leo lên cho bằng được kẻo vô lớp trễ giờ là “chết” với thầy Hiệu trưởng. Học sinh Đệ nhị cấp hồi đó có vẻ “người lớn” lắm. Nam sinh thì lúc nào cũng sạch sẽ, bảnh bao với áo trắng tinh bỏ trong “thùng” xanh; còn nữ sinh thì lúc nào cũng yểu điệu thướt tha trong chiếc áo dài trắng toát (ngày thường) hoặc màu xanh nước biển (ngày lễ). Thỉnh thoảng đó đây có vài cô cậu hẹn hò với nhau tại các bến xe, dường như để đi chung xe đến trường. Phải chăng đó là một trong những thời khắc đáng nhớ của tuổi học trò?

Nhưng cũng chính vì cái màn đợi chờ đó mà các cô cậu nầy thường hay đến lớp trễ.  Hồi đó bọn tui ai cũng ngán cái cảnh bị trễ học. Vừa bước xuống xe, liếc nhìn qua cổng, mà thấy thầy Hiệu trưởng đứng “gác cổng”, thì kể như “tiêu tán đường”. Riêng tôi, mổi lần gặp “nghịch cảnh” nầy, liền lấy hai bàn tay vuốt vuốt hai lỗ tai mình, như tăng thêm cường lực để chúng chuẩn bị chịu trận cho thầy Hiệu trưởng nắm kéo lên vì tội đi trễ. Ngoài việc đi trễ bị thầy phạt, thầy cũng rất ghét những học sinh hay mở nút áo trên cùng rồi dắt cây viết Pilot hoặc Paker vào đó, hoặc không chịu bỏ áo trong “thùng”. Ai bị bắt quả tang mấy tội nầy, thì vừa bị thầy nhéo tai, mà cũng vừa bị thầy bắt chép phạt.

Hồi đó, chúng tôi cũng rất mến thầy Em dạy Lý hóa, cô Long dạy Triết, cô Tuyết dạy Pháp văn, v.v… Riêng thầy Nguyễn vũ Hải dạy Toán thì chúng tôi rất bái phục, vì thầy gần như thuộc lòng hết mấy cuốn sách Toán viết bằng tiếng Pháp dày cọm mà thầy vẫn mang theo hằng ngày để dạy học. Có khi thầy ra đề toán mà không cần nhìn vào sách. Cách dạy của thầy rất phong lưu và hào hứng, nên hầu như học sinh nào cũng thích. Có điều, thầy hút thuốc liên tục trong khi lên lớp. Thầy hút đến hai gói Bastos xanh mỗi ngày. Bastos xanh (chỉ có xanh thôi, chứ không phải vàng hay đỏ), thời đó, được nhà văn Nguyễn thị Hoàng, tác giả “Vòng tay học trò”, lăng-xê như là một mode thời thượng, mang tính phong trần và lãng mạn; chứ không phải vì ít tiền mà hút Bastos xanh. Không biết hồi đó thầy Hải của chúng tôi có đọc cuốn sách đó không, mà trông thầy cũng có vẻ phong trần lắm. Nói đến hai chữ “phong trần” tôi chợt nhớ đến hai câu thơ sau đây mà tôi đã đọc được trong một thi phẩm nào đó:

                                     Bắt phong trần, phải phong trần
                             Cho thanh cao, mới được phần thanh cao

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” cũng để ám chỉ điều nầy.

Tôi vốn hơi nhỏ con, nên thường hay bị xếp ngồi ở dãy bàn đầu. Vì ngồi bàn đầu mà lại sát gần cửa ra vào, nên tôi hay bị thầy nhờ đi mua thuốc lá giùm ở quán bên kia đường. Tuy bị thầy sai vặt nhưng tôi rất khoái.Vì đôi khi nhờ vắng mặt năm mười phút đầu tiên, mà tôi né luôn được cái” bi cảnh dọn bài” hết sức hồi họp, mỗi khi bắt đầu một tiết học mới. Tên tôi vần D, thường hay bị kêu lên trả bài trước. Né được mấy phút đầu, có khi là thoát nạn luôn. Bạn bè tôi, ai cũng thèm được làm “công tác” như tôi. Lúc đó tôi chưa biết hút thuốc, nhưng mỗi lần mua thuốc Bastos xanh cho thầy, tôi đều đưa lên mũi ngửi ngửi và liên tưởng đến nhân vật chính trong “Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng. Có điều hơi trái ngược một chút, là nhân vật chính trong quyển sách không phải là một thầy giáo, mà là một nam sinh lớp đệ nhất yêu thầm một cô giáo dạy học mình, và rồi cuộc tình đó đã có quá nhiều hệ lụy.  Bởi thế, có người nào đó đã quả quyết rằng: “Con tim có những lý lẽ riêng của nó, mà lý trí không thể nào hiểu nổi”.

Nhân nói về thầy dạy Toán, lại nhớ đến các lớp Đệ Tam B, Đệ Nhị B và Đệ Nhất B mà tôi đã theo học tại Trường Trịnh Hoài Đức vào các năm 63-64, 64-65 và 65-66. Những lớp lấy các môn học Toán và Lý làm chính hồi đó gọi là Ban B, Ban A thì lấy các môn Sinh và Hóa làm chính, còn Ban C thì đặc biệt chú trọng các môn Việt văn và Triết . Hồi đó, các nữ sinh ít ai chọn Ban B, nên Trường Nữ Trịnh hoài Đức không có Ban B. Cô nào muốn học các lớp chuyên Toán và Lý thì phải qua Trường Nam Trịnh hoài Đức học chung các lớp Ban B với các nam sinh. Nếu tôi nhớ không lầm, thì từ lúc bắt đầu lớp Đệ Tam B, tôi đã thấy có Tứ Cô Nương: Hường, Hài, Ngầm và Muối từ bên trường Nữ qua học. Mấy cô nầy gan thật! Hoa lạc giữa rừng gươm mà sau ba năm dồi mài kinh sử, hoa vẫn tươi rói, còn gươm thì cây súc cáng, cây gãy gọng hết trơn rồi, thật là nữ nhi chi chí, chứ không phải nam nhi đâu nhé! Tôi mà lạc qua trường Nữ của mấy cô, nội cái run không cũng chết, chứ nói gì đến chuyện học với hành. Hồi đó tui nhát như thỏ, nghe cô nào kêu đến tên mình thì tim đập thình thịch, cô nào nhìn vào tôi là tôi ngó chỗ khác ngay, làm gì dám hó hé!

Nói về Thị xã Búng mà không nhắc đến Trường Trịnh hoài Đức quả là thiếu sót. Cũng như nói đến Chợ Búng mà không nhắc đến món ăn đặc sản “Bánh Bèo Bì” thì thật đáng trách. Món ăn nầy rất được dân Bình Dương và dân Sài Gòn ưa chuộng. Vào những ngày cuối tuần, người Sài Gòn thường rủ nhau lái xe lên thăm vườn cây Lái thiêu, rồi chạy thẳng lên Chợ Búng ăn bánh bèo bì, bì cuốn, bún bì. Lúc đó có hai quán bánh bèo bì ngon nhất ở khu vực Chợ Búng là Quán Mỹ Liên nằm ngay đầu đường vô trường Nữ Trịnh hoài Đức, còn Quán Ngọc Hương thì nằm ngay bến xe lam ở chợ. Học trò ít ai có đủ tiền để thưởng thức thường xuyên các món đặc sản nầy, nên những hôm học nguyên ngày, tôi thường cuốc bộ cả cây số xuống Chợ Búng ăn cơm bình dân. Quán cơm bình dân, mà bọn tui thường ăn, nằm ở cuối phố, cùng một dãy với Quán Ngọc Hương, sát bên bờ rạch nên khá mát mẻ. Tôi thích ăn quán nầy vì đồ ăn ngon, rẻ, mà quán ăn cũng rất là sạch sẽ. No bụng rồi, bọn tôi cuốc bộ về trường để chiều học tiếp. Một số bạn khác thì giở cơm theo ăn tại trường, vừa tiết kiệm, vừa khỏi mất công lội bộ như bọn tôi. Nhưng tôi vẫn nghĩ là ăn cơm nhà chắc không “đã” bằng ăn cơm tiệm, dù chỉ là một tiệm bình dân!

Đến mùa nắng, nông dân địa phương trồng củ sắn khắp chung quanh trường. Tôi nghe có bạn nói chỉ cần một bánh tét nhân chuối hay nhân đậu bán ở quán trước cổng trường, cộng với vài củ sắn, là đủ no rồi, cần gì phải ăn cơm. Không biết những củ sắn nầy mua hay “nhặt được” trên các thửa ruộng củ sắn quanh trường? Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà!

Phần trên bài nầy, tôi có nhắc đến hoạt cảnh học sinh Châu thành Thủ dầu Một đi học vất vả như thế nào. Bây giờ là chuyện đi học về. Hình như lúc bấy giờ mọi lớp đều tan học cùng giờ, nên tất cả học trò nhà ở khu vực Chợ Thủ  kéo nhau ra đường cùng một lúc để đón xe về Bình Dương. Mà  xe đò từ Sài Gòn về Bình Dương thì luôn luôn ghé Chợ Búng trước để đỗ và rước khách. Tại đây các nữ sinh, vì học tại trường Nữ gần Chợ Búng hơn, nên đã ra đây trước và lên đầy hết chổ trống trên các xe đò và xe lam về Chợ Thủ. Vì thế bọn nam sinh tụi tui thường phải ngóng chờ cho mấy cô về hết, rồi mới lên được xe có chỗ trống để về. Một số bạn chờ không nổi, vừa tan trường là cuốc bộ một mạch xuống Chợ Búng đón xe, rồi sau đó, xe sẽ chạy ngược trở lên. Xuống đến Chợ Búng, thấy có cô nào nhà ở Thủ Dầu Một mà còn nấn ná chưa chịu lên xe về, là biết ngay cô ấy đang đợi ai đó trên trường Nam xuống để cùng về chung một xe. Học trò ngày xưa thường quan hệ với nhau bằng những tình cảm nhẹ nhàng, tế nhị, mà cũng thật sâu lắng; chứ không quá thân mật, gần gũi như học trò ngày nay. Khi xe chạy ngang qua trường Nam, có người còn lò đầu ra vãy vãy tay như có ý chọc quê mấy bạn vẫn còn đứng chờ xe trước cổng trường.

Từ lâu tôi vẫn tâm đắc với quan niệm nầy: “Kỷ niệm nào cũng đẹp, cho dù đó là những kỷ niệm buồn”. Cũng như, nếu có ai hỏi tôi nghĩ gì về Bình Dương sau nhiều năm dài xa cách, thì tôi xin kể lại một mẫu đối thoại ngắn sau đây, thay cho lời đáp. Trong một cuộc phỏng vấn, một ký giả hỏi một học giả là: “Thưa ông, ông đã từng chu du khắp thiên hạ, có dịp nhìn ngắm không biết bao nhiêu là danh lam, thắng cảnh, cũng như di tích lịch sử. Vậy theo ông, nơi nào là tuyệt đẹp và đáng nhớ nhất?”. Và đây là câu trả lời của ông. “Phải! thế giới có lắm kỳ quan và hằng hà danh lam thắng cảnh, nhưng với tôi, chỉ có một nơi mà tôi yêu thích nhất, đó chính là quê hương tôi”. Cũng như ông, tôi cảm thấy hình như chỉ có Bình Dương quê mình là đẹp nhất mà thôi.

Bình Dương có những khu vườn cây ăn trái ngọt ngào và mát rượi quanh năm, chạy dọc theo sông Sài Gòn, từ Lái Thiêu lên đến Bình Nhâm, trải dài qua Đặc khu Cầu Ngang, lên đến xã An Thạnh, xuyên qua khu vực Chợ Búng, ra tận đến bến đò An Sơn. Đặc biệt là tại Khu Du lịch Cầu Ngang, trái cây trong vườn mới hái xuống còn tươi rói và thơm phức bày bán đầy đường, du khách tha hồ chọn lựa. Bình Dương có rất nhiều lò lu, lò chén, hầu hết do người Việt gốc Hoa làm chủ, vẫn ngày ngày sinh hoạt yên bình trong các thôn xóm Lái Thiêu. Tại địa danh nầy, nem chua được chế biến không thua gì nem Thủ Đức. Ai đã từng xuôi ngược bằng xe đò hay xe lô qua phố chợ Lái Thiêu, chắc vẫn còn nhớ một lời rao ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa của một ông mù bán dạo nem chua Lái Thiêu. Lời rao ấy là: “Nem…Lái Thiêu…đây”.

Rời Lái Thiêu hướng về Cầu Ngang, qua Chợ Búng sẽ thấy ngay Trường Trịnh hoài Đức nằm sừng sững giữa cánh đồng ruộng mênh mông. Đi thêm một đổi là đến Ngã ba An Sơn, rồi qua Cầu Nhỏ thì đến Phú Văn. Nơi đây có một ngôi chùa Cao Đài rất hoành tráng. Tiếp đến là một đoạn dốc dài và thẳng đứng, làm “xì khói” không biết bao nhiêu người đạp xe về hướng Chợ Thủ. Ngay trên đầu dốc Phú Văn ngày xưa là một bãi đất trống rất thoáng, gọi là Gò Đậu (mà chẳng thấy trồng đậu bao giờ!) được sử dụng như một sân đá banh. Dạo đó, vào những ngày tan học sớm, bọn tôi thường rũ nhau lên đây đá banh với nhau. Tại đây là ngã ba đường, nếu rẻ trái, bạn có thể đến khu Nhà máy đường Bà Lụa, một nhà máy thuộc loại hiện đại, sản xuất được nhiều đường cao cấp cho cả nước tiêu dùng.

Đi vào thị xã Phú Cường, bạn sẽ thấy ngay Nhà Làng Phú Cường xây dựng rất hoành tráng và nguy nga, lúc nào cũng rộn rịp như đang rộng mở để tiếp dân (không giống như Tòa Hành Chánh Tỉnh, lúc nào cũng vắng vẻ đến phát sợ). Ngay mặt tiền Nhà Làng Phú Cường là Khuôn Bồn Bông thật tươi mát với các lối đi trải đầy sạn trắng và hoa cỏ xanh tươi bốn mùa. Tiếp nối, là khu Chợ Thủ Dầu Một với lối kiến trúc nhà lồng độc đáo (giống như lồng chim) nhộn nhịp và sầm uất quanh năm. Bình Dương có hai xưởng sơn mài Trần Hà và Thành Lễ tọa lạc ngay trong thị xã, nổi tiếng khắp thế giới về tranh và các sản phẩm sơn mài.

Đến khu vực bờ sông, bạn sẽ ngất ngây với hàng dương thẳng tấp, chạy dài theo bờ sông Sài Gòn uốn khúc hiền hòa, in bóng Trường Công Binh (Thành San Đá cũ) với lối kiến trúc Tây phương tuyệt vời, trên mặt nước sông lúc nào cũng phẳng lặng như tờ, đôi khi có sóng vổ nhè nhẹ như mặt nước mùa thu. Khi đến lối vào Nhà Thủy Tạ, bạn có thể nhìn lên một sườn đồi để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đồ sộ và uy nghi, đó là Dinh Tỉnh Trưởng nối liền với Tòa Hành Chánh Tỉnh, lúc nào cũng như kín cổng cao tường, nằm im lìm trên đỉnh dốc Ông Cò. Rồi bạn hãy vào chơi trong Nhà Thủy Tạ một ít lâu, để nhìn dòng nước thủy triều lên xuống, mang theo những cánh hoa lục bình màu tím rất dễ thương, mà ở xứ Mỹ nầy tìm mãi vẫn không ra. Bên kia sông là là Bến đò Bình Mỹ, có ông lão chèo đò lúc nào cũng bình thản, tháng ngày lặng lẽ đưa đón khách vãng lai qua lại hai bên bờ sông. .

Đi một vòng ngoại ô thăm viếng các ngôi chùa Hội Khánh, chùa Bà Mè, chùa Long Thọ, chùa Tây Tạng, chùa Đức Sơn v.v…Mỗi chùa một vẻ, nhưng tất cả đều có chung một đặc tính là im lìm, vắng vẻ và dường như chỉ thích mãi mãi được nằm bất động trong các khu rừng nhỏ cô tịch, mặc cho dòng đời trôi chảy. Đặc biệt, Chùa Bà Bình Dương là nơi tụ họp rất đông đồng bào người Việt gốc Hoa trên toàn quốc, và cả người bản xứ nữa, rộn rịp tưng bừng về tham dự cúng Lễ Vía Bà vào đúng ngày rằm tháng giêng mỗi đầu năm âm lịch, tạo nên một quang cảnh đầy màu sắc và vô cùng náo nhiệt, vui tươi. Có Chùa Bà tất phải có Chùa Ông. Chùa nầy được xây dựng ngay ở khu thị tứ. Đặc điểm của chùa Ông là có hình tượng một con ngựa quí, ai muốn được may mắn hay khỏi bệnh thì nên chui qua bụng ngựa.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng có một Giáo Đường Thiên Chúa cực kỳ lộng lẫy trang nghiêm, nằm sừng sửng một mình trên dốc Nhà Thương cao ngất giữa phố phường.

Ngược về hướng Bắc, qua Chánh Thiện, bạn sẽ thấy một dòng suối chạy dọc theo quốc lộ, có tên là Suối Giữa, với nước suối trong vắt và mát lạnh quanh năm. Tuy nhiên, suối có khá nhiều đỉa. Suối nầy cũng cung cấp rất nhiều cát để xây dựng. Tại đây có một ngã ba, nếu quẹo trái có thể đi về Mỹ Hão hay Bến Thế. Mỹ Hão thì sản xuất nhiều lúa gạo, còn Bến Thế thì nổi tiếng với ngôi đình làng rất lớn, vừa cổ kính vừa linh thiêng. Sân đình rất rộng, có thể dùng như một sân khấu trình diễn, nếu cần. Bến Thế còn có rất nhiều các phân xưởng gia công đồ sơn mài, một nghề gia truyền của xã nầy. Bến Thế còn là nơi trồng nhiều tre và tầm vông rất tốt.

Đối diện với ấp Tương Bình Hiệp thuộc xã Bến Thế, bên kia quốc lộ 13, là một đại danh nghe hơi ớn lạnh, vì liên tưởng đến câu thơ: “Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam giang). Đó là Truông Bồn Bông, một khu đất canh tác rộng mênh mông, toàn là rừng thưa với đồi trọc. Nhưng nhờ có Đập Ông Trai điều hòa nguồn nước mưa mà nuôi sống được dân cư nhiều vùng lân cận: Định Hòa, Phú Hòa, Phú Chánh, Phú Trung, Phú Mỹ v.v…

Ở cuối xã Định Hòa là Ngã Tư Sở Sao, như một “thị trấn giữa đàng”, tuy nhỏ nhưng buôn bán rất là tấp nập, vì nằm trên giao lộ, một hướng đi Bình Long, còn hướng kia thì đi Phước Long.

Chưa hết, và quan trọng nhất về mặt kinh tế, là Bình Dương có vô số những khu rừng cây cao su bạt ngàn, trải dài từ Dầu Tiếng xuống Bến Súc, qua An Điền, Rạch Bắp, rồi ra cả đến quận lị Bến Cát. Một số khu rừng cao su hàng hàng lớp lớp khác thì xuất phát từ Lại Khê lên đến Chơn Thành, chạy dài lên tận đến Bình Long, Lộc Ninh, Hớn Quản, rồi chạy tuốt qua biên giới Việt Miên. Trên liên tỉnh lộ đi Phước Long từ Ngã Tư Sở Sao, cao su được trồng dài dài theo hai bên đường. Từ Chánh Lưu lên Bố Lá, rồi từ Phú Giáo lên đến Đồng Xoài, Phước Bình, Phước Long, đâu đâu cũng thấy toàn là rừng cao su.

Về nông sản, Bình Dương có những cánh đồng lúa bạt ngàn vô tận, chạy dọc theo Sông Thị Tính, Dầu Tiếng, rồi xuống Bến Cát, qua Thới Hòa, Cầu Định, Phú Thứ, chạy về Bến Thế, Mỹ Hảo, rồi Chánh Thiện, Chánh Hiệp, là nguồn lương thực dồi dào quanh năm của dân Bình Dương mình.

Nhưng đứng trên tất cả những yếu tố vật chất nói trên, chính là yếu tố con người. Người Bình Dương với bản chất chân thật hiền hòa, an thân an phận, không thích danh lợi, xa hoa như người thành phố. Tôi yêu mến đất nước và con người Bình Dương cũng vì những đặc tính ấy.

                                Đất Bình Dương cây lành trái ngọt
                                Người Bình Dương chân thật hiền hòa.

Trên đây chỉ là những tản mạn ghi vội của tôi về Bình Dương quê mình, và những kỷ niệm khó quên với các thầy cô và các bạn học cùng lớp ngày xưa ở trường Trịnh hoài Đức thân yêu. Chuyện kể trong bài đã xảy ra gần bốn mươi năm rồi, vài sự kiện và một số địa danh có thể đã mất thời gian tính.

Trong sự hiểu biết vô cùng hạn hẹp, và với một ký ức khá lu mờ vì tuổi tác, một số chi tiết chắc chắn đã không được trình bày một cách chính xác, kính xin quí đồng hương vui lòng tha thứ cho những sơ sót vô tình của tôi. Xin đa tạ.

Nguyễn văn Diệp


Trở lại Trang Nhà
 
 
 
 
 


 
 

.